Home / Phát triển doanh nghiệp / Tài Liệu / Quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Bình Dương

Quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Bình Dương

Nội Dung Chính

Quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Bình Dương

Trong lịch sử phát triển kinh tế Việt Nam, ngành nghề nông thôn luôn giữ vai trò không thể thiếu trong việc sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên, giải quyết công ăn việc làm lúc nông nhàn, tạo ra sản phẩm hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, góp phần xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập và hỗ trợ các ngành khác cùng phát triển.
Tỉnh Bình Dương thuộc vùng Đông Nam Bộ (ĐNB), nằm trong vùng Phát triển kinh tế trọng điểm phía Nam (PTKTTĐPN), có tốc độ phát triển công nghiệp và đô thị hoá nhanh; mặc dù mấy năm gần đây, ngành nông nghiệp đã có khá nhiều giải pháp để phát triển như thâm canh, tăng vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi… nhưng vẫn không thể đáp ứng được đòi hỏi tăng thu nhập ở khu vực nông thôn và yêu cầu rút ngắn khoảng cách về thu nhập giữa thành thị và nông thôn… Trong bối cảnh đó, đẩy mạnh phát triển tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn được xem là giải pháp hết sức quan trọng nhằm giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho dân cư nông thôn và phần nào giảm được áp lực tăng dân số cho các đô thị lớn.
Với lịch sử hơn 300 năm phát triển, Bình Dương đã hình thành những ngành nghề truyền thống nổi tiếng như gốm sứ, sơn mài, điệu khắc, mây tre đan… Trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của khoa học – công nghệ; sản xuất công nghiệp với công nghệ hiện đại (giá thành hạ, sức cạnh tranh cao) đã làm cho một số ngành nghề nông thôn bị mai một hoặc phải ngừng sản xuất do không đủ sức cạnh tranh với hàng sản xuất được công nghiệp hoá. Bên cạnh đó, cũng có không ít những làng nghề vươn lên, tự khẳng định vai trò không thể thiếu của mình trong cơ cấu kinh tế nông thôn.
Do vậy, tiếp tục phát triển ngành nghề nông thôn trong bối cảnh hiện nay là một đòi hỏi cấp thiết, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, bố trí lại lao động và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên; xây dựng nông thôn mới phát triển toàn diện.
Để ngành nghề nông thôn phát triển đúng hướng, đem lại hiệu quả cao cả về kinh tế, xã hội và môi trường, Thủ Tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 132/2000/QĐ – TTg ngày 24 tháng 11 năm 2000 về một số chính sách phát triển ngành nghề nông thôn; trong đó, Thủ Tướng chính phủ yêu cầu các tỉnh tiến hành lập quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn.
Theo đề nghị của Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông thôn, UBND tỉnh Bình Dương chấp nhận Phân viện Quy hoạch TKNN là cơ quan tư vấn phối hợp cùng các sở, ban ngành trong tỉnh, UBND các huyện (thị)xây dựng báo cáo “Quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Bình Dương đến năm 2010”
Tài liệu quy hoạch đã được báo cáo thông qua các cấp như sau:
+ Ngày 17/12/2003: Báo cáo thông qua các sở, ban ngành, UBND các huyện và thị xã (Thông báo số 02/BB-NN ngày 05/01/2004 của Sở Nông nghiệp PTNT).
+ Ngày 23/4/2004: Báo cáo thông qua UBND tỉnh Bình Dương (thông báo số 77/TB-UB ngày 07/5/2004 của UBND tỉnh Bình Dương).
+ Ngày 03/6/2004: Báo cáo thông qua Tỉnh Ủy tỉnh Bình Dương.
Tiếp thu những ý kiến đóng góp tại hội nghị và các văn bản thông báo kết luận hội nghị; Cơ quan tư vấn cùng ngành Nông Nghiệp PTNT đã chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện báo cáo. Nay, tài liệu đã được UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt tại quyết định số 89/2004/QĐ-CT ngày 28/7/2004.

I. NỘI DUNG NGHIÊN CỨU.

Theo đề cương nghiên cứu đã được UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt, nội dung chính của báo cáo quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Bình Dương đến năm 2010 gồm:
1. Đánh giá thực trạng phát triển ngành nghề nông thôn trên phạm vi toàn tỉnh Bình Dương (số liệu đến năm 2003)
2. Đánh giá các điều kiện phát triển ngành nghề nông thôn ở Bình Dương.
3. Xác định quan điểm, mục tiêu, phương hướng phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Bình Dương đến năm 2010.
4. Đề xuất phương án phát triển ngành nghề nông thôn đến năm 2010.
5. Đề xuất các lĩnh vực và dự án ưu tiên đầu tư phát triển ngành nghề.
6. Xây dựng hệ thống giải pháp thúc đẩy phát triển ngành nghề nông thôn theo định hướng.
7. Các kiến nghị về nghiên cứu tiếp theo và nghiên cứu bổ sung.

II. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU.

Trong quá trình nghiên cứu, xây dựng nội dung quy hoạch các tác giả đã sử dụng những phương pháp như sau:
+ Kế thừa các kết quả nghiên cứu về hiện trạng và quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn trên phạm vi toàn quốc và các tỉnh trong vùng có các điều kiện tương tự như tỉnh Bình Dương.
+ Tham khảo tài liệu quy hoạch tổng thể kinh tế xã hội, quy hoạch ngành của tỉnh và của các huyện.
+ Tiến hành điều tra, phỏng vấn các xã có sản xuất ngành nghề, các nhà sản xuất, quản lý, các tổ chức tiêu thụ và tiếp thị sản phẩm… có liên quan đến sản xuất ngành nghề nông thôn ở Bình Dương.
+ Sử dụng phầm mềm chuyên dụng để xử lý phiếu điều tra
+ Phối hợp chặt chẽ với các ngành trong tỉnh : Sở Công nghiệp, Sở Khoa học – Công nghệ và môi trường, Cục Thống Kê… và các cơ quan thuộc Bộ Nông nghiệp PTNT, Cục Chế biến nông lâm sản và ngành nghề nông thôn, Vụ Chính sách…

III. Quan điểm phát triển:

Phát triển ngành nghề nông thôn gắn bó chặt chẽ với sản xuất nông nghiệp, phát huy các thế mạnh về nguyên liệu, truyền thống sản xuất, lợi thế về du lịch, thúc đẩy kinh tế – xã hội nông thôn phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và bền vững.
Phát triển ngành nghề nông thôn phải đặt trong mối liên kết chặt chẽ với công nghiệp và đô thị, giữa thị trường trong nước và thị trường quốc tế, kết hợp hài hoà nhiều quy mô, nhiều hình thức tổ chức và sở hữu, công nghệ hiện đại với công nghệ truyền thống, thiết bị truyền thống với thủ công và cơ khí nhỏ.
Phát triển ngành nghề nông thôn ở Bình Dương cần tranh thủ và phát huy nội lực, huy động mọi nguồn lực sẵn có trong dân, khả năng đầu tư của các thành phần kinh tế, của mọi nguồn vốn trong và ngoài nước.
Phát triển ngành nghề nông thôn phải gắn liền với những đặc điểm điều kiện tự nhiên, trình độ phát triển kinh tế xã hội và kết cấu hạ tầng, kết hợp hài hòa giữa lợi ích kinh tế – xã hội và kết cấu hạ tầng, giữa lợi ích kinh tế với bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, di sản và bản sắc văn hóa của từng địa phương.
IV. Mục tiêu phát triển:

Đạt tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành nghề nông thôn bình quân hàng năm (giai đoạn 2004 – 2010) từ 18% – 20%. Nâng dần tỷ trọng giá trị sản xuất ngành nghề trong tổng giá trị sản xuất ngành công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp.
Nâng tỷ trọng lao động ngành nghề nông thôn lên 8 – 10% trong tổng lao động xã hội.
Thu nhập bình quân đầu người từ ngành nghề đến năm 2010 tăng gấp 2,5 lần so với năm 2003 đạt từ 20 – 25 triệu đồng/người/năm.
Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm ngành nghề đạt 350 – 400 triệu USD vào năm 2010; (chiếm khoảng 30 – 40% tổng giá trị sản lượng ngành nghề nông thôn)
Xây dựng các làng nghề (Trên cơ sở tính truyền thống và thế mạnh về nguyên liệu của từng vùng), làm hạt nhân cho phát triển ngành nghề; trước mắt, mỗi nhóm hàng có thế mạnh và có truyền thống xây dựng từ 1 đến 2 làng nghề (khi có điều kiện sẽ nhân rộng thêm); vực dậy những cơ sở sản xuất “cầm chừng” và mở thêm các ngành nghề mới mà Bình Dương có thế mạnh về nguyên liệu và có triển vọng về thị trường.

V. Phương hướng phát triển:

Đẩy mạnh phát triển ngành nghề nông thôn ở khu vực đang có truyền thống như thị xã Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, nam Tân Uyên, nam Bến Cát. Trước mắt, tập trung thay đổi công nghệ hoặc di dời các cơ sở ngành nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường (gốm sứ, gạch ngói…)
Về ngành hàng : Tập trung củng cố, tạo điều kiện để đẩy mạnh phát triển các ngành hàng đã và đang có lợi thế như chế biến nông sản (cao su, điều, bánh tráng, đậu hũ, tương chao…), gốm sứ, sơn mài, điêu khắc, sản xuất các sản phẩm từ gỗ (guốc mộc, guốc sơn, cối, chày thớt…), mây tre đan, hàng lưu niệm, vật liệu và cấu kiện xây dựng. Về lâu dài, tập trung mọi cố gắng để phát triển thêm các ngành hàng mà Bình Dương có lợi thế như : dịch vụ cho dân cư các khu công nghiệp, khu đô thị, gia công một số chi tiết nhỏ hoặc một vài công đoạn cho sản phẩm sản xuất công nghiệp, vận tải, dịch vụ du lịch, sản xuất hàng lưu niệm từ gỗ cao su…
Khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia, ưu tiên cho kinh tế hợp tác, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chủ trang trại, các đơn vị thu hút nhiều lao động. Đẩy mạnh liên doanh liên kết với các cơ sở lớn trong nước; nhất là với thành phố Hồ Chí Minh. Từng bước nâng dần năng lực sản xuất và vị thế của các cơ sở ngành nghề ở Bình Dương trong tiêu thụ sản phẩm và nhất là trong xuất khẩu.
Chú trọng đa dạng hoá sản phẩm ngành nghề, kết hợp hài hoà giữa thu hút lao động với đổi mới công nghệ, hợp lý hoá tổ chức, nâng cao tay nghề; giữa tính truyền thống và hiện đại để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của thị trường, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm và nâng cao thu nhập cho người lao động.
Tạo mọi điều kiện thuận lợi để xây dựng và phát triển các làng nghề; nhất là làng nghề sản xuất các mặt hàng truyền thống, đang là thế mạnh của Bình Dương và có tác dụng mạnh mẽ đến phát triển kinh tế nói chung và du lịch nói riêng. Cùng với phát triển ngành nghề và làng nghề, tổ chức phát triển tốt các vùng nguyên liệu, kết hợp với phát triển công nghiệp để sử dụng nguyên liệu (kể cả phụ, phế liệu) và tranh thủ ứng dụng những công nghệ mới từ sản xuất công nghiệp vào phát triển ngành nghề.

VI. ĐỊNH HƯỚNG QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NGÀNH NGHỀ NÔNG THÔN Ở BÌNH DƯƠNG.

1. Định hướng quy hoạch phát triển ngành chế biến nông sản.
Trên phạm vi cả nước, sản xuất ngành nghề có vai trò quan trọng trong chế biến và tiêu thụ nông sản. Theo dự kiến của Bộ Nông nghiệp PTNT, các cụm chế biến nhỏ trong nông thôn sẽ đảm nhận một phần nông sản sản xuất ra (67 – 70% sản lượng lương thực, 20% sản lượng cao su, mía, hạt điều…) Tuy nhiên, nông sản chế biến ở khu vực ngành nghề nông thôn chất lượng còn thấp so với yêu cầu xuất khẩu, nhất là tiêu chuẩn về vệ sinh thực phẩm ngày càng đòi hỏi khắt khe hơn; nên cần phải lựa chọn sản phẩm chế biến và phối hợp tốt với cơ sở chế biến công nghiệp; điều quan trọng là phải thường xuyên đổi nới công nghệ và thiết bị cho phù hợp.
Ở Bình Dương đã hình thành các vùng chuyên canh nông nghiệp tập trung với trình độ thâm canh khá cao. Các loại nông sản có công suất chế biến công nghiệp lớn là cao su, điều, mía, hạt tiêu, thịt heo, sữa bò… Các loại nông sản chủ yếu chế biến bằng phương pháp thủ công là trái cây, rau quả các loại, thủy sản…
Từ nay đến năm 2010, ngành nghề nông thôn Bình Dương cần tập trung phát triển mạnh chế biến nhóm sản phẩm mà hiện nay, tỷ lệ chế biến bằng phương pháp công nghiệp còn thấp; trong đó đặc biệt là chế biến rau thực phẩm trái cây và thủy sản các loại.
Trong lĩnh vực chế biến nông sản, các cơ sở ngành nghề thủ công với các cơ sở chế biến bằng phương pháp công nghiệp có mối quan hệ hết sức chặt chẽ; do đó, khi xây dựng định hướng phát triển công nghiệp chế biến nông sản ở Bình Dương, cần phải dựa trên cơ sở quy hoạch công nghiệp, quy hoạch nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2010 để tận dụng tối đa lợi thế của từng loại hình doanh nghiệp và bảo đảm tính hiệu quả chung của toàn xã hội.
Định hướng phát triển chế biến từng nhóm hàng nông sản ở khu vực ngành nghề nông thôn như sau:
Chế biến cao su :
Cao su là một ngành hàng chiếm tỷ trọng lớn trong sản phẩm nông nghiệp ở Bình Dương; theo báo cáo điều chỉnh quy hoạch nông – lâm – ngư nghiệp, đến năm 2010 tổng sản lượng cao su toàn tỉnh đạt khoảng 150 – 152 ngàn tấn (mủ khô).
Theo số liệu thống kê, tổng công suất chế biến của các cơ sở chế biến công nghiệp là 95.000 tấn/năm; trong đó công ty cao su Dầu Tiếng 47.000 tấn/năm, công Ty Cao su Phước Hòa 28.000 tấn/năm và công ty Becamex 20.000 tấn/năm.
Như vậy, dự kiến đến năm 2010 còn khoảng 30 – 35 % sản lượng cao su cần được chế biến ở các cơ sở chế biến nhỏ (chủ yếu ở các trang trại và hợp tác xã). Công suất dự kiến ở mỗi huyện như sau : Dầu Tiếng 21.000 tấn/năm, Bến Cát 16.000 tấn/năm, Phú Giáo 12.000 tấn/năm và Tân Uyên 10.000 tấn/năm.
Đặc điểm của công nghiệp chế biến cao su ở Việt Nam nói chung và Bình Dương nói riêng là chất lượng sản phẩm chưa cao và khả năng cạnh tranh thấp; do đó, để nâng cao sức cạnh tranh và đa dạng hóa sản phẩm, nhất thiết phải hiện đại hóa công nghệ và thiết bị chế biến. Trong điều kiện nguồn lực ở nông thôn còn hạn chế, nhà nước cần có chính sách để hỗ trợ các hộ, chủ trang trại có thể mạnh dạn đầu tư xây dựng các cơ sở chế biến mới hiện đại hóa về công nghệ và thiết bị. Mặt khác, cần có chính sách phù hợp để khuyến khích đầu tư, hướng dẫn ứng dụng các tiến bộ khoa học – công nghệ, đa dạng hoá sản phẩm, mở rộng thị trường.
Chế biến hạt điều :
Điều không phải là cây trồng chính ở Bình Dương; hiện tại, toàn tỉnh có 12.753 ha; diện tích trồng điều đang có xu thế giảm dần và dự kiến đến năm 2010 chỉ còn 5.000 ha và sản lượng dự kiến đạt khoảng 6.250 tấn.
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 12 cơ sở chế biến hạt điều, tổng công suất chế biến 58.000 tấn/năm.
Do đó, định hướng phát triển chế biến hạt điều ở Bình Dương là không tăng thêm cơ sở chế biến mà tập trung để hiện đại hóa công nghệ và thiết bị cho các cơ sở hiện có theo hướng chế biến sâu để nâng cao chất lượng sản phẩm và đặc biệt là đa dạng hóa các loại sản phẩm chế biến từ hạt điều. Đồng thời, xây dựng những chính sách thích hợp để thu hút nguyên liệu từ các tỉnh lân cận như Bình Phước, các tỉnh Tây nguyên…
Xay xát lúa, chế biến bún, bánh và thức ăn gia súc:
Diện tích và sản lượng lúa ở Bình Dương đang có xu thế giảm mạnh, dự kiến đến năm 2010, tổng sản lượng lúa chỉ còn khoảng 45.000 tấn; do đó, sẽ không tăng thêm cơ sở xay xát mà tập trung chế biến các sản phẩm từ gạo, trong đó:
Sản xuất bánh tráng là một ngành hàng có nhiều lợi thế cả về nguồn nguyên liệu, tay nghề và triển vọng thị trường tiêu thụ. Dự kiến sẽ phát triển mạnh ngành hàng này ở Bến Cát (An Tây, Phú An) và Dầu Tiếng (Thanh Tuyền, Thanh An).
Đối với các mặt hàng khác như bún và các loại bánh chế biến từ gạo có tỷ trọng nhỏ, không phải là ngành hàng truyền thống, lợi thế so sánh không cao, hiệu quả chế biến và thu nhập của lao động trong nhóm ngành này thấp. Tuy nhiên, đây là ngành hàng phục vụ nhu cầu trực tiếp hàng ngày và không bị cạnh tranh bởi các sản phẩm cùng loại từ nơi khác (do sản xuất và tiêu thụ tại chỗ, không tồn trữ và vận chuyển xa được) nên vẫn có triển vọng tiếp tục phát triển để cân đối cho nhu cầu tại chỗ. Dự kiến những mặt hàng này sẽ được phát triển ở khắp các huyện; trong đó, các thị trấn, thị tứ có nhiều điều kiện phát triển mạnh hơn.
Riêng đối với thức ăn gia súc, theo quy hoạch phát triển công nghiệp, Bình Dương không cần xây dựng thêm nhà máy chế biến thức ăn gia súc mà chỉ cần đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ, tăng thêm các thiết bị kiểm tra để có sản phẩm đa dạng, chất lượng ổn định, đủ khả năng cạnh tranh với thức ăn gia súc nhập ngoại và thức ăn gia súc của các công ty nước ngoài sản xuất ở Việt Nam.
Chế biến rau, quả:
Công nghiệp chế biến rau, quả ở Bình Dương hiện tại còn nghèo về số lượng và đơn điệu về chủng loại. So với sản lượng rau quả sản xuất hiện tại, công nghiệp chế biến rau quả mới chỉ đáp ứng được từ 5 – 7%. Trong báo cáo quy hoạch công nghiệp, định hướng phát triển công nghiệp chế biến rau quả là “đầu tư công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại, sản xuất các loại sản phẩm theo hướng chế biến, bảo quản rau quả tươi, đóng gói bao bì phù hợp, chiên xấy chân không rau quả dạng “chíp”, sản xuất nước quả tự nhiên, nước quả cô đặc, bột quả…”.
Theo hướng này, lĩnh vực ngành nghề thủ công có thể chỉ tham gia được ở một số công đoạn như bảo quản rau quả tươi, đóng gói bao bì… Các công đoạn khác do yêu cầu ngày càng cao về vệ sinh thực phẩm nên chủ yếu được thực hiện bằng phương pháp công nghiệp hiện đại. Do đó, dự kiến công nghiệp chế biến rau quả trong lĩnh vực ngành nghề thủ công sẽ phát triển với tốc độ chậm, khoảng 6 – 8%/năm. Trong đó tập trung vào các lĩnh vực như bao bì đóng gói, xấy khô nhãn, mít, chuối… làm mứt quả, làm chanh muối…
Chế biến súc sản:
Bình Dương là vành đai cung cấp thực phẩm cho vùng phát triển kinh tế trọng điểm phía Nam; mục tiêu đến năm 2010 của công nghiệp chế biến súc sản là chế biến các loại thịt ướp đông, đồ ăn nguội, thịt hộp, cá hộp sữa bột, sữa đặc có đường, sữa tươi, sữa chua… Do yêu cầu về vệ sinh và an toàn thực phẩm, xét về giá thành và khả năng canh tranh; chúng tôi kiến nghị không nên khuyến khích ngành nghề thủ công phát triển trong lĩnh vực này.
Chế biến đường:
Toàn tỉnh có 1 nhà máy đường, công suất thiết thiết kế 2.000 tấn mía cây /ngày; hiện tại, khả năng toàn tỉnh chỉ cung cấp được khoảng 40 – 45% nhu cầu về mía nguyên liệu cho nhà máy. Theo quy hoạch ngành trồng trọt, từ sau năm 2010 toàn tỉnh chỉ sản xuất 74.000 tấn mía/năm; bằng khoảng 20% nhu cầu của nhà máy. Do không đủ nguyên liệu cung cấp cho nhà máy chế biến công nghiệp nên chúng tôi không đặt vấn đề phát triền ngành này trong lĩnh vực ngành nghề thủ công.
Chế biến các nông sản khác:
Các nông sản khác gồm hồ tiêu, đậu phộng, mè… do số lượng (theo quy hoạch đến năm 2010) không nhiều; mặt khác, hiện đã có một số công ty đang hoạt động trong lĩnh vực này như công ty Man Việt Nam, công ty TNHH Truyền Thành… do đó lĩnh vực ngành nghề thủ công ít có cơ hội để tham gia chế biến các loại nông sản này.
2. Định hướng quy hoạch phát triển ngành gốm sứ.
Căn cứ phân tích thực trạng phát triển ngành gốm sứ, yêu cầu về chuyển đổi công nghệ và những thay đổi về thị trường tiêu thụ… Chúng tôi dự kiến, ngành công nghiệp gốm sứ Bình Dương sẽ phát triển theo những định hướng như sau:
– Thay đổi công nghệ từ đốt lò bằng củi sang đốt lò bằng gas
– Những cơ sở chuyên sản xuất sản phẩm có kích thước lớn, chưa thể chuyển đổi công nghệ đốt lò cần được di dời ra xa khu đô thị và khu dân cư tập trung.
– Hướng phát triển ngành gốm sứ ở Bình Dương trước hết là gia tăng sản lượng hàng hoá xuất khẩu, kế đến là đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước; đặc biệt là thị trường tại các thành phố lớn như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng…
