Đầu tháng 1/2008, tại TP.HCM và Hà Nội, diễn giả quốc tế Michael A. Podolinsky đã có loạt diễn thuyết mang chủ đề “Vươn lên những tầm cao” dành cho người lãnh đạo (NLĐ), do Navigos Group tổ chức. Loạt diễn thuyết nhằm trang bị những kỹ năng cần có cho NLĐ và những người mong muốn làm LĐ.
Theo ông Michael A. Podolinsky, đối với NLĐ, việc ra được quyết định sớm quan trọng hơn là có một quyết định tốt nhất; theo sát quyết định để thực hiện quan trọng hơn chính quyết định đó. Với tư tưởng đó, ông đã hướng bài chia sẻ của mình vào những kỹ năng, tư tưởng quan trọng và cần thiết với NLĐ thời kỳ hiện nay.
Michael A. Podolinsky, 49 tuổi, người Mỹ, được mệnh danh là diễn giả hàng đầu châu Á, bậc thầy trong lĩnh vực phát triển khả năng LĐ với hơn 27 năm kinh nghiệm làm việc tại châu Á. Michael A. Podolinsky có khả năng làm việc với các nhóm từ 4 đến 4.500 người và ông đã từng diễn thuyết tại gần 30 quốc gia trên các châu lục khác nhau. Năm 1995, Podolinsky được hội Diễn Giả Quốc Tế Walter trao giải thưởng “Diễn giả tài năng của năm”. Ông cũng được trao huy chương vàng Ronald Reagan năm 2004 vì những đóng góp của mình cho sự phát triển của nền kinh tế.
Hiện Michael A. Podolinsky là cố vấn đặc biệt cho ban giám đốc hiệp hội Diễn Giả Châu Á, được vinh danh là “Diễn giả năng động của năm” và là 1 trong 5 diễn giả người Mỹ được bầu chọn là “Thành viên danh dự của hiệp hội Diễn Giả Quốc Gia Australia”. Những khách hàng quen thuộc của Michael A. Podolinsky: IBM, Toshiba, Philips Electronic, Nokia, Cisco, Prudential, AIA, Citibank, OCBC, BP, Shell…
5 bước lãnh đạo
NLĐ muốn thành công phải cố gắng thành công trên từng dự án. Mỗi dự án, theo Podolinsky, đều có 5 bước LĐ cho phép mang lại hiệu quả gồm:
• Nói cho NV biết toàn bộ câu chuyện về dự án;
• Thu nhận phản hồi để tập trung được nhiều bộ óc;
• Để NV trình bày lại sự việc theo cách hiểu của họ xem họ đã thấu hiểu cần phải làm gì và như thế nào chưa;
• Luôn đề ra hạn chót thực tế (khả thi) cho mọi công việc;
• Xây dựng hệ thống khen thưởng hoàn hảo. Về khen thưởng, Podolinsky yêu cầu NLĐ khi có quyết định khen thưởng, ngoài tính kịp thời còn phải công bố rộng rãi để mọi người cùng biết.
Một trong những nguyên tắc làm LĐ được Podolinsky nhắc tới nhiều là sự ủy quyền cho cấp dưới (theo nghĩa muốn vươn lên, NLĐ phải tạo điều kiện cho cấp dưới vươn lên). “NLĐ phải ủy quyền cho cấp dưới. Sự ủy nhiệm liên quan đến quyền và trách nhiệm nhưng không phải là công việc (của NLĐ). NLĐ vẫn phải làm việc của mình, theo dõi, đôn đốc cấp dưới hoàn thành nhiệm vụ, dẫn dắt tập thể đi tới thành công” – Podolinsky nhận định.
8 bí quyết lãnh đạo
NLĐ phải luôn đặt các câu hỏi và tìm cách trả lời. Ví dụ, NLĐ phải biết chắc NV có hiểu mình và theo mình không; phải biết tại sao những NLĐ chỉ thực sự làm việc khi công việc quản lý trục trặc; phải biết liệu mình có mắc sai lầm không; phải biết là NLĐ thường cô đơn; phải quán triệt cá nhân là tiêu điểm; phải nắm vững “LĐ theo truyền thống châu Á” là gì. 8 bí quyết lãnh đạo, theo ông Podolinsky, là:
1. “Thuê đúng người – Đặt đúng chỗ”. Ví dụ, tập đoàn quản lý khách sạn Park Hyatt tuyển NV luôn nở nụ cười. Một số nơi khác thích tuyển người chưa có kỹ năng nào để huấn luyện từ đầu (nhằm tránh những “NV công thần”). “LĐ phải tuyển NV nhiệt tình vì thật khó tạo động lực cho người chết!” – Podolinsky nói.
2. “Xây dựng lòng tự trọng cho NV – Quan tâm đến họ”. LĐ phải đặt mình vào vị trí NV để suy nghĩ, nếu họ mắc sai lầm, phải hỏi thăm họ, phải quan tâm tới từng NV, cư xử khéo léo với họ, phải luôn nghĩ làm gì để giúp đỡ họ vươn lên.
3. “Sự tôn trọng là… con lộ hai chiều”. Theo Podolinsky, LĐ biết tôn trọng NV của mình thì NV sẽ càng tận tụy hơn với công việc.
4. “Luôn luôn thúc đẩy”. NLĐ phải nói chuyện được với NV của mình ít nhất 1 lần trong ngày. Phải lên lịch khen thưởng, cám ơn từng hành động cụ thể.
5. “Huy động sáng kiến tập thể”. Ông Podolinsky lấy Toyota làm ví dụ, trong 40 năm, hãng xe hơi nổi tiếng bậc nhất thế giới này có được đến 20 triệu đề nghị từ NV, trong đó có rất nhiều đề nghị sáng tạo, giá trị, tạo nên sự hùng mạnh của hãng.
6. “Lượng hóa gia tăng cảm nhận”. Với mỗi một công việc, dự án…, NLĐ phải thể hiện được nó một cách chi tiết, định lượng đầy đủ. Ví dụ, cần có biểu đồ tiến độ, cần có những minh hoạ mạch lạc để mọi người hiểu rõ việc cần làm.
7. “Không được quên vai trò trung gian”. Trong bất cứ công việc gì đều có NLĐ, người làm trực tiếp và vô số người làm trung gian. NLĐ không bao giờ được quên những người này: “Lờ họ đi thì họ sẽ biến mất”. NLĐ phải giữ được NV ở lại làm việc cho mình.
8. “Tập trung vào ưu điểm”. Người nào cũng có ưu điểm và nhược điểm. NLĐ phải tập trung vào ưu điểm và tối thiểu hóa vai trò của nhược điểm. Với bản thân, NLĐ cần lập bảng ưu điểm – nhược điểm của mình để theo dõi, cho từng thời kỳ hay từng công việc hoặc cho lâu dài. Qua đó, dễ bề kiểm soát nhược điểm và phát huy ưu điểm.