Hạt mè (tên gọi khác: hạt vừng, tên tiếng anh: sesami) là một cây được thuần hóa ở các vùng nhiệt đới khắp thế giới và được trồng để lấy hạt ăn do hạt có hàm lượng chất béo và chất đạm cao. Hạt vừng chứa từ 38 đến 50% dầu, ngoài ra hạt mè còn chứ nhiều vitamin, khoáng chất tự nhiên và các hợp chất hữu cơ bao gồm canxi, sắt, magiê, phốt pho, mangan, đồng, kẽm, chất xơ, thiamin, vitamin B6, axit folic, protein, và tryptophan.
Hạt mè dù trắng hay đen đều có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe. Mè hạt có thể chữa trị một số chứng rối loạn thần kinh, trong đó có chứng mất ngủ. Trong hạt mè rất giàu chất phytosterol và omega acid giúp ngăn chặn sự hấp thụ cholesterol từ thức ăn và làm giảm các cholesterol “xấu” trong máu. Ngoài ra, hạt mè cũng chứa rất nhiều magiê và canxi, đó là các vi chất dinh dưỡng tác dụng giảm huyết áp, giảm tần suất và cường độ của những cơn đau đầu, đau nửa đầu, làm giảm co thắt đường hô hấp đối với bệnh hen suyễn, điều chỉnh giấc ngủ – đặc biệt là ở phụ nữ mãn kinh, những người thường xuyên bị rối loạn giấc ngủ. Canxi có trong hạt mè rất quan trọng đối với xương và có vai trò không nhỏ trong việc phòng ngừa bệnh loãng xương.
Do có lượng dầu lớn nên hạt mè thường được dùng để sản xuất dầu. Dầu vừng là một loại dầu ăn tốt, ở xứ lạnh (như Hàn Quốc, Nhật Bản…) dầu vừng có ưu điểm hơn dầu ô liu vì nó khó đông đặc lại.
Vì những lợi ích cho sức khỏe và khả năng chịu hạn tốt nên mè được trồng ngày càng nhiều và nhu cầu tiêu thụ hạt mè cũng không ngừng gia tăng[1].
Ấn Độ, Trung Quốc, Nigeria là những quốc gia sản xuất hạt mè hàng đầu thế giới[2].
Tuy Ấn Độ và Trung Quốc đều là những quốc gia sản xuất hạt mè hàng đầu thế giới nhưng Trung Quốc lại chủ yếu phục vụ nhu cầu trong nước, còn Ấn Độ thì lại chủ yếu sản xuất để xuất khẩu.
Ấn Độ hiện là nước xuất khẩu hạt mè hàng đầu thế giới. Tiếp theo là các nước Etiopia, Sudan[3].
Trung Quốc, Liên Minh Châu Âu, Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc là những khu vực nhập khẩu hạt mè hàng đầu thế giới[4].
[1] Nguồn Kế Hoạch Việt tổng hợp từ số liệu của Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc
[2] Nguồn Kế Hoạch Việt tổng hợp từ số liệu của Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc
[3] Nguồn Kế Hoạch Việt tổng hợp từ số liệu của Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc
[4] Nguồn Kế Hoạch Việt tổng hợp từ số liệu của Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc