Quy hoạch vùng thanh long 2025: “cần sát thực tế”
BTO – UBND tỉnh vừa tổ chức việc họp thông qua Quy hoạch vùng trồng thanh long tỉnh Bình Thuận đến năm 2020, định hướng đến năm 2025.
Quy hoạch theo nhiều phương án
Quá trình hình thành và phát triển cây thanh long như một giấc mơ của nông dân trong quá trình hiện đại hóa nông nghiệp. Sau 10 năm, hiện nay, thanh long đã thực sự trở thành cây lợi thế, cây làm giàu của nhiều hộ nông dân trên vùng đất khô hạn của Bình Thuận. Theo Đề án quy hoạch vùng, tính đến tháng cuối năm 2014 diện tích trồng thanh long toàn tỉnh đạt 24.064 ha, tăng gấp 4,15 lần so với năm 2005. Thanh long của Bình Thuận ngày càng được khách hàng trong và ngoài nước biết đến và ưa chuộng. Thị trường xuất khẩu thanh long của tỉnh đang được tiếp tục mở rộng, tập trung chủ yếu vào các nước Châu Á, trong đó nhiều nhất là Trung Quốc, Hồng Kông chiếm khoảng 60%, còn lại là Singapore, Malaysia, Đức, Hà Lan… và mới đây là thị trường Hoa Kỳ. Chất lượng thanh long của Bình Thuận trong những năm gần đây đã được quan tâm cải thiện, đến nay trên địa bàn tỉnh diện tích thanh long đã được chứng nhận VietGAP đạt 7.975 ha. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất thanh long của tỉnh cũng còn nhiều tồn tại, hạn chế và phải đối mặt những khó khăn, thách thức, đó là: Công tác quản lý quy hoạch thanh long còn nhiều bất cập; bệnh đốm nâu trên thanh long diễn ra hết sức phức tạp đã ảnh hưởng lớn đến năng suất, chất lượng trái thanh long cũng như thu nhập của bà con nông dân; xuất khẩu thanh long của tỉnh chủ yếu theo hình thức biên mậu; sản phẩm thanh long ngày càng cạnh tranh gay gắt trên thị trường trong nước cũng như ngoài nước…
Vì vậy, Quy hoạch vùng trồng thanh long tỉnh Bình Thuận đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025 rất cần thiết cho sự phát triển thanh long bền vững của tỉnh. Quy hoạch này góp phần phát triển ngành hàng thanh long theo hướng tập trung, an toàn và bền vững, đạt năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao; đáp ứng tốt nhất các yêu cầu về chất lượng hàng hóa xuất khẩu và tiêu dùng trong nước; tạo việc làm và tăng thu nhập cho các hộ trồng thanh long; tăng giá trị xuất khẩu và thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp và cơ cấu kinh tế của tỉnh Bình Thuận. Trên tinh thần với 3 phương án được lựa chọn bàn thảo, cuối cùng phương án 3 vẫn được xem là phương án an toàn nhất để thực hiện. Theo đó, tại cuộc họp đa số ý kiến đều thống nhất lựa chọn phát triển thanh long của Bình Thuận đến năm 2020 là 28.000 ha, năng suất 28 tấn/ha, sản lượng đạt 750 ngàn tấn; định hướng đến năm 2025 sẽ mở rộng lên 30.000 ha, năng suất 30 tấn/ha, sản lượng đạt trên 843 ngàn tấn.
Cần sát thực tế
Ông Lê Tiến Phương – Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị nhận xét: Theo số liệu thống kế trong đề án thì chưa sát với thực tế. Trong 10 năm tới theo quy hoạch sẽ tăng 4.000 ha. Chỉ e ngại rằng đến khi đó, nó sẽ phá vỡ quy hoạch. Tuy nhiên, đề án của đơn vị tư vấn là Phân Viện Quy hoạch và Thiết kế miền Nam cơ bản đã bám sát với nội dung yêu cầu của tỉnh đặt ra, có tiếp thu ý kiến từ phía các sở ngành chức năng cũng như hội đồng thẩm định. Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị: để đề án quy hoạch hoàn thiện hơn nữa thì đơn vị tư vấn cần bám sát lại quy hoạch phát triển của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; tiếp tục tham khảo, bổ sung thêm vào đề án số liệu mới nhất về tình hình phát triển thanh long đến thời điểm hiện nay; phân tích, đánh giá thêm tiềm năng, yếu tố tác động và định hướng phát triển; đánh giá và so sánh hiệu quả kinh tế của thanh long đối với các loại cây trồng khác để thấy được vai trò nổi bật. Đồng thời, phải nhìn nhận rõ những hạn chế của việc phát triển thanh long hiện nay để tìm hướng khắc phục, giữ vững được thế mạnh của thanh long trên địa bàn tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu, Quy hoạch vùng trồng thanh long tỉnh Bình Thuận đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 phải tập trung nâng cao chất lượng – năng suất – giá trị – sức cạnh tranh đối với diện tích thanh long hiện có; kiểm soát chặt chẽ việc phát triển trồng mới gắn với ứng dụng khoa học công nghệ để làm tăng năng suất, nâng cao giá trị; xây dựng các giải pháp chuỗi giá trị gắn với xúc tiến thương mại; chú trọng mở rộng thị trường cả trong và ngoài nước; tăng cường công tác quản lý của Nhà nước; bảo đảm vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm…
Quan trọng chính là việc quy hoạch sẽ mang lại một sức sống mới hơn cho cây thanh long, cho đời sống nông dân đã trực tiếp làm ra sản phẩm lợi thế.
Quang Nhân – Báo bình thuận