Tổng quan tình hình kinh tế thế giới năm 2020

Tổng quan tình hình kinh tế thế giới năm 2020

Thứ năm – 24/12/2020 13:53
Đại dịch COVID-19 bùng phát và lan rộng khắp toàn cầu đã khiến bức tranh kinh tế thế giới năm 2020 hết sức u ám. Tại thời điểm cuối tháng 6/2020, các tổ chức quốc tế và thể chế tài chính đều đồng loạt nhận định tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy thoái sâu trong năm 2020.
Tuy nhiên, đến thời điểm giữa tháng 12, khi phần lớn các nền kinh tế tái khởi động sau phong tỏa do dịch COVID-19, dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới có những dấu hiệu khả quan hơn. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế cho rằng kinh tế toàn cầu có xu hướng phục hồi sau khi nới lỏng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt và các doanh nghiệp mở cửa trở lại. Theo đó, tổ chức này dự báo GDP thế giới giảm 4,2% trong năm 2020, điều chỉnh tăng 0,3 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra vào tháng 9 năm 2020. Một số tổ chức khác như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Tổ chức xếp hạng tín dụng quốc tế Fitch Ratings (FR), đều điều chỉnh tăng dự báo tăng trưởng toàn cầu trong năm 2020 so với các dự báo trước đây. Cụ thể, IMF và FR dự báo GDP thế giới năm 2020 ở mức -4,4%, và -3,7%, tăng 0,5 và 0,7 điểm phần trăm. Theo Ngân hàng Phát triển châu Á ADB, dự báo tăng trưởng của Trung Quốc đạt 2,1%, Hoa Kỳ giảm -3,5%, Khu vực đồng Euro giảm 7,4%, Nhật Bản giảm 5,4%, In-đô-nê-xi-a giảm 2,2%, Ma-lai-xi-a giảm 6,0%, Thái Lan giảm 7,8%, Phi-li-pin giảm 8,5% và Xin-ga-po giảm 6,2%.

I. XU HƯỚNG KINH TẾ VĨ MÔ TOÀN CẦU
1. Triển vọng kinh tế thế giới

Theo Ngân hàng Thế giới (WB) , hoạt động kinh tế toàn cầu phục hồi kiên cường bất chấp sự trỗi dậy của đại dịch. Sau khi GDP tăng mạnh trở lại trong Quý III ở một số nền kinh tế phát triển, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tổng hợp toàn cầu đã tăng từ mức 52,5 trong tháng 9 lên 53,3 vào tháng 10, nhờ lĩnh vực chế biến chế tạo và dịch vụ được cải thiện. Đà tăng vẫn tiếp tục vào tháng 11, với chỉ số niềm tin kinh tế toàn cầu (Sentix) chuyển từ tiêu cực sang tích cực lần đầu tiên sau 9 tháng. Tuy nhiên, đại dịch đang có những diễn biến tồi tệ hơn, với số lượng người nhiễm và các hạn chế về hoạt động gia tăng ở nhiều nền kinh tế phát triển.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF)  nhận định tăng trưởng toàn cầu năm 2020 giảm 4,4%, mức giảm thấp hơn so với dự báo đưa ra trong tháng 6 năm 2020 (-4,9%). Điều chỉnh tích cực này là do tăng trưởng GDP Quý II tại các nền kinh tế phát triển tốt hơn dự kiến và các chỉ tiêu cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ hơn trong Quý III. Dự báo tăng trưởng toàn cầu đạt 5,2% trong năm 2021. Tăng trưởng nhóm các nền kinh tế phát triển được dự báo giảm 5,8% năm 2020, nhưng sẽ tăng lên mức 3,9% trong năm 2021. Đối với các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi, tăng trưởng được dự báo ở mức -3,3% năm 2020 và tăng lên 6% năm 2021.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD)  cho rằng đại dịch COVID-19 tiếp tục gây thiệt hại đáng kể cho các nền kinh tế và xã hội. Với những tiến bộ đạt được trong phát triển vắc xin, tổ chức này nhận định kinh tế thế giới sẽ thoát khỏi khủng hoảng, tuy vẫn còn nhiều rủi ro trong ngắn hạn. Dựa trên giả định các đợt bùng phát virus mới được kiềm chế và triển vọng vắc-xin phổ biến rộng rãi vào cuối năm 2021 sẽ giúp củng cố niềm tin, kinh tế toàn cầu sẽ dần phục hồi nhưng không giống nhau giữa các quốc gia trong hai năm tới. Sau khi sụt giảm mạnh trong năm nay (-4,2%), GDP toàn cầu được dự báo sẽ tăng khoảng 4,2% vào năm 2021 và 3,7% vào năm 2022. Vào cuối năm 2021, GDP toàn cầu sẽ ở mức trước khủng hoảng nhờ phục hồi kinh tế mạnh mẽ của Trung Quốc.
Tổ chức xếp hạng tín dụng quốc tế Fitch Ratings (FR)  dự báo tăng trưởng GDP thế giới là -3,7% năm 2020, tốt hơn mức -4,4% đưa ra trong tháng 9 nhờ sự phục hồi mạnh mẽ hơn dự kiến trong Quý II năm 2020. FR cũng nâng dự báo tăng trưởng GDP thế giới năm 2021 thêm 0,1 điểm phần trăm, lên 5,3%. Dự kiến tăng trưởng mạnh hơn ở cả Hoa Kỳ và Trung Quốc trong năm tới sẽ bù cho tăng trưởng yếu hơn ở châu Âu. Tốc độ tăng trưởng trên 5% sẽ là rất cao khi GDP thế giới đạt trung bình 2,6% một năm kể từ năm 1990.

