Thành lập công ty thiết kế xây dựng tại Việt Nam

Thành lập công ty thiết kế xây dựng tại Việt Nam

Với xu hướng đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ tại các thành phố lớn tại Việt Nam như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng,… hàng loạt tòa nhà, căn hộ chung cư được đầu tư xây dựng với mục đích đáp ứng nhu cầu của người dân và tổ chức kinh tế. Không chỉ dừng lại ở mục để ở hoặc làm văn phòng hay trung tâm thương mại, các công trình nhằm kinh doanh sản xuất cũng liên tục được đầu tư phát triển. Do đó, hoạt động thiết kế – xây dựng tăng trưởng mạnh mẽ. Đối với nhà đầu tư nước ngoài, hiện tại, các hạn chế về hiện diện thương mại theo Biểu cam kết của Việt Nam với WTO không còn. Tuy nhiên để hợp pháp thực hiện cung cấp dịch vụ thiết kế – xây dựng – là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, cả nhà đầu tư nước ngoài và trong nước phải đáp ứng các điều kiện pháp luật quy định.

Các văn bản pháp luật cần nghiên cứu:

  • Luật Đầu tư 2014;
  • Luật Doanh nghiệp 2014;
  • Luật Xây dựng 2014;
  • Nghị định 59/2015/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng;
  • Nghị định 42/2017/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 59/2015/NĐ-CP;
  • Thông tư 17/2016/TT-BXD về hướng dẫn năng lực các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động xây dựng.

Đối với ngành nghề thiết kế – xây dựng, tổ chức kinh tế khi muốn thực hiện kinh doanh, các cá nhân phải có Chứng chỉ hành nghề xây dựng theo quy định tại các văn bản hướng dẫn.

Nhà đầu tư nước ngoài hiện nay, theo Biều cam kết, Việt Nam chỉ cho phép nhà đầu tư là thành viên WTO đầu tư vào Việt Nam hoạt động dịch vụ xây dựng và các dịch vụ kỹ sư liên quan. Vì vậy, nhà đầu tư nước ngoài phải tiến hành thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đầu tư trước khi tiến hành thành lập doanh nghiệp.

Thủ tục như sau:

Bước 1: Các nhà đầu tư liệt kê thông tin của dự án trên Cổng thông tin đầu tư quốc gia. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày niêm yết trực tuyến, nhà đầu tư nộp hồ sơ cho cơ quan đăng ký đầu tư.

Hồ sơ cấp giấy chứng nhận đầu tư bao gồm:

  • Văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư;
  • Bản sao chứng minh nhân dân, thẻ căn cước hoặc hộ chiếu đối với nhà đầu tư là cá nhân; bản sao Giấy chứng nhận thành lập hoặc tài liệu tương đương khác xác nhận tư cách pháp lý đối với nhà đầu tư là tổ chức;
  • Đề xuất dự án đầu tư bao gồm các nội dung: nhà đầu tư thực hiện dự án, mục tiêu đầu tư, quy mô đầu tư, vốn đầu tư và phương án huy động vốn, địa điểm, thời hạn, tiến độ đầu tư, nhu cầu về lao động, đề xuất hưởng ưu đãi đầu tư, đánh giá tác động, hiệu quả kinh tế – xã hội của dự án;
  • Bản sao một trong các tài liệu sau: báo cáo tài chính 02 năm gần nhất của nhà đầu tư; cam kết hỗ trợ tài chính của công ty mẹ; cam kết hỗ trợ tài chính của tổ chức tài chính; bảo lãnh về năng lực tài chính của nhà đầu tư; tài liệu thuyết minh năng lực tài chính của nhà đầu tư;
  • Đề xuất nhu cầu sử dụng đất; trường hợp dự án không đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thì nộp bản sao thỏa thuận thuê địa điểm hoặc tài liệu khác xác nhận nhà đầu tư có quyền sử dụng địa điểm để thực hiện dự án đầu tư;
  • Giải trình về sử dụng công nghệ đối với dự án được yêu cầu.
  • Hợp đồng BCC đối với dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC.

Bước 2: Sau khi nhận được hồ sơ, cơ quan đăng ký đầu tư sẽ cung cấp cho nhà đầu tư một tài khoản truy cập vào Cổng thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài để giám sát quá trình tiến hành.

Bước 3: Cơ quan đăng ký đầu tư sẽ sử dụng Cổng thông tin quốc gia về  đầu tư nước ngoài để tiếp nhận, tiến hành, trả lời kết quả của hồ sơ, cập nhật tiến trình tiến hành và cấp mã của dự án.

