Cách định giá startup để gọi vốn đầu tư

Bạn được quỹ đầu tư để mắt tới và sẵn sàng rót vốn. Bạn vui mừng nhưng cũng lo lắng, không biết thì Startup của mình đáng giá bao nhiêu?

Đây có thể là một câu hỏi hóc búa với nhiều bạn trẻ khởi nghiệp. Startups thường chưa có doanh thu chứ đừng nói đến lợi nhuận, như vậy tất cả các công thức áp dụng cho định giá của các công ty truyền thống làm sao ta có thể dùng được. Không nhân với bao nhiêu chả là không.

Thêm vào đó, tài sản của các Startups thường chỉ nằm ở trong đầu, ở IPs, tài sản cân đo đong đếm được thì chỉ có mỗi cái laptop, mà thường đã khấu hao hơn nửa. Vậy làm sao để định giá cái không cân đo đong đếm được ấy mà vẫn phản ánh được cả giá trị tương lại của mình (cũng không cân đo đong đếm được).

Theo ông Đỗ Hoài Nam, sáng lập Emotive Systems và SeeSpace, rất nhiều bạn mắc sai lầm trong khâu định giá Startups của mình bằng cách tính tiềm năng của công ty, rồi nhân với hệ số như trên sàn chứng khoán, sau đó lại trừ đi phần rủi ro.

Nghe có vẻ hợp lý, nhưng thực ra cũng là nhấc một con số từ trên trời xuống, và quan trọng hơn nữa là không thực tế. Mà một khi đã không thực tế thì các nhà đầu tư rất khó để tin tưởng vào khả năng của bạn.

Thông qua kinh nghiệm đầu tư và kêu gọi đầu tư thực tế của mình, ông Nam chia sẻ một số điểm mà các Startups cần lưu ý khi định giá đứa con của mình. Dưới đây là kinh nghiệm cho việc định giá để gọi vốn trong giai đoạn đầu, không tính những công ty đã trương thành.

– Khi có “định giá” của một công ty thì phải có người đồng ý bán và người đồng ý mua ở cái giá đó. Người mua là nhà đầu tư. Đối với các nhà đầu tư, cái họ cần là “exit” (thoái vốn) và khả năng tự chủ được exit. Điều này liên quan đến tỷ lệ phần trăm mà nhà đầu tư có trong công ty của bạn tại thời điểm exit, thường thì phải sau một vài lần gọi vốn và pha loãng cổ phiếu nữa.

Do đó, đối với một nhà đầu tư rót vốn vào giai đoạn đầu, họ luôn luôn cần khoảng độ 20-40% cty của bạn. Nhiều hơn nữa thì sau một vài vòng gọi vốn, nhà sáng lập sẽ không còn động lực để làm nữa vì tỉ lệ sở hữu còn quá ít. Tuy nhiên nếu nhà đầu tư có ít hơn thì cũng sau một vài vòng gọi vốn là họ không còn chủ động được việc exit nữa.

Vậy là bạn cần phải xác định dù có gọi bao nhiêu tiền đi nữa thì bạn cũng sẽ mất khoảng độ 1/3 công ty cho mỗi vòng gọi vốn.

Nếu đã xác định được điều này thì bài toán trở nên dễ giải, phương trình bậc nhất 1 nghiệm:

Số tiền cần gọi/30% = Giá trị công ty, hay là giá trị công ty sẽ tương đương với 3 – 4 lần số tiền bạn cần.

Dễ thấy, giá trị của bạn không phụ thuộc vào việc bạn nghĩ mình xứng đáng bao nhiêu, mà hoàn toàn phụ thuộc vào việc bạn cần bao nhiêu tiền để tiến được tới vòng tiếp theo.

Cũng rất may mắn là trong quy luật tự nhiên của phát triển, điều này gần như bao giờ cũng đúng. Nếu công ty bạn đang ở giá trị tầm 3 tỷ thì để giải quyết vấn đề then chốt tiếp theo, bạn sẽ cần tầm 1 tỷ. Chỉ sau khi giải quyết được vấn đề then chốt này, bạn mới có thể có một cái kế hoạch cần tới 10 tỷ để thực hiện. Một công ty khởi nghiệp ở giai đoạn đầu không thể gọi 1 tỷ đô để giải quyết hết các vấn đề cùng một lúc được. Nếu được thế, thì các công ty có 1 tỷ đô họ đã làm hết rồi.

Tuy nhiên, khi định giá startup bằng 3-4 lần số tiền gọi vốn, câu chuyện của chúng ta sẽ trở nên rất phức tạp. Câu hỏi đặt ra là, lúc nào sẽ là lúc chúng ta gọi vốn? Vì gọi sớm quá thì chúng ta sẽ có giá trị thấp trong khi đôi lúc, chỉ cần cố thêm một vài tháng nữa thôi, là chúng ta có thể vượt qua một mốc quan trọng, và số tiền cần để làm “next stage” sẽ lớn hơn nhiều, dẫn đến giá trị của startup sẽ tăng mạnh.

Đây lại là một phạm trù liên quan đến cổ phần trong doanh nghiệp. Hiểu về cổ phần và có kế hoạch chuẩn về cổ phần hóa là chìa khóa thành công trong việc gọi vốn cho startup. Tuy nhiên, đáng buồn là tôi chưa gặp nhều bạn trong startup Việt Nam biết và làm tốt việc này.

Nguồn CafeBiz

Để lại một bình luận