Home / Phát triển cá nhân / Cách để trở nên tài giỏi

Cách để trở nên tài giỏi

Luôn có người hỏi mình: “Anh H, bài viết của anh nhắc đến nhiều người giỏi thế, anh có thể cho em Face hay số Zalo của họ để em học hỏi chút không?” , “Anh H, bao nhiêu người tài anh nhắc đến họ học thế nào vậy? Anh có thể hỏi họ giúp em phương pháp và tài liệu học được không?”

Xin lỗi cho mình được nói thẳng, đúng là họ có rất nhiều tài liệu, nhưng bạn có lấy cũng chẳng tác dụng gì, bạn có đọc mười lần cũng không ích gì, bởi sự khác biệt giữa bạn và họ không phải ở tài liệu học, không phải bạn cứ làm giống họ là được. Điểm khác biệt cốt lõi ở đây chính là tinh thần, thái độ sống và học tập. Nội tại của mỗi người sẽ quyết định thành tích đạt được, chứ không phải chỉ do đọc một cuốn sách hay áp dụng phương pháp học tập nào.

Mình đã nghiên cứu vấn đề này từ lâu. Ban đầu mình còn thường xuyên tìm gặp những người tài giỏi trong nhiều lĩnh vực khác nhau để được họ tư vấn phương pháp. Nhưng lâu dần mình phát hiện, phương pháp không phải vấn đề, mấu chốt ở đây là nghị lực của mỗi người. Nếu không thể kiên trì, nhẫn nại, lạc quan, dũng cảm thì có làm gì cũng không đạt được thành tựu, ngược lại còn chìm đắm trong cảm giác hối hận và thất bại.
Mình sẽ ví dụ từ việc học tiếng Anh.

Mình có một người bạn tên là K, trước làm trưởng nhóm phụ đề phim ở một trang web phim online, cô ấy đã từng tham gia làm phụ đề nhiều bộ phim như: Prison Break, The Pursuit of Happiness, Mr. Bean’s Holiday, Pirates of Caribbean 3, The Bucket List…

Hồi cấp 3, tiếng Anh của cô ấy rất kém, đến lúc vào đại học mới vùi đầu học hành và thi được học vị Thạc sĩ chuyên ngành công tác xã hội của trường Đại học Sư Phạm, chuyên môn hiện nay của cô ấy là trị liệu, tư vấn tâm lý lâm sàng và sức khỏe bệnh thần kinh. Hiện giờ cô ấy đã kết hôn và có con. Bao năm phấn đấu, hai vợ chồng đã mua được một ngôi nhà khang trang, cuộc sống vô cùng hạnh phúc.

Rất nhiều người đã hỏi cô ấy cách học tiếng Anh, mình cũng từng nghĩ chắc chắn cô ấy phải có phương pháp đặc biệt nào đó. Bao nhiêu người học tiếng Anh suốt nhiều năm trời như vậy, nhưng chỉ có cô ấy nói lưu loát như tiếng mẹ đẻ, còn chúng mình thì không. Sau đó mình có tìm đọc nội dung đầu tiên của cô ấy chia sẽ trên mạng và biết được phương pháp cô ấy học tiếng Anh. Chẳng có lối đi tắt nào cả, đều nhờ ham học và khổ luyện mà thành. Ví dụ, để nhớ từ đơn, lúc nào cô ấy cũng mang theo bên người sách tự vựng học mọi lúc mọi nơi, thậm chí khi xếp hàng lấy cơm trong nhà ăn cô ấy cũng giở sách ra đọc đi đọc lại cho nhớ. Để luyện khả năng nghe, buổi sáng chưa đến 6 giờ cô ấy đã dậy, mang máy ra ngoài hành lang nghe VOV. Cô ấy không ngừng nhắc nhở bản thân phải kiên trì, bởi tiếng Anh là một loại năng lực, mà năng lực nào cũng cần rèn luyện lâu dài mới có nền tảng vững chắc. Trong nội dung của cô ấy còn kể nhiều câu chuyện từ hồi làm thêm ngoài Bùi Viện, những câu chuyện này giúp mình nhận ra một điều: Muốn thành công thì không được chịu thua, bạn phải lạc quan và mạnh mẽ. Bất luận gặp khó khăn gì cũng phải cổ vũ tinh thần bản thân, tạo dựng niềm tin mình sẽ làm được.

Cùng học tiếng Anh, mua bao nhiêu tài liệu, tra từng quyển từ vựng, nhìn thì có vẻ bạn chăm chỉ lắm, nhưng bạn có chắc mình đủ tinh thần học hỏi quyết không chịu thua, kiên trì đến cùng không? Hay bạn cũng như đa số người ngày ngày than khóc: ” Mình không biết từ này, có cách gì hay không?” Thật ra bạn không thiếu phương pháp học, cũng không thiếu tài liệu, lại càng chẳng phải người khác có siêu năng lực hơn bạn, cái bạn thiếu chính là sự kiên trì và tỉ mỉ.

K từng nói: “Chẳng có bí kíp hay lối tắt nào cả, chỉ cần bạn tìm được phương pháp học phù hợp với bản thân và kiên trì đến cùng, chắc chắn bạn sẽ cải thiện được trình độ.” Có thể bạn không tin, nhưng đây chính là phương pháp học hiệu quả nhất.

mình có quen một bà mẹ rất quan tâm đến việc học của hai đứa con nhỏ. Là một nhà tạo mẫu có tiếng, hàng ngày làm việc ở cửa hàng từ 8 giờ sáng đến 10 giờ tối, khách hàng toàn những minh tinh màn bạc nhưng cô ấy vẫn dành thời gian nghiên cứu kỹ tất cả các trường quốc tế lớn nhỏ trong nội thành Sài Gòn. Cô ấy lập một nhóm bao gồm
các phụ huynh quan tâm đến giáo dục quốc tế. Nghe cách cô ấy nói chuyện bạn sẽ thấy cô ấy có cái nhìn riêng về giáo dục gia đình và tương lai của các con.

Nhắc đến quá trình phấn đấu hồi trẻ, cô ấy kể: Vừa tốt nghiệp cô ấy trở thành thợ cắt tóc của Art Hair, một tháng kiếm được 6tr. Nhiều người làm cùng cô ấy hồi đó giờ không còn liên lạc nữa. Suốt 10 năm trời theo nghề, cô ấy không ngừng cố gắng để có được như ngày hôm nay người người ngưỡng mộ. Thu nhập một ngày của cô ấy giờ bằng cả tháng thu nhập của người khác. Cô ấy còn vay mấy trăm triệu để mua nhà và trả hết nợ trong vòng một năm. Tất cả những thứ cô ấy có được là nhờ từng giây từng phút đứng tạo mẫu cho khách.

Mình vẫn thường nói chuyện phiếm với nhau vào buổi tối. Hơn 10 giờ cô ấy mới nghỉ, vừa ngồi xuống uống ngụm nước là tham gia cuộc thảo luận của chúng tôi ngay.
Tuy chỉ quen biết chứ không thân, nhưng qua tiếp xúc, tôi biết quá trình phấn đấu mà cô ấy kể là thật. Và tôi lại càng cảm phục người phụ nữ ấy hơn qua cách cô ấy kiên trì trong việc nuôi dạy con cái, mỗi ngày tôi đều đợi bài chia sẻ của cô ấy vì lười tự mình nghiên cứu.

Chẳng lẽ mình không biết tầm quan trọng của giáo dục trẻ em? Chẳng lẽ những trường học kia không cho mình vào tìm hiểu? Chẳng lẽ mình không thể tự tìm tài liệu, một mình đi khảo sát? Mình có thể chứ! Nhưng mình thiếu sức mạnh, sự kiên trì và tính cẩn thận như cô ấy. Bởi thế, trong lúc cô ấy chua sẻ những điều bản thân tâm đắc giúp các con đưa ra lựa chọn phù hợp điều kiện gia đình, mình chỉ có thể ngồi tám chuyện vớ vẩn… Những người như cô ấy, có đi nhổ cỏ cũng sẽ nhổ giỏi hơn người khác, tinh – khí – thần là ở chỗ đó.

Nếu lấy ví dụ về những người quá giỏi như này, có lẽ bạn sẽ không thấy hết sự khác biệt. Vậy chúng ta cùng bàn tới một ví dụ đơn giản hơn. Trước kia mình có đăng tải một bài viết về TED*, ngay sau đó có người nhờ mình gửi cho họ trang web của TED. Nói thật nếu bạn lười đến mức không thể tự mình tìm kiếm ba chữ cái thì đừng xem TED làm gì, có xem cũng không tác dụng. Bạn không chỉ thiếu chăm chỉ mà quan trọng hơn cả là bạn không chủ động, không tự mình học hỏi, người khác không mớm đến tận mồm, có chết đói bạn cũng ngồi đó đợi. Nếu vậy, những video cỗ vũ tinh thần bạn xem hay trào lưu tư tưởng quốc tế bạn biết cũng chỉ mang lại nhiệt huyết trong một đêm, hôm sau tỉnh dậy mọi việc đâu lại vào đấy.

Cùng học một lớp tại sao có người giỏi, người dốt? Nếu bạn có vở ghi chép của một học sinh giỏi, bạn có thể thi đỗ Đại học Y Dược ? Mình nhớ có một thủ khoa đại học 14 tuổi từng nói: “Khi các bạn còn đang gây rối, tôi dành thời gian đọc sách lịch sử. Tôi nhớ lúc đó nhiều chữ trên sách tôi còn chưa hiểu hết.”

Mình đã quan sát rất nhiều người thành công xung quanh mình, khi gặp khó khăn, thay vì mắng chửi hay vòng vo tam quốc, họ sẽ vò đầu bứt tóc suy nghĩ cách thức giải  quyết vấn đề. Họ đều tin rằng không có việc gì thành công dễ dàng, chỉ có cách chăm chỉ mới khắc phục được khó khăn. Họ có kỷ luật, dám nghĩ dám làm, tỉ mỉ cẩn thận, khả năng vận dụng thực tế tốt và rất khiêm tốn. Họ không muốn thành công nhanh chóng, vấp ngã rồi có thể tự đứng dậy và tiếp tục tiến về phía trước, không ngừng theo đuổi mục tiêu lớn hơn.
Nếu bạn không có những phẩm chất trên, đó chính là nguyên nhân bạn và những người tài giỏi khác biệt.
=================
Mình giao cho các bạn nhân viên đọc sách và mỗi ngày phải viết lại vào group công ty 1 bài, chia sẻ cho mọi người trong công ty cùng đọc.
Sau hơn 2 tháng, mình thấy tư duy, hiệu quả công việc, và sự nỗ lực của các bạn đều cải tiến rõ rệt.

Bài này là 1 bài trong quyển: “Giới Hạn Của Bạn Chỉ Là Xuất Phát Điểm Của Tôi”. Mình cảm thấy rất thấm. Lại giao tiếp bài tập cho các bạn nhân viên, đọc thật kỹ bài này và liệt kê ra những điểm các bạn cảm thấy mình chưa tốt, cần khắc phục. Từ đó viết những cách mà các bạn cần làm để trở nên tốt hơn.

Dĩ nhiên, cách mình làm sẽ không áp dụng được ở nhiều công ty lớn, hoặc với đội ngũ nhân viên lớn tuổi, vì lúc này sức ì về sự thay đổi của họ đã quá nhiều. Ở công ty mình, mình lặp đi lặp lại hàng ngày với các bạn, là các bạn đang cố gắng vì chính các bạn, vì tương lai các bạn, chứ không phải vì mình ép các bạn. Ở đây là 1 tổ chức học tập. Nếu các bạn không muốn phát triển, mời các bạn ra khỏi tổ chức. Mình đã từng cho 1 bạn nhân viên nữ nghỉ việc khi bạn nói bạn không muốn thay đổi gì hết. Ok, bạn không phù hợp văn hóa tổ chức, chúng ta không thuộc về nhau.

“Nếu không học tập, thì cho dù đi vạn dặm đường cũng chỉ là 1 anh đưa thư mà thôi”

Nguồn: Sưu tầm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *