Khi nhắc tới khái niệm “đạo đức kinh doanh”, người ta thường cho rằng đó là một yếu tố rất trừu tượng hoặc không thực tế. Nhưng thực tế lại cho thấy mức độ phát triển bền vững của doanh nghiệp gắn liền với đạo đức kinh doanh, sự tăng trưởng về lợi nhuận gắn liền với việc nghiêm túc tuân thủ đạo đức kinh doanh.
Theo ông Phillip V. Lewis, giảng viên trường Đại học Abilene Christian, Hoa Kỳ “Đạo đức kinh doanh là tất cả những quy tắc, tiêu chuẩn, chuẩn mực đạo đức hoặc luật lệ để chỉ dẫn hành vi ứng xử chuẩn mực và sự trung thực (của một tổ chức) trong những trường hợp nhất định”. Nhìn chung, đạo đức bắt nguồn từ những niềm tin về tôn giáo, văn hóa và tư tưởng triết học, liên quan tới những cam kết về đạo lý và trách nhiệm của mỗi người, mỗi tổ chức.
Vài trò to lớn của đạo đức trong kinh doanh
Đạo đức kinh doanh chính là yếu tố nền tảng cho sự tin tưởng của khách hàng đối với doanh nghiệp, tăng cường sự trung thành của nhân viên, điều chỉnh hành vi của doanh nhân, nâng cao hình ảnh doanh nghiệp và từ đó nâng cao lợi nhuận của doanh nghiệp. Vì vậy, muốn đạt được thành công bền vững, các doanh nghiệp phải xây dựng được nền tảng đạo đức kinh doanh cho doanh nghiệp mình.
Hai Giáo sư John Kotter và James Heskeu thuộc Trường Đào tạo quản lý kinh doanh Harvard, tác giả cuốn sách “ Văn hóa công ty và chỉ số hoạt động hữu ích”, đã phân tích kết quả khác nhau của các công ty với những truyền thống đạo đức khác nhau. Công trình nghiên cứu của họ cho thấy trong vòng 11 năm, những công ty chú trọng đạo đức trong kinh doanh đã nâng được thu nhập của mình lên tới 682% (trong khi những công ty đối thủ không xem trọng các chuẩn mực đạo đức chỉ đạt được 36%). Giá trị cổ phiếu của những công ty trên thị trường chứng khoán tăng tới 901% (còn ở các đối thủ kém hơn thì chỉ số này chỉ là 74%). Lãi ròng của các công ty chú trọng đạo đức trong kinh doanh ở Mỹ trong 11 năm đã tăng tới 756%. Như vậy, chú trọng đạo đức trong kinh doanh sẽ mang lại sự phát triển cho tất cả các hoạt động kinh doanh quan trọng của tổ chức đó, từ đó dẫn tới thành công.
Những công ty chú trọng đạo đức trong kinh doanh đã nâng được thu nhập của mình lên tới 682% […] Giá trị cổ phiếu của những công ty trên thị trường chứng khoán tăng tới 901% (còn ở các đối thủ kém hơn thì chỉ số này chỉ là 74%). Lãi ròng của các công ty chú trọng đạo đức trong kinh doanh ở Mỹ trong 11 năm đã tăng tới 756%.
Ở Việt Nam, bài toán đạo đức kinh doanh còn bỏ ngỏ…
Đứng trên giác độ các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, các doanh nghiệp dường như vẫn chưa chú ý đến sự cần thiết và tất yếu của đạo đức kinh doanh. Với mong muốn đạt được lợi nhuận trong thời gian càng sớm càng tốt, không ít doanh nghiệp coi vấn đề đạo đức như là yếu tố phụ, vậy nên khó tránh khỏi tình trạng làm ăn theo kiểu “chộp giật”, hay mang tính “ăn xổi”, điều này dẫn tới hiện tượng làm hàng giả khá phổ biến trên thị trường.
Theo báo cáo của Đội Quản lý thị trường thành phố Hà Nội, tính từ đầu năm đến tháng 11/2014, các lực lượng phối hợp trên địa bàn thành phố đã thanh tra, kiểm tra 56.052 vụ, phát hiện 51.228 vụ vi phạm liên quan đến buôn lậu, làm hàng giả, kinh doanh trái phép và trốn thuế…. Trong đó có 3.772 vụ vi phạm hàng cấm, hàng nhập lậu; 12.878 vụ gian lận thương mại; 429 vụ hàng giả kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ; 34.149 vụ kinh doanh trái phép, trốn thuế…
Nghiêm trọng nhất là các vấn đề liên quan đến sự nguy hiểm cho sinh mạng con người phát sinh từ việc suy thoái đạo đức kinh doanh.
