Home / Phát triển doanh nghiệp / Doanh nghiệp huy động vốn như thế nào?

Doanh nghiệp huy động vốn như thế nào?

Ngày nay có nhiều cách khác nhau để doanh nghiệp giải quyết vấn đề tài chính. Những cách sau đây thường được các doanh nghiệp áp dụng.

Vốn từ người làm ăn chung

Để có vốn bắt đầu công việc kinh doanh, bạn có thể là người xây dựng ý tưởng và chuẩn bị một phần vốn, sau đó tìm người làm ăn chung. Cách làm này có ưu điểm là không phức tạp về thủ tục và có thể dễ dàng tìm người hợp tác nếu ý tưởng tốt. Tuy nhiên, có một lưu ý là khi lựa chọn cộng sự, bạn không nên chỉ quan tâm đến tài chính của họ mà còn chú ý đến sự phù hợp về tính cách, hoàn cảnh, quan điểm và tham vọng kinh doanh… cũng như một số tiêu chí khác.

Bạn có thể mang ý tưởng hoặc dự án kinh doanh của mình đi kêu gọi đầu tư từ những người có tiềm lực tài chính mà bạn quen biết. Tuy nhiên, để thuyết phục được họ, bạn cần chuẩn bị một bản kế hoạch kinh doanh chi tiết trong từng giai đoạn, cơ hội, khả năng thành công, dự kiến mức lợi nhuận, khả năng thu hồi vốn… Ngoài ra, bạn cần cho họ thấy sẽ được những gì khi đầu tư vốn vào dự án đó. Tuy nhiên, điều cần lưu ý khi kêu gọi vốn đầu tư là suy xét những điều kiện ràng buộc giữa 2 bên.

Hiện nay một số “mạnh thường quân” là các đại gia, ông chủ doanh nghiệp… thường thành lập các chương trình hỗ trợ cho những bạn trẻ khởi nghiệp kinh doanh. Nếu bạn có ý tưởng tốt thì đừng ngần ngại, hãy mạnh dạn chủ động tiếp cận với họ để trình bày kế hoạch của mình và kêu gọi vốn đầu tư.

Thuê tài chính

Thuê tài chính là một hình thức đang được áp dụng phổ biến ở nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Đức, Thuỵ Điển, Australia… Loại hình cho thuê tài chính đã được một số công ty đưa ra thị trường tài chính vào những năm cuối thập niên 60 của thế kỷ XX với tên gọi là thuê tài chính (finance lease).

Cho thuê tài chính (finance leasing) là một dạng cho thuê máy móc, thiết bị và động sản. Người ta còn gọi là cho thuê thiết bị (leasing). Ở nhiều nơi, người ta cho thuê xe hơi, máy bay, xe tải, tàu hoả, khoang tàu thuỷ và tàu thuỷ, máy photocopy, máy fax,…Tập đoàn General Motor của Mỹ còn cho thuê cả máy vi tính. Hiện nay, Vietnam Airlines đã thuê máy bay của TEAC, AirFrance… Tại Mỹ, ngành cho thuê tài chính chiếm khoảng 25-30% tổng số tiền tài trợ cho các giao dịch mua bán thiết bị hàng năm của các công ty. Nguyên nhân chính thúc đẩy các hoạt động cho thuê tài chính phát triển nhanh là do nó có tính chất an toàn cao, tiện lợi và hiệu quả cho các bên giao dịch.

Không thể phủ nhận rằng sự có mặt của các công ty cho thuê tài chính đã “mở lối thoát” cho các công ty, trong thời điểm các công ty này đang gặp khó khăn về thủ tục thế chấp tài sản để vay vốn ở các ngân hàng. Tuy nhiên, khái niệm cho thuê tài chính vẫn còn khá mới mẻ với nhiều công ty. Ít công ty hiểu được rằng cho thuê tài chính là một hình thức tài trợ tín dụng, thông qua việc cho thuê các loại tài sản, máy móc, thiết bị, phương tiện vận chuyển… là nhu cầu mà các công ty, các nhà đầu tư mong muốn để đổi mới máy móc, thiết bị, hiện đại hóa công nghệ sản xuất kinh doanh.

Đặc trưng của phương thức này là đơn vị cho thuê (tức là chủ sở hữu tài sản) sẽ chuyển giao tài sản cho người thuê (tức là người sử dụng tài sản) được quyền sử dụng và hưởng dụng những lợi ích kinh tế mang lại từ các tài sản đó trong một thời gian nhất định. Người thuê có nghĩa vụ trả một số tiền cho chủ tài sản tương xứng với quyền sử dụng và quyền hưởng dụng. Điều này cũng cho thấy việc cấp tín dụng dưới hình thức cho thuê tài chính không đòi hỏi sự bảo đảm tài sản có trước, tạo điều kiện cho các công ty tiếp cận hình thức cấp tín dụng mới, vừa giải tỏa được áp lực về tài sản đảm bảo nếu phải vay ở ngân hàng.

Loại hình cho thuê tài chính rất thích hợp cho các công ty vừa và nhỏ nhờ ưu điểm không phải thế chấp tài sản như khi vay vốn ở các ngân hàng.

Tham gia vào thị trường chứng khoán
Thị trường chứng khoán luôn là nơi huy động vốn hiệu quả nhất trong các phương thức huy động vốn. Nguồn vốn này dài hạn và đủ sức phục vụ cho các kế hoạch đầu tư lâu dài.

