Tháp dân số Việt Nam 2019 (Dân số Việt Nam theo nhóm tuổi)

Theo số liệu điều tra dân số vừa công bố, Việt Nam ngày nay có 96,208,984 người (1). Con số này thể hiện tăng 12.1% so với 10 năm trước. Tháp dân số VN từ 1979 đến 2019 do tôi ‘xây dựng’ có thể xem qua dưới đây. Một số xu hướng có thể rút ra từ các tháp dân số này. Một cách ngắn gọn: dân số Việt Nam vừa lão hóa, nhưng hệ số lệ thuộc cũng giảm!

Mấy năm gần đây, báo chí và nhiều quan sát viên cho rằng dân số Việt Nam đang già. Chẳng những già mà còn “già hóa nhanh chóng mặt”, và họ cho rằng VN “chưa giàu thì đã già” (2). Vậy dữ liệu thực tế ra sao? Rất may là VN mới xong một cuộc điều tra dân số, và số liệu ban đầu cho thấy có lẽ các quan sát viên lo xa quá, vì trong thực tế dân số VN chưa ‘già chóng mặt’ như họ nói.

 Hình 1: Tháp Dân Số Việt Nam 1979 – 2019. Số liệu là phần trăm tính trên tổng dân số cho từng giới tính. Màu đỏ là nam giới, màu xanh là nữ giới. Chú ý tuổi trẻ em ‘teo’ lại, trong khi đó tuổi già ‘phình’ ra theo thời gian.

Tốc độ tăng trưởng dân số của VN rất đáng kể trong thời gian 4 thập niên qua. Năm 1979, dân số VN là 53.4 triệu người; năm 1989 là 66 triệu, tăng 23.5% so với 10 năm trước. Nhưng tốc độ tăng trưởng giảm dần: 15.6% trong thời gian 1989 – 1999, 12.4% trong thời gian 2009 – 1999. Dân số năm nay (2019) tăng 12% so với 2009. Những con số này nói lên rằng rằng VN đã tương đối thành công trong việc kiểm soát tỉ lệ tăng trưởng dân số trong thời gian 20 năm qua.

Tuổi ‘già’

Nhưng xu hướng lão hoá mới là điểm nhấn của dân số Việt Nam. Điều này có thể ghi nhận qua 4 tháp dân số 1979, 1999, 2009 và 2019. Chú ý phần đỉnh của tháp dân số “phình” ra theo thời gian, phản ảnh tỉ lệ người cao tuổi tăng. Tạm gọi người 65 tuổi trở lên là ‘cao tuổi’. Tỉ lệ người cao tuổi năm 1979 chỉ 4.7%; hai mươi năm sau, tỉ lệ này là 5.8%. Năm 2009, cứ 1000 người Việt Nam thì có 64 người cao tuổi; đến năm 2019, con số này là 77 (3). Năm 2019 có 5.46 triệu người cao tuổi, trong số này gần 62% là nữ.

Hình 2: Cơ cấu tuổi dân số Việt Nam 1979 – 2019. Có ba độ tuổi: 0-14 (tuổi ‘trẻ em’), 15-64 (tuổi lao động) và 65+ (tuổo ‘già’). Số trong mỗi bar là phần trăm.

Tính chung, tuổi trung bình của dân số trong 40 năm qua tăng từ 23.5 tuổi (1979) lên 33.2 (2019). Tính trung bình, tuổi trung bình tăng 0.25 tuổi mỗi năm.

 Hình 3: Tuổi trung bình dân số Việt Nam 1979 – 2019: Tính chung, tuổi trung bình của dân số trong 40 năm qua tăng từ 23.5 tuổi (1979) lên 33.2 (2019). Tính trung bình, tuổi trung bình tăng 0.25 tuổi mỗi năm.

Tuổi ‘trẻ em’

Tháp dân số cũng cho thấy số trẻ em (tạm gọi trong độ tuổi 0 – 14) thì “teo” lại theo thời gian. Năm 1979, gần 43% dân số Việt Nam thuộc ‘tuổi trẻ em’, đến năm 1989 thì giảm xuống còn 38%, và năm 1999 thì còn 33%. Năm 2009, dân số ‘trẻ em’ chiếm 1/4 tổng dân số, và năm 2019 thì giảm xuống 23%. Hiện nay (2019), có 22.17 triệu ‘trẻ em’, và 47% trong số này là nữ.

