Logo KHV

Cách giữ nhân tài cho công ty nhỏ

Với những nhân viên trẻ có năng lực, việc “chung thuỷ” một lòng với các công ty nhỏ là một chuyện “xưa nay hiếm” còn quản lý nhân sự của những công ty chưa xây dựng được tên tuổi mấy, để giữ được chân nhân tài cũng chỉ là ngày một ngày hai trước tham vọng thăng tiến và chinh phục những đỉnh cao mới của họ. 

Chưa ra trường những Ngân đã là một ứng viên đáng mơ ước của nhiều công ty bởi khả năng làm việc khó có thể chê vào đâu từ kinh nghiệm cho đến khả năng ngoại ngữ trôi chảy, thêm vào đó Ngân có lòng nhiệt tình và tính cách khá quyết đoán, mạnh mẽ. Cô hoàn toàn thích hợp với vai trò quản lý trong một công ty tầm cỡ. Năng lực là vậy nhưng Ngân chưa thể leo cao vì còn phải học. Cô chấp nhận đầu quân cho một công ty nhỏ với mức lương … không nhỏ chút nào. Giám đốc công ty rất khâm phục sức làm việc sáng tạo, nhanh nhẹn và luôn đúng giờ của Ngân. Do đó, công ty luôn mong muốn có được cô lâu dài dù vẫn biết trước tham vọng của cô không bao giờ dừng lại ở đây. Mức lương cao, những khoản ưu đãi hơn hẳn nhiều nhân viên khác và lộ trình thăn tiến của cô ở công ty thì bất cứ ai cũng có thể thấy. Sếp hy vọng Ngân sẽ vì thế mà sẽ ở lại, kể cả khi cô ra trường.

Nam cũng chẳng kém cạnh gì Ngân. Ra trường, Nam chẳng khó khăn tìm được việc vì khả năng của mình. Thế nhưng, càng đi làm Nam càng tham vọng. Vào được công ty nào chừng dăm bữa nửa tháng, Nam lại nhìn sang công ty khác với con mắt thèm muốn và quyết tâm chinh phục cho bằng được. Thế là Nam nhảy việc, thậm chí chấp nhận chuyển từ chỗ đang làm trưởng phòng cho công ty cũ sang làm anh nhân viên quèn ở công ty mới. Nhiều người cản, Nam khăng khăng tuyên bố điều quan trọng là anh được làm việc cho những công ty có tên tuổi, có thương hiệu đàng hoàng, còn vị trí và chỗ đứng trong môi trường mới thì từ từ sẽ tính đến.

Đối với những người trẻ có năng lực, “nhảy việc” từ công ty nhỏ sang công ty lớn hơn đôi khi không phải chỉ vì khoản thu nhập mà theo họ, tên tuổi và thương hiệu của công ty đó mới là yếu tố quyết định hấp dẫn, nảy sinh ý muốn chinh phục. Có người còn ví chuyện đó như kiểu trèo lên được ngọn núi này, nhìn sang ngọn núi bên cạnh thấy cao hơn, lại nghĩ rằng sức mình đâu chỉ dừng lại ở đây, và thế là họ leo tiếp. Nghĩ mình còn trẻ, việc xây dựng đẳng cấp không chỉ dừng lại ở những công ty chưa mấy tên tuổi, những công ty mang tiếng “đại gia” vẫn luôn là đích nhắm lý tưởng cho người trẻ chứng tỏ bản lĩnh cũng như đẳng cấp đích thực của mình.

Với lý do đó, cầm tấm bằng đại học, Ngân đã tính ngay đến chuyện rời bỏ công ty vì những lời mời khá hấp dẫn từ phía các công ty khác.

Thế là những công ty nhỏ, ít tên tuổi bỗng nhiên trở thành cái lò đào tạo nhân viên cho các công ty lớn. Trong khi đó, họ còn phải chấp nhận thêm phí đào tạo cho đội ngũ nhân sự mới mà không phải bao giờ cũng đạt được kết quả như mong muốn.

Phong mới thành lập công ty được chừng hai năm. Tuy công ty của anh quy mô còn nhỏ nhưng không thể nói là không làm ăn được. Đầu quân cho Phong là những nhân viên trẻ và thực sự có tài và có những lúc họ đã là niềm tự hào của Phong. Thế nhưng, Phong chẳng giữ chân được họ lâu, kể cả những nhân viên thân tín nhất. Đau đầu trước tình trạng thỉnh thoảng lại có những lá đơn xin thôi việc đặt trước bàn, Phong lại phải nhanh chóng tuyển người để thay thế để công việc đúng tiến độ, nhưng tìm người tài lúc này đâu chỉ là ngày một ngày hai. Khuyên nhủ, tăng lương, ưu đãi này nọ, Phong vẫn chỉ nhận được cái lắc đầu của những người muốn ra đi, lý do họ đưa ra cũng chỉ là vì muốn thử sức ở những môi trường mới.

Các công ty nhỏ cần lưu ý việc tăng lương hay tăng chức với những nhân viên giỏi chỉ có tác dụng nhất thời mà cái họ cần làm hơn hết là cải thiện môi trường làm việc, có nhiều dự án hấp dẫn, có các kế hoạch đào tạo đi kèm với các biện pháp xây dựng thương hiệu ngày một vững mạn nhằm chiếm được niềm tin và cảm tình của đội ngũ nhân viên. Có như vậy, các công ty nhỏ mới mong nhân viên của mình chung thuỷ lâu dài và hết mình làm việc được.

  Theo VTV

Để lại một bình luận