Chuyển Dự án BOT đường cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ thành dự án đầu tư công

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 2275/QĐ – TTg phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài – Lào Cai theo hình thức BOT đã được phê duyệt tại Quyết định số 1768/QĐ – TTg ngày 6/12/2019.

Theo đó, Thủ tướng quyết định điều chỉnh tên dự án thành: Dự án xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài – Lào Cai; đồng thời phân kỳ đầu tư Dự án theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (thực hiện từ 2021 – 2023) Dự án sẽ giải phóng mặt bằng theo quy mô đầu tư hoàn chỉnh, chiều rộng nền đường 17 m nhưng chỉ đầu tư theo quy mô 2 làn xe, rộng 11 m; giai đoạn 2 sẽ đầu tư hoàn chỉnh với quy mô đã được phê duyệt tại Quyết định số 1768.

Dự án cũng đồng thời được chuyển hình thức đầu tư từ BOT thành đầu tư công, với tổng mức đầu tư  3.113 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 1 có chi phí 2.653 tỷ đồng. Thủ tướng giao UBND tỉnh Tuyên Quang tiếp tục là cơ quan chủ trì và cấp quyết định phê duyệt điều chỉnh Dự án.

Trước đó, UBND tỉnh Tuyên Quang đã có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ xin thay đổi khá nhiều nội dung đầu tư so với chủ trương đầu tư đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 1768/QĐ-TTg ngày 6/12/2019.

Trên cơ sở sự cần thiết, cấp bách triển khai Dự án trong điều kiện khó có khả năng huy động vốn tín dụng và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư không thành công, UBND tỉnh Tuyên Quang đã xây dựng phương án điều chỉnh chủ trương đầu tư chuyển đổi toàn bộ Dự án từ hình thức đầu tư PPP sang đầu tư công. Cụ thể, Dự án có tổng mức đầu tư sơ bộ 3.112,9 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng, thiết bị  2.119,788 tỷ đồng; chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư 550 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án 19,5 tỷ đồng; chi phí tư vấn xây dựng: 61,118 tỷ đồng; chi phí khác 35,694 tỷ đồng; chi phí dự phòng: 326,844 tỷ đồng.

Tổng mức đầu tư này được xây dựng trên cơ sở cập nhật tổng mức đầu tư đã được phê duyệt trong Báo cáo nghiên cứu khả thi là 3.271 tỷ đồng, bỏ chi phí lãi vay trong giai đoạn xây dựng.

UBND tỉnh Tuyên Quang cũng đề xuất phân kỳ đầu tư Dự án chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn I, Dự án thực hiện năm 2021 – 2023 sẽ giải phóng mặt bằng với quy mô hoàn chỉnh với nền đường rộng 17m; chiều rộng mặt đường 11m, gồm 2 làn xe cơ giới. Tổng mức đầu tư Dự án giai đoạn I là  2.653 tỷ đồng. Giai đoạn II Dự án sẽ thực hiện sau năm 2025 sẽ đầu tư hoàn chỉnh với quy mô theo chủ trương được duyệt tại Quyết định số 1768 khi được bố trí vốn với chi phí khoảng 459,970 tỷ đồng.

Trong giai đoạn I, UBND tỉnh Tuyên Quang đề xuất vốn ngân sách Trung ương là 2.100 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 79,16% tổng mức đầu tư giai đoạn I, trong đó đã bố trí 500 tỷ đồng thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020; vốn ngân sách địa phương 553 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 20,84% tổng mức đầu tư giai đoạn I.

UBND tỉnh Tuyên Quang đánh giá, trong trường hợp Dự án được chuyển đổi từ hình thức PPP sang đầu tư công sẽ có những tác động tích cực, đảm bảo chắc chắn triển khai thành công dự án, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo tiến độ hoàn thành dự án, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế, nhằm khắc phục, hạn chế những tác động của dịch Covid-19 trong giai đoạn trước mắt và lâu dài.

Tại Quyết định số 1768/QĐ-TTg ngày 6/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ, Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài – Lào Cai có mục tiêu đầu tư khoảng 40,2 km theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT; tổng mức đầu tư khoảng 3.271,09 tỷ đồng (trong đó 500 tỷ đồng vốn ngân sách Trung ương, 10,79 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương, 2.760,3 tỷ đồng vốn chủ sở hữu và vốn vay tín dụng); tiến độ thực hiện từ năm 2019 và cơ bản hoàn thành vào năm 2023.

Trước đó, UBND tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án. Tuy nhiên, đến hết thời điểm đóng thầu không có nhà đầu tư nào nộp hồ sơ dự sơ tuyển. Nguyên nhân do trong giai đoạn hiện nay, việc thu hút các nhà đầu tư thực hiện dự án cũng như việc các ngân hàng cho vay vốn để thực hiện dự án BOT là rất khó khăn, các nhà đầu tư không tiếp cận được nguồn vốn vay của các Ngân hàng. Vì vậy, dự án không hấp dẫn nhà đầu tư, đấu thầu sơ tuyển nhà đầu tư không thành công.

Để lại một bình luận