Ngân hàng Thế giới ngày 13/1 công bố báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu, nhận định thế giới vẫn đang chật vật phục hồi khi nhiều nước phát triển tiếp tục gánh chịu di chứng của cuộc khủng hoảng tài chính, còn các nước mới nổi kém năng động hơn so với trước đây.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu nhích nhẹ từ 2,5% năm 2013 lên 2,6% năm 2014. Tuy nhiên, tăng trưởng dự kiến tăng tốc lên 3% năm nay, 3,3% năm 2016 và 3,2% năm 2017.
Tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển dự kiến cải thiện nhẹ trong năm nay nhờ giá dầu giảm, nền kinh tế Mỹ mạnh lên, lãi suất toàn cầu tiếp tục ở mức thấp và một số thị trường mới nổi lớn bớt khó khăn.
Tăng trưởng tại các nền kinh tế lớn ngày càng diễn biến trái chiều khi Mỹ và Anh mạnh lên, trong khi khối Euro và Nhật Bản trì trệ.
Triển vọng tăng trưởng của các nước đang phát triểnlớn cũng trái chiều khi điều kiện tài chính toàn cầu được dự đoán sẽ thắt chặt hơn (dù vẫn lỏng), giá hàng hóa tiếp tục giảm và hoạt động thương mại toàn cầu yếu.
Giá dầu giảm mạnh kể từ tháng 6/2014 được dự kiến sẽ tiếp tục hỗ trợ kinh tế toàn cầu, đồng thời cũng khiến thu nhập thực chuyển mạnh từ các nước xuất khẩu dầu mỏ sang các nước nhập khẩu dầu mỏ.
Các ngân hàng trung ương tại khu vực sử dụng đồng Euro và Nhật Bản đã cam kết tiếp tục tung ra các biện pháp kích thích do lo ngại về nguy cơ giảm phát. Trong khi đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) lại được dự đoán sẽ bắt đầu tăng lãi suất chính sách từ giữa năm 2015.
Nguồn CafeBiz