Home / Phát triển doanh nghiệp / Tài Liệu / Tình hình kinh tế – xã hội Việt Nam 2017 (Phần 2)

Tình hình kinh tế – xã hội Việt Nam 2017 (Phần 2)

IIỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ, KIỂM SOÁT LẠM PHÁT

1. Hoạt động ngân hàng, bảo hiểm

Tính đến thời điểm 20/12/2017, tổng phương tiện thanh toán tăng 14,19% so với cuối năm 2016 (cùng kỳ năm trước tăng 16,47%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 14,5% (cùng kỳ năm 2016 tăng 16,88%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 16,96%. Mặc dù có sự chênh lệch giữa tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng huy động vốn nhưng thanh khoản của hệ thống ngân hàng vẫn ở mức ổn định.

Lãi suất huy động trong năm tương đối ổn định. Lãi suất huy động bằng đồng Việt Nam phổ biến ở mức 0,8%-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,3%-5,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,3%-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,5%-7,3%/năm. Mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến của các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6%-6,5%/năm đối với ngắn hạn, 9%-10%/năm đối với trung và dài hạn. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8%-9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3%-11%/năm đối với trung và dài hạn. Nhìn chung, cơ cấu tín dụng tiếp tục theo hướng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh được ưu tiên, các dự án lớn trọng tâm, trọng điểm theo chủ trương của Chính phủ nhằm hỗ trợ có hiệu quả cho tăng trưởng kinh tế.

Thị trường bảo hiểm năm 2017 duy trì tăng trưởng tích cực. Doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước tính đạt 105,6 nghìn tỷ đồng, tăng 21,2% so với năm trước, trong đó doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ đạt 65 nghìn tỷ đồng, tăng 28,9%; doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ đạt 40,6 nghìn tỷ đồng, tăng 10,6%. Năng lực kinh doanh của các doanh nghiệp bảo hiểm tiếp tục được nâng cao, đóng góp vào nền kinh tế ngày càng tốt hơn. Tổng tài sản của các doanh nghiệp bảo hiểm ước tính đạt 302,9 nghìn tỷ đồng, tăng 23,4% so với năm 2016. Tổng số tiền các doanh nghiệp bảo hiểm chi trả quyền lợi bảo hiểm năm 2017 đạt 29,4 nghìn tỷ đồng, tăng 14,9% so với năm 2016.

2. Đầu tư

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện năm 2017 theo giá hiện hành ước tính đạt 1.667,4 nghìn tỷ đồng, tăng 12,1% so với năm 2016 và bằng 33,3% GDP, bao gồm: Vốn khu vực Nhà nước đạt 594,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 35,7% tổng vốn và tăng 6,7% so với năm trước; khu vực ngoài Nhà nước đạt 676,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 40,5% và tăng 16,8%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 396,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 23,8% và tăng 12,8%.

Tổng vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước thực hiện năm 2017 ước tính đạt 290,5 nghìn tỷ đồng, bằng 94,4% kế hoạch năm và tăng 7,2% so với năm 2016, gồm có: Vốn trung ương quản lý đạt 64,4 nghìn tỷ đồng, bằng 91,1% kế hoạch năm và tăng 3,9% so với năm trước; Vốn địa phương quản lý đạt 226,1 nghìn tỷ đồng, bằng 95,4% kế hoạch năm và tăng 8,2% so với năm 2016.

Đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến thời điểm 20/12/2017 thu hút 2.591 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 21,3 tỷ USD, tăng 3,5% về số dự án và tăng 42,3% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016. Bên cạnh đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện năm 2017 ước tính đạt 17,5 tỷ USD, tăng 10,8% so với năm 2016. Trong năm 2017 còn có 5.002 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 6,2 tỷ USD, tăng 45,1% so với năm 2016.

3. Thu, chi ngân sách Nhà nước

Tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/12/2017 ước tính đạt 1.104 nghìn tỷ đồng, bằng 91,1% dự toán năm, trong đó thu nội địa đạt 871,1 nghìn tỷ đồng, bằng 88%; thu từ dầu thô đạt 43,5 nghìn tỷ đồng, bằng 113,7%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 183,8 nghìn tỷ đồng, bằng 102,1%.

Tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/12/2017 ước tính đạt 1.219,5 nghìn tỷ đồng, bằng 87,7% dự toán năm, trong đó chi thường xuyên đạt 862,6 nghìn tỷ đồng, bằng 96,2%; chi trả nợ lãi 91nghìn tỷ đồng, bằng 92%; riêng chi đầu tư phát triển đạt 259,5 nghìn tỷ đồng, bằng 72,6% dự toán năm(trong đó chi đầu tư xây dựng cơ bản đạt 254,5 nghìn tỷ đồng, bằng 72,3%). Chi trả nợ gốc từ đầu năm đến thời điểm 15/12/2017 ước tính đạt 147,6 nghìn tỷ đồng, bằng 90,1% dự toán năm.

4. Xuất, nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ

a. Xuất khẩu hàng hóa

Tính chung cả năm 2017, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 213,77 tỷ USD, tăng 21,1% so với năm trước, đây là mức tăng cao nhất trong nhiều năm qua, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 58,53 tỷ USD, tăng 16,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 155,24 tỷ USD, tăng 23%. Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực tăng khá so với năm trước: Điện thoại và linh kiện đạt 45,1 tỷ USD, tăng 31,4%; dệt may đạt 25,9 tỷ USD, tăng 8,8%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 25,9 tỷ USD, tăng 36,5%; giày dép 14,6 tỷ USD, tăng 12,6%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 12,8 tỷ USD, tăng 26,4%; thủy sản đạt 8,4 tỷ USD, tăng 18,5%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 7,6 tỷ USD, tăng 9,2%. Xuất khẩu một số mặt hàng giảm so với năm trước: Cà phê đạt 3,2 tỷ USD, giảm 3,7% (lượng giảm 20,1%); hạt tiêu đạt 1,1 tỷ USD, giảm 21,7% (lượng tăng 20,9%) do giá xuất khẩu bình quân mặt hàng này giảm tới 21,1%.

Về cơ cấu kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm naynhóm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản đạt 106 tỷ USD, tăng 32,4% so với năm trước và chiếm 49,6% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu (tăng 4,2 điểm phần trăm so với năm 2016); nhóm hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp đạt 79,6 tỷ USD, tăng 11,7% và chiếm 37,2% (giảm 3,1 điểm phần trăm); nhóm hàng nông, lâm sản đạt 19,8 tỷ USD, tăng 9% và chiếm 9,3% (giảm 1 điểm phần trăm); hàng thủy sản ước tính đạt 8,4 tỷ USD, tăng 18,5% và chiếm 3,9% (giảm 0,1 điểm phần trăm).

Về thị trường hàng hóa xuất khẩu năm 2017, Hoa Kỳ vẫn là thị trường dẫn đầu với 41,5 tỷ USD, tăng 8% so với năm 2016. Tiếp đến là EU đạt 38,3 tỷ USD, tăng 12,8%; Trung Quốc đạt 35,3 tỷ USD, tăng 60,6%; thị trường ASEAN đạt 21,7 tỷ USD, tăng 24,5%; Nhật Bản đạt 16,8 tỷ USD, tăng 14,2%; Hàn Quốc đạt 15 tỷ USD, tăng 31,1%.

b. Nhập khẩu hàng hóa

Tính chung năm 2017, kim ngạch hàng hoá nhập khẩu ước tính đạt 211,1 tỷ USD, tăng 20,8% so với năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 84,7 tỷ USD, tăng 17%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 126,4 tỷ USD, tăng 23,4%. Kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng phục vụ nhu cầu sản xuất trong nước tăng so với năm trước: Điện tử, máy tính và linh kiện đạt 37,5 tỷ USD, tăng 34,4%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 33,6 tỷ USD, tăng 17,9%; điện thoại và linh kiện đạt 16,2 tỷ USD, tăng 53,2%; vải đạt 11,4 tỷ USD, tăng 9,2%; sắt thép đạt 9,1 tỷ USD, tăng 13% (lượng giảm 17,7%); chất dẻo đạt 7,4 tỷ USD, tăng 17,5% (lượng tăng 8,7%); xăng dầu đạt 7 tỷ USD, tăng 37,7% (lượng tăng 9,2%); nguyên phụ liệu dệt may, giày dép đạt 5,5 tỷ USD, tăng 8%; kim loại thường đạt 5,4 tỷ USD, tăng 13,1% (lượng giảm 19,3%); sản phẩm chất dẻo đạt 5,4 tỷ USD, tăng 22,7%; sản phẩm hóa chất đạt 4,6 tỷ USD, tăng 19,6%; hóa chất đạt 4,1 tỷ USD, tăng 27,5%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 2,2 tỷ USD, tăng 16,5%. Một số mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu giảm so với năm 2016: Ô tô đạt 5,3 tỷ USD, giảm 10,5% (ô tô nguyên chiếc đạt 2,2 tỷ USD, giảm 9,6%); thức ăn gia súc và nguyên phụ liệu đạt 3,2 tỷ USD, giảm 6,3%; phương tiện vận tải khác và phụ tùng đạt 830 triệu USD, giảm 40,3%.