– Các cơ sở sản xuất sản phẩm có kích thước nhỏ thực hiện đa dạng hóa sản phẩm theo hướng phát triển sản phẩm mỹ nghệ có tính nghệ thuật cao làm quà lưu niệm phục vụ khách du lịch.
– Song song với quá trình hiện đại hóa công nghệ sản xuất cần phục hồi lại những công nghệ sản xuất gốm sứ truyền thống, tập trung thành làng nghề hoạt động như những điểm phục vụ khách du lịch để khách du lịch tham quan, tìm hiểu về ngành nghề truyền thống của địa phương.
Với định hướng phát triển như trên, dự kiến tốc độ tăng trưởng của ngành sản xuất gốm sứ Bình Dương sẽ tăng với tốc độ khá cao 20 – 22%/năm. Địa bàn phân bố chủ yếu vẫn thuộc các xã Tân An, Tương Bình Hiệp thị xã Thủ Dầu Một, thị trấn An Sơn, Lái Thiêu… huyện Thuận An (sản xuất gốm sứ với công nghệ mới, hiện đại). Những cơ sở đốt lò bằng củi, dự kiến sẽ được di dời lên các huyện phía bắc như Dầu Tiếng, Phú Giáo, bắc Bến Cát, bắc Tân Uyên… xa khu dân cư và gần vùng nguyên liệu.
3. Định hướng quy hoạch sản xuất đồ gỗ dân dụng, gỗ cao cấp, gỗ mỹ nghệ.
Sản xuất đồ gỗ cao cấp và gỗ mỹ nghệ hiện là nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn, có khả năng mở rộng thị trường cả trong nước và xuất khẩu. Sản xuất nhóm hàng này vẫn còn nhiều tiềm năng, lại là nghề truyền thống ở Bình Dương và đang được kết hợp với các nghề khảm trai, sơn mài tạo nên nét độc đáo trong sản phẩm. Dự kiến tốc độ tăng trưởng của nhóm ngành hàng này ở Bình Dương đạt từ 22 – 25%/năm.
Những sản phẩm khuyến khích phát triển trong nhóm ngành hàng này là tiện, chạm mộc, bàn ghế, giường tủ, cối chày thớt, guốc và đặc biệt là nhóm hàng thủ công mỹ nghệ (điêu khắc) phục vụ thị trường cao cấp và khách du lịch… Địa bàn phân bố thuộc các xã ở thị xã thủ Dầu Một và huyện Thuận An.
Để chiếm lĩnh thị trường nội tỉnh, từng bước vươn ra thị trường ngoài tỉnh và xuất khẩu, cần đặc biệt chú trọng khâu tiếp thị, tìm kiếm, phát hiện và chiếm lĩnh thị trường; không ngừng sáng tạo mẫu mã mới ; chú ý lựa chọn để sản phẩm thủ công mỹ nghệ có kích thước nhỏ, gọn, mang tính lưu niệm, tặng phẩm với giá cả vừa phải cho cửa hàng tại các điểm du lịch; tăng cường hoạt động tiếp thị cho các sản phẩm trang trí nội thất và gia dụng cao cấp, các loại sản phẩm có tính nghệ thuật cao phục vụ cho các đối tượng có thu nhập cao trong nước là lượng khách du lịch theo dự báo ngày càng tăng.
4. Định hướng quy hoạch phát triển nghề sơn mài.
Đây là ngành truyền thống, nổi tiếng lâu đời; sản phẩm chủ yếu phục vụ xuất khẩu và những đối tượng có thu nhập cao ở các thành phố lớn do đó thị trường khá ổn định và có triển vọng tăng nhanh cùng với tốc độ tăng của mức sống các tầng lớp dân cư. Do đó, định hướng là tiếp tục phát triển với tốc độ cao 25 – 30%/năm, đa dạng hóa các loại sản phẩm và mang tính nghệ thuật ngày càng cao; trong đó tập trung khai thác chủ đề về phong cảnh làng quê Việt Nam, ca ngợi đức tính tốt đẹp và truyền thống anh hùng của nhân dân ta… vừa làm quà lưu niệm vừa mang tính quảng cáo cho ngành du lịch Việt Nam nói chung và Bình Dương nói riêng. Mặt khác, cũng như ngành gốm sứ, ngành sơn mài nên quy hoạch thành những làng nghề truyền thống; nơi đây không chỉ sản xuất ra những sản phẩm sơn mài có giá trị mà còn là điểm thu hút khách du lịch tham quan những làng nghề truyền thống của Bình Dương. Địa bàn phân bố làng nghề sơn mài tập trung ở thị xã Thủ Dầu Một, Thuận An nơi dự kiến sẽ phát triển mạnh ngành du lịch
5. Định hướng quy hoạch phát triển nghề đan lát với nguyên liệu chủ yếu từ tre, nứa.
Hiện nay, nhóm nghề này đang tạo nguồn thu nhập khá ổn định cho nhiều hộ nông dân ở các huyện Bến Cát, Tân Uyên. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là nội tỉnh và các tỉnh lân cận (sản phẩm gồm các loại sọt, cần xé, rổ rá…).
Lợi thế của nghề này ở Bình Dương là có nguồn nguyên liệu tại chỗ (tre, trúc, tầm vông phát triển nhiều ở Bến Cát, Tân Uyên), lao động có tay nghề truyền thống, qua chế biến, giá trị sản phẩm tăng gấp nhiều lần so với nguyên liệu, tạo công ăn việc làm cho khu vực có bình quân đất nông nghiệp thấp, độ phì nhiêu của đất không cao.
Dự kiến sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển với tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất trung bình hàng năm từ 12 – 15%.
Địa bàn phát triển : tập trung ở hai huyện Bến Cát và Tân Uyên, về lâu dài sẽ tiếp tục mở rộng lên các huyện Dầu Tiếng, Phú Giáo nơi có nguồn nguyên liệu dồi dào và cơ sở hạ tầng đang từng bước được cải thiện.
