Những công ty được hưởng lợi
CTCP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (NT2) dự kiến sẽ là “ngư ông đắc lợi” lớn nhất từ vụ Brexit. Theo phân tích, nếu đồng Euro mất giá 1%, NT2 có thể ghi nhận mức lãi 28 tỷ đồng từ chênh lệch tỷ giá, trong khi đó công ty đang có khoản vay bằng đồng Euro trị giá 113 triệu Euro tính đến cuối tháng 3/2016.
Xi măng Hà Tiên 1 (HT1) được đánh giá sẽ là công ty hưởng lợi lớn tiếp theo từ việc đồng Euro giảm giá. HT1 có khoản nợ 63 triệu Euro tính đến cuối quý I/2016, do đó, nếu đồng Euro mất giá 1%, công sẽ sẽ lãi từ chênh lệch tỷ giá khoảng 16 tỷ đồng.
CTCP Xi măng Bỉm Sơn (BCC) dự kiến cũng sẽ hưởng lợi khi công ty này có khoản nợ dài hạn 28,6 triệu Euro tính đến cuối quý I/2016. SSI Research cho rằng đồng Euro cứ mất giá 1%, BCC sẽ lãi từ chênh lệch tỷ giá khoảng 7 tỷ đồng.
Trong khi các công ty trên “đắc lợi” từ việc đồng tiền chung Châu Âu giảm giá, một công ty khác là FPT lại được kỳ vọng có thêm doanh thu từ việc đồng Yên tăng giá.
Theo phân tích, mỗi năm FPT xuất khẩu khoảng 100 triệu USD giá trị dịch vụ gia công phần mềm sang Nhật Bản, cho nên nếu đồng Yên cứ tăng giá 1%, doanh số xuất khẩu sang thị trường này của công ty có thể tăng thêm khoảng 1 triệu USD.
Những công ty gặp bất lợi
Cũng là công ty thuộc ngành diện như NT2, nhưng CTCP Nhiệt điện Phả Lại (PPC) dự kiến lại chịu thiệt hại do hệ quả của Brexit. PPC hiện có khoản vay bằng đồng Yên vào khoảng 24 tỷ Yên. Nếu đồng Yên cứ tăng giá 1%, công ty có thể ghi nhận mức lỗ 48 tỷ đồng do chênh lệch tỷ giá.
Một số công ty xuất khẩu thủy sản dự kiến cũng gặp bất lợi khi đồng Euro mất giá làm hao hụt giá trị xuất khẩu sang thị trường EU.
CTCP Hùng Vương (HVG) xuất khẩu cá basa sang thị trường EU với giá trị chiếm khoảng 10% tổng doanh số, tương đương khoảng 1 nghìn tỷ đồng/năm.
CTCP Vĩnh Hoàn (VHC) hiện đang xuất khẩu cá basa sang thị trường EU với giá trị chiếm khoảng 16% tổng doanh số xuất khẩu, hay tương đương khoảng 1 nghìn tỷ đồng/năm.
CTCP Thực phẩm Sao Ta (FMC) đang xuất khẩu tôm sang thị trường EU với giá trị khoảng 400 tỷ đồng/năm (chiếm 15% tổng kim ngạch). Tuy nhiên, FMC dự kiến sẽ được bù đắp phần nào bằng việc đồng Yên tăng giá, khi công ty cũng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản với giá trị đạt khoảng 1,1 nghìn tỷ đồng/năm (chiếm 37% tổng doanh số xuất khẩu)