Biểu 1. Dự báo tăng trưởng toàn cầu của các tổ chức quốc tế
Đơn vị tính: %
STT Tổ chức 2019 2020 2021
1 Quỹ Tiền tệ Quốc tế 2,8 -4,4 5,2
2 Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế 2,7 -4,2 3,7
3 Fitch Ratings 2,6 -3,7 5,3
Nguồn: IMF, OECD, Fitch Ratings

2. Tổng quan biến động thị trường thế giới

Thương mại phục hồi nhưng còn khá mong manh

Theo Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) , thương mại hàng hóa thế giới phục hồi mạnh mẽ nhưng việc duy trì tăng trưởng trong tương lai vẫn chưa rõ ràng. Chỉ số Thước đo thương mại hàng hóa tăng mạnh là do “đơn đặt hàng xuất khẩu” tăng, nhưng các kết quả khác nhau ở các yếu tố khác và sự dai dẳng của dịch COVID-19 có thể ảnh hưởng đến thương mại trong thời gian tới. Chỉ số thương mại hàng hóa đạt 100,7 cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của thương mại trong Quý II khi nới lỏng phong tỏa, nhưng tăng trưởng có thể sẽ chậm lại trong Quý IV. Ngoài ra, tính không chắc chắn của thương mại vẫn ở mức cao. Làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ hai đang diễn ra ở châu Âu và Bắc Mỹ có thể dẫn đến một đợt đóng cửa kinh doanh mới và kiệt quệ tài chính.

Theo WB, thương mại toàn cầu cải thiện nhưng không đồng đều. Dữ liệu gần đây cho thấy tốc độ phục hồi của thương mại toàn cầu đang chậm lại. Trong tháng 10, các đơn hàng xuất khẩu mới của lĩnh vực chế biến chế tạo giảm 0,5 điểm xuống còn 51,2 điểm và lĩnh vực dịch vụ giảm 0,6 điểm, chỉ đạt 46,2 điểm. Điều này diễn ra sau nhiều tháng thương mại hàng hóa được cải thiện. Tuy nhiên, du lịch quốc tế vẫn suy giảm mạnh, với hơn một nửa số quốc gia đối mặt với lượng khách du lịch sụt giảm hơn 75% trong tháng 9. Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) được 15 quốc gia châu Á – Thái Bình Dương ký kết vào ngày 15 tháng 11 dự kiến sẽ thúc đẩy tăng trưởng trong những năm tới thông qua giảm bớt các rào cản thương mại.

Giá cả trên thị trường hàng hóa có xu hướng phục hồi

WB cho rằng giá hàng hóa có xu hướng tăng nhờ tín hiệu tích cực từ sản xuất vắc-xin. Trong tháng 11, một số mặt hàng, đặc biệt là dầu thô, đã tăng giá mạnh do việc công bố vắc-xin COVID-19 có hiệu lực đã làm tăng niềm tin của các nhà đầu tư, thúc đẩy triển vọng phục hồi nhu cầu dầu.
Theo IMF, giá dầu giao ngay trung bình mỗi thùng được dự báo ở mức 41 USD vào năm 2020 và 43,8 USD vào năm 2021, cao hơn so với dự báo của tháng 4 và tháng 6. Dự kiến giá dầu sẽ tiếp tục tăng lên 48 đô la, nhưng vẫn thấp hơn 25% so với mức trung bình năm 2019.

Trong tháng 12, giá kim loại tăng nhẹ đồng thời giá hàng hóa nông nghiệp tiếp tục có mức tăng khiêm tốn.

Điều kiện tài chính toàn cầu giúp tăng niềm tin của nhà đầu tư

Các điều kiện tài chính tiếp tục nới lỏng, qua đó hỗ trợ tâm lý và ngăn chặn sự khuếch đại hơn nữa của cú sốc COVID-19 thông qua hệ thống tài chính. Các sáng kiến tài chính mới như quỹ phục hồi đại dịch của Liên minh châu Âu trị giá 750 tỷ euro, một loạt các chính sách giải cứu trên toàn thế giới gồm cấp tiền mặt và hiện vật cho các doanh nghiệp và hộ gia đình bị ảnh hưởng, trợ cấp tiền lương để duy trì việc làm, mở rộng bảo hiểm thất nghiệp và hoãn thuế,… đã giúp cải thiện tâm lý của các nhà đầu tư. Các hoạt động của ngân hàng trung ương ở các nền kinh tế phát triển hỗ trợ cung cấp tín dụng cho nhiều đối tượng khách hàng đi vay. Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ cũng đã công bố những thay đổi trong chiến lược chính sách tiền tệ của mình, chuyển sang mục tiêu lạm phát trung bình linh hoạt (2%) theo thời gian.

Thị trường chứng khoán toàn cầu cũng tăng mạnh trong tháng 11 và 12 nhờ những tin tức tích cực về hiệu quả của vắc xin COVID-19.

Dòng vốn vào các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi tăng dần

Báo cáo của WB cho thấy tâm lý lạc quan đã thúc đẩy sự phục hồi dòng vốn đầu tư vào các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển. Hầu hết các thị trường chứng khoán của các quốc gia này đã phục hồi trong tháng 11, nhưng vẫn ở dưới mức trước đại dịch ở nhiều quốc gia.

IMF nhận định lợi suất nợ công tại các thị trường mới nổi nhìn chung đã giảm trong những tháng gần đây. Thị trường chứng khoán tại các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển cũng đã tăng lên kể từ tháng 6 (đặc biệt là ở Trung Quốc). Các bước hỗ trợ thanh khoản đồng đô la cùng với sự phục hồi tại Trung Quốc, đã giúp khơi dậy dòng vốn đầu tư vào một số thị trường mới nổi. Tuy nhiên, sự phục hồi của dòng vốn đầu tư gián tiếp không đồng đều giữa các quốc gia đang phát triển và mới nổi.

Dòng kiều hối giảm mạnh trong giai đoạn đầu phong tỏa nhưng đã có dấu hiệu phục hồi. Tuy nhiên, nguy cơ sụt giảm các khoản thanh toán và chuyển từ lao động nhập cư về nước là rất đáng kể.

Lạm phát duy trì ở mức thấp

OECD cho biết tỷ lệ lạm phát ở các nền kinh tế phát triển đã tăng trở lại kể từ mức đáy vào đầu và giữa năm 2020, đặc biệt là ở Hoa Kỳ, nhưng nhìn chung vẫn dưới mức trước đại dịch. Dự báo xu hướng này sẽ tiếp tục trong ngắn hạn và lạm phát sẽ giảm trong năm 2021. Lạm phát ở hầu hết các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi dự kiến sẽ vẫn ở mức vừa phải, hoặc thậm chí giảm trong hai năm tới.

Theo IMF, trong số các đồng tiền chính, đồng đô la giảm giá hơn 4,5% từ tháng 4 đến cuối tháng 9 do lo ngại về tác động của dịch COVID-19 đối với tốc độ phục hồi của Hoa Kỳ. Trong cùng kỳ, đồng euro tăng giá gần 4% nhờ cải thiện triển vọng kinh tế và mức lây nhiễm COVID-19 có xu hướng giảm. Đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc đã mạnh lên và đồng tiền của các nền kinh tế thị trường mới nổi châu Á khác nhìn chung vẫn ổn định. Ngược lại, đồng rúp của Nga mất giá.
Thất nghiệp có xu hướng tăng

Theo IMF, tỷ lệ thất nghiệp có xu hướng tăng ở các nền kinh tế phát triển và thị trường mới nổi. Tỷ lệ người lao động thiếu việc làm ở một số nền kinh tế phát triển cao hơn đáng kể so với tỷ lệ thất nghiệp. Tỷ lệ thất nghiệp ở một số nền kinh tế thị trường mới nổi được dự báo sẽ tăng mạnh trong năm 2020.
Trong các nền kinh tế trung bình của OECD, tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 9 cao hơn khoảng 1,25 điểm phần trăm so với ngay trước đại dịch, nhưng không đồng đều giữa các quốc gia. Tỷ lệ thất nghiệp chỉ tăng nhẹ ở Nhật Bản và ở nhiều nền kinh tế châu Âu, phần lớn là do các biện pháp duy trì việc làm như làm việc trong thời gian ngắn và trợ cấp lương, nhưng tỷ lệ này của Hoa Kỳ và Ca-na-đa cũng như ở một số nền kinh tế thị trường mới nổi chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch lại tăng.

3. Một số rủi ro đối với tăng trưởng toàn cầu

Theo IMF, nền kinh tế thế giới có thể đối mặt với sáu rủi ro chính sau:

Các đợt bùng phát có thể tái diễn ở nhiều nơi. Nếu vi-rút bùng phát trở lại, tiến trình điều trị và vắc-xin chậm hơn dự đoán hoặc khả năng tiếp cận của các quốc gia với vắc-xin không bình đẳng, biến thể của vi-rút Covid-19 xuất hiện tại Anh đã lan sang một số nước châu Âu và Mỹ làm cho hoạt động kinh tế có thể phục hồi chậm lại và đạt mức thấp hơn dự kiến. Sự lan tỏa xuyên biên giới từ nhu cầu bên ngoài yếu hơn có thể làm tăng thêm tác động của các cú sốc tại các quốc gia hoặc khu vực đối với tăng trưởng toàn cầu.

Các điều kiện tài chính có thể thắt chặt. Các điều kiện tài chính có thể thắt chặt như đã diễn ra trong tháng 3, làm lộ ra các lỗ hổng tài chính. Việc ngừng đột ngột cho vay mới (hoặc không trả được nợ hiện có) sẽ khiến một số nền kinh tế rơi vào khủng hoảng nợ, làm suy giảm hoạt động kinh tế. Suy thoái sâu sẽ kéo theo thiếu hụt thanh khoản trên diện rộng và nếu tình trạng này kéo dài sẽ khiến các công ty phá sản hoặc đóng cửa, dẫn đến mất việc làm và thu nhập, làm suy yếu thêm nhu cầu.

Bất ổn xã hội gia tăng. Trong tháng 6, tình trạng bất ổn xã hội gia tăng tại Hoa Kỳ và nhanh chóng lan rộng trên toàn thế giới qua các cuộc biểu tình chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và bất bình đẳng chủng tộc. Các cuộc biểu tình lan rộng hoặc kéo dài hơn có thể làm suy giảm niềm tin và ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động kinh tế.

Căng thẳng địa chính trị. Mặc dù căng thẳng địa chính trị có xu hướng giảm leo thang trong đại dịch nhưng có thể bùng phát trở lại. Hơn nữa, quan hệ căng thẳng giữa Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) + Nga và các nước xuất khẩu dầu ngoài OPEC gây rủi ro cho nguồn cung dầu toàn cầu. Nếu một đợt giảm giá mới như đã thấy trong tháng 3 tái diễn sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của các nhà xuất khẩu dầu mỏ, làm tăng trưởng yếu hơn dự kiến.
Sự không chắc chắn về chính sách thương mại và những mâu thuẫn về công nghệ. Mặc dù thỏa thuận thương mại Giai đoạn Một giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc được ký vào đầu năm, nhưng căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn gia tăng trên nhiều mặt. Thỏa thuận chuyển tiếp của Vương quốc Anh với Liên minh châu Âu hết hiệu lực vào ngày 31 tháng 12 năm 2020. Nếu hai bên không đồng ý, các rào cản thương mại sẽ tăng lên đáng kể, điều này sẽ làm tăng chi phí kinh doanh và có thể làm gián đoạn các thỏa thuận sản xuất xuyên biên giới lâu nay. Cơ quan Phúc thẩm của Tổ chức Thương mại Thế giới đã ngừng hoạt động do bế tắc về các lịch hẹn, gây nghi ngờ về khả năng thực thi các cam kết pháp lý của tổ chức này. Sự không chắc chắn về chính sách thương mại có thể gia tăng trở lại trong bối cảnh này hoặc trong các cuộc thảo luận liên quan đến các đối tác thương mại khác, ảnh hưởng đến tăng trưởng toàn cầu.
Thiên tai do biến đổi khí hậu. Tần suất và cường độ gia tăng các thảm họa thiên nhiên liên quan đến thời tiết, chẳng hạn như bão nhiệt đới, lũ lụt, sóng nhiệt, hạn hán và cháy rừng đã gây ra thiệt hại về nhân đạo và mất sinh kế trên diện rộng ở nhiều khu vực trong những năm gần đây. Các thảm họa cũng có thể góp phần làm tăng di cư xuyên biên giới và căng thẳng tài chính (ví dụ, trong lĩnh vực bảo hiểm) hoặc thêm gánh nặng bệnh tật.

 II. TĂNG TRƯỞNG CỦA MỘT SỐ NỀN KINH TẾ
1. Hoa Kỳ

Ngân hàng Phát triển châu Á  (ADB) nhận định kinh tế Hoa Kỳ tăng trưởng ngoạn mục trong Quý III năm 2020 mặc dù các ca nhiễm COVID-19 vẫn tăng mạnh do nới lỏng các biện pháp phong tỏa và bình thường hóa các hoạt động diễn ra nhanh hơn dự kiến. Tăng trưởng GDP tăng 33,1% so với quý trước. Hồi phục kinh tế chủ yếu do phục hồi nhanh chóng của lĩnh vực đầu tư và tiêu dùng tư nhân. Tiêu dùng chính phủ giảm. Tiêu dùng tư nhân trong Quý III đã tăng 40,7% so với Quý II do tăng cả về hàng hóa và dịch vụ như chăm sóc sức khỏe, ăn uống và lưu trú, nhưng vẫn giảm 2,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhờ bình thường hóa các hoạt động kinh tế và sự hỗ trợ của các gói kích cầu lớn, hoạt động bán lẻ đã phục hồi trong tháng 5 năm 2020 và giữ ổn định trong Quý III. Sau khi phục hồi mạnh trong tháng 6, niềm tin người tiêu dùng đã cải thiện không đáng kể, cho thấy người tiêu dùng Hoa Kỳ vẫn quan ngại về lây lan của COVID-19 trong cộng đồng. Đầu tư tăng nhiều nhất, tăng 83% so với Quý I nhưng vẫn giảm 3,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Đầu tư vào nhà ở, tăng mua sắm trang thiết bị và tồn kho bán lẻ là động lực của phục hồi. Sản xuất công nghiệp chỉ mới tăng từ hồi tháng 6 nhưng chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) đã phục hồi nhanh chóng do chỉ số công nghiệp chế biến chế tạo đạt 59,3 trong tháng 10. Mặc dù thị trường lao động tiếp tục cải thiện nhưng phục hồi chậm hơn, thất nghiệp đã giảm từ mức cao đỉnh điểm 14,7% trong tháng 4 xuống còn 6,9% trong tháng 10/2020. Nhờ kinh tế phục hồi trong Quý III nên dự báo GDP của Hoa Kỳ được điều chỉnh tăng từ – 5,3% lên -3,5% năm 2020 và tăng trưởng 4,2% năm 2021, tăng 0,2 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra hồi tháng 9/2020.

Theo OECD, bất ổn cao, thất nghiệp tăng và bùng phát đại dịch là những nguyên nhân cản trở tốc độ phục hồi nền kinh tế Hoa Kỳ, đặc biệt trong ngắn hạn. Tuy nhiên, gói kích cầu tài chính bổ sung vào đầu năm 2021 sẽ hỗ trợ thu nhập và chi tiêu hộ gia đình, đồng thời chính sách tiền tệ phù hợp sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động kinh tế, đặc biệt là thị trường nhà ở. Theo đó, tăng trưởng GDP của Hoa Kỳ được dự báo đạt 3,2% và 3,5% trong năm 2021 và 2022 sau khi giảm 3,7% trong năm 2020. Dự báo tăng trưởng kinh tế của Hoa Kỳ của một số tổ chức được trình bày tại biểu 2 dưới đây.