Đa dạng hóa sản phẩm đan lát, nỗ lực tìm kiếm, mở rộng thị trường; đặc biệt là thị trường vùng phát triển kinh tế trong điểm phía Nam và vùng Đồng Bằng sông Cửu long.
6. Định hướng quy hoạch phát triển cơ khí nông thôn và các sản phẩm từ kim loại.
Trên phạm vi cả nước, nghề cơ khí nông thôn đang có xu hướng phục hồi và phát triển, phần nào đã đáp ứng được nhu cầu trong nước; một số mặt hàng đã tham gia xuất khẩu. Theo đánh giá của bộ nông nghiệp PTNT, nghề cơ khí nông nghiệp có khả năng phát triển rất lớn do nguồn lao động dồi dào, có nhiều làng nghề truyền thống, có sức cạnh tranh cao do tận dụng được phế liệu của ngành công nghiệp.
Nông nghiệp Bình Dương đang chuyển đổi cơ cấy cây trồng theo hướng giảm dần diện tích cây hàng năm, tăng nhanh diện cây các loại cây lâu năm nên có nhu cầu rất lớn về công cụ cầm tay. Chính vì vậy mà ngành nghề sản xuất các sản phẩm thuộc nghề rèn, gò, của sắt, của nhôm, các loại máy xay xát, máy cắt bánh tráng, nghiền bột… các công cụ lao động như cuốc, xẻng, cày, bừa… đang phát triển khá và sẽ được tiếp tục phát triển trong những năm tới.
Dự kiến tốc độ phát triển trong giai đoạn từ nay đến năm 2010 khoảng 10 – 12%/năm, tăng tỷ trọng sử dụng lao động và giá trị sản phẩm trong phát triển ngành nghề nông thôn của toàn tỉnh.
Để phát triển với quy mô dự kiến, cần tăng cường đầu tư đổi mới công nghệ một cách hợp lý, trang bị cơ giới các khâu nặng nhọc và các khâu quyết định chất lượng sản phẩm; chú trọng hơn nữa đào tạo tay nghề, nâng cao tính chuyên môn hóa và coi trọng đúng mức vai trò của hợp tác xã và tổ hợp tác trong phát triển nhóm nghề này.
7. Quy hoạch phát triển một số ngành nghề mới.
Ngoài các nhóm ngành nghề chính như đã nêu trên, căn cứ định hướng phát triển các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ đến năm 2010, chúng tôi dự kiến trong lĩnh vực ngành nghề nông thôn ở Bình Dương sẽ phát triển thêm một số ngành nghề mới như sau:
Các ngành nghề thuộc lĩnh vực dịch vụ:
+ Các dịch vụ cho thuê nhà và phục vụ các nhu cầu sinh hoạt cho công nhân khu công nghiệp; trong mấy năm gần đây, các loại dịch vụ này phát triển với tốc độ khá nhanh; do có lợi thế là các khu công nghiệp phát triển mạnh, nhu cầu về nhà ở và sinh hoạt của công nhân tăng nhanh. Dự kiến từ nay đến năm 2010, tốc độ tăng trưởng ở mức khá cao 20 – 25%/năm. Địa bàn phân bố loại ngành nghề này chủ yếu ở các huyện phía nam, gần các khu công nghiệp tập trung (Thuận An, Dĩ An, Thị xã Thủ Dầu Một, Nam Bến Cát, Nam Tân Uyên).
+ Các hoạt động dịch vụ du lịch: Hoạt động dịch vụ du lịch trong lĩnh vực ngành nghề nông thôn ở Bình Dương thực chất là hoạt động trong các nhà vườn du lịch sinh thái; họ là những nông dân thực thụ, chuyên chăm sóc vườn cây; nhưng khi có khách du lịch họ trở thành những hướng dẫn viên du lịch. Dự kiến từ nay đến năm 2010 lĩnh vực hoạt động này có tốc độ tăng trưởng khá cao 25 – 30%/năm. Địa bàn phân bố thuộc các xã ven sông Sài gòn, Thị Tính và sông Đồng Nai; nơi mà ngành nông nghiệp đã quy hoạch phát triển vườn du lịch sinh thái. Yêu cầu đối với lao động lao động trong lĩnh vực này không những am hiểu về kỹ thuật nông nghiệp mà còn phải có kiến thức khá rộng về lịch sử và văn hóa của địa phương và dĩ nhiên phải có ít nhiều kiến thức về ngành du lịch. Do vậy, công tác đào tạo lao động được xem là điều kiện tiên quyết cho phát triển lĩnh vực này.
Các ngành nghề thuộc lĩnh vực vận tải: Kinh tế nông thôn ngày càng phát triển, nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa ở khu vực nông thôn cũng ngày càng tăng. Dự kiến giai đoạn 2003 – 2010 ngành vận tải nông thôn ở Bình Dương có tốc độ tăng 18 -20%/năm. Để ngành này phát triển một cách ổn định và có hiệu quả, vai trò của hợp tác xã và các tổ hợp tác là hết sức quan trọng trong việc quản lý và điều hành hoạt động. Phương tiên vận tải ở nông thôn khá đa dạng và phong phú (xuồng nghe, xe tải, xe lam, kể cả xe honda ôm…)
Các ngành nghề thuộc lĩnh vực cơ khí sửa chữa: Đồ dùng sinh hoạt trong gia đình về số lượng và mức độ hiện đại, tỷ lệ thuận với tốc độ gia tăng của mức sống; nhu cầu sửa chữa cũng do đó mà tăng theo. Dư kiến các ngành nghề sửa chữa cơ khí nhỏ sẽ phát triển ở Bình Dương gồm : sửa chữa xe máy, máy nổ, sửa chữa điện, điện tử và sửa chữa các đồ gia dụng khác. Tốc độ tăng giá trị sản xuất ở lĩnh vực này dự kiến vào khoảng từ 15 – 17%/năm. Địa bàn dự kiến sẽ phân bố ở khắp các huyện; trong đó các thị trấn và vùng ven thị trấn sẽ có mật độ phân bố cao hơn.

