‘Bụt chùa nhà không thiêng’, xu hướng mới là đi thuê CEO ngoài

“Sản xuất” và “mua hàng” có lẽ là vấn đề cơ bản nhất trong kinh doanh. Theo một báo cáo từ Strategy&, một bộ phận tư vấn thuộc PWC, thì hoạt động “mua” ngày càng diễn ra nhiều khi nói đến việc bổ nhiệm các vị trí lãnh đạo.

'Bụt chùa nhà không thiêng', xu hướng mới là đi thuê CEO ngoài

Strategy& đã nghiên cứu các cuộc chuyển giao vị trí CEO ở 2500 công ty lớn nhất trên thế giới trong vòng 17 năm qua. Kết quả là trong giai đoạn từ 2012 đến 2015, các CEO được chọn từ bên ngoài chiếm 22% trong số các cuộc chuyển giao có kế hoạch, tỉ lệ này trong giai đoạn từ 2004 đến 2007 chỉ là 14%.

Thường thì ban quản trị chỉ coi việc thuê người ngoài là giải pháp cuối cùng – khi họ phải tống khứ CEO đương nhiệm hoặc khi các ứng viên nội bộ không có ai nổi trội. Các số liệu thống kê mới cho thấy các doanh nghiệp ngày càng tin tưởng vào giải pháp thuê người ngoài như một phần của kế hoạch chuyển giao thường kỳ.

Tất nhiên, xu hướng này xảy ra cũng bởi những mặt tích cực mà nó mang lại.

Ban quản trị của công ty muốn thuê những nhà lãnh đạo có khả năng giải quyết các vấn đề gai góc, chẳng hạn như công nghệ mới và các mô hình kinh doanh cải tiến. Những ngành chịu sự chi phối và trì trệ do ít đổi mới công nghệ thường lựa chọn giải pháp thuê CEO là người ngoài.

Trong giai đoạn 2012 – 2015, nhân lực bên ngoài chiếm 38% trong số các CEO thuộc ngành viễn thông, 32% trong ngành hàng hóa tiêu dùng, 29% trong ngành y tế, 28% trong ngành năng lượng và 26% trong ngành dịch vụ tài chính. Phạm vi tìm kiếm người ngoài của các doanh nghiệp cũng khác nhau: Trong ngành dịch vụ tài chính gần như tất cả các ứng viên (92%) đều đến từ các công ty tài chính khác; ở ngành hàng tiêu dùng thì 72% lại đến từ các ngành khác.

Ban quản trị các công ty cũng trở nên độc lập hơn trước. Theo Strategy&, năm ngoái chỉ có 7% các CEO đồng thời là chủ tịch hội đồng quản trị. Họ thường lựa chọn những người ngoài vì những người này thường ít liên quan đến CEO đương nhiệm, bên cạnh đó họ thường có quan hệ rộng và có các quan điểm mới mẻ. Chính vì thế, các CEO đương nhiệm cũng gặp khó khăn nếu họ muốn đào tạo một người kế nhiệm mình trong nội bộ tổ chức.

Tuy nhiên xu hướng lựa chọn người ngoài cũng có điều đáng lo ngại. Nó sẽ làm tăng mức lương dành cho CEO. Những lãnh đạo được lựa chọn nội bộ thường có nhiệm kỳ dài hơn: Trong năm 2005, nhiệm kỳ trung bình của một CEO nội bộ là 5,8 năm trong khi đó con số này ở những CEO thuê bên ngoài là 4,8 năm.

Yahoo thuê Scott Thompson từ PayPal chỉ để sau một vài tháng lại sa thải ông khi phát hiện ra sự gian dối về bằng cấp trong hồ sơ của mình. J.C. Penney thuê Ron Johnson từ Apple nhưng cũng cho ông này nghỉ việc sau khi cổ phiếu của hãng sụt giá còn một nửa.

Nói đi cũng phải nói lại, thành tích của các CEO thuê bên ngoài không được ấn tượng một phần là do các công ty chỉ tìm đến họ trong những tình huống ngàn cân treo sợi tóc.

Giờ đây điều này đã khác, các CEO bên ngoài được thuê ngay cả khi mọi sự vẫn tốt đẹp: năm ngoái 25% các công ty hoạt động hiệu quả nhất (được đo theo tổng lợi nhuận đem lại cho cổ đông) đã thuê CEO bên ngoài nhiều hơn so với các công ty có thành tích kém hơn, và những người được thuê bên ngoài này thường có nhiệm kỳ dài hơn so với những CEO được đưa lên từ nội bộ tổ chức.

Nhờ cân nhắc thật kỹ lưỡng và công bằng khi lựa chọn CEO, ban quản trị cũng tự mang lại cho mình thêm nhiều lựa chọn. Điều thay đổi quan trọng hơn không chỉ là đôi khi họ quyết định thuê người ngoài, mà là họ đang ngày càng trở nên giỏi hơn khi làm một trong những việc cơ bản nhất – lập kế hoạch chuyển giao CEO.

Đinh Vân

Theo Trí Thức Trẻ/The Economist

Để lại một bình luận