Để công việc diễn ra suôn sẻ và đạt được hiệu quả cao, thông thường, người lãnh đạo tự giải quyết hoặc phó hẳn cho người khác. Có người ôm đồm mọi việc vì không tin tưởng vào khả năng của nhân viên. Nguyên nhân là người lãnh đạo ngại giao việc khó, việc mới cho nhân viên, sợ nhân viên đó làm hỏng việc. Vì thế, trong nhiều trường hợp, họ chỉ giao cho vài người đã quen việc.
Cách làm này đảm bảo được tiến độ công việc vì không mất thời gian để hướng dẫn cũng như giải quyết những vấn đề phát sinh, nhưng không tạo điều kiện thuận lợi để mọi nhân viên cùng tiến bộ.
Về vấn đề này, bà Bùi Thị Kim Quy, Giám đốc điều hành Công ty Bảo hiểm quốc tế AIA Việt Nam cho biết: “Trước đây, cấp trên của tôi đã từng liều lĩnh khi giao việc cho tôi. Nhờ vậy mà tôi có cơ hội khám phá thêm khả năng của bản thân. Bây giờ, tôi cũng làm như thế đối với nhân viên của mình. Tôi không đòi hỏi quá cao ở họ, chỉ cần người nào có tâm, tôi sẵn sàng giao việc. Bản thân công việc kinh doanh là một sự mạo hiểm. Nhiều khi, tôi biết trước người được giao việc có thể làm sai, nhưng điều đó không quan trọng. Nhân viên sẽ học được nhiều điều bổ ích từ những cái sai của chính mình”.
Hoàn thành kế hoạch một cách suôn sẻ luôn là mục tiêu của các doanh nghiệp. Việc huấn luyện, đào tạo nên một đội ngũ nhân viên tự tin, năng động và cầu tiến là rất quan trọng. Chính đội ngũ này sẽ đảm bảo cho việc thực hiện thành công các kế hoạch, chương trình, dự án và rộng hơn là sự phát triển lâu dài của doanh nghiệp.
Dù giao việc một cách mạo hiểm hay đã cân nhắc kỹ lưỡng thì kiểm tra thường xuyên vẫn là một việc làm cần thiết. Việc kiểm tra đảm bảo hạn chế đến mức tối thiểu những thiệt hại khi có sai sót. Công tác kiểm tra đúng lúc, đúng chỗ sẽ mang lại hai hệ quả lớn. Thứ nhất, nhân viên sẽ cảm thấy họ được cấp trên quan tâm, hỗ trợ. Đó là một động lực lớn giúp họ tự tin hơn trong công việc. Thứ hai, những lời hỏi han về tiến độ công việc cũng là cách mà người lãnh đạo xác định trách nhiệm đối với nhân viên.
Tuy nhiên, nếu những đợt kiểm tra diễn ra với tần số quá dày hoặc đi quá sâu vào chi tiết sẽ gây ra áp lực tâm lý đối với nhân viên. Khi đó, họ cảm thấy mình đang bị giám sát quá chặt chẽ. Kết quả là nhân viên không dám mạnh dạn xử lý công việc theo phán đoán riêng của họ. Nói chung, việc kiểm tra đem lại kết quả tích cực hay tiêu cực phụ thuộc vào sự khéo léo, linh hoạt của người lãnh đạo.