Thủ tục thành lập doanh nghiệp hoạt động thiết kế – xây dựng có phần đơn giản hơn khi thực hiện các bước sau:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ thành lập doanh nghiệp

Hồ sơ bao gồm:

  • Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp
  • Điều lệ công ty
  • Danh sách thành viên hoặc cổ đông công ty (nếu là công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên hoặc công ty cổ phần)
  • Bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực
  • Giấy CMND, còn hiệu lực hoặc Hộ chiếu còn hiệu lực đối với cá nhân;
  • Giấy CN ĐKKD/Giấy CN ĐKDN đối với tổ chức (trừ trường hợp tổ chức là Bộ/UBND tỉnh, thành phố) và kèm theo giấy tờ chứng thực cá nhân, quyết định uỷ quyền của Người đại diện theo uỷ quyền của tổ chức
  • Quyết định góp vốn đối với thành viên là tổ chức

Chú ý: Nhằm phục vụ hoạt động kinh doanh diễn ra thuận lợi, khi đăng ký ngành nghề kinh doanh, các doanh nghiệp cân nhắc đa dạng ngành nghề của công ty. Các ngành nghề về thiết kế – xây dựng trong hệ thống mã ngành nghề kinh tế VISC bao gồm:

STT Tên ngành nghề Mã số
1. Xây dựng nhà các loại 4100
2. Xây dựng công trình đường sắt và đường bộ 4210
3. Xây dựng công trình công ích 4220
4. Xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng khác. Chi tiết:– Xây dựng công trình công nghiệp

– Xây dựng công trình cửa như: Đường thuỷ, bến cảng và các công trình trên sông, các cảng du lịch, cửa cống, đập và đê

– Xây dựng đường hầm

Các công việc xây dựng khác không phải nhà như: Các công trình thể thao ngoài trời

4290
5. Phá dỡ 4311
6. Chuẩn bị mặt bằng 4312
7. Lắp đặt hệ thống điện 4321
8. Lắp đặt hệ thống cấp, thoát nước, lò sưởi và điều hoà không khí 4322
9. Lắp đặt hệ thống xây dựng khác. 4329
10. Hoàn thiện công trình xây dựng 4330
11. Hoạt động xây dựng chuyên dụng khác. 4390
12. Hoạt động thiết kế chuyên dụng.Chi tiết: Hoạt động trang trí nội, ngoại thất 7410
13. Bán lẻ đồ ngũ kim, sơn, kính và thiết bị lắp đặt khác trong xây dựng trong các cửa hàng chuyên doanh 4752
14. Bán buôn vật liệu, thiết bị lắp đặt khác trong xây dựng 4663
15. Hoạt động kiến trúc và tư vấn kỹ thuật có liên quan 7110

 

Bước 2: Công bố thông tin doanh nghiệp

Doanh nghiệp cần công bố thông tin doanh nghiệp trên trang Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Căn cứ Điều 26, Nghị định 50/2016/NĐ-CP có hiệu lực ngày 15/07/2016 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, nếu sau thời hạn 30 ngày kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp không tiến hành công bố, doanh nghiệp có thể bị phạt từ 1.000.000 đồng – 2.000.000 đồng và buộc công bố thông tin đăng ký doanh nghiệp.

Bước 3: Khắc dấu và công bố mẫu dấu

Doanh nghiệp tiến hành khắc dấu và gửi thông báo mẫu dẫu cho cơ quan đăng ký doanh nghiệp. Cơ quan đăng ký doanh nghiệp sau đó sẽ tiến hành công bố mẫu dấu doanh nghiệp trên Cổng thông tin quốc gia về doanh nghiệp.

Sau khi hoàn tất các bước thành lập doanh nghiệp nêu trên, doanh nghiệp tiến hành xin cấp Chứng chỉ xác nhận năng lực hành nghề xây dựng từ Bộ xây dựng để có thể hơp pháp cung cấp dịch vụ:

Điều kiện của tổ chức thi công xây dựng công trình:

  1. Có đủ năng lực hoạt động thi công xây dựng công trình tương ứng với loại, cấp công trình xây dựng.
  2. Chỉ huy trưởng công trường có năng lực hành nghề thi công xây dựng công trình và chứng chỉ hành nghề phù hợp.
  3. Có thiết bị thi công đáp ứng yêu cầu về an toàn và chất lượng xây dựng công trình.

Hạng I:

  • Có ít nhất 03 người đủ điều kiện năng lực làm chỉ huy trưởng công trường hạng I cùng loại công trình xây dựng;
  • Những người phụ trách thi công lĩnh vực chuyên môn có trình độ đại học hoặc cao đẳng nghề phù hợp với công việc đảm nhận và thời gian công tác ít nhất 03 năm đối với trình độ đại học, 05 năm đối với trình độ cao đẳng nghề;
  • Có ít nhất 15 người trong hệ thống quản lý chất lượng, quản lý an toàn lao động có chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với loại công trình;
  • Có ít nhất 30 người công nhân kỹ thuật có chứng chỉ bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với nội dung đăng ký cấp chứng chỉ năng lực;
  • Có khả năng huy động đủ số lượng máy móc, thiết bị chủ yếu đáp ứng yêu cầu thi công xây dựng công trình phù hợp với công việc tham gia đảm nhận;
  • Đã thực hiện thầu chính thi công ít nhất 01 công trình cấp I hoặc 02 công trình cấp II cùng loại.

