Nguồn cung dầu của thế giới sẽ thực sự giảm mạnh từ khoảng năm 2025 trở đi…
Hoạt động tìm kiếm các mỏ dầu mới trong năm 2015 đã rơi xuống mức thấp nhất trong hơn 60 năm, theo tin từ Financial Times.
Số liệu từ công ty tư vấn IHS cho thấy các công ty năng lượng trên thế giới đã khai thác 2,8 tỷ thùng dầu và các chất lỏng liên quan trong năm 2015, đây là mức khai thác thấp nhất tính từ năm 1954. Giá dầu thấp khiến các công ty phải mạnh tay thu hẹp hoạt động.
Phần lớn hoạt động khai thác mỏ dầu mới tập trung ở những khu vực sâu ngoài khơi xa – nơi thường sẽ phải mất ít nhất 7 năm mới có thể sản xuất được dầu thành phẩm. Như vậy, nguồn cung dầu của thế giới sẽ thực sự giảm mạnh từ khoảng năm 2025 trở đi.
Còn theo công ty tư vấn Wood Mackenzie, tốc độ khai thác chậm lại không đồng nghĩa với việc thế giới đang thiếu dầu.
Những năm gần đây, dầu được khai thác chủ yếu từ những mỏ đang hoạt động chứ không phải mỏ mới. Ngoài ra, các công ty cũng đã chú trọng vào khai thác nhiều hơn các mỏ khí đốt, hoạt động tìm kiếm khai thác mỏ dầu mới chỉ giữ vai trò thứ yếu.
Tuy nhiên, nếu tốc độ tìm kiếm và khai thác các mỏ dầu mới giữ nguyên ở hiện tại, nguồn cung dầu thế giới sẽ bắt đầu sụt giảm mạnh từ giữa thập kỷ sau và rồi từ năm 2035, thế giới sẽ thiếu 4,5 triệu thùng dầu/ngày.
Điều đó đồng nghĩa với việc thế giới sẽ phải phụ thuộc nhiều hơn vào hoạt động khai thác dầu trên đất liền ví như nhà máy sản xuất dầu đá phiến của Mỹ.
“Với tốc độ tìm kiếm và khai thác mỏ dầu mới thấp như hiện nay, chắc chắn rằng hoạt động sản xuất dầu sẽ ngày một thu hẹp và giá dầu tăng vọt”, giám đốc điều hành tại Schlumberger – công ty dịch vụ năng lượng lớn nhất thế giới, ông Paal Kibsgaard nhận định.
Sau khi lập đỉnh cao vào giữa năm 2014, giá dầu đã giảm sâu và đi cùng với nó là việc đầu tư trong ngành năng lượng liên tục sụt giảm bởi đầu tư năng lượng không thể nào mang lại lợi nhuận trong ngắn hạn.
Hàng loạt các tập đoàn năng lượng lớn như ConocoPhillips và Chevron đồng loạt ngưng lại rất nhiều dự án khai thác năng lượng. Nếu như vào năm 2014, tổng số tiền đầu tư cho hoạt động khai thác năng lượng toàn thế giới là 95 tỷ USD thì đến năm nay, con số đó ước tính chỉ còn 41 tỷ USD và nhiều khả năng sẽ tiếp tục giảm, theo số liệu của Wood Mackenzie.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia ngành khác khẳng định bối cảnh hiện tại sẽ mang đến cơ hội lớn cho những tập đoàn năng lượng lớn dám đầu tư. Theo giám đốc điều hành của tập đoàn đầu tư năng lượng Eni có quy mô khá lớn, ông Claudio Descalzi, tập đoàn vẫn đang tiếp tục ráo riết đầu tư tìm kiếm và khai thác các mỏ dầu/khí đốt mới bởi họ tin những gì đang làm sẽ giúp tạo nền móng tăng trưởng tốt hơn trong tương lai.
Vneconomy