CHUYỂN TRÁI PHÉP 30 NGÀN TỶ ĐỒNG QUA BIÊN GIỚI

Trả lời câu hỏi của phóng viên về vụ vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới lên đến gần 30 nghìn tỷ đồng, tại cuộc họp báo triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2021 sáng nay (24/12), Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết: Ông cũng chỉ biết vụ việc thông qua báo chí chứ chưa có văn bản cụ thể nào của cơ quan chức năng gửi Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng Nhà nước cũng chưa có văn bản nào về vụ việc này.

Theo người phát ngôn của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), việc chuyển tiền ra nước ngoài, nếu chuyển qua tài khoản là qua ngân hàng, các tổ chức trung gian thanh toán để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, đầu tư ra nước ngoài thì ngân hàng kiểm soát được. Song còn có nhiều hình thức khác chuyển tiền ra nước ngoài mà các cơ quan chức năng khác có trách nhiệm quản lý, giám sát. Do đó, nếu việc chuyển tiền không qua ngân hàng thì ngân hàng rất khó quản lý, giám sát.

Nhấn để phóng to ảnh

Phó Thống đốc Đào Minh Tú – người phát ngôn của Ngân hàng Nhà nước giải đáp các thắc mắc về chính sách tiền tệ (ảnh: Thời báo Ngân hàng)

Trước đó như Dân trí đưa tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra (PC03), Công an TP Hà Nội vừa lập chuyên án đấu tranh và đã khởi tố vụ án “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”, khởi tố 10 bị can. Hiện lực lượng công an đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án.

Đây là vụ án nghiêm trọng, phức tạp, diễn ra trong thời gian dài. Phương thức, thủ đoạn của các bị can hết sức tinh vi để chuyển số tiền đặc biệt lớn (gần 30 nghìn tỷ đồng) từ Việt Nam ra nước ngoài trái phép, nhằm che giấu hành vi phạm tội khác.

Cũng tại cuộc họp báo, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cũng cho hay sẽ tiếp tục không in mới tiền lẻ dịp Tết Tân Sửu. Chủ trương của Ngân hàng Nhà nước là hạn chế và tiết kiệm chi phí đối với vấn đề này.

Cơ quan điều hành sẽ chủ động cung tiền mệnh giá nhỏ (dưới 10.000 đồng), gồm cả tiền cũ và tiền mới đã in và phát hành vào các thời điểm trong năm, trước Tết Nguyên đán.

Từ năm 2013 tới nay, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện chủ trương không đưa tiền mới mệnh giá nhỏ (từ 5.000 đồng trở xuống) vào lưu thông. Theo tính toán của cơ quan này, việc không phát hành tiền mới in vào dịp tết đã tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước mỗi năm hàng trăm tỷ đồng nhờ chi phí in, vận chuyển, bảo quản, đóng gói, phân loại, kiểm đếm. Việc hạn chế in tiền lẻ mới đã giúp ngân sách tiết kiệm được 3.500 tỷ đồng trong các năm gần đây.

Chia sẻ về hoạt động thanh toán trong thời gian qua, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán cho biết: Thời gian qua, khuôn khổ pháp lý và chính sách trong hoạt động thanh toán tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện đáp ứng đòi hỏi của thực tế cuộc sống và xử lý nhiều vấn đề cấp bách của xã hội; chủ động và triển khai kịp thời nhiều chương trình miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán trực tuyến; Thanh toán không dùng tiền mặt và thanh toán dịch vụ công tiếp tục có sự tăng trưởng mạnh, đặc biệt là thanh toán qua điện thoại di động; việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào lĩnh vực thanh toán và phát triển ngân hàng số có sự phát triển mạnh mẽ.

Đến cuối tháng 10 năm 2020, số lượng giao dịch thanh toán qua điện thoại di động đạt hơn 918,8 triệu giao dịch với giá trị đạt gần 9,6 triệu tỷ đồng (tăng 123,9% về số lượng và 125,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019); số lượng giao dịch thanh toán qua Internet đạt gần 374 triệu giao dịch với giá trị đạt hơn 22,2 triệu tỷ đồng ổng số lượng giao dịch qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đạt hơn 119 triệu món, giá trị đạt gần 84,3 triệu tỷ đồng (tăng 7,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019). Hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử đã xử lý 960,95 triệu món với gần 8 triệu tỷ đồng (tăng 75,19% về số lượng và tăng 110,92% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019).

Đặc biệt, đánh giá về hoạt động của ngành ngân hàng, Phó Thống đốc Đào Minh Tú đánh giá cao vai trò của công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tiếp tục đạt kết quả tích cực. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đứng đầu các Bộ, ngành về chỉ số cải cách hành chính (Par index) năm 2019 và là năm thứ 5 liên tiếp đứng đầu trong các Bộ, cơ quan ngang Bộ.

“Điều này tạo thuận lợi cho việc tiếp cận tín dụng, hỗ trợ kiểm soát dòng tiền, minh bạch hóa, tạo điều kiện thuận lợi về môi trường, thủ tục cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận nguồn vốn, dịch vụ ngân hàng hiện đại dễ dàng hơn. Nhiều lĩnh vực công nghệ thanh toán của Việt Nam không có khoảng cách mấy với các nước trên thế giới. Tài chính toàn diện cần phải lan tỏa hơn nữa, việc triển khai càng sớm tài chính toàn diện sẽ nâng cao mức sống, mức độ tiếp cận tín dụng của người dân”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định.

An Hạ

Để lại một bình luận