Quy hoạch các vùng nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Ninh Thuận

Quy hoạch các vùng nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Ninh Thuận

Phát triển nền sản xuất nông nghiệp (hiểu theo nghĩa rộng bao gồm cả nông, lâm nghiệp và thủy sản) công nghệ cao (bao hàm cả kỹ thuật cao và công nghệ mới) là xu hướng tất yếu và là nội dung quan trọng của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế, trong đó việc xây dựng các khu nông nghiệp công nghệ cao làm hạt nhân, tạo bước đột phá nhằm nâng cao sức canh tranh của nông sản hàng hóa trong quá trình hội nhập quốc tế là bước đi quan trọng của tất cả các quốc gia trên thế giới.

Đối với nước ta, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Hiện nay nhiều địa phương đã xây dựng và triển khai thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt là các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh như Hà Tây, Lâm Đồng đã tiến hành triển khai đầu tư xây dựng các khu nông nghiệp công nghệ cao với những hình thức, quy mô và kết quả hoạt động đạt được ở nhiều mức độ khác nhau.

Đối với tỉnh Ninh Thuận, nhằm đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn, một trong những nhiệm vụ trọng tâm đã được xác định là tiến hành quy hoạch phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, hướng mạnh vào sản xuất các sản phẩm có lợi thế của tỉnh là yêu cầu cấp thiết.

Ngoài những lợi thế của các đối tượng cây trồng, vật nuôi và thủy sản của tỉnh Ninh Thuận. Thực hiện Quyết định số 176/QĐ-TTg ngày 29/01/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020 và Văn bản số 735/BNN-VP ngày 20 tháng 3 năm 2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc Quy hoạch Khu nông nghiệp công nghệ cao và Vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đến năm 2020 mỗi vùng sinh thái có ít nhất từ 1 – 3 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và mỗi tỉnh, thành phố chọn 2- 3 sản phẩm chủ lực, hình thành được vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Vì vậy, việc Quy hoạch các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020 là xu hướng tất yếu để phát triển sản xuất nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong quá trình Hội nhập kinh tế Quốc tế.

Lập dự án Á Châu tự hào là nhà tư vấn lập quy hoạch cho tỉnh Ninh Thuận.

I. Quan điểm, phương hướng và mục tiêu quy hoạch.

I.1. Quan điểm phát triển.

Việc quy hoạch các vùng nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020 phải quán triệt các quan điểm sau:

  • Phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phải phù hợp với Đề án, Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuộc Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020, quy hoạch tổng thể phát triển ngành nông – lâm – thủy sản của tỉnh, các quy hoạch ngành, lĩnh vực và gắn với bảo vệ môi trường sinh thái bền vững.
  • Phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao phải trên cơ sở đổi mới tư duy, tiếp cận thị trường, kết hợp ứng dụng nhanh các thành tựu khoa học, công nghệ, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đất, nước, nhân lực được đào tạo, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái, để khai thác có hiệu quả lợi thế và điều kiện tự nhiên của tỉnh.
  • Phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao phải gắn kết chặt chẽ với công nghiệp bảo quản, chế biến và thị trường tiêu thụ, tiếp tục hình thành các vùng sản xuất tập trung, mang tính hàng hoá cao.
  • Phát triển sản xuất nghiệp công nghệ cao phải gắn với chuyển đổi cơ cấu lao động trong nông nghiệp, nông thôn, điều chỉnh dân cư, cùng với nguồn nhân lực được đào tạo, đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.
  • Phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao phải có hệ thống chính sách đảm bảo huy động cao các nguồn lực xã hội, trước hết là đất đai, lao động, kêu gọi các doanh nghiệp lớn, đặc biệt là doanh nghiệp FDI (làm đầu tàu) đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, nhằm phát huy sức mạnh hội nhập quốc tế và sự hỗ trợ của nhà nước.
  • Xem nông nghiệp công nghệ cao là bước đột phá trong quá trình phát triển ngành nông nghiệp của tỉnh nhà.
  • Nhà nước tạo môi trường thuận lợi cho ngành nông nghiệp công nghệ cao phát triển ổn định và bền vững với cơ chế chính sách phù hợp để khuyến khích mọi thành phần kinh tế đầu tư cho nghiên cứu khoa học kỹ thuật, sản xuất giống chất lượng cao, xây dựng cơ sở chế biến sản phẩm, sản xuất các sản phẩm phụ trợ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, tăng cường hệ thống quản lý nhà nước và hệ thống giám sát sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm an toàn để các văn bản pháp luật và chính sách được thực thi một cách hiệu lực và hiệu quả cao.
  • Nông dân đóng vai trò quan trọng trong việc nhận thức về sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh. Cần phải có mối liên kết chặt chẽ hơn nữa giữa các nhà: khoa học – doanh nghiệp – tài chính trong xu thế phát triển nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh.

I.2. Mục tiêu và phương hướng phát triển.

  1. Mục tiêu chung.

Góp phần xây dựng nền nông nghiệp tỉnh Ninh Thuận phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hoá lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao đối với trước mắt và lâu dài.

  1. Mục tiêu cụ thể:

Giai đoạn 2012 – 2015:

  • Bước đầu thử nghiệm, ứng dụng một số công nghệ cao mới trong nông nghiệp; tiếp cận và làm chủ một số công nghệ cao trong nông nghiệp có thể ứng dụng vào điều kiện cụ thể của Ninh Thuận; góp phần đưa trình độ công nghệ ứng dụng trong nông nghiệp của Ninh Thuận ngang bằng trình độ trung bình của cả nước;
  • Từng bước xây dựng và hình thành nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trọng tâm là vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đến năm 2015, hình thành 6 vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, với tổng diện tích sử dụng đất là 770 ha;
  • Từng bước sản xuất một số sản phẩm nông nghiệp hàng hoá ứng dụng công nghệ cao, có năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng cao; đưa tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm 10 – 15% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

Giai đoạn 2016 – 2020:

  • Tăng cường ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, trọng tâm là ứng dụng công nghệ cao mới trong nông nghiệp; góp phần đưa trình độ công nghệ nông nghiệp của tỉnh ngang bằng trình độ khá của cả nước. Đến năm 2020, ứng dụng các giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất
  • Đẩy mạnh phát triển toàn diện nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bao gồm hệ thống các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đến năm 2020, hình thành 19 vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, với tổng diện tích sử dụng đất là 2.190 ha.
  • Phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao nhằm nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh, hiệu quả và tính bền vững của nền nông nghiệp. Giá trị sản lượng trên 1ha đất sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đến năm 2020 trung bình phải đạt từ 100 triệu đồng trở lên.

Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng trên diện rộng công nghệ cao trong nông nghiệp để sản xuất các sản phẩm hàng hoá có năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh cao; đưa tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm 20 – 25% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

II. Tổ chức thực hiện quy hoạch.

Để quy hoạch vùng nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020 triển khai tốt theo các mục tiêu đề ra, khâu tổ chức thực hiện hết sức quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến sự thành công của quy hoạch. Đặc biệt, phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao không chỉ là công việc riêng của ngành Nông nghiệp, mà còn liên quan đến nhiều ngành (thương mại, y tế, tài nguyên – môi trường,…) nên việc triển khai thực hiện phải có sự phối hợp đồng bộ mới đạt được hiệu quả.

Để lại một bình luận