Home / Phát triển doanh nghiệp / Tài Liệu / Đắng lòng nghề môi giới chứng khoán: Đặt lệnh nhầm

Đắng lòng nghề môi giới chứng khoán: Đặt lệnh nhầm

Có rất nhiều tình huống: Khách đặt mua nhưng môi giới nhầm thành bán hay ngược lại, khách muốn bán thì môi giới gõ lệnh mua, rồi đặt nhầm cổ phiếu, sai khối lượng cổ phiếu … Tựu chung lại, môi giới đều phải lấy tiền túi để đền bù cho khách hàng.

Đắng lòng nghề môi giới chứng khoán: Đặt lệnh nhầm

Bất kỳ nghề nghiệp nào cũng chứa đựng những yếu tố rủi ro mà có khi người làm nghề mắc phải, chỉ còn có thể tặc lưỡi buông một câu: “Rút kinh nghiệm lần sau”. Đối với những người làm môi giới chứng khoán, sai sót dễ xảy ra nhất chính là đặt lệnh nhầm cho khách.

Tựu chung lại, kết quả của những tình huống này đều là môi giới phải lấy tiền túi để đền cho khách hàng.

Anh Đức – môi giới tại Công ty chứng khoán V. kể lại “kỷ niệm” một lần đặt lệnh nhầm của mình. Lần đó, khách hàng của anh gọi điện yêu cầu đặt mua cổ phiếu KSH, không hiểu vì sao anh đặt thành bán. Sau khi nhận ra mình vừa nhầm, anh Đức lại cho rằng đây là một doanh nghiệp không có yếu tố cơ bản, cổ phiếu xếp vào dạng “trà đá rau dưa” không có tiềm năng gì, khả năng cao là giảm tiếp, hoặc nếu có lên cũng chẳng đáng là bao. Chính vì thế, anh không mua lại hàng cho khách.

Thật không may, cổ phiếu KSH khi đó bất ngờ làm mưa làm gió, tăng một mạch từ 5.800 đồng lên tận 23.000 đồng. Khi cổ phiếu này đang trên đà chạy, anh Đức vẫn “cố chấp” tin vào nhận định của bản thân, hy vọng cổ phiếu giảm trở lại và vẫn không mua lại hàng trả cho khách.

Kết quả, khi KSH tăng đến mức giá mà anh Đức không bao giờ ngờ đến, khách chốt hàng. Anh buộc phải lấy tiền túi để trả.

Anh Tiến – môi giới tại công ty chứng khoán B cũng có một kỷ niệm “hú hồn” vì đặt lệnh nhầm. Từ khi làm môi giới chứng khoán, anh thường dùng 3 chiếc điện thoại để tiếp nhiều khách hàng trong một ngày. Hôm đó, anh tư vấn cho một nữ khách hàng về cổ phiếu PVS và nối tiếp câu chuyện bằng cổ phiếu HHS.

Sau khi nghe tư vấn, khách quyết định đặt mua 20.000 cổ phiếu PVS. Do mệt mỏi vì đã nghe nhiều điện thoại trong ngày, anh Tiến đặt nhầm lệnh mua 20.000 cổ phiếu HHS. Cũng sẽ không thành chuyện lớn nếu như đó không phải là ngày 01/07/2015 – ngày CTCP Đầu tư Dịch vụ Hoàng Huy dính phải tin đồn Chủ tịch HĐQT Đỗ Hữu Hạ bị bắt và cổ phiếu đo sàn.

Anh Tiến cho biết, khớp lệnh mua xong, anh chỉ có một tâm trạng là “vô cùng sợ hãi” và xác định cổ phiếu sẽ sàn vài phiên nữa cho đến khi hàng T 3 về tài khoản. Anh cũng chuẩn bị tiền để đền cho khách.

Thật không ngờ, sau 2 phiên sàn (trong đó, ngày 02/07/2015 chỉ khớp hơn 163.000 đơn vị), HHS đã được giải cứu. Đến hôm cổ phiếu về tài khoản (06/07/2015), HHS tăng trần, anh Đức vội vàng đặt lệnh bán. Cú nhầm này thậm chí giúp tài khoản lãi được một chút.

Một môi giới khác cho biết, đặt lệnh nhầm là tai nạn dễ xảy ra nhất bởi vì thị trường chứng khoán thường biến động rất gây sốc và gây ảnh hưởng mạnh đến tâm lý nhà đầu tư cũng như môi giới đặt lệnh. Một lần, khi thị trường rơi mạnh ngay từ đầu phiên, khách yêu cầu bán bớt một phần cổ phiếu trong tài khoản, anh đã bị “cuống” và bán quá số lượng cổ phiếu khách yêu cầu. May cho thị trường nhưng không may cho anh, về cuối phiên, thị trường phục hồi trở lại. Khách cũng bắt đền anh.

Thông thường khi môi giới đặt nhầm lệnh, khách hàng sẽ khó chịu, có khách phản ứng gay gắt, có người cảm thông nhưng tóm lại thì môi giới đều phải đền.

Theo anh Tiến, đền bù  là điều rất nhiên nhưng đi cùng với việc này, môi giới còn làm mất chi phí cơ hội của khách bởi vì mua nhầm hay bán nhầm đều mất 3 ngày hàng/tiền về đến tài khoản. Quan trọng hơn, khách hàng sẽ đánh giá độ chuyên nghiệp và uy tín của môi giới. Chính vì thế, không chỉ rèn luyện một “tinh thần thép” trước mọi biến động của thị trường, các môi giới cũng cần một đôi tay “thật cẩn thận” khi đặt lệnh cho khách nữa.

Theo Tú Linh

Trí Thức Trẻ/CafeF

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *