Câu trả lời đơn giản là để “dẫn dắt Hành vi của Tổ chức”, là Kim chỉ nam trong “mọi Hành động” của tất cả nhân viên trong Tổ chức đó và xa hơn là thứ hoàn toàn có thể “Nói” với Khách hàng (Khách hàng, Đối tác, Nhân viên, Xã hội) như là “một Lời hứa Thương hiệu”, là thứ khác biệt giữa Tổ chức này và Tổ chức khác. Đây được xem như là một “Phẩm chất bên trong” của một Tổ chức, là thứ Bất biến, không thay đổi theo Thời gian thì mới được gọi là Giá trị Cốt lõi.
Không có “Giá trị Cốt lõi” để dẫn dắt hành vi thì Tổ chức đấy rất dễ bị lạc lối và khó tồn tại lâu dài, vì các cấp Nhân viên hành động không theo một cách thống nhất, hoặc chỉ Hành động theo Lợi ích của mình hoặc của một phòng Ban mình, mỗi người hành động không theo một Nguyên tắc nào. Và chắc chắn khi đó thì những giá trị đó không được gọi là Giá trị Cốt lõi.
Khi công ty bắt đầu lớn lên, có nhiều phòng ban, có nhiều nhân viên (trên 30 người, ở các công ty không thâm hụt lao động nghề lớn) thì việc có một Hệ giá trị cốt lõi (tối đa 6 giá trị) là điều kiện cần để đưa công ty đi xa. Và ở công ty đó, nhân viên được “hoàn toàn An toàn” nếu Hành động theo các Giá trị cốt lõi mà không phải lo ngại hay sợ bị sa thải hay khiển trách, mà trái lại còn được Tuyên dương, được xem là một trong số những phẩm chất quan trọng để xét xem nhân viên đó có phải là “Hiền tài” của Tổ chức hay không? Những nhân viên “thường xuyên” vi phạm các Giá trị cốt lõi sớm hay muộn rồi thì cũng không thể tồn tại hay làm lâu trong Tổ chức đó. Vậy nên tại sao lại có sự chia tay, một số người trong Tổ chức (hoặc một Group) lại tách ra và thành lập một Tổ chức mới, thể hiện các Giá trị, các Niềm tin chung mà người ta hay gọi là “cùng Hệ giá trị”?
Theo Jim Collins, “Giá trị cốt lõi” là những giá trị Bên trong mà Tổ chức đó Tin tưởng và Kiên trì theo đuổi, cho dù hoàn cảnh bên ngoài có thay đổi hoặc gây bất lợi”.
Nêu ra một Danh sách các Giá trị mà Tổ chức đó Tin tưởng thì không khó (vì có những Giá trị chung của Xã hội mà ai cũng Tin là nó đúng đắn), nhưng nó chỉ được gọi là Giá trị Cốt lõi khi Tổ chức đó “Kiên trì theo đuổi” ngày này theo tháng nọ, không phải bằng lời nói suông, mà bằng Hành động cụ thể để bảo vệ Giá trị đó, cho dù có đánh đổi bằng rất rất nhiều tiền gây thiệt hại lớn về Kinh tế, Cơ hội. Việc này phải được thực hiện xuyên suốt trong toàn bộ Tổ chức, đặc biệt là các Cấp quản lý cần hiểu, nắm rõ, vận dụng và “Làm gương” cho Cấp dưới (vì sẽ chắc chắn có làm sai, hiểu sai tinh thần của Giá trị cốt lõi khi không được truyền thông thường xuyên hoặc không được thực hiện nghiêm túc bởi toàn bộ CB-CNV trong Tổ chức đó). Điều này không phải dễ và cần một quyết tâm, một sự kiên trì dài lâu. Tuy nhiên, nếu làm được thì lợi ích Lâu dài mang lại là cực lớn.
Lấy ví dụ một Tổ chức lấy “Tính Cam kết” làm Giá trị Cốt lõi của mình, được Định nghĩa, Truyền thông, in ra treo đầy trong công ty và thường xuyên được chính Ban Giám đốc thực hiện theo, có mô tả như sau:
+ Chúng tôi cam kết mang đến Sản phẩm và Dịch vụ chất lượng, có lợi ích, mang lại giá trị Ứng dụng Thực tế và Giải quyết vấn đề của Khách hàng.
+ Chúng tôi thực hiện đúng Cam kết với Khách hàng, Đối tác, Cổ đông và Nhân viên về các Thoả thuận đã được Thống nhất.
Có nghĩa là khi làm ăn với công ty này, Khách hàng có thể nhận được Sự Đảm bảo 100%, Sự An tâm không chỉ là về chất lượng sản phẩm, về những cam kết ban đầu mà còn là chịu trách nhiệm cho đến khi Giải quyết được vấn đề của Khách hàng và đặc biệt là những sản phẩm cung cấp phải mang lại giá trị ứng dụng thực tế.
Vì vậy, Giá trị Cốt lõi của Tổ chức thực sự là một Lời hứa, một “Lời hứa xây dựng nên Thương Hiệu”, cần được thực hiện nghiêm túc, không chỉ một lần mà xuyên suốt mãi mãi trong quá trình Tồn tại của Tổ chức.
Nguyễn Hoài Thi.
Việt An Enviro + Việt An Software