Về cơ cấu hàng hóa nhập khẩu năm 2017, nhóm hàng tư liệu sản xuất đạt 192,9 tỷ USD, tăng 21,1% so với năm 2016 và chiếm 91,4% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu (tăng 0,2 điểm phần trăm so với năm 2016), trong đó nhóm máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 91,2 tỷ USD, tăng 24,9% và chiếm 43,2% (tăng 1,4 điểm phần trăm); nhóm hàng nguyên nhiên vật liệu đạt 101,7 tỷ USD, tăng 17,8% và chiếm 48,2% (giảm 1,2 điểm phần trăm). Nhóm hàng tiêu dùng đạt 18,2 tỷ USD, tăng 17,4% và chiếm 8,6% (giảm 0,2 điểm phần trăm).

Về thị trường hàng hóa nhập khẩu năm 2017, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của nước ta với kim ngạch đạt 58,5 tỷ USD, tăng 16,9% so với năm 2016; tiếp đến là Hàn Quốc đạt 46,8 tỷ USD, tăng 45,5%; ASEAN đạt 28 tỷ USD, tăng 16,4%; Nhật Bản đạt 16,5 tỷ USD, tăng 9,7%; EU đạt 12 tỷ USD, tăng 7,7%; Hoa Kỳ đạt 9,1 tỷ USD, tăng 4,9%.

=> Tính chung cả năm 2017 xuất siêu 2,7 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 26,1 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu 28,8 tỷ USD. Năm 2017, Hàn Quốc trở thành thị trường nhập siêu lớn nhất của nước ta với 31,8 tỷ USD, tăng 53,4% so với năm 2016 chủ yếu do trong năm Tập đoàn SamSung mở rộng đầu tư sản xuất tại Việt Nam nên nhu cầu nhập khẩu máy móc thiết bị và linh kiện phục vụ gia công lắp ráp tăng cao; Trung Quốc ở vị trí thứ hai với mức nhập siêu 23,2 tỷ USD, giảm 17,4%; nhập siêu từ ASEAN là 6,3 tỷ USD, giảm 6%. Hai thị trường vẫn giữ được mức xuất siêu là Hoa Kỳ với 32,4 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2016; EU là 26,3 tỷ USD, tăng 15%. Năm 2017 cũng ghi nhận một kỷ lục mới của xuất nhập khẩu Việt Nam khi tổng mức lưu chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu vượt mốc 400 tỷ USD.

c. Xuất, nhập khẩu dịch vụ

Kim ngạch xuất khẩu dịch vụ năm 2017 ước tính đạt 13,1 tỷ USD, tăng 7% so với năm 2016, trong đó xuất khẩu dịch vụ du lịch đạt 8,9 tỷ USD, chiếm 67,6% tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng 7,4%; dịch vụ vận tải 2,6 tỷ USD, chiếm 19,7% và tăng 5,7%.

Kim ngạch nhập khẩu dịch vụ năm 2017 ước tính đạt 17 tỷ USD, tăng 1,6% so với năm trước, trong đó nhập khẩu dịch vụ vận tải đạt 8,2 tỷ USD, chiếm 47,9% tổng kim ngạch nhập khẩu và giảm 2,8%; dịch vụ du lịch đạt 5,1 tỷ USD, chiếm 29,8% và tăng 12,7%. Nhập siêu dịch vụ năm 2017 là 3,9 tỷ USD, bằng 29,9% kim ngạch xuất khẩu dịch vụ.

Nguồn: Tổng cục thống kê

Tổng hợp: Kế Hoạch Việt

Xem thêm phần 3 tại:

Tình hình kinh tế – xã hội Việt Nam 2017 (Phần 3)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *