Home / Phát triển doanh nghiệp / Pháp lý / Tính tiền chậm nộp để bảo đảm công bằng giữa các DN trong việc tuân thủ thuế

Tính tiền chậm nộp để bảo đảm công bằng giữa các DN trong việc tuân thủ thuế

Không ít doanh nghiệp thực hiện tạm nộp hàng quý mà để dồn đến thời hạn nộp thuế của quý 4 (thông thường vào ngày 30/1 năm sau) mới nộp thuế vào ngân sách Nhà nước (NSNN), gây mất công bằng trong việc thực thi pháp luật thuế.

Liên quan đến nội dung các bài báo “Quy định thuế mới tận thu, bất hợp lý” ngày 18/11/2020 và “Quy định thuế mới chưa thúc đẩy sản xuất, kinh doanh cuối năm” ngày 20/11/2020 trên Báo Thanh Niên, Tổng cục Thuế đã cung cấp thêm một thông tin đến dư luận.

Thực hiện chủ trương cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, Tổng cục Thuế đã báo cáo Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành Nghị định số 91/2014/NĐ-CP ngày 01/10/2014 và trình Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 151/2014/TT-BTC ngày 10/10/2014, theo đó bãi bỏ quy định về kê khai thuế thu nhập doanh nghiệp tạm tính hàng quý và kê khai quyết toán theo năm, thay bằng quy định tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp hàng quý và kê khai quyết toán theo năm.

Mức phạt chậm nộp tiền thuế GTGT, TNDN và cách tính tiền phạt 2020
Quy định về tính tiền chậm nộp đối với việc thực hiện tạm nộp thuế được xác định theo thời điểm hạn nộp thuế quý bốn của doanh nghiệp, theo đó trường hợp tổng số thuế tạm nộp trong kỳ tính thuế thấp hơn số thuế TNDN phải nộp theo quyết toán từ 20% trở lên thì doanh nghiệp phải nộp tiền chậm nộp đối với phần chênh lệch từ 20% trở lên giữa số thuế tạm nộp với số thuế phải nộp theo quyết toán tính từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn nộp thuế quý 4 của doanh nghiệp đến ngày thực nộp số thuế còn thiếu so với số quyết toán.Theo đó, doanh nghiệp căn cứ vào số thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) của năm trước và dự kiến kết quả sản xuất kinh doanh trong năm để xác định số thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp các quý trong năm sát với thực tế kết quả sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, từ khi triển khai Nghị định số 91/2014/NĐ-CP trong thực tế cho thấy, bên cạnh các doanh nghiệp đã tuân thủ tốt quy định tạm nộp thuế TNDN, còn nhiều doanh nghiệp không tuân thủ và lợi dụng quy định về tính tiền chậm nộp này, không thực hiện tạm nộp hàng quý mà để dồn đến thời hạn nộp thuế của quý 4 (thông thường vào ngày 30/1 năm sau) mới nộp thuế vào NSNN.

Số thu thuế TNDN phát sinh phải nộp trong năm ngân sách trước bị chiếm dụng và nộp vào năm ngân sách sau gây ảnh hưởng đến cân đối ngân sách nhà nước hàng năm. Đồng thời, không đảm bảo sự công bằng trong việc thực thi pháp luật thuế giữa các doanh nghiệp tuân thủ tốt và các doanh nghiệp không tuân thủ.

Để khắc phục hạn chế nêu trên, Chính phủ đã quy định về tính tiền chậm nộp đối với thuế TNDN tạm nộp trong năm, kê khai quyết toán cuối năm đã được sửa đổi tại điểm b khoản 6 Điều 8 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ, theo đó trường hợp người nộp thuế nộp thiếu so với số thuế phải tạm nộp 3 quý đầu năm thì phải nộp tiền chậm nộp tính trên số thuế nộp thiếu so với số thuế phải nộp theo quyết toán kể từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp quý 3 đến ngày nộp số thuế còn thiếu vào ngân sách nhà nước.

Việc quy định như trên xuất phát từ thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Khi sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp đều có phương án và kế hoạch sản xuất kinh doanh hàng năm và hoàn toàn chủ động trong việc xác định/ước tính kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm để thực hiện quy định tạm nộp thuế TNDN theo quy định.

Tổng cục Thuế cho hay, nghĩa vụ phải nộp chính thức sẽ được xác định khi doanh nghiệp quyết toán thuế TNDN tại thời điểm kết thúc năm tính thuế. Thực tế, các trường hợp doanh nghiệp có kết quả tăng bất thường về sản xuất kinh doanh trong quý bốn mà doanh nghiệp không dự kiến được trước không phải là trường hợp phổ biến.

Lãnh đạo Tổng cục Thuế khẳng định, sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền để có hướng dẫn cụ thể theo kỳ tính thuế. Tổng cục Thuế cũng đề nghị dư luận hiểu rõ về chính sách thuế và công tác quản lý thuế nói chung; từ đó, chấp hành tốt chính sách, pháp luật thuế nói chung và pháp luật thuế TNDN nói riêng.

Cơ quan thuế sẵn sàng hỗ trợ mọi vướng mắc của người dân, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện nghĩa vụ thuế.

Theo chinhphu.vn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *