Để việc quản lý nhân sự được tốt hơn bạn nên tham khảo qua vài giải pháp dưới đây:
Mục tiêu của công ty cũng chính là mục tiêu của nhân viên: Bạn lập ra mục tiêu cho công ty và lên kế hoạch làm sao để đạt được chúng. Mục tiêu này nên rõ ràng, thực tế, phù hợp và đúng lúc. Tiếp theo bạn thông báo rộng rãi tới các nhân viên để họ biết công ty đang đi theo hướng nào và nhiệm vụ của họ cần làm gì.
Làm rõ vai trò và nhiệm vụ của nhân viên: Bạn cần phải biết rõ năng lực của từng nhân viên từ đó đưa ra miêu tả chi tiết và chính xác về công việc cho từng người. Thông tin công việc cần làm rõ ràng và phù hợp với năng lực của các nhân viên do vậy họ sẽ không còn bị áp lực trong công việc cũng như có bất kỳ “sự ghen tị” nào trong công việc giữa các nhân viên.
Phát triển những hoạt động từ thiện của công ty: Bạn tập hợp một nhóm các nhân viên có năng lực và đề nghị họ lên một phương án nào đó để công ty làm từ thiện xã hội. Hành động này sẽ được nhân viên xem như là một bước tiến tích cực của công ty nhằm giúp đỡ cộng đồng và nó cũng là cách rất tốt để thúc đẩy tinh thần của nhân viên vì họ cảm thấy công ty đang phát triển tốt.
Thường xuyên đi lại quan sát và nói chuyện với nhân viên: Bạn nên ra khỏi văn phòng và đi vòng quanh để xem nhân viên đang làm gì. Bạn có thể biết các nhân viên có hòa đồng với nhau không? Họ có điều gì không hài lòng trong công việc không? Vấn đề gì đang được các nhân viên nhắc đến? Bắt chuyện với các nhân viên và hỏi họ về công việc họ đang thực hiện, tạo cảm giác rằng sếp luôn quan sát công việc của từng người. Luôn sẵn sàng giải đáp mọi thắc mắc, câu hỏi từ phía nhân viên và đối xử với họ không cứng nhắc như giữa một người sếp và một nhân viên.
Nhận ra mâu thuẫn càng sớm càng tốt: Nói chuyện với nhân viên là cách nhanh nhất để sớm tìm ra vấn đề gì đang diễn ra trong công ty và tìm cách giải quyết chúng. Ví dụ, nếu mâu thuẫn là vì những công cụ làm việc quá chậm và lạc hậu khiến công việc của các nhân viên trở nên nặng nề thì bạn nên tìm cách áp dụng những công nghệ mới để làm giảm bớt áp lực công việc và đem lại môi trường làm việc thoải mái.
Tìm hiểu xem đâu là nhược điểm của năm trước: Xác định đâu là điểm yếu của công ty. Nguyên nhân có thể là do đội ngũ nhân viên còn yếu kém hoặc do nhân viên chưa cảm thấy thoải mái với cách quản lý và đối xử của sếp. Bạn cần tìm hiểu nhược điểm đó là gì và sau đó có hành động để cải thiện.
Luôn có nhân viên “sát cánh” cùng những thay đổi của công ty: Trước khi thực hiện bất cứ thay đổi gì bạn nên làm cuộc khảo sát trong số nhân viên về ý kiến và cách nhìn nhận của họ về sự thay đổi đó. Phải đảm bảo rằng họ cảm thấy mỗi sự thay đổi là bước tiến bộ của công ty và họ là một phần tạo nên những tiến bộ đó.
Trân trọng những nhân viên giỏi: Mọi người đều thích được nhận lời khen khi họ làm tốt công việc nào đó. Họ cảm thấy sự nỗ lực và thành quả của công việc đã được ghi nhận. Ngoài ra, bạn nên có những chế độ thưởng cho những nhân viên có thành tích tốt để chứng tỏ người tài luôn được đánh giá cao và đãi ngộ xứng đáng.
Tổ chức liên hoan cho nhân viên: Đôi khi công ty nên tổ chức ra một buổi liên hoan không vì dịp gì, chỉ là để mọi người có thời gian làm quen lẫn nhau và giảm căng thẳng sau giờ làm việc. Bạn có thể tổ chức một bữa ăn nhẹ trong công ty hoặc ở bên ngoài. Điều này sẽ làm nhân viên cảm thấy thoải mái và tận tâm với công việc hơn.