Quy hoạch ngành công nghiệp chế biến điều tỉnh Bình Phước đến năm 2025

Quy hoạch ngành công nghiệp chế biến điều tỉnh Bình Phước đến năm 2025

Nhân hạt điều xuất khẩu của Việt Nam ngày càng có vị thế cao trên thị trường Quốc tế về năng lực xuất khẩu. Tuy nhiên, cây điều mới chỉ được sử dụng một phần sản phẩm là hạt điều, còn một phần thu nhập đáng kể nữa từ quả, từ gỗ cây điều hiện tại đang bị bỏ ngỏ; chất lượng sản phẩm chưa ổn định.

Công nghiệp chế biến hạt điều trong tỉnh có mức gia tăng rất cao cả về số lượng cơ sở và công suất thiết kế. Nếu như năm 2002 chỉ có 33 cơ sở với tổng công suất: 25.230 tấn/năm, đến năm 2008 đã tăng lên 446 cơ sở với tổng công suất khoảng: 136.960 tấn/năm; đánh dấu việc hình thành một ngành công nghiệp chế biến nông sản mới ở tỉnh.

Theo Báo cáo “Phát triển công nghiệp chế biến nông – lâm sản trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp – nông thôn” của Cục Chế biến Nông – Lâm sản và Nghề muối, đánh giá về dây chuyền thiết bị – công nghệ chế biến điều ở nước ta như sau:

Chế biến điều nước ta ngoài 2 khâu cắt tách vỏ cứng và bóc vỏ lụa đang còn thủ công, các khâu khác đã áp dụng cơ khí; tuy nhiên mức độ hiện đại của tất cả các khâu còn hạn chế. Vì vậy, tổng quát mà nói thiết bị – công nghệ chế biến điều nước ta hiện nay vẫn là thủ công – lạc hậu”. Song, với công nghệ và thiết bị chế biến hiện nay có ưu điểm:

  • Tỷ lệ thu hồi nhân nguyên cao (đạt 85 – 90%), trong khi áp dụng cơ giới như Brazin, Ấn Độ, tỷ lệ nhân nguyên chỉ 60%.
  • Đầu tư thấp, nhanh thu hồi vốn.
  • Tạo được nhiều việc làm cho lao động phổ thông.

Công nghệ xử lý hạt điều: 80% cơ sở chế biến hạt điều sử dụng công nghệ xử lý hạt bằng chao dầu, chỉ có 20% cơ sở xử lý hạt bằng công nghệ xông hơi nước bão hòa. Công nghệ chao dầu có chi phí thấp song ô nhiễm môi trường.

Công nghiệp chế biến điều cũng còn không ít tồn tại và khó khăn, đó là:

  • Các cơ sở chế biến điều hình thành tự phát, vượt ra ngoài tầm kiểm soát của ngành, Hiệp hội và địa phương, nhất là chưa có quy hoạch.
  • Phần lớn các cơ sở chế biến điều hình thành từ sau năm 2000 có công suất nhỏ, thiết bị – công nghệ lạc hậu.
  • Công nghiệp chế biến điều còn là một đối tượng gây ô nhiễm môi trường.
  • Chế biến hạt điều xuất khẩu lạm dụng lao động, chi phí lao động chiếm tỷ lệ khá cao trong giá thành, đã làm giảm lợi nhuận cũng như sức cạnh tranh của sản phẩm điều qua chế biến xuất khẩu.
  • Do nhu cầu nguyên liệu trong tỉnh dồi dào nhưng nhiều địa phương lân cận chỉ tự sản xuất được khoảng 30% (Đồng Nai, Bình Dương …) hạt điều nguyên liệu cho chế biến nên dẫn đến tình trạng tranh mua – tranh bán, gian lận thương mại, làm giảm uy tín thương hiệu điều của Việt Nam nói chung và điều của tỉnh Bình Phước nói riêng.

Nguyên nhân chính của các tồn tại trên là chưa có thống nhất trong quản lý ngành công nghiệp chế biến điều, dẫn đến chưa có định hướng chỉ đạo thống nhất của các cơ quan quản lý nhà nước. Chủ cơ sở chế biến điều thiếu thông tin và năng lực điều hành còn hạn chế.

Chính vì vậy, để hạn chế và giảm thiểu những yếu kém trên để phát triển ngành chế biến điều một cách bền vững thì việc Quy hoạch ngành công nghiệp chế biến điều  của tỉnh là hết sức cần thiết và cấp bách trong thời kỳ hội nhập nền kinh tế quốc tế như hiện nay. Tự hào là nhà tư vấn lập dự án Quy hoạch – Lập dự án Á Châu.

I. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN.

  • Phát triển ngành công nghiệp chế biến điều phải phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội cũng nh­ư các quy hoạch đã đư­ợc Chính Phủ và Tỉnh phê duyệt.
  • Phát triển ngành công nghiệp chế biến điều đư­ợc coi là giải pháp quan trọng để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn theo h­ướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ. Tạo thêm việc làm tại chỗ theo ph­ương châm “ly nông bất ly h­ương”. Đồng thời phải gắn với việc hình thành và phát triển các khu công nghiệp, cụm TTCN và các trung tâm thư­ơng mại đầu mối ở khu vực để tiêu thụ sản phẩm cho thị trư­ờng trong nư­ớc và xuất khẩu.
  • Ưu tiên phát triển và xây dựng hình ảnh của sản phẩm điều đối với thị trường trong nước và trên thế giới.
  • Phát triển ngành công nghiệp chế biến điều phải kết hợp hài hoà nhiều quy mô, nhiều loại hình tổ chức và sở hữu. Nhưng phải đảm bảo hoạt động mang tính hiệu quả cao, chế biến điều đư­ợc coi là sự nghiệp của quần chúng.
  • Huy động mọi nguồn lực trong dân, đồng thời phải tranh thủ đ­ược sự hỗ trợ thích đáng của Nhà n­ước và các tổ chức Quốc tế,… để phát triển ngành điều thành một ngành sản xuất hàng hóa thực sự

II. MỤC TIÊU.

  • Mục tiêu chung.
    • Đánh giá thực trạng diễn biến hoạt động ngành công nghiệp chế biến điều trên phạm vi toàn tỉnh.
    • Xác định nguyên nhân khó khăn, tồn tại phát triển ngành công nghiệp chế biến điều từ năm 2000 – 2008 về nhận thức của người sản xuất, người tiêu dùng làm cơ sở cho các giải pháp phát triển của ngành công nghiệp chế biến điều.
    • Xây dựng quy hoạch tổng thể và định hướng phát triển ngành công nghiệp chế biến điều trên phạm vi toàn tỉnh giai đoạn 2010 – 2015 và tầm nhìn 2025 nhằm khai thác tối đa vùng nguyên liệu sẵn có, góp phần phát triển bền vững vùng nguyên liệu, không ngừng nâng cao thu nhập cho người sản xuất, tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, nâng cao vị trí ngành điều Bình Phước trên thị trường.
    • Xây dựng 2 – 3 phương án quy hoạch phát triển ngành công nghiệp chế biến điều giai đoạn 2010 – 2015 và tầm nhìn 2025 có cơ sở khoa học mang tính khả thi cao, đề xuất các giải pháp tăng cường quản lý của nhà nước về công nghiệp chế biến điều.
    • Phát triển công nghiệp chế biến phải hài hòa giữa phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ môi trường.
  • Mục tiêu cụ thể.
Số TT CHỈ TIÊU ĐVT Chỉ tiêu 2010 Chỉ tiêu 2015 Định hướng 2025
I Công suất thiết kế        
1 Chế biến hạt điều Tấn/năm 130.100 130.100 130.100
2 Chế biến dầu vỏ hạt điều Tấn/năm 2.654 6.635 13.270
3 Chế biến sau nhân điều  (Nhân điều rang muối, kẹo, bánh,…) Tấn SP/năm 5.724 11.449 15.742
II  Số lượng sản phẩm chế biến        
1 Nhân điều Tấn/năm 28.622 28.622 28.622
Nhân điều thô xuất khẩu Tấn/năm 22.898 17.173 12.880
Nhân điều chế biến thành thực phẩm Tấn/năm 5.724 11.449 15.742
 Trong đó : Xuất khẩu Tấn/năm 5.324 9.960 12.594
2 Dầu vỏ hạt điều Tấn/năm 2.654 6.635 13.270
III Giá trị sản xuất (theo giá so sánh) Tỷ đồng 2.496 3.680 4.584
1 Nhân điều thô xuất khẩu Tỷ đồng 1.053 790 592
2 Chế biến sau nhân điều  (Nhân điều rang muối, kẹo, bánh,…) Tỷ đồng 1.431 2.862 3.936
3 Dầu vỏ hạt điều Tỷ đồng 11 28 56
IV Kim ngạch xuất khẩu Triệu USD 246 312 393
1 Nhân điều thô xuất khẩu Triệu USD 106 72 59
2 Nhân điều chế biến thành thực phẩm Triệu USD 139 237 328
3 Dầu vỏ hạt điều Triệu USD 1,2 3,0 6,0

