LẬP KẾ HOẠCH KINH DOANH NHÀ HÀNG CHAY

bi-quyet-kinh-doanh-thanh-cong-nha-hang-chay 1

Vu lan – mùa làm ăn của các quán chay

Tuy không sôi động như ở Huế và Sài Gòn, thị trường cơm chay ở thủ đô Hà Nội vài năm trở lại đây khởi sắc với nhiều địa chỉ khá nổi tiếng như Cơm chay nàng Tấm, Adiđà, Nam An, Âu Lạc, Thành Tâm, Tamarind,… Thực khách không chỉ là các bậc tu hành hay những người có bệnh lý cần tuân thủ một chế độ ăn uống nghiêm ngặt mà một bộ phận giới trẻ cũng tìm đến quán.

9h tối ngày rằm tháng Bảy tại Nhà hàng chay Loving Hut Nguồn Cội (Chùa Láng, Hà Nội) tuy xảy ra sự cố mất điện nhưng vẫn đông khách. Khách hàng lui tới đây chủ yếu là sinh viên các trường ĐH Ngoại thương, ĐH Ngoại giao, Học viện Thanh Thiếu niên. Không quan niệm ăn mặn mới đủ chất phục vụ cho việc học tập, Huyền và Thu (SV ĐH Ngoại thương), cho biết: “Không chỉ ngày rằm, mồng 1, mà hội em thường xuyên ăn ở đây. Không những tốt về mặt tâm linh, ăn chay còn lợi cho sức khỏe nữa”.

bi-quyet-kinh-doanh-thanh-cong-nha-hang-chay 2

 

Cô Lương (Nghệ An), quản lý nhà hàng chia sẻ: “Mỗi ngày chúng tôi tiếp khoảng 300 lượt khách. Nhà hàng bán cơm với giá phục vụ cho đối tượng khách hàng chủ yếu là sinh viên. Còn ngày này khách khứa tăng gấp đôi so với ngày thường”. Như vậy, giả sử 600 khách ngày hôm đó mua suất ăn giá thấp nhất 20.000 đồng, nhà hàng thu tối thiểu 12 triệu đồng. Một con số không nhỏ trong bối cảnh kinh tế suy thoái hiện nay.

Cũng theo cô Lương, “Nguồn Cội nằm trong hệ thống nhà hàng thuần chay quốc tế. Song các món ăn phải mang tính truyền thống, phù hợp với từng địa phương. Tất nhiên, nhà hàng vẫn giữ chuẩn quốc tế để phục vụ tốt khách nước ngoài”.

Kinh doanh triết lý sống

Anh Trần H, ghé quán chay Nguyên Hồng (Nguyễn An Ninh, Hà Nội) sau khi đi phóng sinh tại đền Voi Phục – Công viên Thủ Lệ (Cầu Giấy – Hà Nội) về. H kể, anh thường xuyên dự lễ phóng sinh cùng với nhóm của mình vào ngày mồng 1 và 15 hàng tháng. “Đã biết ăn chay tốt thì hãy cố gắng. Bởi trong đạo Phật có giới luật không sát sinh, giữ mầm từ bi. Có thể mình chưa thấy tốt ngay nhưng ăn chay tiềm ẩn nhiều cái tốt”, H chia sẻ.

Hiện nay, nhiều quán chay chế biến món ăn theo kiểu giả hình tướng để đánh lừa thị giác của thực khách. Tuy nhiên, món chay của chị Nhung, chủ quán Nguyên Hồng lại không làm theo hình thức giả hình tướng để tạo ra ý niệm thanh tịnh ngay từ khi thưởng thức. Bởi vậy, khách đến quán chị thường là các tăng ni, phật tử, hoặc những người hiểu sâu sắc về ăn chay và tâm linh.

Cô Lương (Nguồn Cội) tiết lộ, bản thân cô và toàn bộ nhân viên nhà hàng ăn chay trường. Ngoài ý nghĩa tâm linh, ăn chay còn tốt cho sức khỏe, hướng tới cuộc sống xanh. Với cái tâm của người hiểu sâu sắc đạo Phật trong kinh doanh, cô Lương khẳng định nhà hàng 100% không dùng chất bảo quản, mỳ chính, đường trắng, phụ gia thực phẩm, màu thực phẩm trong chế biến.

Theo kinh nghiệm của chị Nhung để mở một quán chay, bản thân người đó phải tập ăn chay và có những trải nghiệm về chế biến món chay. Huế, Sài Gòn là những nơi ẩm thực rất phát triển. Song việc tạo ra nét đặc trưng cho các món chay là điều rất cần thiết.

THE THEO TRÍ THỨC TRẺ

Để lại một bình luận