Hạng II:

  • Có ít nhất 02 người đủ điều kiện năng lực làm chỉ huy trưởng công trường hạng II cùng loại công trình xây dựng;
  • Những người phụ trách thi công lĩnh vực chuyên môn có trình độ cao đẳng, cao đẳng nghề, trung cấp nghề phù hợp với công việc đảm nhận và thời gian công tác ít nhất 03 năm;
  • Có ít nhất 10 người trong hệ thống quản lý chất lượng, quản lý an toàn lao động có chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với loại công trình;
  • Có ít nhất 20 công nhân kỹ thuật có chứng chỉ bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với nội dung đăng ký cấp chứng chỉ năng lực;
  • Đã thực hiện thầu chính thi công ít nhất 01 công trình cấp II hoặc 02 công trình cấp III cùng loại.

Hạng III:

  • Có ít nhất 1 (một) người đủ điều kiện năng lực làm chỉ huy trưởng công trường hạng III cùng loại công trình xây dựng;
  • Những người phụ trách thi công lĩnh vực chuyên môn có trình độ nghề phù hợp với công việc đảm nhận;
  • Có ít nhất 5 (năm) người trong hệ thống quản lý chất lượng, quản lý an toàn lao động có chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với loại công trình;
  • Có ít nhất 5 (năm) công nhân kỹ thuật có chứng chỉ bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với nội dung đăng ký cấp chứng chỉ năng lực.

Phạm vi hoạt động đối với từng hạng:

Hạng I: Được thi công xây dựng tất cả các cấp công trình cùng loại;

Hạng II: Được thi công xây dựng công trình từ cấp II trở xuống cùng loại;

Hạng III: Được thi công xây dựng công trình từ cấp III trở xuống cùng loại.

Điều kiện của tổ chức thiết kế, thẩm tra thiết kế xây dựng công trình:

  1. Có đủ điều kiện năng lực hoạt động thiết kế, thẩm tra thiết kế xây dựng công trình.
  2. Cá nhân đảm nhận chức danh chủ nhiệm thiết kế, chủ trì thiết kế phải có năng lực hành nghề thiết kế xây dựng và có chứng chỉ hành nghề phù hợp với yêu cầu của loại, cấp công trình.

Hạng I:

  1. a) Có ít nhất 10 (mười) người có chứng chỉ thiết kế hạng I phù hợp với loại công trình đề nghị cấp chứng chỉ; những người chủ trì thiết kế lĩnh vực chuyên môn phải có chứng chỉ hành nghề thiết kế hạng I phù hợp với công việc đảm nhận;
  2. b) Có ít nhất 15 (mười lăm) người trong hệ thống quản lý chất lượng của tổ chức thiết kế xây dựng công trình có chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với loại công trình đăng ký cấp chứng chỉ năng lực;
  3. c) Đã thực hiện thiết kế, thẩm tra thiết kế ít nhất 1 (một) công trình cấp I hoặc 2 (hai) công trình cấp II cùng loại.

Hạng II:

  1. a) Có ít nhất 10 (mười) người có chứng chỉ thiết kế hạng II phù hợp với loại công trình đề nghị cấp chứng chỉ; những người chủ trì thiết kế lĩnh vực chuyên môn phải có chứng chỉ hành nghề thiết kế hạng II phù hợp với công việc đảm nhận;
  2. b) Có ít nhất 10 (mười) người trong hệ thống quản lý chất lượng của tổ chức thiết kế xây dựng công trình có chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với loại công trình đăng ký cấp chứng chỉ năng lực;
  3. c) Đã thực hiện thiết kế ít nhất 1 (một) công trình cấp II hoặc 2 (hai) công trình cấp III cùng loại.

Hạng III:

  1. a) Có ít nhất 5 (năm) người có chứng chỉ thiết kế hạng III phù hợp với loại công trình đề nghị cấp chứng chỉ; những người chủ trì thiết kế lĩnh vực chuyên môn phải có chứng chỉ hành nghề thiết kế hạng III phù hợp với công việc đảm nhận;
  2. b) Có ít nhất 5 (năm) người trong hệ thống quản lý chất lượng của tổ chức thiết kế xây dựng công trình có chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với loại công trình đăng ký cấp chứng chỉ năng lực.

Phạm vi hoạt động:

  1. a) Hạng I: Được thiết kế và thẩm tra thiết kế công trình cùng loại các cấp;
  2. b) Hạng II: Được thiết kế và thẩm tra thiết kế công trình cùng loại cấp II trở xuống;
  3. c) Hạng III: Được thiết kế và thẩm tra thiết kế công trình cùng loại cấp III trở xuống.

Để lại một bình luận