III. Tổ chức thực hiện.

Để quy hoạch ngành công nghiệp chế biến điều tỉnh Bình Phước triển khai tốt theo các mục tiêu đề ra, khâu tổ chức thực hiện hết sức quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến sự thành công của quy hoạch. Đặc biệt, phát triển ngành công nghiệp chế biến điều không chỉ là công việc riêng của ngành Công nghiệp, mà còn liên quan đến nhiều ngành (Nông nghiệp, tài nguyên – môi trường,…) nên việc triển khai thực hiện phải có sự phối hợp đồng bộ mới đạt được hiệu quả. Cơ quan tư vấn xin đề nghị như sau:

  • UBND tỉnh: Đã Ban hành Quyết định số: 47/2009/QĐ-UBND về Các điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn vệ sinh lao động và môi trường đối với các cơ sở gia công, chế biến hạt Điều trên địa bàn tỉnh Bình Phước, nhưng UBND tỉnh cần xem xét ban hành tiếp văn bản quy định, cụ thể hóa các chính sách để thực hiện về sản xuất điều, điều kiện buôn bán tiêu thụ sản phẩm.
  • Ban Chỉ đạo thực hiện quy hoạch ngành công nghiệp chế biến điều: Thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện quy hoạch ngành điều. Sở Công Thương làm chủ quản, kết hợp với Sở Nông nghiệp & PTNT, Sở Kế hoạch – Đầu tư, Sở Tài nguyên – Môi trường, Sở Tài chính, Sở Khoa học – Công nghệ, cùng các phó chủ tịch các huyện – thị là thành viên. Mặt khác, giao nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên theo chức năng chuyên ngành. Giám sát và đôn đốc các ngành có liên quan cùng tham gia thực hiện quy hoạch ngành công nghiệp chế biến điều. Báo cáo kịp thời tiến độ thực hiện để UBND tỉnh ra quyết định điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với hoàn cảnh thực tế.

1. Sở Công Thương.

Công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng kết quả nghiên cứu dự án “Quy hoạch ngành công nghiệp chế biến điều tỉnh Bình Phước, giai đoạn 2010 – 2015 và định hướng đến năm 2025” sau khi có ý kiến thẩm định của các cơ quan chức năng và được Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt:

Sở Công Thương chủ trì phối hợp với các Sở, ban ngành, Viện dự thảo đề xuất các chính sách mới (chính sách tín dụng, thuế, khoa học – công nghệ, xúc tiến thương mại,…) phát triển ngành công nghiệp chế biến điều đến năm 2025 để Giám đốc Sở trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.

Tổ chức chọn đấu thầu các chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học và tổ chức Hội đồng nghiệm thu các chương trình, đề tài, dự án.

Trên cơ sở quy hoạch được duyệt, Trung tâm Khuyến công tỉnh phối hợp với phòng Quản lý Công nghiệp lập kế hoạch xây dựng các mô hình trình diễn và tổ chức các lớp huấn luyện chuyển giao kỹ thuật đối với chế biến điều.

Phối hợp với Sở Khoa học – Công nghệ, công bố các kết quả nghiên cứu khoa học và giải pháp công nghệ trong lĩnh vực chế biến điều, tăng cường hoạt động khuyến công để đẩy nhanh việc đổi mới thiết bị, công nghệ trong chế biến điều theo hướng hiện đại, đa dạng hóa sản phẩm nhân điều, sau nhân điều và sản phẩm từ quả điều, gỗ điều,…

Sở Công Thương phối hợp với Sở Kế hoạch & Đầu tư và Bộ Công thương cùng các cơ quan trực thuộc Sở bố trí kinh phí hỗ trợ xúc tiến thương mại, xây dựng hệ thống thông tin, xuất xứ hàng hóa, xây dựng thương hiệu, tổ chức tham quan, học tập, hội chợ triển lãm quảng bá sản phẩm hàng hóa chế biến từ điều. Hướng dẫn Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu điều, địa phương và doanh nghiệp xây dựng chương trình xúc tiến thương mại.

Sở Công Thương chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu điều nghiên cứu xây dựng quỹ bình ổn giá điều.

2. Các Sở, Ngành khác.

  • Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Thực hiện tốt quy hoạch ngành điều tỉnh Bình Phước giai đoạn 2006 – 2020 theo Quyết định phê duyệt số 31/2008/QĐ-UBND, Ngày 08/7/2008 của UBND tỉnh Bình Phước.
  • Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng kế hoạch kêu gọi đầu tư thuộc các dự án sản xuất sản phẩm sau nhân điều, vỏ điều (bột masát, sơn vecni cao cấp cách điện, cách nhiệt,…) và Dự án đầu tư sản xuất ván ép từ gỗ và vỏ điều. Hướng tập trung mở rộng vào các Khu, cụm công nghiệp của tỉnh. Đồng thời phối hợp vớ Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn và Bộ Công thương cùng các cơ quan trực thuộc Sở bố trí kinh phí hỗ trợ xúc tiến thương mại, xây dựng hệ thống thông tin, xuất xứ hàng hóa, xây dựng thương hiệu, tổ chức tham quan, học tập, hội chợ triển lãm quảng bá sản phẩm hàng hóa chế biến từ điều.
  • Sở Khoa học và Công nghệ: Sử dụng nguồn kinh phí Nhà nước trong các nghiên cứu, ứng dụng về công nghệ tiên tiến và vệ sinh an toàn thực phẩm.
  • Sở Tài nguyên và Môi trường: Phối hợp với các ngành liên quan quản lý sử dụng đất, nguồn chất thải gây ô nhiễm môi trường và bảo đảm an toàn môi trường đối với các cơ sở chế biến điều.
  • Sở Tài chính căn cứ vào chức năng nhiệm vụ của mình lập kế hoạch và chỉ đạo triển khai thực hiện cơ chế chính sách mới áp dụng đối với ngành công nghiệp chế biến điều để sớm khắc phục những vướng mắc, khó khăn, phát huy các lợi thế tiếp tục phát triển bền vững trong bối cảnh hội nhập WTO.

3. Nhiệm vụ các địa phương (huyện – thị xã).

Chỉ đạo các bộ phận chức năng của địa phương, các xã (phường, thị trấn) cùng ngành thống kê, lập kế hoạch, điều tra, khảo sát thống nhất các số liệu thống kê về thu mua, chế biến và tiêu thụ điều của địa phương đúng với thực tế theo Luật Thống kê.

Hướng dẫn thực hiện các chính sách phát triển theo chiều sâu cho ngành công nghiệp chế biến điều hoặc đề xuất chính sách mới với UBND tỉnh theo thẩm quyền.

UBND huyện, thị phối hợp với Sở Công Thương Chỉ đạo các Bộ phận, ban ngành của địa phương làm tốt một số nội dung công việc sau, theo thẩm quyền:

  • Không cấp phép cho các hộ chế biến điều có công suất nhỏ và công nghệ lạc hậu, thủ công gây ô nhiễm môi trường.
  • Chỉ đạo bộ phận quản lý thị trường, cơ quan quản lý chất lượng hàng hóa kiểm tra chặt chẽ các cơ sở thu mua hạt điều, tránh tình trạng gian lận thương mại.

Phòng Kinh tế, phòng Công thương các huyện – thị: Phối hợp với cơ quan chuyên ngành của Sở Công thương, Trung tâm khuyến công, Phòng Quản lý công nghiệp triển khai các nội dung quy hoạch trên địa bàn quản lý. Ngoài ra, phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể như: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên . . . để triển khai thực hiện các nội dung quy hoạch được thuận lợi, toàn diện và sâu rộng đến tất cả người dân.

4. Các doanh nghiệp chế biến điều.

Các doanh nghiệp chế biến điều phối kết hợp với chính quyền và ngành công nghiệp địa phương trong việc tổ chức đưa tiến bộ kỹ thuật vào chế biến, xây dựng mối liên kết dựa trên cơ sở xác định rõ nghĩa vụ, trách nhiệm và chia sẻ quyền lợi với người trồng điều dưới sự chỉ đạo, tổ chức sản xuất của địa phương và ngành công nghiệp.

Xây dựng chiến lược sản xuất kinh doanh đến năm 2020, đồng thời lập kế hoạch đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ theo hướng cơ giới hóa, tự động hóa, đa dạng hóa sản phẩm sau nhân điều, v.v…

Các doanh nghiệp tiếp tục hoàn thiện quy trình quản lý chất lượng để sớm được cấp giấy chứng nhận theo tiêu chuẩn  ISO, HACCP, GMP,… cũng như xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu hàng hóa chế biến từ điều.

Các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu điều trong tỉnh, trên cơ sở lợi thế của từng doanh nghiệp, căn cứ vào các công đoạn chế biến điều mà phân công hợp tác liên kết để phát huy thế mạnh của nhau, nhằm giảm chi phí, tăng chất lượng và tăng tính cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa chế biến từ điều.

Chủ động đào tạo nguồn nhân lực về quản lý kinh tế, kỹ thuật, marketing, đưa tin học vào quản lý điều hành sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Tích cực tham gia hoạt động và tự giác thực hiện đúng các tiêu chí của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu điều.

Khuyến khích doanh nghiệp chế biến hạt điều ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với người nông dân theo tinh thần Quyết định số 80/QĐ-TTg.

 

Cần chấp hành việc di dời và giải tỏa khi có yêu cầu của các cấp có thẩm quyền, nâng cấp hoặc xây dựng cơ sở chế biến hợp vệ sinh. an toàn thực phẩm và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

5. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu điều tỉnh.

Củng cố, kiện toàn tổ chức, nâng cao vai trò và hiệu quả các chương trình, kế hoạch hoạt động nhằm mục tiêu số một là nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của từng hội viên và toàn ngành điều, bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng của hội viên theo luật pháp đã ban hành.

Những họat động chính của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu điều từ 2006 đến 2020 là chỉ đạo các hội viên là doanh nghiệp chế biến – xuất khẩu điều hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực thu mua, nhập khẩu hạt điều, thông tin khoa học – công nghệ, dự báo thị trường, xúc tiến thương mại,… nhằm chủ động điều tiết, bình ổn giá thu mua hạt điều và tiêu thụ sản phẩm đã qua chế biến trên thị trường thế giới và trong nước, đảm bảo hài hòa lợi ích của doanh nghiệp, nông dân, người tiêu dùng và Nhà nước.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu điều cần sớm có biện pháp khắc phục các tồn tại, hạn chế đã xảy ra như: thiếu sự đồng thuận giữa các hội viên, ý thức của hội viên chưa chấp hành đúng nghị quyết Hiệp hội, còn có tình trạng tranh mua, tranh bán, gian lận thương mại, dẫn đến khiếu kiện, gây ảnh hưởng đến uy tín và “thương hiệu điều” Bình Phước.

Hiệp hội cần xây dựng quỹ tuyên dương cho doanh nghiệp có thành tích suất sắc trong năm, tạo động lực thi đua sản xuất trong toàn ngành.

6. Ngành Thống kê.

Trong những năm qua, công tác Thống kê đã từng bước được hoàn thiện và phát triển phù hợp với quá trình đổi mới của đất nước. Số liệu thống kê ngày càng phát huy tác dụng là căn cứ quan trọng để đánh giá, phân tích thực trạng và xu hướng phát triển của tình hình kinh tế – xã hội.

Củng cố, kiện toàn tổ chức, nâng cao vai trò và hiệu quả các chương trình, kế hoạch hoạt động. Số liệu thống kê cần đưa ra một cách chính xác, rõ ràng, kịp thời và thống nhất. Đặc biệt đối với ngành công nghiệp chế biến điều, là mặt hàng xuất khẩu nên vấn đề thống kê, dự báo là yếu tố vô cùng quan trọng, giúp ngành công nghiệp chế biến điều tỉnh Bình Phước triển khai quy hoạch, kế hoạch phát triển trong thời gian tới.

Để lại một bình luận