Mô hình “kinh tế chia sẻ”: Bén rễ ở Việt Nam

Không chỉ giới hạn trong lĩnh vực taxi, mô hình “kinh tế chia sẻ” còn lan rộng ra nhiều lĩnh vực, từ vận tải, dọn nhà cho đến người giúp việc…

 

www.strategy.vn, kinh doanh, kinh doanh trực tuyến, chiến lược giá, bài học kinh doanh, amazon, bán lẻ thời trang, công ty gia đình, mô hình kinh doanh, mô hình canvas

 

Từ vận tải đến giúp việc nhà

Sau khi mô hình kinh doanh taxi Uber vào Việt Nam, hàng loạt dịch vụ ứng dụng công nghệ trên smartphone đã ra đời.

Mới đây, Công ty Giaohangnhanh đã ra mắt ứng dụng gọi xe tải nhẹ, xe ba gác Ahamove, cho phép kết nối nhu cầu vận chuyển hàng hóa của khách hàng với tài xế xe vận chuyển nhằm tối ưu hóa thời gian và chi phí cho các bên.

Với Ahamove, khách hàng chỉ cần nhấp vào ứng dụng, đưa ra yêu cầu, ngay lập tức tín hiệu sẽ được chuyển đến những tài xế gần nhất (từ vài trăm mét cho tới tối đa 7km).

Tài xế nhận được yêu cầu với đầy đủ thông tin về khách hàng, hàng hóa, quãng đường, thời gian. Ngược lại, khi thuê vận chuyển, khách hàng có đầy đủ thông tin của tài xế, thời gian chạy xe thực thông qua bản đồ.

Chia sẻ về dịch vụ mới này, ông Lương Duy Hoài – Tổng giám đốc Giaohangnhanh cho biết, khách hàng có thể đặt loại xe mình cần, nắm bắt thông tin về tài xế (điểm đánh giá, tên, số điện thoại, biển số xe…).

Khách hàng có thể chia sẻ hành trình của chuyến hàng để người nhận chủ động hơn trong việc chuyển hàng. Ahamove đang áp dụng mức phí 4km đầu tiên có giá 135.000 đồng, quảng đường tiếp theo được tính với nhiều mức khác nhau theo kiểu càng xa phí vận chuyển càng giảm.

Không chỉ vận tải, công nghệ này còn được ứng dụng vào dịch vụ chuyển nhà, tìm người giúp việc… Trước khi Giaohangnhanh giới thiệu Ahamove, ông Trần Chí Tâm, người sáng lập chuỗi bánh mì que Pháp BMQ đã ra mắt dịch vụ giúp việc nhà Taske.

Để sử dụng dịch vụ này, người dùng chỉ cần tải cài đặt ứng dụng Taske tại App Store, đăng ký tài khoản và yêu cầu các dịch vụ sửa chữa, giúp việc nhà, dọn dẹp, giặt ủi… trong danh mục có sẵn được liệt kê trong ứng dụng.

Taske sẽ định vị vị trí khách hàng (thông qua GPS), tính toán chi tiết thời gian đến và thông báo giá. Theo ông Tâm, khi tham gia dịch vụ Taske, người lao động không cần tìm kiếm khách hàng mà chỉ mở smartphone để nhận thông tin. Hiện Taske có gần 200 lao động tham gia dịch vụ này.

Cùng thời điểm này, Công ty FPT Telecom đưa vào vận hành ứng dụng viecnha (có thể tải trên iStore hoặc Google Play) nhằm cung cấp các dịch vụ lau dọn nhà cửa, giặt ủi quần áo, nấu ăn, chăm sóc trẻ… cho khách hàng ở TP.HCM và Hà Nội.

Cũng như Taske, khi khách hàng có nhu cầu vệ sinh nhà, chỉ cần cài đặt viecnha, đưa ra yêu cầu cần làm, đặt lịch hẹn giờ và điền thông tin liên hệ với gia chủ.

Khi thông tin được tiếp nhận, khách hàng sẽ biết trước được mức phí phải trả, thông tin và hình ảnh nhân viên sẽ đến làm, những đánh giá trước đó về nhân viên này.

 

Thị trường tiềm năng

Đánh giá về mô hình kinh doanh này, các doanh nghiệp đều cho rằng rất tiềm năng và sẽ phát triển mạnh trong tương lai.

Theo ông Lương Duy Hoài, quy mô thị trường vận tải đường bộ tại Việt Nam là 7 tỷ USD/năm, trong đó, TP.HCM đứng đầu với doanh thu có thể đạt 700 triệu USD/năm, kế đó là Hà Nội với gần 600 triệu USD/năm.

Thị trường lớn như vậy nhưng tài xế xe tải vẫn chưa khai thác hết công suất, và hiện tại, đến 70% xe vận tải chỉ khai thác chiều đi, chiều về hầu như chạy xe không. Như vậy là rất lãng phí và khó hạ giá thành vận chuyển.

Đơn cử như với mô hình truyền thống, trước đây có vài trăm xe tải chuyển rau từ Đà Lạt về TP.HCM nhưng rất ít xe tận dụng được chiều về nên chi phí vận tải tăng cao.

Nhưng khi sử dụng ứng dụng này, tài xế có thể kiếm được khách hàng ở chiều về và khách hàng thì tiết kiệm được chi phí vận chuyển.

Nhận định của các doanh nghiệp là có cơ sở vì hiệu quả mang lại từ những dịch vụ này sau một thời gian ngắn là khá tốt. Sau 3 tháng chạy thử nghiệm tại TP.HCM, ứng dụng Ahamove đã giao thành công 3.000 đơn hàng, mang đến hơn 600 triệu đồng cho gần 100 tài xế.

Hiện tại, có hơn 1.000 khách hàng cài đặt Ahamove và doanh thu của tài xế tham gia dịch vụ này tăng từ 20 – 40% so với trước. Bởi, trước kia tài xế chỉ chạy một vài chuyến/ngày nhưng với Ahamove, có thể chạy tối đa lên 6 – 7 chuyến/ngày.

Tương tự, dịch vụ viecnha của FPT mỗi ngày nhận đến 200 lệnh đặt và có những người giúp việc làm đến 3 – 4 nơi mỗi ngày, còn dịch vụ Taske nhận khoảng 100 đơn hàng/ngày.

Từ hiệu quả của mô hình này, Taske đã phát triển thẻ “Taske chu toàn việc nhà” hướng đến khách hàng là nhân viên văn phòng, các cặp vợ chồng trẻ bận rộn công việc.

Dịch vụ trọn gói này gồm sửa chữa, bảo trì thiết bị điện, nước, giúp việc nhà, giặt ủi với thời gian 3 tháng, 6 tháng và 1 năm.

Sau thời gian thử nghiệm viecnha, FPT đã kết hợp với Homecare 1080 và VNPT đưa thêm dịch vụ sửa chữa các thiết bị tại nhà như máy tính, điện lạnh, điện gia dụng, thi công điện nước…

Ông Hoài cho biết, Giaohangnhanh đặt mục tiêu đạt 50.000 chuyến vận tải hàng hóa từ nay đến cuối năm, với giá trị giao dịch khoảng 10 tỷ đồng.

Trong năm 2016, dịch vụ này sẽ mở rộng với tần suất 600.000 – 700.000 chuyến. “Ahamove sẽ phát triển ra thị trường Hà Nội, đưa ứng dụng gọi xe đến 5 – 6 thành phố lớn và sau đó sẽ tính đến hình thức vận tải liên tỉnh”, ông Hòa cho biết.

 KeHoachViet tổng hợp

Để lại một bình luận