Trong 14 lĩnh vực được nhà đầu tư ngoại quan tâm, công nghiệp chế biến, chế tạo; kinh doanh bất động sản ; bán buôn bán lẻ sửa chữa là những lĩnh vực thuộc diện “hot’ hơn cả.
Theo số liệu từ Cục đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), tính đến ngày 20/5 cả nước có 592 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là 2,95 tỷ USD, bằng 80,6% so với cùng kỳ năm 2014. Có 210 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 1,34 tỷ USD, bằng 72,9% so với cùng kỳ năm 2014. Như vậy,
tính chung trong 5 tháng đầu năm 2015, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 4,29 tỷ USD, bằng 78% so với cùng kỳ năm 2014.
Về lĩnh vực đầu tư, trong 5 tháng đầu năm 2015 các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 14 ngành lĩnh vực. Trong đó, lĩnh vực Công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài, với 269 dự án đầu tư đăng ký mới và 142 lượt dự án tăng vốn, với tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 3,15 tỷ USD, chiếm 73,4% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Đứng ở vị trí thứ 2 là lĩnh vực kinh doanh bất động sản, với 10 dự án đăng ký mới và 7 lượt dự án tăng vốn. Tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 461,5 triệu USD, chiếm 10,7% tổng vốn đầu tư.
Lĩnh vực bán buôn bán lẻ sửa chữa đã đứng thứ 3 trong Top thu hút đầu tư nước ngoài ở 5 tháng đầu năm 2015, với 92 dự án đầu tư mới và 19 lượt dự án tăng vốn, tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 234,12 triệu USD.
Cũng theo cơ quan này, trong 5 tháng đầu năm 2015, đã có 47 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Theo đó, Hàn Quốc dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,1 tỷ USD, chiếm 25,7% tổng vốn đầu tư tại Việt Nam.
BritishVirginIslands đứng vị trí thứ 2 với số vốn là 663,24 triệu USD chiếm 15,4% tổng vốn đầu tư, Thổ Nhĩ Kỳ đứng vị trí thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 660,2 triệu USD, chiếm 15,3% tổng vốn đầu tư; Nhật Bản đứng vị trí thứ 4 với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 431,7 triệu USD, chiếm 10% tổng vốn đầu tư.
Trong 5 tháng đầu năm 2015 nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 40 tỉnh thành phố, trong đó TP.HCM là địa phương thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất, với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 983,5 triệu USD, chiếm 22,9% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đồng Nai đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 948,7 triệu USD, chiếm 21,1%. Hải Phòng đứng thứ 3 với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm 319,3 triệu USD, chiếm 7,4%.
Xét theo vùng thì Đông Nam Bộ là vùng thu hút được nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm đạt 2,29 tỷ USD, chiếm 53,3% tổng vốn đầu tư đăng ký của cả nước. Đứng thứ 2 là vùng Đồng bằng Sông Hồng với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm đạt 1,24 tỷ USD, chiếm 29,1% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tây Nguyên là vùng thu hút đầu tư nước ngoài ít nhất cả nước trong 5 tháng, cả vùng chỉ thu hút được 17,43 triệu USD chiếm 0,4% tổng vốn đầu tư đang ký của cả nước.
Cũng theo Cục đầu tư nước ngoài, trong 5 tháng đầu năm 2015, nhiều dự án lớn đã được cấp phép đầu tư. Trong đó có thể kể đến dự án Công ty TNHH Hyosung Đồng Nai, tổng vốn đầu tư 660 triệu USD do nhà đầu tư Thổ Nhĩ Kỳ đầu tư tại Khu công nghiệp Đồng Nai với mục tiêu sản xuất và gia công các loại sợi.
Dự án Công ty TNHH Worldon (Việt Nam), tổng vốn đầu tư 300 triệu USD do nhà đầu tư BritishVirginIslands đầu tư tại TP.HCM, với mục tiêu sản xuất sản phẩm may mặc cao cấp. Dự án Cty TNHH MTV điện gió Trà Vinh 1 tại Trà Vinh đầu tư trong lĩnh sản xuất điện từ năng lượng gió cung cấp điện vào lưới điện quốc gia, do nhà đầu tư Hàn Quốc dự án được đầu tư với số vốn là 120 triệu USD.
Ngoài ra, còn có dự án Công ty TNHH KMW Việt Nam tổng vốn đầu tư 100 triệu USD, do nhà đầu tư Hàn Quốc tại tỉnh Hà Nam với mục tiêu sản xuất sản xuất thiết bị viễn thông sử dụng vô tuyến điện, thiết bị đèn LED chiếu sáng.
Nguồn KeHoachViet tổng hợp.