Truyền động lực có hay đến mấy thì thực tế cuộc sống luôn phũ phàng, “có thực mới vực được đạo” muốn quân của mình mạnh, đi theo mình bền lâu thì phải đảm bảo nồi cơm cho họ rồi mới xem chuyện vĩ mô, tính chuyện đường dài được.
Phần đa đi làm trước vì đồng tiền nhưng sâu xa đằng sau là trách nhiệm của họ
Ai nói đi làm không vì đồng tiền có khi là nói xạo đấy. Đồng tiền đi liền khúc ruột mà, cuộc sống vợ chồng êm ái, con cái đi học khỏe mạnh, bố mẹ được chăm sóc chu đáo, bạn bè có dịp nhờ vả nể trọng cũng từ đó mà ra. Nói thật chứ bây giờ ai mà không đi làm vì tiền. Tiền ít hay nhiều cũng là để giúp họ trang trải cuộc sống.
Tôi có ông bạn cũng gọi là thuộc giới văn nghệ sĩ. Hồi xưa gã học ở trường Đại học Mỹ Thuật tài hoa nổi tiếng nhất khóa. Gã dị và các tác phẩm của gã cũng vậy người bình thường nhìn vào khó mà cảm được. Dù được giới phê bình nghệ thuật đánh giá khá cao nhưng hầu hết các tác phẩm nó không giúp gã kiếm ra tiền . Trang trải kinh tế chính vẫn là bà vợ đang có sạp vải ở chợ Đồng Xuân, sống khá chật vật. Cơm áo gạo tiền khiến chất nghệ sĩ phần nhiều chẳng còn bay bổng, có chăng là sự bất lực. Có lần tôi nói đùa với ông bạn rằng: “Tao mù hội họa nên chả hiểu gì, mà nói vui chứ chắc chỉ khi mày chết đi tác phẩm đồ sộ của mày mới bắt đầu kiếm ra tiền, dân tình khi đó mới sáng mắt ra mà lùng mua từng bức tranh của mày”. Nghe xong gã cười nhạt mà thấy buồn hơn, cơm áo gạo tiền nó cùm lấy tay chân, khóa cái não bộ có muốn sáng tạo cũng chẳng được. Nhiều lúc gã muốn chơi lớn mở triển lãm tranh, biết đâu bán được giá rồi không có vốn lại sợ vỡ trận, đó tới giờ chỉ chứ chưa thành hiện thực.
Chuyện của ông bạn tôi là minh chứng để thấy tiền quan trọng thế nào. Thứ đẹp đẽ như nghệ thuật cũng hết đường bay bổng nếu không có nền tảng kinh tế. Nghệ sĩ bây giờ muốn làm MV cũng cần có tiền tỷ, chấp nhận cho quảng cáo vào sản phẩm cũng vì muốn có nguồn tài trợ vững bền.
Nghệ sĩ còn thế, người bình thường càng nhìn tiền dưới góc độ thực tế hơn. Đằng sau những khoản tiền lương là hàng sa số những khoản mục cần chi tiêu trọng tháng: Tiền thuê nhà, tiền cho con đi học, tiền mua sữa, tiền khám bệnh con ốm, tiền gửi ông bà nội ngoại, tiền đi chợ, đám hỉ đám hiếu…còn bao nhiêu thứ tiền cho dự định lớn như mua nhà mong an cư lập nghiệp. Đằng sau những trăn trở về tiền lương chính là trách nhiệm của những người lao động chính, làm trụ cột gia đình.
Truyền động lực có hay đến mấy thì cũng phải lo cho cái bụng trước đã.
Thực ra nếu nhân viên của bạn nhảy việc đi làm cho thằng khác lương cao hơn đôi khi cũng không trách họ được. Môi trường làm việc có thể tốt nhưng theo kinh nghiệm tuyển dụng của tôi, thứ ưu tiên hàng đầu của ứng viên luôn là lương thưởng và chế độ đãi ngộ. Con người sẽ đặt lợi ích của mình lên đầu, nó là thứ nuôi sống họ và gia đình sao có thể xem nhẹ.
Nói thật chứ dù văn hóa công ty có hay đến mấy, môi trường làm việc có thân thiện và dễ chịu đến mấy mà lương thấp thì anh em cũng khó trụ. Muốn truyền động lực cho nhân viên thì phải chăm lo cho cái bụng của họ trước đã. Anh em làm doanh nghiệp lúc nào cũng đau đáu về vấn đề này, quân của mình sống tốt sống khỏe, có đồng lương ấm sẽ chẳng bao giờ lo giữ người tài, sợ staff cứng nhảy việc. Lương cao đồng nghĩa dòng tiền tài chính doanh nghiệp khỏe mạnh, công ty đang đi lên chứ không phải sống cầm chừng thoi thóp.
Tôi còn nhớ vụ bán độ đầy tai tiếng và nhơ nhớp của thần đồng bóng đá Văn Quyến nổi danh một thời. Sự việc vỡ lở, người hâm mộ thất vọng buồn bã nhưng nếu đứng ở góc nhìn khác có thể chúng ta sẽ thông cảm cho huyền thoại bóng đá này. Tôi không nói ra đây để bao biện cho lầm lỗi nhưng giá mà lúc ấy đời sống của anh em cầu thủ tốt hơn, đỡ thiếu thốn hơn biết đâu tiêu cực sẽ không xảy ra như chúng ta chứng kiến gần 15 năm trước. Tôi biết nhiều danh thủ đấy nhưng rất nghèo, nếu không có nghề tay trái có khi không theo được nghiệp quần đùi áo số. Thật sai trái nhưng vẫn có chuyện “túng quá làm liều” là vậy.
Mình có thể đói nhưng quân của mình phải no vậy mới có sức chiến đấu
Không biết các anh chị em doanh chủ thế nào chứ tôi cực nhạy cảm với tâm trạng nhân viên của mình. Hôm nào thấy các em hơi buồn một tí, giọng hơi xìu một tí là mình cũng buồn hiu còn hơn ngày xưa bị người yêu bỏ. Vấn đề của nhân viên, cuộc sống của họ luôn là thứ ám ảnh và mối quan tâm hàng đầu của tôi. Tôi tự nhận mình là một kẻ điên, luôn nuôi dưỡng những “ước mơ điên rồ”, muốn vươn ra biển lớn, muốn chạm tới những cái vĩ mô, to lớn nhưng luôn tâm niệm muốn đi nhanh và đi xa thế nào thì trước tiên phải đảm bảo cho nhân viên của mình ấm no đã, bản thân có thể đói nhưng quân của mình phải được ấm bụng như vậy mới có sức cùng mình chiến đấu được.
Nói hay đến mấy thì cuộc sống luôn thực tế một cách phũ phàng, “có thực mới vực được đạo” muốn quân của mình mạnh, đi theo mình bền lâu thì phải đảm bảo nồi cơm cho họ rồi mới xem chuyện vĩ mô, tính chuyện đường dài được.
Nguồn: Mr.Why Phạm Ngọc Anh