Vay vốn người thân, bạn bè, đồng nghiệp…

Vay vốn từ những người thân: những người thân như gia đình, bạn bè, đồng nghiệp… chính là nguồn vốn dồi dào của bạn. Có thể họ là những người thành công trong kinh doanh và chưa có ý định đầu tư gì hay đó là các khoản họ tích cóp được, khoản thừa hưởng hay ngoại hối. Huy động nguồn vốn này không khó khăn nếu bạn trả cho họ mức lãi suất cao hơn lãi suất ngân hàng huy động (nhưng nên thấp hơn mức lãi suất ngân hàng cho doanh nghiệp vay – điều này rất có lợi cho bạn). Nên thỏa thuận ngay từ đầu đây là khoản vay chứ không phải khoản góp vốn và hãy trả ngay khi có thể vì công việc kinh doanh thì mạo hiểm và có khi không được như ý muốn.

Sử dụng vốn của đối tác, khách hàng

Kéo dài thời hạn thanh toán với bạn hàng là cách mà nhiều doanh nghiệp làm để tạo nguồn vốn. Khoản này không phải trả lãi suất mà đă có ngay trong quỹ của bạn. Các bạn hàng thường nể nang sẽ thông cảm và không vì thế mà gây khó dễ cho bạn. Bên cạnh đó là việc huy động vốn từ các bạn hàng với thỏa thuận đặt tiền trước lấy hàng sau. Điều này đã thành tiền lệ với các công ty ô tô, máy tính và bất động sản, xây dựng… ví dụ như việc ký hợp đồng bán căn hộ giá ưu đãi trước khi làm dự án xây dựng chung cư của công ty K. và vay tiền của khách hàng với lãi suất tương đương lãi suất huy động của ngân hàng. Cả công ty và khách đều có lời vì công ty huy động được vốn rẻ còn khách cũng mua được căn hộ rẻ.

Doanh nghiệp huy động vốn trong nội bộ doanh nghiệp

Khi bạn đang mải miết huy động vốn ở những nơi nào thì một nguồn vốn khá lớn và rất rẻ lại ở ngay trong doanh nghiệp của bạn. Đó là nguồn vốn nhàn rỗi từ nhân viên.

Bên cạnh việc phát hành tín phiếu nội bộ để gọi vốn hãy huy động thêm nguồn vốn nhàn rỗi nằm trong nhân viên của bạn với một mức lãi suất hợp lý. Nếu không bận rộn với thị trường chứng khoán và bất động sản thì nhân viên của bạn chắc sẽ chung tay giúp doanh nghiệp trong lúc khó khăn này.

Doanh nghiệp tạo vốn bằng nguồn tự có

Nguồn vốn tự có của người doanh nhân đó là các hàng hóa dịch vụ của doanh nghiệp (ví dụ như các dự án), nợ đọng trong khách hàng và các tài sản khác như bất động sản, cổ phiếu, chứng khoán hay thậm chí là vàng bạc đá quý… Tạo tính thanh khoản cao, thu nợ hiệu quả và bán bớt các tài sản cũng là cách huy động vốn với nguồn tự có của người doanh nhân.

Tạo tính thanh khoản cao cho hàng hóa

Tính thanh khoản cao của hàng hóa, dự án là điều luôn mơ ước của các doanh nghiệp. Hãy nhân cơ hội này thực hiện “cuốn chiếu” các dự án, làm tới đâu bán hết tới đó nhằm tạo tính thanh khoản cho các dự án để lấy vốn tiếp tục tái đầu tư.

Bán tài sản

Bạn có thể bán một số tài sản mà bạn đang sở hữu như: nhà đất, xe hơi, chứng khoán, vàng bạc đá quý… Những nguồn này cũng mang lại cho doanh nghiệp của bạn một nguồn vốn không hề nhỏ để duy trì sản xuất và tiếp tục sinh lời trong các dự án tiếp theo.

Thu nợ càng nhiều càng tốt

Nợ nần là điều luôn tồn đọng trong các doanh nghiệp. Hãy chắc chắn rằng các khoản nợ của bạn phải được thu về ở mức cao nhất và trong thời hạn ngắn nhất. Vì khi vốn không tập trung mà phân tán ở mỗi khách hàng một ít là điều không hề có lợi cho doanh nghiệp của bạn.

Nghĩ đến những trang web

Để có số vốn nhỏ cho công việc làm ăn, bạn hãy tìm đến cộng đồng mạng với những trang web, nơi mà kết nối trực tuyến người cho vay và người cần vay.

Dùng chính tài sản của bạn

Khi các ngân hàng thu hẹp những khoản tín dụng thì việc cho vay thuế chấp tài sản đang chiếm ưu thế. Với tập đoàn At First Business Capital, bạn có thể nhận được một số tiền bằng cách người cho vay sẽ đưa trước cho bạn 85% sau đó sẽ gửi 15% còn lại sau khi khách hàng của bạn thanh toán đủ. Bạn sẽ trả trước 1.5 đến 3 lãi. Michael Colloton của First Business phát biểu rằng: “đó là cách chúng tôi cho các công ty không có chỉ số tín dụng mượn tiền.

Lướt qua những ngân hàng lớn

Nếu bạn có tín dụng tốt và một việc kinh doanh sinh lợi, hãy nghiên cứu những ngân hàng địa phương để tìm ra đối tác cho vay thân thiện, người mà không yêu cầu tài sản thuế chấp.

Tài chính là vấn đề thường xuyên và liên tục của doanh nghiệp nên việc linh động trong việc tìm kiếm các nguồn tài chính sẽ giúp doanh nghiệp tránh được nhiều rắc rối không đáng có.

Nguồn sưu tầm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *