Họ không hẳn là những người giàu nhất thế giới, nhưng lại là những người làm tốn nhiều giấy mực của báo giới nhất trong năm vừa qua, do những động thái mạnh mẽ của họ và các doanh nghiệp của mình.
1. John Chen – Nghệ sĩ vượt khủng hoảng
John Chen bên chiếc điện thoại điểm nhấn của BlackBerry năm 2014 Passport |
John Chen từng được kính nể bởi khả năng “hồi sức cấp cứu” cho một doanh nghiệp đang ngấp nghé bên bờ phá sản là Sybase, gần đây tiếp tục khiến người ta phải dõi theo khi nhận lời về tiếp quản ông vua một thời trong lĩnh vực điện thoại di động Black Berry. Nhiều ý kiến nghi ngại đã được đặt ra, bởi thời thế đã thay đổi rất nhiều kể từ những năm tháng hoàng kim của Blackberry.
Tuy nhiên với sự thận trọng và những bước đi sáng suốt, John Chen đang dần khiến các tín đồ công nghệ phải nhắc lại cái tên Blackberry, đồng thời làm nức lòng những fan trung thành của Dâu đen với những sản phẩm đỉnh cao liên tiếp được tung ra thị trường.
Sau màn ra mắt của Q10 và Z10 năm ngoái, năm nay John Chen tiếp tục giới thiệu hai mẫu điện thoại – một là chiếc Passport vô cùng cá tính với thiết kế vuông lên kệ vào tháng 10/2014, hai là chiếc Classic gợi cảm giác hoài cổ, nhắm vào những người dùng yêu thích các nét đặc trưng của BB, vừa được giới thiệu vào trung tuần tháng 12.
Khi người dùng vẫn còn đang khám phá các tính năng của hai chiếc điện thoại này thì giới công nghệ đã đồn đoán về mẫu điện thoại sẽ ra đời năm 2015 mang tên Rio, bên cạnh đó còn rò rỉ thông tin về một siêu phẩm mang tên Gladiator – Võ sĩ giác đấu.
Sản phẩm này được John Chen kỳ vọng sẽ chiến thắng trong trận chiến tâm lý với người dùng để thuyết phục họ rằng họ sẽ không còn cần tới hai chiếc điện thoại. Năm 2015 hứa hẹn sẽ còn tiếp tục thấy cái tên John Chen trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng vì sức sống ông sẽ mang lại cho Dâu đen.
2. Jack Ma – Người Hoa nổi tiếng nhất năm 2014
Tranh minh họa Jack Ma và trang web thương mại điện tử đình đám Alibaba.com |
Năm 2013 Jack Ma vẫn còn là một cái tên ít người biết, nhưng tới năm 2014 thì gần như những người thờ ơ nhất cũng phải tìm hiểu về ông. Người ta giật mình khi thấy một tập đoàn thương mại điện tử Trung Quốc mang tên Alibaba tuyên bộ thực hiện IPO với những dự báo về giá trị không ngừng tăng lên chóng mặt, cuối cùng chốt lại tại mức giá kỷ lục 25 tỷ USD.
Với mức giá này, Alibaba chính thức trở thành công ty có giá trị IPO lớn nhất trên sàn chứng khoán Mỹ và thậm chí vượt qua cả số tiền 22.1 tỉ USD mà ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc huy động được năm 2010. Giới công nghệ và giới đầu tư rúng động trước người khổng lồ mới ra mắt.
Người ra ráo riết lục lại thông tin về cuộc đời sự nghiệp của người đàn ông Trung Hoa bé nhỏ mang tên Jack Ma, về quá trình lớn mạnh của Alibaba, và về cả những cái tên liên quan đã tham gia chắp cánh cho Alibaba như Yahoo, Softbank….
Sau sự kiện IPO, báo chí lại tiếp tục tốn giấy mực với số liệu thống kê về giá trị tài sản của Jack Ma. Tới thời điểm cuối năm 2014,với tổng giá trị tài sản ước tính lên tới 28,8 tỉ USD.
Mặc dù vẫn còn một số tranh cãi xung quanh kết quả này, nhưng với bản thân Jack Ma mà nói, việc phân định rạch ròi khối tài sản của ông đứng thứ nhất hay thứ hai châu Á không thực sự quan trọng, năm 2014 đã mang lại cho ông quá đủ sự nổi tiếng và của cải rồi.
3. Mark Zuckerberg – số tỉ USD trong giá trị tài sản nhiều hơn số tuổi
Cái tên Mark Zuckerberg đã quá quen thuộc với người dùng Internet từ nhiều năm trước thông qua sự thành công của mạng xã hội đình đám Facebook. Tuy nhiên trong năm 2014 người ta vẫn không ngừng nhắc tới chàng tỉ phú trẻ này bởi những bước đi đầy tham vọng của anh.
Facebook tiếp tục phủ màu xanh lên nhiều mảng của bản đồ thế giới. Chưa dừng lại ở đó, Mark còn rất nỗ lực trong việc mở đường cho Facebook tiến vào thị trường Trung Quốc, một thị trường khó tính từng hất cẳng cả người khổng lồ Google.
Tiếp đó, tới cuối năm 2014, chàng tỷ phú trẻ thêm một lần gây rúng động thị trường M&A với thương vụ mua lại ứng dụng nhắn tin Whatsapp với mức giá trên trời : 22 tỉ USD.
Bên cạnh việc tích cực mở mang bờ cõi cho đứa con tinh thần Facebook, trong năm 2014 Mark cũng có rất nhiều hoạt động hướng tới cộng đồng, mà đáng nói nhất là việc công bố ý tưởng về dự án Internet.org với mục tiêu đưa mạng Internet tới mọi ngóc ngách của thế giới.
Chưa rõ những kế hoạch lớn của Zuckerberg có thành công hay không, nhưng chắc chắn một điều là trong năm tới người ta sẽ còn phải nhắc tới chàng trai này dài dài.
4. Travis Kalanick – CEO lắm tài nhiều tật
CEO Uber Travis Kalanick – người dẫn đầu làn sóng các dịch vụ chia sẻ sắp nở rộ thời gian tới |
Trước khi ăn nên làm ra với ý tưởng phát triển dịch vụ Taxi Uber, Travis Kalanick từng hai lần khởi nghiệp không thành. Bản thân Uber cũng được ông sáng lập từ năm 2010, tuy nhiên phải tới năm 2014, dịch vụ này mới nở rộ và thu hút sự chú ý của đông đảo người dùng trên toàn thế giới, đồng thời cũng mang lại cho CEO Travis khối tài sản lên tới 3 tỉ USD, đứng thứ 190 trong danh sách 400 người giàu nhất thế giới theo bình chọn của tạp chí Forbes.
Song hành với tốc độ lớn mạnh như vũ bão của Uber là vô số rắc rối pháp lý ở những nơi mà cơn bão Uber quét qua. Các hãng taxi kiện Uber vì không cạnh tranh được với cước taxi quá rẻ của dịch vụ này, chính quyền các quốc gia thì lúng túng không biết phân loại dịch vụ này vào đâu, và quản lý như thế nào. Gần đây nhất, Travis lại tiếp tục đối mặt với nguy cơ phải ngồi tù 2 năm sau khi các công tố viên Hàn Quốc cáo buộc ông này với tội danh hoạt động taxi bất hợp pháp.
Tất cả những ồn ào đó vô hình chung khiến cho cái tên Uber càng trở nên nóng sốt trên các phương tiện thông tin đại chúng năm 2014. Bản thân cá tính của Travis Kalanick cũng đóng góp chủ đề đáng kể cho những mặt báo thêm phần rôm rả.
Vị CEO này được mô tả là một người tự tin, nhiệt tình, năng động, có khiếu kể truyện, nhưng đồng thời lại có cá tính ngạo mạn, ưa gây gỗ và hay nói nhảm. Ông cũng là một người nằm trong câu lạc bộ các tỷ phú dở dang đường học do đã bỏ ngang thời sinh viên của mình ở đại học California để đến với công ty đầu tiên trong sự nghiệp Scour.com.
Năm 2015 người ta sẽ lại tiếp tục chờ xem vị CEO lắm tài nhiều tật này có những bước đi như thế nào để Uber không dừng lại ở một trào lưu sớm nở tối tàn.
5. Timothy Cook – Không phải Steve Jobs phẩy
Hình chân dung Tim Cook trên điện thoại Iphone |
Timothy Cook, hay còn gọi ngắn gọn là Tim Cook, là người “thừa kế” ngai vàng của tập đoàn công nghệ “ít người không biết tới” Apple sau khi “huyền thoại” Steve Jobs qua đời. Với những thành tựu nổi bật mà Jobs đã làm ở Apple, Tim Cook từng có một thời gian dài chật vật thoát khỏi cái bóng quá lớn của người tiền nhiệm và ghi dấu ấn riêng của mình lên thương hiệu quả táo cắn dở.
Tới năm 2014 thì những nỗ lực của ông đã thực sự được ghi nhận với một loạt thành tựu như: Chiêu mộ được cựu CEO của hãng thời trang danh tiếng Burberry Angela Ahrendts về quản lý mảng bán lẻ, xác lập doanh số kỷ lục cho Iphone 6 và Iphone 6 Plus, phát triển hệ thống thanh toán ApplePay và không những thế còn lấn sân sang thị trường smartwatch với sản phẩm Apple Watch…
Mặc dù vẫn còn không ít ý kiến trái chiều, công chúng vẫn dần dần nhìn nhận Apple dưới thời Tim Cook với một diện mạo khác, chứ không phải một Apple tiếp tục đi theo con đường mà Steve Jobs vạch sẵn.
