Diễn giả hàng đầu châu Á Michael A. Podolinsky, cố vấn đặc biệt cho Ban giám đốc Hiệp hội các diễn giả châu Á đặt câu hỏi: “Các bạn có muốn trở thành những người quản lý giỏi không?”. Gần 300 nhà quản lý ở các công ty trong và ngoài nước hô to “Có”. Buổi diễn thuyết của Podolinsky vừa diễn ra tại TP.HCM với chủ đề “Vươn đến đỉnh cao” do Navigos Group – nhà cung cấp các giải pháp tuyển dụng và nhân sự tổ chức đã bắt đầu bằng không khí hào hứng như thế. Podolinsky là bậc thầy trong lĩnh vực phát triển khả năng lãnh đạo với hơn 27 năm kinh nghiệm, trong đó có hơn 20 năm kinh nghiệm làm việc tại châu Á, diễn thuyết tại gần 30 quốc gia và giúp cho rất nhiều người nâng cao năng suất làm việc, trở thành những nhân viên ưu tú, những nhà quản lý thành công. Ông đã đúc kết 10 bí quyết để trở thành nhà quản lý giỏi.
1. Sự quyết định của chính bản thân bạn là quan trọng nhất. Hãy chủ động với quyết định và không được trông chờ vào quyết định của người khác. Một người sếp giỏi không thể là một người thiếu quyết đoán và lúc nào cũng mong chờ người khác quyết định thay mình.
2. Hãy nhìn người sếp của mình và làm giỏi hơn họ. Phải làm mọi thứ khác biệt hơn, giỏi hơn, hay hơn, độc đáo hơn tất cả những người khác. Vì nếu không, bạn chỉ là người giẫm lên bàn chân của kẻ khác.
3. Hãy để tất cả các “bộ óc” trong nhóm làm việc của bạn cùng hoạt động và đưa ra các sáng kiến thay vì bạn là người đưa ra mệnh lệnh và họ thi hành theo. Thật là nguy hiểm khi nhân viên của bạn làm việc như một cái máy. Hậu quả là khi có tình huống nguy kịch xảy ra, họ sẽ không tự giải quyết được công việc vì họ đã bị bạn tước mất khả năng phán đoán và suy nghĩ. Là một quản lý giỏi, bạn phải là người mang đến công việc và trao quyền cho nhân viên. Bạn phải khiến họ suy nghĩ và đưa ra các phương án khả thi.
4. Phải là một nhà chuyên môn giỏi. Theo ông Podolinsky, nếu bạn dành 1 giờ mỗi ngày cho một chuyên môn thì chỉ trong vòng 5 năm, bạn sẽ trở thành một chuyên gia lãnh đạo có chuyên môn giỏi nhất. Nhiều cơ hội sẽ mở ra cho một người lãnh đạo nếu họ có chuyên môn giỏi. Sự tự tin và học hỏi hằng ngày sẽ đưa bạn đến đỉnh cao thay vì ngồi mơ màng bên cửa sổ.
5. Hãy nhớ thành ngữ “bánh ít cho đi bánh quy cho lại”. Bạn có bao giờ giúp một nhân viên, ở phòng ban nào trong công ty thoát khỏi một tình huống khó khăn hay chưa? Nếu không biết giúp đỡ người khác, sẽ có ngày bạn không thể trông cậy và nhờ vả được ai.
6. Nếu muốn có 1 giải pháp hoàn hảo, hãy chuẩn bị ít nhất là 3 phương án. Khi nhân viên bạn đưa ra một phương án, hãy nói với họ rằng “Cái này theo tôi thật là hay và sáng tạo. Tuy nhiên, tôi nghĩ còn có thể có thêm các phương án khác nữa”. Trong trường hợp có một phương án bị “phá sản” do tình huống khách quan hoặc chủ quan, các phương án còn lại sẽ giúp công ty bạn không kẹt vào thế bị động.
7. Phải biết phản biện. Bạn hãy đóng vai trò “người biện hộ cho ma quỷ”, phản biện lại với các nhân viên của mình. Chính những lúc phản biện này sẽ kích thích sự sáng tạo cũng như đề phòng các tình huống bất trắc cho nhóm của bạn.
8. Hãy cùng nhau đồng ý với các deadline (thời hạn). Bạn và nhân viên của bạn phải cùng nhau đồng ý trên các deadline công việc. Hãy để nhân viên của bạn thành thật báo cáo họ cảm thấy sẽ không làm kịp, thay vì ép họ nhận các deadline. Bạn thà nghe sự thật để còn giải quyết chúng còn hơn là đến deadline mà trong tay bạn không có gì cả.
9. Lập một hệ thống theo dõi công việc trong mạng nội bộ. Hãy để nhân viên của bạn tham gia vào quá trình hoàn tất công việc của mình. Đừng chăm chăm theo dõi nhân viên “Anh đang làm đến đâu rồi?, Anh sắp xong chưa?”… Nó khiến nhân viên cảm thấy bản thân họ như trẻ con.
10. Hãy khen thưởng nhân viên khi họ hoàn thành tốt công việc. Lời cảm ơn là quan trọng nhưng phần thưởng mới là giá trị thực sự. Một buổi cơm trưa, một quà tặng nho nhỏ cho đến quà tặng có giá trị lớn đều mang một ý nghĩa nhất định. Hãy biết cách trao quà tặng thay vì ép nhân viên làm tốt sau đó thì lẳng lặng lờ đi. Điều này hệt như cách bạn trai không nhận ra một mái tóc đẹp của bạn gái sau bốn tiếng ngồi trong tiệm làm đầu.