VII. KẾT LUẬN

1. Phát triển ngành nghề là một trong những hoạt động kinh tế vô cùng quan trọng trong nông thôn nói chung và ở Bình Dương nói riêng. Phát triển ngành nghề nông thôn sẽ góp phần sử dụng hợp lý và có hiệu quả nguồn tài nguyên, tăng, sản lượng và thu nhập cho người lao động, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, thu hẹp khoảng cách vể mức sống giữa thành thị và nông thôn và tăng kim ngạch xuất khẩu. Do vậy, tiếp tục tạo điều kiện cho ngành nghề nông thôn phát triển mạnh là một yêu cầu cấp thiết trong chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh Bình Dương giai đoạn từ nay đến năm 2010.
2. Tỉnh Bình Dương có khá nhiều điều kiện thuận lợi để ngành nghề nông thôn phát triển mạnh và bền vững; trong đó, những ưu thế nổi bật là với vị trí địa lý kinh tế thuận lợi nên có thị trường tiêu thụ rộng lớn, có nguồn nguyên liệu đa dạng, phong phú, có một số ngành nghề truyền thống, phát triển khá lâu đời, với đội ngũ thợ, nghệ nhân có trình độ tay nghề cao.
3. Phát triển ngành nghề ở Bình Dương trong những năm qua đã được chú trọng, nhất là những ngành có thế mạnh về nguồn nguyên liệu, thị trường tiêu thụ và tính truyền thống nên đã đạt được những thành tựu rất đáng khích lệ; là cơ sở tốt cho việc tiếp tục đẩy mạnh và phát triển trong tương lai. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng còn chậm, có nhiều nhóm ngành hàng phát triển chưa ổn định và đặc biệt là chưa có định hướng đúng đắn và những giải pháp hữu hiệu cho phát triển.
4. Giai đoạn từ nay đến năm 2010, định hướng phát triển ngành nghề ở Bình Dương là phát triển đa dạng hóa các loại ngành nghề để khai thác tối đa lợi thế; trong đó, các ngành nghề ưu tiên tập trung phát triển là: chế biến nông sản, thủ công mỹ nghệ. Đồng thời, khuyến khích phát triển các ngành nghề mới phù hợp với điều kiện công nghiệp hóa của tỉnh như : dịch vụ du lịch nhà vườn, dịch vụ đời sống cho công nghân khu công nghiệp, ngành nghề sử dụng phế phụ phẩm của sản xuất công nghiệp làm nguyên liệu và gia công một số công đoạn của sản phẩm công nghiệp.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *