Theo Công văn, ngay từ những tháng đầu năm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương và địa phương xác định việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, tập trung thực hiện các giải pháp nhằm thúc đẩy giải ngân vốn, tạo động lực tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19 thông qua các Nghị quyết Phiên họp Chính phủ thường kỳ và Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/3/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid – 19, các văn bản số 623/TTg-KTTH ngày 26/5/2020 và số 622/TTg-KTTH ngày 26/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự nỗ lực của các cấp, các ngành, giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm đã có chuyển biến tích cực, cao hơn so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, kết quả giải ngân vốn vẫn còn thấp so với yêu cầu (đạt 33,1% so với kế hoạch giao) làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế, tác động đến môi trường đầu tư, kinh doanh và các hiệp định đã ký kết, huy động các nguồn vốn xã hội khác để đầu tư cơ sở hạ tầng và triển khai chính sách tài khóa, tiền tệ.
Nhằm đạt mục tiêu giải ngân hết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 theo đúng tinh thần tại các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ góp phần hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tại Công văn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, tháo gỡ kịp thời các rào cản, khó khăn vướng mắc, khơi thông điểm nghẽn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, vốn đầu tư tư nhân quy định tại Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ, các Nghị quyết Phiên họp Chính phủ thường kỳ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Người đứng đầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc không bảo đảm tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 tại bộ, cơ quan trung ương và địa phương mình.
Tại Nghị quyết số 122/2020/QH14 về Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã quyết nghị, trong trường hợp cần thiết, chủ động điều chỉnh kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách trung ương năm 2020 giữa các bộ, ngành, địa phương trong tổng mức vốn ngân sách trung ương năm 2020 đã được Quốc hội quyết định, bảo đảm việc sử dụng vốn đầu tư công tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí vốn, nhất là đối với các dự án chậm triển khai, kém hiệu quả và báo cáo Quốc hội về điều chỉnh tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV. Như vậy, Quốc hội đã giao Chính phủ chủ động điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn NSTW năm 2020 giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.
Thực hiện quyết nghị của Chính phủ tại Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương kiểm tra, rà soát tiến độ giải ngân của các dự án từ tháng 7/2020 để kịp thời kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ điều chỉnh kế hoạch đầu tư công vốn NSTW năm 2020 giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong tổng mức vốn NSTW năm 2020 đã được Quốc hội quyết định.
Đồng thời, đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chủ động rà soát, kịp thời điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 từ dự án giải ngân chậm sang dự án có tiến độ giải ngân cao để đảm bảo giải ngân toàn bộ kế hoạch đầu tư công năm 2020 được giao./.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư