Một ngày sau cuộc gặp gỡ giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các doanh nghiệp, các ngân hàng đã đồng loạt hạ lãi suất cho vay, phổ biến còn 10%/năm với trung, dài hạn.
Ngay sau định hướng giảm lãi suất từ người đứng đầu Chính phủ và thông điệp “cam kết ổn định mặt bằng lãi suất cho vay” từ Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng lần lượt công bố giảm lãi suất.
Động thái chủ yếu của ngân hàng là khống chế mức tối đa đối với các khoản vay trung dài hạn, giảm cho các khoản vay ngắn hạn mới.
VietinBank là ngân hàng đầu tiên “nổ phát súng” giảm lãi khi công bố lãi suất cho vay trung và dài hạn là 10%/năm, ngắn hạn giảm thêm 0,5%/năm. Sau đó, một loạt các ngân hàng như Vietcombank, BIDV cũng công bố mức giảm lãi suất tương tự.
Ngày 30/4, thêm nhiều ngân hàng công bố giảm lãi suất như Sài Gòn – Hà Nội (SHB), Kỹ thương (Techcombank), Tiên Phong (TPBank)…
Lãi suất cho vay tối đa trung và dài hạn tại nhiều ngân hàng đang được xác định ở 10%/năm. Ảnh minh hoạ: Anh Tuấn.
Hầu hết các ngân hàng đều xác định các khoản vay mới trung và dài hạn, lãi suất cho vay tối đa được xác định là 10%/năm, lãi suất cho vay ngắn hạn có thể giảm thêm tới 0,5%/năm, tùy các lĩnh vực ưu tiên và chất lượng khoản vay; hoặc đưa ra các gói tín dụng gắn với mức lãi suất ưu đãi cụ thể.
Hiện tại, các ngân hàng đều đang huy động vốn ở mức khá cao khi lãi suất tiền gửi khoảng 7%/năm, đặc biệt một số ngân hàng còn huy động mức 8%/năm. Chênh lệch thực tế lãi suất giữa huy động và cho vay chỉ còn khoảng trên dưới 1%, vì ngân hàng phải trích dự phòng rủi ro, dự trữ thanh toán, chi phí quản lý…
Trong 3 tháng đầu năm nay, Kho bạc Nhà nước đã huy động được 69.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ. Lãi suất trái phiếu Chính phủ ở kỳ hạn ngắn 3 năm là khoảng 5,5%/năm, kỳ hạn 5 năm là khoảng 6,3%. Vì vậy, không có lý do gì ngân hàng lại chào lãi suất cho vay trung và dài hạn tới doanh nghiệp dưới mức này cả.
Trao đổi với Zing.vn, chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu đánh giá đợt giảm này sẽ kéo theo đợt giảm tiếp theo của các ngân hàng thương mại cổ phần trên toàn hệ thống.
Việc ngân hàng công bố hạ lãi suất cho vay, theo ông, sẽ hỗ trợ một phần khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, ông Hiếu nhận định, giá vốn hiện tại vẫn còn rất cao, lãi suất huy động đã nhích lên trong thời gian vừa qua. Vì vậy, việc giảm lãi suất cho vay là “một cố gắng đáng kể” của các ngân hàng, có lẽ là đến từ chỉ đạo của Chính phủ hơn là điều kiện của thị trường.
Vị chuyên gia tài chính ngân hàng cũng cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần tạo một số điều kiện để mặt bằng lãi suất đầu vào giảm xuống như bơm một lượng tiền vào lưu thông, duy trì ổn định kinh tế để đẩy mức lạm phát thấp xuống thấp nhất có thể và tạo sự ổn định tiền đồng so với đồng đôla mỹ.
Phương Diệp