Nhà Quảng Cáo
Thực ra đây là vấn đề đã trở thành nỗi ám ảnh thường trực trên mỗi mâm cơm, từng ngày người dân phải cảnh giác với không biết bao nhiêu vụ thực phẩm bẩn được đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng và thường là vụ sau lại có mức độ nghiêm trọng hơn vụ trước cả về số lượng lẫn chất lượng.
Theo tìm hiểu của đồng nghiệp Báo Tuổi trẻ, hai cơ sở sản xuất là Công ty TNHH Minh Oanh và chi nhánh của doanh nghiệp tư nhân Sản xuất – Thương mại Hà Tiết, ở ấp 7, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh đã sản xuất ra một loại cao “độc nhất vô nhị” bởi nguyên liệu chính là từ… lòng lợn thối và phân lợn. Họ “nấu cao” bằng cách mua lòng lợn thối, phế phẩm ruột lợn (bã phân) về rồi đổ chung vào nồi i-nox lớn có trục quay cùng với xút (NaOH), bột đinh hương, phẩm màu và một số hóa chất khác (tất cả đều được nhập từ Trung Quốc) để vừa tẩy, làm lòng lợn nhũn ra, vừa át mùi hôi thối sẵn có. Khi tất cả đã được nghiền nhuyễn như bột, đồng thời chuyển thành dung dịch màu nâu, nguyên liệu “cao” này tiếp tục được gạn lọc rồi trộn với cồn 90 độ. Ngâm trong môi trường như vậy khoảng nửa tháng, “cao” được vớt ra, sấy khô và đóng thành từng miếng mang bán hoặc… xuất khẩu. Với nhãn mác rằng “cao thuốc tiên” có tác dụng rất tốt cho những người hiếm muộn, làm trắng da.
Một ví dụ khác từ món ăn hàng ngày, đó là món ăn từ vịt là món ăn dân dã, rất phổ biến trong các bữa ăn gia đình hay các bữa tiệc chiêu đãi người thân. Từ vịt người ta có thể chế biến ra thành nhiều món, nhưng vịt nướng luôn là món hấp dẫn người dân bởi mùi vị và màu sắc.
Thế nhưng công nghệ chế biến món ăn bình dân này “siêu bẩn”. Vịt mua về được vứt đống, bừa bộn trên những sàn mổ nhầy nhụa nước hôi thối. Dưới nền tiết khô đã đóng cạnh, phân vịt vung vãi, ruồi muỗi bu đậu khắp nơi. Tất cả những dụng cụ tham gia vào công việc giết mổ như dao, chậu, khăn… đều không hề được lau rửa sạch sẽ mà được vứt bừa bộn dưới nền đất bẩn thỉu. Mùi hôi nồng nặc cả khu mổ. Đa phần vịt được đưa vào chế biến đã có phẩm chất kém, để lâu ngày. Các nơi mổ vịt sống cũng thường dùng loại vịt cỏ của Trung Quốc to mập nhưng nhạt thịt và nhạt da. Để làm bắt mắt, các chủ quán phết lên thịt vịt một lớp phẩm màu hoặc nhúng vào hóa chất hương liệu màu khiến sau khi nướng vịt trông rất bắt mắt và có mùi thơm hấp dẫn. Các hóa chất, phẩm màu này đều độc hại và đã bị cấm, song trên thực tế vẫn được các chủ quán sử dụng một cách phổ biến.
Trên đây là hai ví dụ điển hình cho thấy hiện không có yếu tố câu thúc người ta quan tâm đến đạo đức trong kinh doanh. Đạo đức trong kinh doanh là một phạm trù rất rộng, câu chuyện còn dài nhưng có lẽ không thừa khi chúng ta nghiệm lại câu nói của một giáo sư người Mỹ khi đề cập đến đạo đức trong kinh doanh: “Cộng đồng cần phải được bảo vệ để tránh khỏi những con người đặt lợi ích cá nhân lên trên hết”.
Không một pháp luật nào, dù hoàn thiện đến đâu chăng nữa cũng có thể là chuẩn mực cho mọi hành vi của đạo đức kinh doanh. Nó không thể thay thế vai trò của đạo đức kinh doanh trong việc khuyến khích mọi người làm việc thiện, tác động vào lương tâm của mỗi người.
Vấn đề đặt ra là làm thế nào khiến cho mọi người quan tâm đến đạo đức trong kinh doanh, câu trả lời có lẽ cần quay lại văn hóa cổ truyền, đó là “làm điều thiện gặp thiện báo, làm điều ác gặp ác báo”, “gieo nhân nào, gặp quả nấy”. Hiểu biết và tôn trọng các giá trị truyền thống này sẽ luôn mang lại điều phúc lành cho mọi người.
Nguồn KeHoachViet tổng hợp