Các ý kiến chuyên gia đều cho rằng, việc có tên trong tài liệu Panama không có nghĩa là các cá nhân hay tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật. Việc mở công ty quản lý tài sản ở nước ngoài là hoàn toàn hợp pháp.
Rạng sáng 10/5 giờ Việt Nam, trang web offshoreleaks.icij.org đã chính thức công bố dữ liệu về hơn 200.000 tài khoản do các cá nhân, tổ chức trên khắp thế giới lập ở nước ngoài.
Theo dữ liệu này, Việt Nam có 189 cá nhân có tên trong danh sách, bao gồm nhiều nhân vật nổi tiếng như ông Nguyễn Duy Hưng Chủ tịch SSI, bà Đàm Bích Thuỷ cựu CEO ngân hàng ANZ, bà Nguyễn Thị Phương Thảo CEO Vietjet Air, ông Nguyễn Thanh Hùng Chủ tịch Sovico Holdings…
Ngay sau khi tài liệu được công bố, nhiều ý kiến tỏ ra nghi ngờ và cũng xuất hiện nhiều đồn đoán liên quan đến việc rửa tiền, tham nhũng, hối lộ, trốn thuế hay nhiều hành vi sai trái, vi phạm pháp luật khác của các cá nhân có tên trong danh sách.
Tuy nhiên, theo ý kiến của các chuyên gia, không nên vội vàng kết luận hay phán xét bất kỳ điều gì chỉ vì các cá nhân, tổ chức có tên trong danh sách của Panama. Đây chỉ đơn thuần là một danh sách những người mở tài khoản ở nước ngoài để quản lý, chứ không phải là “danh sách trốn thuế” hay “danh sách rửa tiền”. Tài liệu Panama mới chỉ đưa ra một danh sách, chứ không có bất kỳ tài liệu đi kèm nào về các hoạt động của các cá nhân hay tổ chức này.
Ngoài ra, chính Tổ chức các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ), đơn vị cung cấp tài liệu Panama cũng khẳng định rằng, không phải cứ có tên trong danh sách này thì đều có các hành vi vi phạm pháp luật, bởi việc thành lập các công ty và quỹ tín thác là hoàn toàn hợp pháp và là điều bình thường trên thế giới.
Theo tiến sỹ Lê Hồng Giang, một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, chưa có quốc gia nào trên thế giới cấm hành động mở công ty ở nước ngoài để quản lý tài sản. Rất nhiều quỹ đầu tư, cả ở Việt Nam lẫn thế giới sử dụng các công ty ở nước ngoài làm pháp nhân để quản lý số tiền của mình. Nhiều cá nhân giàu có cũng có công ty ở nước ngoài vì những lý do cá nhân hoàn toàn hợp pháp mà không liên quan gì đến trốn thuế hay rửa tiền. Hình thức phổ biến nhất của các công ty dạng này là không chỉ nắm giữ tiền và các loại tài sản có giá trị, chứ không hề sản xuất hay kinh doanh.
Tuy không phải là tài liệu công bố những hành vi phi pháp, nhưng danh sách của Panama vẫn gây sốt cả trong nước lẫn trên thế giới một phần bởi sự tò mò. Các ngân hàng Panama được biết với tính bảo mật rất cao và bị cấm chia sẻ thông tin về các tài khoản nước ngoài hoặc chủ tài khoản. Panama cũng không ký kết các hiệp định thếu và trao đổi thông tin với các nước khác, giúp củng cố tính bảo mật của các khách hàng gửi tiền hoặc thành lập công ty ở đây.
Chính vì vậy, việc một tài liệu “tuyệt mật” được công khai, trong đó lại có những nhân vật nổi tiếng với giới truyền thông Việt Nam đã khiến sự kiện này càng được chú ý.
Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch SSI ngay sau khi được hỏi về việc xuất hiện trong danh sách Panama đã nhanh chóng khẳng định đây là điều hoàn toàn bình thường, và hoạt động đầu tư ra nước ngoài của SSI đã được pháp luật cho phép.
Trong khi đó, bà Đàm Bích Thuỷ, cựu CEO ngân hàng ANZ cho biết, bà có tên trong danh sách vì trong thời gian làm Tổng giám đốc ANZ Việt Nam, bà là người phụ trách Công ty cho thuê mua tài chính ANZ V-Trac, công ty được mở tại đảo Virgin (nước Anh). Công ty V-Trac có tên trong danh sách bởi tất cả các pháp nhân mở tại Virgin sẽ được lưu lại trong hồ sơ giống như cách lưu trữ dữ liệu để quản lý thông thường. Việc có tên trong danh sách không có nghĩa cá nhân hay công ty vi phạm pháp luật, bà Thuỷ khẳng định.
Theo Trí Thức Trẻ