VIỆT NAM CÓ SỨC HẤP DẪN VỚI CÁC NHÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Mặc dù, lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào nước ta trong thời gian gần đây giảm so với cùng kỳ năm ngoái, song nhiều nhà đầu tư vẫn bày tỏ sự lạc quan, tin tưởng lựa chọn Việt Nam là điểm đến an toàn, bởi những lợi thế như chính trị ổn định, tăng trưởng kinh tế cao, hội nhập sâu rộng, chính sách mở với nhiều ưu đãi cạnh tranh…

Có sức hấp dẫn riêng

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20/9/2020, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt 21,20 tỷ USD, bằng 81,1% so với cùng kỳ năm 2019. Vốn thực hiện đạt 13,76 tỷ USD, bằng 96,8% so với cùng kỳ năm 2019. Điều này cho thấy, đại dịch Covid-19 đã tác động không nhỏ tới dòng vốn FDI vào Việt Nam thời gian qua.Việt Nam vẫn hấp dẫn giới đầu tư quốc tế

Bà Mary Tarnowka – Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (Amcham) – cho biết, Việt Nam có thuận lợi về vị trí địa lý, tính năng động, hội nhập cao, hệ thống chính trị tương đối ổn định. Bên cạnh đó, việc chống dịch Covid-19 thành công cũng là điểm cộng lớn cho đất nước này trong thu hút các dòng vốn đầu tư dịch chuyển. Trước đó, tại Hội nghị trực tuyến chuyên sâu về Việt Nam trong khuôn khổ chuỗi hoạt động thu hút đầu tư tập trung vào khu vực ASEAN của Ngân hàng Standard Chartered, với chủ đề: “Việt Nam – Ngôi sao đang lên”, ông Nirukt Sapru – Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam và nhóm 5 nước ASEAN và Nam Á – cho rằng, theo cuộc khảo sát gần đây, 38% doanh nghiệp (DN) được hỏi cho biết sẽ xem xét mở rộng chuỗi cung ứng tại Việt Nam. Đây là tỷ lệ cao nhất trong các nước ASEAN.Tuy nhiên, theo Cục Đầu tư nước ngoài, dòng vốn FDI giảm sút, nhưng xét trong bối cảnh đầu tư toàn cầu suy giảm, thì kết quả thu hút FDI của Việt Nam vẫn tốt hơn nhiều quốc gia khác. Hiện nay, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn duy trì được hoạt động sản xuất, kinh doanh tốt và rất tin tưởng vào môi trường đầu tư Việt Nam. Có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm và có nhu cầu đầu tư vào Việt Nam.

Theo vị này, với những yếu tố nền tảng mạnh mẽ như: Dân số trẻ, năng động và am hiểu công nghệ, thị trường nội địa đang phát triển, tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng và một nền kinh tế mở, Việt Nam tiếp tục mang đến những cơ hội đầu tư hấp dẫn. “Nhiều tập đoàn đa quốc gia đã quan tâm thiết lập hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, nhằm tận dụng khoảng cách địa lý gần và khả năng kết nối với ASEAN để thúc đẩy hoạt động kinh doanh. Đại dịch Covid-19 có thể còn kéo dài một thời gian nữa, nhưng không điều gì có thể ngăn cản chúng ta tìm kiếm các cơ hội và đưa ra những chiến lược mới để duy trì và thúc đẩy tăng trưởng tại Việt Nam” – ông Nirukt Sapru nói.

Chuẩn bị điều kiện cần thiết, thu hút FDI chất lượng cao

Với sự kiểm soát dịch bệnh như hiện nay, Việt Nam đã và vẫn đang là điểm đến đầu tư an toàn. Đặc biệt, Việt Nam cũng đang thể hiện khả năng phục hồi mạnh mẽ hơn hầu hết các nền kinh tế tương tự và triển vọng của nền kinh tế trong trung – dài hạn vẫn tích cực. Theo ông Nguyễn Minh Cường – chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, dòng vốn FDI sẽ đến Việt Nam nhiều hơn vì đây là thị trường rất hấp dẫn, với dân số gần 100 triệu người, tầng lớp trung lưu đang tăng với sức tiêu dùng mạnh mẽ. Sang năm 2021, đầu tư sẽ được đẩy mạnh nhờ cải thiện giải ngân vốn đầu tư công, hoạt động sản xuất tiếp tục chuyển hướng từ Trung Quốc sang Việt Nam, kinh tế Trung Quốc phục hồi và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đã đi vào thực thi. Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) đã công bố danh sách 15 DN Nhật Bản sẽ chuyển hoạt động sản xuất của họ từ Trung Quốc sang Việt Nam. Phần lớn các DN chuyển sang Việt Nam sản xuất thiết bị y tế; các DN còn lại sản xuất thiết bị bán dẫn, linh kiện điện thoại, máy điều hòa không khí hoặc mô-đun nguồn…

Mặc dù có nhiều lợi thế thu hút FDI, nhiều tập đoàn có dự định đầu tư vào Việt Nam, song để thu hút FDI chất lượng cao, giữ chân họ lại ở lâu dài, “Việt Nam nên tập trung ưu tiên phát triển môi trường đầu tư thân thiện, minh bạch, với kết cấu hạ tầng và các điều kiện về hậu cần tốt, cũng như cải thiện chất lượng lao động tay nghề cao và năng lực quản trị tốt. Đây là những yếu tố quan trọng để thu hút FDI chất lượng cao”- ông Nguyễn Minh Cường khuyến nghị.

Ngoài ra, không nên chỉ tập trung thu hút “đại bàng” – những nhà đầu tư lớn, mà nên thu hút “chim sẻ” – các nhà đầu tư vừa và nhỏ, vì họ có thể đáp ứng các yêu cầu của Việt Nam về bảo vệ môi trường, chuyển giao công nghệ, tạo việc làm và thúc đẩy liên kết với các DN trong nước. Trong nhiều trường hợp, “chim sẻ” có thể kết nối với các DN trong nước tốt hơn cả “đại bàng”.

Để chuẩn bị đón làn sóng đầu tư, Việt Nam đang tiến hành rà soát quỹ đất khu công nghiệp; đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu; thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ, kết nối với các dự án FDI lớn; xây dựng khung pháp lý ngày càng thuận lợi hơn với cơ chế thông thoáng, tăng cường phân cấp, minh bạch, đa dạng hóa các hình thức đầu tư, bổ sung ưu đãi và hỗ trợ đầu tư…

Thu Phương

Để lại một bình luận