Tiến sĩ tôm

Là người thành thị nhưng từ nhỏ tiến sĩ trẻ Trần Hữu Lộc (giảng viên ĐH Nông Lâm TP HCM) lại đam mê những câu chuyện về thủy sản. Anh trở thành tiến sĩ khi thành công với các nghiên cứu về bệnh tôm.

“Gia đình sống ngay cạnh khuôn viên của ĐH Nông Lâm TP HCM nên từ nhỏ tôi đã tiếp xúc nhiều với thủy sản và cũng không hiểu sao lại bị ngành này thu hút đến vậy”, chàng tiến sĩ 31 tuổi với dáng thấp đậm cười chia sẻ.

Vì đam mê đó nên khi tốt nghiệp THPT, Trần Hữu Lộc đăng ký vào ngành thủy sản của ĐH Nông Lâm. Hoàn thành chương trình học, anh trở thành một trong những sinh viên xuất sắc được giữ lại trường để giảng dạy, nghiên cứu.

Với tâm niệm “mình có giỏi thì dạy mới hay”, năm 2010 khi người dân nuôi tôm ở Việt Nam phải đối diện với một loại bệnh lạ khiến hàng nghìn ha tôm mất trắng, thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng thì chàng giảng viên trẻ nhận được cùng lúc 3 suất học bổng tiến sĩ toàn phần của Mỹ. Trăn trở với những khó khăn mà người dân đang đối diện, Trần Hữu Lộc đã lấy căn bệnh lạ của tôm ở Việt Nam làm đề tài nghiên cứu ở ĐH Arizona.

tom-4-JPG-8114-1420615700.jpg

Tiên sĩ Trần Hữu Lộc (bên phải) đang giới thiệu về mô hình nghiên cứu bệnh tôm và tôm giống của mình. Ảnh: Nguyễn Loan

“Lúc đó nhiều người cho rằng tôi mạo hiểm, vì căn bệnh này mới xuất hiện, cũng đã có nhiều người nghiên cứu nhưng không tìm ra nguyên nhân. Nếu không bảo vệ được luận án tiến sĩ thì coi như công cốc, nhưng khi nhìn người dân trắng tay vì tôm tôi quyết định đứng về phía họ”, tiến sĩ Lộc kể lại.

Cũng thời điểm đó căn bệnh lạ về tôm xuất hiện ở nhiều nước và chưa được ghi nhận trong lịch sử khoa học bệnh tôm của thế giới, gây thiệt hại lớn cho nghề nuôi tôm ở Việt Nam và nhiều nước khác. Đề tài của anh được các chuyên gia đánh giá sẽ rất khó khăn trong việc thực hiện.

Nghiên cứu sinh trẻ tuổi này đã mất không ít thời gian và công sức để thực hiện đề tài. “Tôi phải tự bỏ kinh phí đi khắp các vùng nuôi tôm ở Việt Nam và nhiều nước để lấy mẫu thí nghiệm. Nhiều đêm thức trắng, nhiều bữa quên ăn tôi mới hoàn thành luận án tiến sĩ”, anh Lộc chia sẻ và cho biết sau 3 năm ròng rã nghiên cứu đã xác định được tên bệnh là EMS/AHPNS, do một loài vi khuẩn rất phổ biến trong môi trường nước lợ/mặn có tên Vibrio parahaemolyticus gây ra.

Nghiên cứu này được đăng trên nhiều tạp chí khoa học hàng đầu thế giới về bệnh thủy sản và được cộng đồng khoa học thế giới công nhận. Nó cũng được ĐH Arizona chọn là 1 trong 20 sự kiện của trường năm 2013.

Sau đó tiến sĩ Trần Hữu Lộc đã cùng các nhà khoa học đưa ra được cách phòng chữa bệnh cho tôm. Được ĐH Arizona và nhiều tổ chức ở Mỹ mời ở lại làm việc, nhưng anh đều từ chối. “Mức lương họ trả cao hơn, điều kiện để nghiên cứu và làm việc cũng tốt hơn, nhưng với tôi được làm việc và phục vụ cho bà con mình mới thấy thoải mái”, anh giải thích.

TOM-2-JPG-7660-1420615701.jpg

Anh dành phần lớn thời gian của mình để chăm sóc tôm. Ảnh: Nguyễn Loan

Cuối năm 2013, tiến sĩ “tôm” Trần Hữu Lộc về nước và tiếp tục thực hiện các dự án nghiên cứu về bệnh tôm. Bằng những kiến thức và kinh nghiệm đã có, ngay khi về Việt Nam ngoài những đồng tiền của mình gom góp được anh kêu gọi sự tài trợ của doanh nghiệp để mở một trung tâm nghiên cứu về các loại bệnh khác của tôm.

Ngoài việc nghiên cứu, anh cũng tham gia giảng dạy và truyền đạt những đam mê của mình cho sinh viên và các học viên cao học với quan niệm “mình phải giỏi, phải có đam mê thì mới truyền lửa được”.

Và để những nghiên cứu của mình tới được với bà con nông dân, tiến sĩ Trần Hữu Lộc đã phối hợp với các tỉnh thành thực hiện hàng chục cuộc hội thảo và các chương trình truyền hình thực tế để truyền đạt kinh nghiệm, kiến thức. Anh còn trực tiếp tới từng vựa tôm lớn để tư vấn và giải đáp thắc mắc cho bà con về nuôi trồng thủy sản.

Với những thành công và cống hiến của mình, tiến sĩ trẻ Trần Hữu Lộc đã được TP HCM tuyên dương là một trong 6 công dân trẻ tiêu biểu của thành phố trong năm qua.

“Tôi mong sao những nghiên cứu của mình có thể giúp bà con nông dân nuôi thủy sản không phải cầm cố sổ đất và nhà của mình vì tôm và hơn nữa là họ có thể làm giàu được từ nghề này”, tiến sĩ trẻ bộc bạch.

Nguyễn Loan

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *