Trong năm 2016, khối doanh nghiệp (DN) tư nhân tăng trưởng tương đối nhanh và đóng góp phần lớn cho nền kinh tế Việt Nam. Chuyên gia Nguyễn Trí Hiệu nhận định, đây là thời điểm chín muồi để khối DN này tỏa sáng.
Theo báo cáo mới đây của Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam Vietnam Report, doanh nghiệp (DN) tư nhân có số lượng doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất trong năm nay, chiếm 72%, so với khối Nhà nước và lần lượt chỉ 34,1% và 28,2%.
Tỷ lệ tăng trưởng kép bình quân hàng năm (CAGR) của khối này cũng ở mức cao nhất là 35,7%. Trong khi đó, khối DN Nhà nước ở mức 22,4% và DN FDI là 5,6%.
Có thể thấy, DN tư nhân ngày càng có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế nước nhà, đặc biệt trong thời buổi hội nhập hiện nay.
Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, doanh nghiệp có vốn Nhà nước nên “rút về sân sau” để nhường đất cho doanh nghiệp tư nhân phát triển, đặc biệt trong thời buổi hiện nay.
“Cách đây 40 năm, sau giải phóng, các công ty có vốn Nhà nước được coi là đầu tàu để kéo nền kinh tế. Tuy nhiên, thời thế bây giờ đã đổi, nhiệm vụ dẫn dắt thị trường của các doanh nghiệp Nhà nước đã hoàn thiện. Do đó, bây giờ nên là sân chơi dành cho các doanh nghiệp tư nhân”, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ.
Ông cho rằng, năm 2016, nền kinh tế Việt Nam đang trên đà hội nhập sâu rộng. Cơ hội mở ra cho doanh nghiệp là rất lớn.
Tuy nhiên, để có thể dễ dàng hội nhập sâu rộng, trước hết, kinh tế Việt Nam phải là nền kinh tế thị trường. Mà muốn có được điều này, các doanh nghiệp có vốn Nhà nước nên “rút về sân sau” để tăng cường vai trò tư nhân. Bởi đây là bộ phận không thể thiếu trong cộng đồng doanh nghiệp của bất kỳ một nền kinh tế nào.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) năm 2015 của Việt Nam đạt 6,68% so với năm 2014, cao hơn hẳn mục tiêu 6,2% đề ra từ đầu năm. Điều này cũng cho thấy sự cố gắng của doanh nghiệp Việt.
Thế nhưng, theo khảo sát của Vietnam Report, doanh nghiệp phải vượt qua rất nhiều khó khăn mới có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng trong 3 năm qua (2012-2015).
Trong 500 DN (thuộc danh sách Fast 500), một nửa cho rằng, khó khăn lớn nhất của họ trong năm qua là giá cả nguyên liệu đầu vào. Khó khăn thứ 2 đối với hơn 40% DN là thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp. Tiếp sau đó là xúc tiến thương mại với gần 38% lựa chọn.
Các DN có thái độ rất tích cực và tự tin với hiệp định TPP khi gần 60% số DN phản hồi đã chuẩn bị rất đầy đủ và sẵn sàng với hiệp định. Tuy nhiên, phần lớn DN cho biết, thách thức lớn nhất của họ trong hội nhập chính là vấn đề xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường. Tiếp sau đó, vấn đề về các quy định, văn bản chính sách của Chính phủ về Thuế phí và hải quan cũng khiến họ lo lắng trong năm tới.
Chuyên gia Hiếu nhận định, ngoài việc đẩy mạnh vai trò của DN tư nhân, Nhà nước cũng cần thay đổi, cải tổ một số thể chế, đặc biệt rút ngắn thủ tục hành chính vốn rườm rà. Những vấn đề như tham nhũng phải được diệt trừ, đẩy nhanh số giờ xử lý thuế, người dân tiếp xúc với các cơ quan công quyền phải nhanh, kịp thời.
Góc nhìn doanh nhân: Doanh nghiệp tư nhân bao giờ là trụ cột tăng trưởng?
Trí Thức Trẻ/CafeBiz