Vừa qua, trong cuộc bình chọn CEO của năm 2014 do tạp chí uy tín New York Times thực hiện, Tim Cook đã vượt qua nhiều đối thủ sừng sỏ khác bao gồm cả Jack Ma, để giành được danh hiệu này.
6. Larry Page – Tỷ phú tham vọng nhất hành tinh
Chân dung người kiến tạo tương lai Larry Page |
Trong môi trường cạnh tranh khốc liệt của lĩnh vực công nghệ, với hàng trăm website ra đời và lụi tàn mỗi ngày, vẫn ít có người nghĩ tới một ngày đế chế Google có thể bị soán ngôi. Giao diện đơn giản nhưng thân thiện với người dùng của Google ẩn giấu phía sau nó một hệ thống vô cùng phức tạp, mang lại hiệu quả tìm kiếm tối ưu cho người sử dụng.
Bí quyết để giữ vững ngai vàng của Google đến từ nhiều yếu tố, nhưng trong đó không thể không kể tới tầm nhìn của CEO đồng thời là một trong những người đồng sáng lập website này, Larry Page.
Năm 2014, CEO này tiếp tục giới thiệu ra thị trường những sản phẩm chất lượng làm nức lòng người sử dụng, tiêu biểu như hệ điều hành Android Lolipop được đánh giá là mang lại trải nghiệm tinh tế và rực rỡ hơn bao giờ hết, tiếp đó là việc giới thiệu tính năng No Captcha re Captcha cho phép người dùng quên đi những ngày tháng phải mỏi mắt dò các dòng Captcha khi đăng nhập bất cứ website nào… Những cải tiến mạnh mẽ của Google khiến cho cái tên này chưa bao giờ nguội lạnh trên các trang báo.
Đó là chưa kể tới sức nóng lâu dài của phòng thí nghiệm tuyệt mật “Google X Lab” mà Larry Page và Sergey Brin đang phát triển, nơi họ không tiếc tiền của cho việc tìm tòi biến những ý tưởng điên rồ nhất thế giới thành hiện thực.
Giới khoa học và công nghệ đã từng trầm trồ trước những phát kiến ra đời từ phòng thí nghiệm này như chiếc kính tương tác Project Glass, ô tô tự lái, giờ đây vẫn tiếp tục đồn đoán về nhiều sản phẩm khác như trạm Internet trên không, tua bin gió gắn trên những chiếc phi cơ không người lái….
7. Lei Jun – Hạt gạo nhỏ tiềm năng lớn
Theo số liệu thống kê hồi tháng 7/2014, doanh thu 2 quý đầu năm 2014 của hãng công nghệ Xiaomi đạt 5.5 tỉ USD, cao hơn tổng doanh thu của cả năm 2013 gộp lại, trong bối cảnh hãng này còn chưa vươn mình ra thị trường Mỹ hay châu Âu.
Cách đây 4 năm thôi nếu Lei Jun, cha đẻ của Xiaomi nói với ai đó rằng ông sẽ làm được điều này, ắt là không ai dám tin. Nhưng năm 2014, khi doanh thu mảng điện thoại thông minh của hãng này tại thị trường Trung Quốc vượt qua cả ông lớn Samsung hay Apple thì người ta bắt đầu phải ghi nhớ cái tên Lei Jun.
Một số tạp chí và nhà bình luận đã ca ngợi Xiaomi là hiện tượng Apple của châu Á, và đánh giá tiềm năng của hãng điện thoại này vẫn còn rất nhiều để phát triển trong tương lai gần.
Cha đẻ của Xiaomi, Lei Jun được biết đến với phong cách làm việc vô cùng bình dân, thường xuyên xuất hiện trước công chúng với hình ảnh áo phông, quần bò giản dị, nhưng lại là khiến người ta ngả mũ kính phục bởi cường độ làm việc đáng nể và tầm nhìn xa trông rộng trong việc định vị cho Xiaomi phân khúc thị trường và phương thức marketing cũng như bán hàng rất riêng.
Bên cạnh vai trò là CEO của Xiaomi, Lei Jun cũng là một nhà đầu tư sừng sỏ với cổ phần trong nhiều doanh nghiệp lớn ở Trung Quốc. Nhiều nhà phân tích thậm chí cho rằng trong năm 2014 giá trị tổng tài sản của Lei Jun có thể còn lớn hơn cả Jack Ma, trong trường hợp đó thì chính Lei Jun mới là tỷ phú giàu nhất châu Á. Tuy nhiên dù kết quả ra sao thì cũng không quá quan trọng, bởi tài năng và sự giàu có của Lei đã được ghi nhận với việc được tạp chí Forbes Asia bình chọn là Doanh nhân của năm 2014.
Trong những năm tiếp theo, người ta sẽ tiếp tục chờ đợi chứng kiến công cuộc Hạt gạo nhỏ soán ngôi lần lượt những hãng điện thoại đình đám trên thế giới.
Nguồn KeHoachViet tổng hợp