Những con số cho thấy “cơn bão” hàng Thái đang đổ bộ vào Việt Nam mạnh như thế nào

Theo Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội – Vũ Vinh Phú, hàng Thái Lan không chỉ đang trên đường tới Việt Nam hay trong cửa hàng, siêu thị mà đã chiếm tới tận các gia đình Việt. Hàng Thái đã thống trị thị trường Việt Nam từ con gà, đôi dép cho đến nồi cơm điện, ô tô.

Những con số cho thấy “cơn bão” hàng Thái đang đổ bộ vào Việt Nam mạnh như thế nào

Mới đây, “cá mập” Central Group – một tập đoàn đến từ Thái Lan đã thâu tóm Big C Việt Nam.

Qua những con số dưới đây có thể thấy Việt Nam đã “ngập” trong hàng Thái:

Việt Nam chi 8,2 tỷ USD (khoảng 180 nghìn tỷ) mua từ đôi dép đến ô tô Thái

Theo Thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong 6 năm qua (2009-2015), kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Thái Lan đã tăng gần gấp đôi; từ mức 4,5 tỷ USD năm 2009 lên tới 8,2 tỷ USD năm 2015.

Trong đó, nhập khẩu xăng dầu từ Thái Lan đã tăng 2 lần, từ mức 590 triệu USD lên gần 1,16 tỷ USD (từ năm 2010 đến 2015).

Những sản phẩm tiêu dùng cũng là nhóm nhập khẩu tăng cao là máy vi tính, giấy và sản phẩm điện tử…

Kim ngạch nhập khẩu rau quả Thái tăng 350%

Thế nhưng, đáng quan tâm hơn khi những sản phẩm vốn là thế mạnh của Việt Nam là rau quả vẫn có kim ngạch nhập khẩu tăng trên 350%. Đó là chưa kể hàng nông sản, thủy sản, sữa, gỗ, cao su Thái Lan đã vươn lên dẫn đầu trong sản xuất Việt Nam.

Ngoài ra, Việt Nam còn tăng cường nhập các loại dầu mỏ, sắt thép, kim loại quý, hoá chất, vải, và nhiều loại máy móc, hàng điện gia dụng, dược phẩm… của thị trường này.

Thái Lan là nước xuất khẩu nhiều xe nhất vào Việt Nam

Không chỉ quả na, con gà, giấy viết mà ôtô Thái Lan cũng đang chiếm lĩnh thị trường Việt.

Chỉ tính riêng năm 2015, Việt Nam đã nhập 25.136 ôtô từ Thái Lan. Nếu tính cả phụ tùng ôtô, người Việt đã chi hơn 1 tỷ USD nhập khẩu mặt hàng này từ Thái Lan.

Riêng quý I/2016, Việt Nam nhập19.700 ôtô từ các thị trường, trong đó Thái Lan chiếm 2,5 lần là 7.814 xe; tăng 64,5% so với cùng kỳ.

Đây là bước phát triển vượt bậc của xe Thái Lan vì kết thúc 2015, Thái Lan chỉ đứng thứ 4 sau Trung Quốc, Hàn Quốc và Ấn Độ về lượng xe xuất khẩu vào Việt Nam.

Việt Nam là quốc gia nhập khẩu lớn thứ 7 của Thái Lan

Theo Bộ Thương mại Thái Lan, doanh thu thương mại song phương của Thái Lan và Việt Nam đã đạt 439 triệu USD vào năm 2013 và kỳ vọng sẽ nâng lên 15 tỷ USD năm 2020.

Cũng theo thống kê, Việt Nam là quốc gia nhập khẩu lớn thứ 7 của Thái Lan trong khi Thái Lan là nhà đầu tư ASEAN lớn thứ mười tại Việt Nam với hơn 300 dự án đang thực hiện.

Các thương vụ M&A của “hàm cá mập” Thái Lan

– Năm 2012, Tập đoàn Berli Jucker (BJC) – của tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi Thái Lan đã rót 1 tỷ Bath (656 tỷ đồng) cùng với Tập đoàn Mongko mở siêu thị phân phối hàng Thái vào thị trường Việt Nam và ba nước Đông dương (Lào, Campuchia).

– Đầu năm 2013, Tập đoàn này đã mua đứt hệ thống cửa hàng bán lẻ hợp tác giữa tập đoàn Phú Thái (Việt Nam) và đối tác của Nhật là Family Mart (nay là B’ Mart).

– Tháng 8/2014, BJC đã chi 655 triệu Euro (gần 879 triệu USD) mua lại hệ thống 19 siêu thị Metro Cash & Carry Việt Nam, mảng hoạt động chính của tập đoàn Metro tại Việt Nam.

– Một tháng sau (9/2014), tỷ phú người Thái quyết định chi thêm khoảng 1 tỷ Bath (tương đương 650 tỷ đồng) từ nay đến năm 2018 nhằm mở rộng hơn 205 siêu thị bán lẻ của B’ Mart tại Việt Nam. B’ Mart cũng thay đổi cách thức cung ứng khi có đến 60% hàng hóa Thái đã có mặt tại các hệ thống thay vì hàng Việt hoặc hàng Nhật như trước kia.

– Tháng 1/2015, Power Buy – đơn vị thuộc Tập đoàn Central Group của tỷ phú Thái Lan Chirathivat đã mua 49% cổ phần của điện máy Nguyễn Kim. Đại gia này chính là chủ của chuỗi siêu thị Robins tại Việt Nam với mục tiêu phân phối hàng Thái tại Hà Nội và TP HCM.

– Mới đây, “cá mập” Central Group – một tập đoàn đến từ Thái Lan đã thâu tóm Big C Việt Nam (của Casino Group – Pháp) với giá 1,04 tỷ USD – tương ứng 23.300 tỷ đồng.

Hoàn tất thương vụ này, người Thái đã có trong tay 4 chuỗi siêu thị thuộc bậc lớn nhất tại Việt Nam.

Thiên Minh

Theo Trí Thức Trẻ

Để lại một bình luận