Biểu 2. Dự báo tăng trưởng của Hoa Kỳ
Đơn vị tính: %
STT Tổ chức 2019 2020 2021
1 Ngân hàng Phát triển châu Á 2,2 -3,5 4,2
2 Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế 2,2 -3,7 3,2
3 Quỹ tiền tệ quốc tế 2,2 -4,3 3,1
4 Fitch Rating 2,2 -3,5 4,5
Nguồn: ADB, OECD, IMF, Fitch Ratings

2. Khu vực đồng Euro

Theo Báo cáo triển vọng kinh tế của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), GDP năm 2020 của khu vực đồng Euro giảm 7,5% và triển vọng ngắn hạn vẫn còn yếu. GDP Quý IV dự báo giảm gần 3%, phản ánh việc tái áp dụng các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt ở hầu hết các quốc gia trong khu vực. Nếu bùng phát dịch được kiểm soát hiệu quả trong ngắn hạn và niềm tin người tiêu dùng duy trì tốt, tăng trưởng GDP được dự báo ở mức 3,5% và 3,2% cho giai đoạn 2021-2022 và chỉ đạt được mức trước đại dịch vào cuối năm 2022. Các đợt bùng phát vi-rút dai dẳng và các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh lây lan sẽ tiếp tục cản trở hoạt động kinh tế cho đến khi vắc-xin được phát triển rộng rãi. Tiêu dùng và đầu tư tư nhân sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất do bất ổn và lòng tin thấp. Tỷ lệ thất nghiệp dự kiến sẽ tăng đến giữa năm 2021, đạt mức hai con số, sau đó sẽ giảm dần.

Chỉ số PMI tổng hợp khu vực đồng Euro đã tăng từ mức 45,3 trong tháng 11 lên 49,8 trong tháng 12 năm 2020, đánh bại kỳ vọng 45,8 của thị trường.

Theo ADB, sau khi giảm kỷ lục trong Quý II, tăng trưởng GDP khu vực đồng Euro trong Quý III đã phục hồi, tăng 61,1% so với Quý II, nhưng vẫn giảm 4,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Động lực tăng trưởng ở hầu hết các nền kinh tế lớn trong khu vực là xuất khẩu, tiêu dùng hộ gia đình vững chắc, thương mại bán lẻ tăng vọt trong những tháng cuối năm. Thị trường lao động ổn định với tỷ lệ thất nghiệp ở mức 8,3%. Niềm tin kinh doanh giữ ở mức ổn định 90,9 trong tháng 10 do triển vọng của các ngành công nghiệp, xây dựng và thương mại bán lẻ được cải thiện. Một số chính phủ trong khu vực đồng Euro tiếp tục hạn chế đi lại nhằm ngăn chặn làn sóng COVID-19 mới nên động lực tăng trưởng trong Quý III không thể chuyển sang Quý IV. Triển vọng tăng trưởng của khu vực đồng Euro có tính bất ổn cao với nhiều nguy cơ tiêu cực do tác động của COVID-19, căng thẳng thương mại toàn cầu, Brexit không thỏa thuận và nợ công không bền vững. Theo đó, ADB dự báo tăng trưởng của khu vực đồng Euro giảm 7,4% năm 2020 trước khi phục hồi lên mức 5,6% năm 2021. Biểu dưới đây thể hiện dự báo tăng trưởng của khu vực đồng Euro của ADB và một số tổ chức quốc tế.

Biểu 3. Dự báo tăng trưởng của Khu vực đồng Euro
Đơn vị tính: %
STT Tổ chức 2019 2020 2021
1 Ngân hàng Phát triển châu Á 1,3 -7,4 5,6
2 Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế 1,3 -7,5 3,6
3 Quỹ tiền tệ quốc tế 1,3 -8,3 5,2
4 Fitch Ratings 1,3 -7,6 4,7
Nguồn: ADB, OECD, IMF, Fitch Ratings

3. Nhật Bản

OECD nhận định cú sốc COVID-19 vào đầu năm 2020 đã gây suy thoái lớn cho nền kinh tế Nhật Bản, GDP thực tế dự kiến sẽ giảm khoảng 5% trong năm 2020. Nền kinh tế đang dần hồi phục mặc dù tăng trưởng vẫn còn chậm. Việc kiểm soát các ca nhiễm COVID-19 đã kìm hãm nhu cầu trong nước. Khi các biện pháp hạn chế được dỡ bỏ trong thời gian tới, tiêu dùng dự kiến sẽ phục hồi nhờ sự hỗ trợ từ các khoản trợ cấp và khuyến khích của chính phủ. Ngoài ra, nếu tình hình dịch bệnh của các đối tác thương mại được cải thiện, nhu cầu bên ngoài phục hồi sẽ giúp tăng trưởng xuất khẩu tại quốc gia này. Tăng trưởng GDP của Nhật Bản được dự báo sẽ tăng 2,2% năm 2021 và 1,5% năm 2022, với giả định sẽ có thêm nhiều gói kích thích kinh tế.

Theo ADB, kinh tế Nhật Bản đã phục hồi sau khi giảm mạnh trong Quý II năm 2020. Nhật Bản đạt được tăng trưởng trong Quý III nhờ sự phục hồi của các động lực phát triển như tiêu dùng trong nước và đầu tư tư nhân. Kinh tế tiếp tục phục hồi trong Quý IV nhưng với tốc độ chậm hơn. Theo kết quả điều tra của Ngân hàng Nhật Bản, điều kiện kinh doanh đã được cải thiện nhưng vẫn ở mức âm, kết hợp với các đơn hàng máy móc chính vẫn im ắng cho thấy phục hồi còn chậm ở lĩnh vực chi phí vốn. Trong khi đó, doanh số bán lẻ chỉ giảm nhẹ trong tháng 9 do niềm tin người tiêu dùng được cải thiện và tỷ lệ thất nghiệp ổn định ở mức 3,0%. Sau 14 tháng giảm liên tục, tăng trưởng xuất khẩu đã phục hồi trong tháng 10. Mặc dù chỉ số PMI chế biến chế tạo tăng lên mức 48,7 và PMI dịch vụ tăng lên 46,9 nhưng vẫn nằm ở khu vực giảm sâu. Theo đó, ADB dự báo tăng trưởng kinh tế Nhật Bản ở mức – 5,4% năm 2020 và sẽ phục hồi ở mức 2,3% năm 2021.

Dưới đây là biểu tổng hợp dự báo của các tổ chức quốc tế về tăng trưởng của Nhật Bản.

Biểu 4. Dự báo tăng trưởng của Nhật Bản
Đơn vị tính: %
STT Tổ chức 2019 2020 2021
1 Ngân hàng Phát triển châu Á 0,7 -5,4 2,3
2 Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế 0,7 -5,3 2,3
3 Quỹ tiền tệ quốc tế 0,7 -5,3 2,3
4 Fitch Ratings 0,7 -5,3 3,5
Nguồn: ADB, OECD, IMF, Fitch Ratings

4. Trung Quốc

Trong Báo cáo bổ sung Triển vọng phát triển châu Á của ADB, tăng trưởng GDP của Trung Quốc duy trì mức tăng bình quân 0,7% trong ba quý đầu năm 2020, một phần nhờ tăng trưởng mạnh mẽ trong Quý III ở mức 4,9%. Trong 10 tháng đầu năm 2020, giá trị tăng thêm thực tế của ngành công nghiệp đã tăng 1,8%, đạt 6,9% trong tháng 10 trong khi đó doanh thu bán lẻ giảm khoảng 7,6%. Nhập khẩu hàng hóa giảm 2,3% trong 10 tháng đầu năm 2020 nhưng xuất khẩu đã tăng 0,5% trong 6 tháng cuối năm 2020. ADB dự báo nền kinh tế Trung Quốc tăng 2,1% năm 2020, điều chỉnh tăng 0,3 điểm phần trăm so với mức dự báo được đưa ra trong báo cáo cập nhật vào tháng 9 năm 2020. Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc dự báo phục hồi và đạt 7,7% năm 2021.

Theo OECD, tăng trưởng của Trung Quốc dự kiến đạt 1,8% trong năm 2020, và tăng lên 8% trong năm 2021. Các gói kích thích tiền tệ đang được rút lại nhưng được thay bằng các chính sách tài khóa để tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế. Đầu tư mạnh mẽ vào bất động sản và cơ sở hạ tầng dưới sự hỗ trợ của chính sách kích thích và tăng trưởng tín dụng kết hợp với hiệu quả xuất khẩu cải thiện đang thúc đẩy tăng trưởng của quốc gia này, đồng thời giúp đẩy mạnh nhu cầu bên ngoài ở nhiều nền kinh tế sản xuất hàng hóa và các đối tác chính trong chuỗi cung ứng ở châu Á.

Biểu dưới đây trình bày dự báo của ADB, OECD và các tổ chức khác về tăng trưởng của Trung Quốc.

Biểu 5. Dự báo tăng trưởng của Trung Quốc
Đơn vị tính: %
STT Tổ chức 2019 2020 2021
1 Ngân hàng Phát triển châu Á 6,1 2,1 7,7
2 Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế 6,1 1,8 8,0
3 Quỹ tiền tệ quốc tế 6,1 1,9 8,2
4 Fitch Ratings 6,1 2,3 8,0
Nguồn: ADB, OECD, IMF, Fitch Ratings

5. Đông Nam Á

Theo ADB, dự báo GDP khu vực Đông Nam Á năm 2020 được điều chỉnh giảm, từ mức -3,8% (dự báo trong tháng 9) xuống -4,4%. Dự báo GDP năm 2020 của In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a và Phi-li-pin giảm do nỗ lực ngăn chặn dịch COVID-19 phần nào cản trở sự phục hồi kinh tế. Trong khi đó, thành công trong việc mở cửa trở lại nền kinh tế cho thấy triển vọng tăng trưởng tốt hơn cho Bru-nây, Thái Lan và Việt Nam. ADB giữ nguyên dự báo tăng trưởng đối với Cam-pu-chia, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Mi-an-ma và Xin-ga-po.

Nền kinh tế In-đô-nê-xi-a giảm 3,5% trong Quý III. Tiêu dùng và đầu tư tư nhân tiếp tục giảm. Tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 7,1% trong tháng 8, đạt mức cao nhất kể từ tháng 8 năm 2011. Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến gần 30 triệu người do giảm giờ làm, ngưng trệ hoặc mất việc làm. Dự báo GDP của quốc gia này giảm 2,2% năm 2020 trước khi quay trở lại tăng trưởng 4,5% vào năm 2021. Niềm tin của người tiêu dùng gia tăng và chi tiêu theo chương trình phục hồi kinh tế sẽ thúc đẩy tăng trưởng vào năm 2021. Đầu tư cũng sẽ được hưởng lợi từ các chương trình cải cách đang diễn ra nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và thúc đẩy thương mại thông qua việc trở thành thành viên của Hiệp định RCEP.

Ma-lai-xi-a đã cải thiện đáng kể tốc độ tăng GDP từ -17,1% trong Quý II lên -2,7% trong Quý III do tăng tiêu dùng và xuất khẩu các sản phẩm điện tử và y tế. Đầu tư và tiêu dùng tư nhân giảm nhẹ trong Quý III, trong khi chi tiêu công tăng. Xuất khẩu ròng lần đầu tiên tăng trưởng dương kể từ Quý III năm 2019. Các hạn chế đi lại để đối phó với sự gia tăng đột biến các trường hợp lây nhiễm COVID-19 trong tháng 10 làm giảm quy mô tiêu thụ và sản xuất trong Quý IV. Do hạn chế đi lại và nhu cầu bên ngoài giảm, dự báo GDP Ma-lai-xi-a sẽ giảm 6,0% trong năm nay trước khi tăng trở lại 7,0% vào năm 2021.

Nền kinh tế Phi-li-pin giảm 10,0% trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 9 năm 2020, phản ánh hoạt động kinh doanh, tiêu dùng và niềm tin của người tiêu dùng giảm sút do đại dịch. Với tỷ lệ thất nghiệp được cải thiện nhưng vẫn ở mức cao 10,0% trong tháng 7, tiêu dùng hộ gia đình vẫn giảm nhưng có xu hướng cải thiện (từ mức -15,3% trong Quý II lên -9,3% trong Quý III) do nền kinh tế dần mở cửa trở lại và lượng kiều hối từ lao động nước ngoài tăng trở lại. Tỷ lệ thất nghiệp ở mức 8,7% vào tháng 10. Tiêu dùng của chính phủ tiếp tục tăng nhưng với tốc độ giảm dần. Xuất khẩu giảm ít hơn nhập khẩu, góp phần giảm bớt suy giảm GDP. Dự báo GDP năm 2020 của quốc gia này giảm 8,5% do tiêu dùng và đầu tư của các hộ gia đình giảm nhiều hơn dự kiến. Dự báo tăng trưởng năm 2021 đạt 6,5% nếu đầu tư công tăng lên và kinh tế toàn cầu phục hồi.

Tăng trưởng Xin-ga-po giảm 5,8% trong Quý III. GDP trong Quý IV dự báo được hưởng lợi từ niềm tin kinh doanh được cải thiện, sản xuất và dịch vụ được mở rộng nhưng sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng do hạn chế đi lại và nhu cầu toàn cầu yếu. Dự báo GDP của quốc gia này được duy trì ở mức -6,2% vào năm 2020 nhưng điều chỉnh lên 5,1% vào năm 2021.

GDP Thái Lan giảm 6,4% trong Quý III năm 2020, phục hồi một nửa so với mức giảm 12,1% trong Quý II. Thương mại hàng hóa, đầu tư và tiêu dùng tư nhân dần hồi phục khi các biện pháp ngăn chặn được nới lỏng trong nước và tại các nước đối tác thương mại. Có sự cộng hưởng tích cực từ việc tiếp tục mở rộng tiêu dùng và đầu tư công. Dự báo cho năm 2020 được điều chỉnh tăng nhẹ từ -8,0% lên -7,8%, nhưng dự báo tăng trưởng cho năm 2021 được điều chỉnh giảm từ 4,5% xuống 4,0%.

Biểu 6. Tăng trưởng GDP của một số quốc gia Đông Nam Á
         Đơn vị tính: %
STT Quốc gia 2019 2020 2021
ADB IMF ADB IMF ADB IMF
1 In-đô-nê-xi-a 5,0 5,0 -2,2 -1,5 4,5 6,1
2 Ma-lai-xi-a 4,3 4,3 -6,0 -6,0 7,0 7,8
3 Phi-li-pin 6,0 6,0 -8,5 -8,3 6,5 7,4
4 Thái Lan 2,4 2,4 -7,8 -7,1 4,0 4,0
5 Xin-ga-po 0,7 -6,2 5,1
Nguồn: ADB và IMF

6. Việt Nam
Ngân hàng Thế giới

Báo cáo “Điểm lại” của WB công bố ngày 21/12/2020 nhận định tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 2,8% trong năm 2020. Theo WB,  mặc dù kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, nhưng nhờ có các biện pháp đối phó chủ động, sáng tạo ở các cấp, kinh tế vĩ mô và tài khóa ổn định nên kinh tế Việt Nam có sức chống chịu đáng kể.

Kinh tế tiếp tục phục hồi trong tháng 10, trong đó lĩnh vực sản xuất công nghiệp đã đạt được tốc độ tăng trưởng gần bằng giai đoạn trước dịch COVID-19.
Hoạt động sản xuất công nghiệp và bán lẻ ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao nhất so với cùng kỳ năm trước trong tháng 10 kể từ khi bùng phát dịch COVID-19 vào tháng 2. Chỉ số sản xuất công nghiệp và doanh số bán lẻ hàng hóa lần lượt tăng 6,6% và 6,7% so với cùng kỳ năm trước.
Thặng dư thương mại hàng hóa tiếp tục tăng kỷ lục, một phần nhờ hàng xuất khẩu sang Mỹ tăng mạnh. Thặng dư thương mại hàng hóa trong 10 tháng đầu năm 2020 của Việt Nam đạt mức kỷ lục 17,7 tỷ USD, trong đó thặng dư tháng 10 đạt 1,4 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa tăng lần lượt 9,7% và 9,8% so với cùng kỳ năm trước.

Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam tăng cho thấy niềm tin vào nền kinh tế được khôi phục sau đợt bùng phát dịch vào tháng 8. Khi làn sóng COVID-19 thứ hai được kiểm soát thành công, FDI đã tăng lên khoảng 2,27 tỷ USD trong tháng 10, so với 1,67 tỷ USD trong tháng 9 và 0,8 tỷ USD trong tháng 8. Trong 10 tháng đầu năm 2020, Việt Nam đã thu hút được 23,5 tỷ USD vốn FDI, thấp hơn khoảng 19,4% so với cùng kỳ năm 2019, nhưng vẫn là một thành tựu nổi bật do UNCTAD dự báo dòng vốn FDI vào các nước Đông Á sẽ giảm 30-45% trong năm 2020.
Lạm phát vẫn duy trì mức ổn định. Chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 10 vẫn đi ngang so với ba tháng trước cho thấy sự ổn định trong ngắn hạn của giá thực phẩm, năng lượng và giao thông.

Ngân hàng Nhà nướcViệt Nam cắt giảm lãi suất nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn giảm nhẹ so với cùng kỳ. Vào đầu tháng 10, lãi suất tái cấp vốn giảm từ 4,5% xuống 4% và lãi suất tái chiết khấu từ 3% xuống 2,5%. Động thái này phù hợp với chính sách của Chính phủ nhằm giảm chi phí vay vốn kể từ đầu cuộc khủng hoảng COVID-19. Tăng trưởng tín dụng ở mức 9,6% trong tháng 10 so với cùng kỳ năm ngoái và giảm nhẹ so với mức tăng trưởng 10,2% của tháng 9. Tuy nhiên, tốc độ tăng này vẫn cao hơn nhiều so với tăng trưởng GDP danh nghĩa, do đó tỷ lệ tín dụng/GDP vẫn đang tiếp tục tăng.
Trong thời gian tới, triển vọng của Việt Nam được cho là tích cực khi nền kinh tế được dự báo tăng trưởng ở mức khoảng 6,8% trong năm 2021 và sẽ ổn định mức 6,5% các năm tiếp theo. Dự báo này của WB được đưa ra dựa trên giả định khủng hoảng COVID-19 sẽ dần được kiểm soát khi vắc xin COVID-19 phát huy  hiệu quả.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế

Trong Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới tháng 10 năm 2020, IMF dự báo GDP của Việt Nam tăng 1,6% trong năm 2020, mức cao thứ hai tại khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Mi-an-ma (2%). Việt Nam cũng nằm trong số ít quốc gia có tăng trưởng dương tại châu Á trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Tuy nhiên, kết thúc đợt tham vấn trực tuyến từ 15 tháng 10 đến 13 tháng 11 với Việt Nam, bà Era Dabla Norris, Trưởng phái đoàn Điều IV Vụ châu Á – Thái Bình Dương của IMF  cho biết tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2020 dự kiến đạt 2,4%, một trong những mức cao nhất trên thế giới, nhờ vào những chính sách quyết đoán nhằm ngăn chặn tình trạng suy giảm sức khỏe và kinh tế từ dịch COVID-19. Các chính sách tài khóa hướng tới hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp dễ bị tổn thương. Việc nới lỏng chính sách tiền tệ và các biện pháp hỗ trợ tài chính tạm thời của Ngân hàng Nhà nước đã giảm bớt áp lực thanh khoản, giảm chi phí huy động vốn và tạo điều kiện tiếp tục cho dòng chảy tín dụng.

Phục hồi mạnh mẽ dự kiến sẽ diễn ra vào năm 2021. Tăng trưởng dự kiến sẽ tăng lên 6,5% khi hoạt động kinh tế trong và ngoài nước tiếp tục bình thường hóa. Các chính sách tài khóa và tiền tệ dự kiến vẫn mang tính hỗ trợ, mặc dù ở mức độ thấp hơn so với năm 2020. Lạm phát dự kiến sẽ vẫn gần với mục tiêu của chính phủ, ở mức 4%.

Ngân hàng Phát triển châu Á

GDP Việt Nam tăng nhanh từ 0,4% trong Quý II năm 2020 lên 2,6% trong Quý III, nâng mức tăng trưởng trung bình từ tháng 1 đến tháng 9 lên 2,1%. Dự báo tăng trưởng cho năm 2020 được điều chỉnh tăng từ 1,8% lên 2,3% nhờ đầu tư công được đẩy mạnh, tiêu dùng trong nước phục hồi, mở rộng thương mại và phục hồi kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc. ADB dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2021 đạt 6,1%.

Biểu 7. Dự báo của các tổ chức quốc tế về tăng trưởng của Việt Nam
Đơn vị tính: %
STT Tổ chức 2019 2020 2021
1 Quỹ Tiền tệ Quốc tế 7,0 2,4 6,5
2 Ngân hàng Phát triển châu Á 7,0 2,3 6,1
3 Ngân hàng Thế giới 7,0 2,8 6,8

Nguồn tin: tổng cục thống kê thàn phố hải phòng.

Để lại một bình luận