Dự Án xây dựng phương án tự chủ của Nhà điều dưỡng cán bộ theo hình thức xã hội hóa.
I. Sự cần thiết thực hiện dự án.
Trong thời gian vừa qua, Đảng đã ban hành nhiều văn bản (Nghị quyết, Kết luận, Thông báo) để lãnh đạo việc đổi mới hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập nhằm nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công theo hướng tăng cường phân cấp và tăng tính tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập.
Nhà nước đã thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng bằng nhiều văn bản quy phạm pháp luật để tạo hành lang pháp lý cho việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công lập nói chung và đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực quản lý nói riêng, như: Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập, Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị định số 141/2016/NĐ-CP ngày 10/10/2016 quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác.
Theo đó, các đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đã chủ động sử dụng nguồn tài chính nhà nước giao để thực hiện nhiệm vụ có hiệu quả; chủ động sử dụng tài sản, nguồn nhân lực để phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động cung cấp dịch vụ công; mở rộng hoạt động, phát triển nguồn thu sự nghiệp; tiết kiệm chi, tăng thu nhập cho viên chức, người lao động; đồng thời chủ động xác định nhiệm vụ, xây dựng kế hoạch tổ chức và hoạt động; ký hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đối với các đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo kinh phí hoạt động còn được chủ động quyết định số lượng biên chế để thực hiện nhiệm vụ.
Tuy nhiên các đơn vị sự nghiệp công lập chưa chủ động khai thác nguồn thu thực hiện chế độ tự chủ, chủ yếu trông chờ vào ngân sách nhà nước. Một số đơn vị thực hiện không hết chức năng, nhiệm vụ được giao do nhu cầu dịch vụ công bị thu hẹp hoặc không còn cần thiết dẫn đến lãng phí biên chế, tài chính nhà nước.
Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, nhu cầu hưởng thụ dịch vụ công của xã hội và người dân ngày càng cao và đa dạng, nhất là nhu cầu về dịch vụ giáo dục, đào tạo, y tế, văn hoá và thể dục thể thao… (dịch vụ sự nghiệp công); nhiều người dân có khả năng chi trả cao để được hưởng thụ dịch vụ công chất lượng cao theo nhu cầu (nhiều người có thu nhập cao đã đi khám, chữa bệnh, du lịch ở nước ngoài, …). Vì vậy, để đáp ứng nhu cầu đó Nhà nước cần nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của các đơn vị sự nghiệp công lập để nguồn tài chính trong nước không bị chuyển ra ngước ngoài, đồng thời cần phải tạo sự cạnh tranh bình đẳng giữa đơn vị sự nghiệp công lập và ngoài công lập.
Hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập được tổ chức chưa khoa học, còn cồng kềnh, chưa tinh gọn và hợp lý phù hợp so với thực tiễn phát triển của đất nước hiện nay, dẫn đến hoạt động của một số đơn vị sự nghiệp công lập hiệu quả thấp, thậm chí không hiệu quả và gây thua lỗ. Số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập ngày càng tăng, nhất là trong lĩnh vực giáo dục, y tế nhưng chất lượng hoạt động còn nhiều hạn chế.
Hiện nay, ngân sách nhà nước chi cho sự nghiệp công chiếm khoảng 30% tổng ngân sách nhà nước; số lượng viên chức hưởng lương ngân sách nhà nước gấp 8 lần số lượng cán bộ, công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước từ Trung ương đến cấp huyện. Do đó để thực hiện cải cách chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức cần phải đổi mới hoạt động đơn vị sự nghiệp công lập gắn với tái cơ cấu ngân sách nhà nước và chế độ tiền lương.
Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu thực tiễn khách quan hiện nay đối với dịch vụ sự nghiệp công, đòi hỏi phải tiếp tục tăng cường và nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập và giảm chi tài chính nhà nước đối với hoạt động dịch vụ công, thì việc tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính và tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập là hết sức cần thiết.
Nhà Điều dưỡng cán bộ đã được Tỉnh quan tâm đầu tư xây mới với quy mô hiện đại và được bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ, tuy nhiên để có thể đưa vào vận hành, sử dụng một cách kịp thời, hiệu quả, ngoài cơ sở vật chất, trang thiết bị, cần phải có đầy đủ các điều kiện khác như đội ngũ nhân lực, các cơ chế hoạt động … do đó cần thiết phải xây dựng Đề án Hoàn thiện và phát triển hoạt động của Nhà Điều dưỡng cán bộ, làm cơ sở khoa học cho việc xây dựng đội ngũ nhân lực phục vụ, cùng các quy định, cơ chế, phương án hoạt động rõ ràng, cụ thể, nhằm mang lại hiệu quả cao trong quá trình khai thác dự án.
II. Mục tiêu của đề án
- Mục tiêu chung.
– Đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính của Nhà điều dưỡng cán bộ tỉnh Quảng Ninh nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, thay đổi tư duy hoạt động mang tính chuyên nghiệp, nâng cao trim độ chuyên môn các bộ phận phục vụ để có hiệu quả hoạt động, tạo sự cạnh tranh bình đẳng giữa các đơn vị sự nghiệp công lập với ngoài công lập để toàn xã hội, đặc biệt là các đối tượng thụ hưởng chất lượng dịch vụ ở mức độ ngày càng cao.
– Tổ chức lại hệ thống theo hướng tinh gọn bộ máy, giảm biên chế, giảm chi ngân sách nhà nước, góp phần cải cách chính sách tiền lương, hướng đến tự chủ hoàn toàn về kinh phí hoạt động.
- Mục tiêu cụ thể:
– Trên cơ sở Đề án Hoàn thiện và phát triển hoạt động của Nhà Điều dưỡng cán bộ, xây dựng vị trí việc làm, xây dựng bộ máy, tổ chức và biên chế, đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, người lao động Nhà Điều dưỡng cán bộ có đủ tiêu chuẩn về phẩm chất đạo đức, có ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm, chủ động, sáng tạo trong công việc; có năng lực, trình độ, có kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ, khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh, tiếng Trung, có tác phong, lề lối làm việc chuyên nghiệp, khoa học, chất lượng, hiệu quả, không ngừng phấn đấu rèn luyện, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
– Rà soát, xây dựng các quy định, cơ chế hoạt động trình Tỉnh ủy phê duyệt, làm căn cứ, cơ sở, đảm bảo cho Nhà Điều dưỡng khi xây dựng xong có đủ điều kiện để đưa vào vận hành, sử dụng kịp thời, hiệu quả.
– Sau khi Đề án Hoàn thiện và phát triển hoạt động của Nhà Điều dưỡng cán bộ được phê duyệt, Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh sẽ thực hiện nghiêm túc việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức, bộ máy Nhà Điều dưỡng cán bộ; tuyển dụng, tiếp nhận, quy hoạch, đào tạo, bố trí sử dụng, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại Nhà Điều dưỡng cán bộ theo đúng tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm đã xây dựng. Triển khai hoạt động của Nhà Điều dưỡng cán bộ theo đúng quy định, cơ chế đã được phê duyệt.
TRÊN ĐÂY LÀ NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA DỰ ÁN. QUÝ KHÁCH CÓ NHU CẦU CẦN TƯ VẤN CHI TIẾT. XIN VUI LÒNG GỌI VÀO SỐ 0908.551.477 ĐỂ ĐƯỢC LẬP DỰ ÁN Á CHÂU TƯ VẤN CỤ THỂ.