Tuổi lao động

Hệ quả của tăng số người cao tuổi và giảm số ‘trẻ em’ là số người trong độ tuổi lao động (15 – 64) tăng. Năm 1979, gần 53% dân số trong độ tuổi lao động, nhưng con số này tăng lên 61% vào cuối thế kỉ 20, và 69% trong thời gian 2009 – 2019.

Chỉ số phụ thuộc

Một cách để cảm nhận vấn đề là xem xét đến chỉ số phụ thuộc (thuật ngữ Anh gọi là “elderly dependency ratio” hay EDR). Giả dụ rằng số người trong độ tuổi 15-65 là tuổi lao động; còn tuổi phụ thuộc là 0-14 và 65+. Do đó, một cách định lương hoá tình trạng phụ thuộc là lấy số dân tuổi phụ thuộc (0-14 và 65+) chia cho số dân tuổi lao động 15-64, và tạm gọi chỉ số này là EDR. Có thể hiểu EDR là tỉ lệ dân số không ở trong độ tuổi lao động lệ thuộc vào những người trong tuổi lao động. EDR càng cao thì càng … xấu.

 Hình 4: Chỉ số ‘lệ thuộc’ 1979-2019: số dân trong tuổi 0-14 và 65+ chia cho số dân tuổi 15-64. Chỉ số EDR càng cao có nghĩa là dân số càng lệ thuộc vào dân số trong tuổi lao động.

Chúng ta thử xem EDR của Việt Nam qua 40 năm qua. Năm 1979 ghi nhận EDR = 0.90, tức cứ 100 người lao động thì có 90 người phụ thuộc. Hai mươi năm sau, tỉ số phụ thuộc giảm xuống còn 0.64. Năm 2019 thì tỉ số này chỉ còn 0.44. Nói cách khác, hiện nay cứ 100 người lao động, chỉ có 44 người phụ thuộc. (EDR của Úc là 0.52, Mĩ 0.53, Nhật 0.68, Thái Lan 0.40). Như vậy, chúng ta có nhiều người lao động có thể nuôi dưỡng số người ‘phụ thuộc’.

Tóm lại, dân số VN hiện nay là 96.2 triệu người, tăng gần 80% so với 40 năm trước (1979). Hiện nay, có khoảng 70% dân số trong độ tuổi lao động, và chỉ 23% dân số ‘trẻ em’ và 7.7% dân số cao tuổi. Dữ liệu này không nói lên phẩm chất dân số, nhưng đó là đề tài cho một nghiên cứu khác. Chỉ số cao tuổi hiện nay vẫn còn thấp so với các nước tiên tiến, nhưng có xu hướng tăng chậm trong thời gian gần đây. Chỉ số phụ thuộc của dân số VN giảm liên tục từ 0.9 vào cuối thập niên 1970s xuống còn 0.4 vào năm 2019. Cơ cấu dân số Việt Nam tuy chưa phải là lí tưởng, nhưng có thể xếp vào nhóm “dân số vàng” cho nền kinh tế. Vấn đề là làm sao tối ưu hóa nguồn dân số này trong 50 năm tới.

===

(1) Rất rất khó khăn để tìm được số liệu dân số Việt Nam từ Tổng cục Thống kê. Những gì họ (TCTK) cung cấp trên mạng, đa số dân làm nghiên cứu không cần biết; nhưng những gì dân nghiên cứu cần thì họ không cung cấp. Tất cả số liệu trong cái note này tôi phải lấy từ nguồn quốc tế hay các báo cáo của các tổ chức quốc tế. Nguồn dữ liệu là: Vietnam Population Dynamics and Prospects của Banister, Vietnam: A Reconstitution of its 20th Centuty Population History của Maks Banens, Vietnam Population and Census 2009.

(2) http://cafef.vn/dan-so-gia-hoa-nhanh-chong-mat-nguoi-viet-chiu-canh-chua-giau-da-gia-20170713091510142.chn

(3) Tỉ lệ người cao tuổi hiện nay (7.7%) chưa phải là cao so với các nước tiên tiến. Ở Thái Lan, tỉ lệ người cao tuổi là 10.1% (ước tính cho năm 2020). Ở Úc, tỉ lệ cao tuổi là 14%, Singapore ~19%, Nhật 27%.

Nguồn: nguyenvantuan.info/

Để lại một bình luận