Home / Phát triển doanh nghiệp / Mô hình kinh doanh tiếp thị liên kết (MLM)

Mô hình kinh doanh tiếp thị liên kết (MLM)

Kinh doanh tiếp thị mạng lưới (Tiếng Anh: multi-level marketing ) hoặc Kinh doanh theo mạng (Network Marketing) hay Bán hàng đa cấp chính thống (tên gọi thông dụng tại Việt Nam) là thuật ngữ chung dùng để chỉ một phương thức marketing sản phẩm kinh doanh/ bán hàng trực tiếp đến tay người tiêu dùng, họ có thể trực tiếp đến mua hàng tại công ty (hoặc qua một nhà phân phối duy nhất) mà không phải thông qua các đại lý hay cửa hàng bán lẻ. Kinh doanh đa cấp đã và đang gây ra nhiều tranh cãi trong xã hội.

Đầu thế kỉ 21, kinh doanh đa cấp bắt đầu bước chân vào thị trường Việt Nam. Kinh doanh đa cấp có nhiều công ty lừa đảo núp bóng và một bộ phận không nhỏ nhà phân phối sai trái đã làm cho dư luận bắt đầu lên tiếng phản đối kinh doanh đa cấp.Đối với công ty lừa đảo, lợi nhuận không thực sự được xuất phát từ bán sản phẩm mà từ việc tuyển mộ các thành viên mới, những người vào trước lợi dụng và bóc lột những người vào sau.

Đến thời điểm cuối năm 2004, tại Việt Nam đã có khoảng 20 Công ty bán hàng đa cấp phân phối sản phẩm chủ yếu về ngành chăm sóc sức khoẻ và sắc đẹp. Để hoà nhập với xu hướng chung của thế giới cũng như đáp ứng tình hình thực tế tại Việt Nam, hành lang pháp lý về kinh doanh theo mạng đã dần hình thành:

  • Ngày ngày 1 tháng 7 năm 2005, luật cạnh tranhcó hiệu lực thi hành trong đó có những điều khoản quy định về bán hàng đa cấp
  • Ngày ngày 24 tháng 8 năm 2005, Nghị định 110/2005/NĐ-CP của chính phủvề Quản lý hoạt động bán hàng đa cấp được ban hành phần nào đã tạo ra một hành lang pháp lý để bảo vệ các công ty và nhà phân phối chân chính.Tuy nhiên, nghị định vẫn còn nhiều kẽ hở khiến cho một số công ty lợi dụng.
  • Ngày ngày 8 tháng 11 năm 2005, bộ thương mạiban hành thông tư hướng dẫn một số nội dung tại Nghị định 110/2005/NĐ-CP về quản lý bán hàng đa cấp.
  • Năm 2006,2007 được xem là giai đoạn phục hồi của kinh doanh đa cấp tại Việt Nam, khi mà hàng loạt các công ty tăng dần doanh số sau giai đoạn bị báo chí và dư luận đánh tơi tả.

 

Đầu tháng 10, năm 2009, Hiệp hội bán hàng đa cấp Việt Nam được thành lập. Hiệp hội được thành lập và bổ nhiệm bà Trương Thị Nhi (Tổng giám đốc công ty TNHH TM Lô Hội, nhà đại diện tại Việt Nam của tập đoàn Forever Living Products Hoa Kỳ) là chủ tịch nhiệm kỳ 2009-2014.

Kinh doanh đa cấp (KDĐC) được luật pháp nhiều nước công nhận và đã ban hành luật để quản lý hoạt động này. Ở Việt Nam luật về bán hàng đa cấp được ban hành vào ngày 24 tháng 8 năm 2005.

Tại Việt Nam, Nhà nước và Luật Pháp cho phép về bán hàng đa cấp, nhưng cấm bán hàng đa cấp bất chính. Theo điều 48 Luật Cạnh tranh, Cấm doanh nghiệp thực hiện các hành vi sau đây nhằm thu lợi bất chính từ việc tuyển dụng người tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp:

  • Yêu cầu người muốn tham gia phải đặt cọc, phải mua một số lượng hàng hoá ban đầu hoặc phải trả một khoản tiền để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp (một số công ty lách luật bằng cách yêu cầu người tham gia ký vào đơn tự nguyện mua sản phẩm, tuy nhiên, dù là thế nào, phải mua sản phẩm để được tham gia đều là bất hợp pháp).
  • Không cam kết mua lại với mức giá ít nhất là 90% giá hàng hóa đã bán cho người tham gia để bán lại;
  • Cho người tham gia nhận tiền hoa hồng, tiền thưởng, lợi ích kinh tế khác chủ yếu từ việc dụ dỗ người khác tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp;
  • Cung cấp thông tin gian dối về lợi ích của việc tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp, thông tin sai lệch về tính chất, công dụng của hàng hóa để dụ dỗ người khác tham gia.

Bán hàng đa cấp (MLM) bất chính hay hình tháp ảo là một hiện tượng biến tướng của phương thức kinh doanh đa cấp, trong đó, lợi nhuận không thực sự được xuất phát từ giới thiệu sản phẩm mà từ việc tuyển dụng các thành viên mới. Đối tượng làm việc của kinh doanh theo mạng là Sản phẩm, còn đối tượng của hình tháp ảo là tiền, cho dù nó thường được quy đổi thành sản phẩm, hay dịch vụ nhất định thì nó vẫn là hình tháp ảo khi số lượng sản phẩm tiêu thụ được sẽ luôn tương xứng với số người tham gia (đối với hình thức chân chính, số lượng sản phẩm bán tùy thuộc vào khả năng nội tại của mỗi người). Khi đó, các công ty hình tháp ảo, sử dụng thuật ngữ “đa cấp” ám chỉ việc những người khởi xướng và phát động hệ thống (nằm ở đỉnh tam giác-kim tự tháp) lợi dụng và bóc lột những thành viên bên dưới (đáy tam giác).

Sau đây là ví dụ kinh doanh đa cấp vi phạm pháp luật:

Theo công bố của Sở Công thương Hà Nội, ngày 26/4/2016 Thanh tra Sở Công Thương Hà Nội có kết luận thanh tra đối với Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Trường Giang Việt Nam.

Theo đó, Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Trường Giang Việt Nam (công ty Trường Giang) đã có nhiều vi phạm trong hoạt động bán hàng đa cấp. Cụ thể:

Khi tiến hành bán hàng đa cấp tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, công ty Trường Giang không thực hiện việc thông báo theo quy định, đã được Cục Quản lý cạnh trạnh xử phạt 40 triệu đồng ngày 13/01/2016.

Mặc dù đã sửa đổi, bổ sung các nội dung theo quy định tại Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp (5 lần), nhưng Công ty không thực hiện việc thông báo đến các cơ quan chức năng.

Không thực hiện việc báo cáo định kỳ 6 tháng đầu năm 2015 đối với Bộ Công Thương và Sở Công Thương theo quy định. Lỗi vi phạm này đã được Cục Quản lý cạnh trạnh xử phạt 40 triệu đồng.

Công ty Trường Giang duy trì nhiều mã số đối với một người tham gia bán hàng đa cấp, vi phạm điểm p khoản 1 Điều 5 Nghị định số 42/2015/NĐ-CP.

Công ty này được Thanh tra Sở Công thương phát hiện kinh doanh theo phương thức đa cấp đối với hàng hóa chưa đăng ký với cơ quan cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp theo quy định của pháp luật.

Đáng chú ý, kết luận thanh tra cho thấy, mức giá sản phẩm của công ty này nhập về chỉ có giá 12.000-18.000 đồng mỗi sản phẩm, nhưng được bán cho người tham gia bán hàng đa cấp với giá 990.000 đồng (chưa có VAT). Mức chênh lệch giữa giá nhập – xuất bán từ 50 đến 82 lần.

Cụ thể, các sản phẩm có giá nhập như sau: TruongGiang Liver Công ty nhập với giá 18.000 đồng, TruongGiang Calcium, TruongGiang Calcium Kid, TruongGiang Queen đều có giá nhập chỉ 12.000 đồng.

Trước đó, Cục Quản lý cạnh tranh đã ra quyết định số 67/QĐ-QLCT ngày 13/01/2016 xử phạt Công ty này 4 lỗi vi phạm về hoạt động bán hàng đa cấp với số tiền 122 triệu đồng. Khi tiến hành thanh tra, Chánh thanh tra Sở Công Thương Hà Nội đã ra quyết định phạt 9 lỗi về hoạt động bán hàng đa cấp và thực hiện khuyến mại.

Sở Công Thương Hà Nội đã có văn bản kiến nghị Cục Quản lý cạnh tranh tiếp tục xem xét xử lý đối với Công ty về hành vi duy trì nhiều mã số đối với một người tham gia bán hàng đa cấp.

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *