Home / Phát triển doanh nghiệp / Chiến lược Marketing / 8 bí quyết thực thi khát vọng của mọi doanh nhân

8 bí quyết thực thi khát vọng của mọi doanh nhân

Một doanh nhân lãng mạn, có tầm nhìn là sở hữu đươc 30% tố chất để xây dựng một doanh nghiệp đầy động lực và đam mê. 70% còn lại quyết định sự thành bại của doanh nghiệp là nghệ thuật thực thi táo bạo tầm nhìn của chính mình. Có chiến lược thực thi đúng thì ý tưởng sáng tạo mới có thể được triển khai và khát vọng lớn có thể thành sự thật.

 

www.strategy.vn, doanh nhân, kỹ năng, doanh nhân, người thành đạt, marketing, marketing hiện đại, marketing kiểu mới, digital marketing, content marketing, chiến lược marketing, marketing truyền thốn

 

Trong bộ phim The Candidate (Ứng viên), câu cửa miệng của nhân vật Robert Redford là “Giờ thì sao?” sau khi anh ta được chọn. Hầu hết các doanh nhân cũng hỏi câu giống như vậy sau khi nhận được khoản đầu tư từ các quỹ.” Đây chính là lúc nghệ thuật thực thi phát huy tác dụng.

Guy Kawasaki, Chủ tịch hội đồng quản trị của quỹ đầu tư mạo hiểm Garage Technology Ventures, cũng là tác giả nhiều cuốn sách nổi tiếng đã chia sẻ 8 bí quyết của nghệ thuật thực thi:

1. Tạo ra điều gì đó đáng để thực thi

Bạn sẽ phát ngán với ám ảnh về những sản phẩm và dịch vụ luôn tự cho là tuyệt vời, nhưng việc trình bày, giới thiệu, chào hàng và thực thi sẽ dễ dàng hơn nhiều nếu bạn tạo ra được điều gì đó có ý nghĩa. Khó có thể duy trì được động lực và hưng phấn khi thực thi điều gì đó vớ vẩn. Vậy nên, nếu bạn và tổ chức của bạn đang phải vật lộn với việc thực thi, có lẽ các bạn đang làm điều không phù hợp.

 

2. Đặt mục tiêu

 

Bước tiếp theo là đặt mục tiêu. Không phải là bất kỳ loại mục tiêu nào, mà là những mục tiêu đạt được những tiêu chí sau:

 

Có thể đo được. Nếu không đo được mục tiêu, nhiều khả năng là bạn sẽ không thể đạt được nó. Với một doanh nghiệp mới hình thành, mục tiêu có thể xác định được số lượng là những công việc như: hoàn thành đúng hạn chuyến hàng, doanh số bán hàng… Câu nói của người xưa “Đo được là làm được” quả thật đúng. Số lượng mục tiêu cũng có sự phức tạp, vì bạn không thể (và cũng không nên) đong đếm mọi thứ. Ba đến năm mục tiêu một tuần về cơ bản được xem là nhiều.

 

Có thể đạt được. Hãy áp dụng cách dự báo “thận trọng” của bạn cho những mục tiêu này và đem nhân chúng với 10% ; sau đó, sử dụng kết quả thu được làm mục tiêu. Chẳng hạn, nếu bạn nghĩ mình có thể dễ dàng bán được một triệu đơn vị sản phẩm trong năm đầu tiên thì hãy đạt mục tiệu của bạn là 100.000 đơn vị. Chẳng gì làm nhụt chí hơn việc đặt ra một mục tiêu xa vời và không đạt được, thay vào đó, hãy lấy 10% dự đoán làm mục tiêu và biến nó thành sự thật. Bạn có thể cho rằng làm như vậy sẽ dẫn tới việc những tổ chức đạt được ít thành tích hơn so với khả năng vì chúng chưa được thử thách – à, được thôi, kiểm tra lại với lời khuyên này sau khi bạn không bán được một triệu sản phẩm nhé.

Có liên quan. Mục tiêu tốt là mục tiêu có liên quan. Nếu công ty của bạn là một công ty về phần mềm thì mục tiêu phải là con số tải xuống của phiên bản sản phẩm mẫu. Không phải con số xếp hạng của bạn trên Alexa, yêu cầu công ty tập trung vào mục tiêu lọt vào tốp 50.000 trang web trên thế giới về lượng truy cập không bằng mục tiêu đạt được 10.000 lần tải xuống mỗi tháng.

Chống lại hiện tượng “chuột đào lỗ nhưng không ở”. Một mục tiêu có thể đo được, có thể đạt được và có liên quan vẫn có thể khiến bạn sa vào lỗ chuột. Lấy ví dụ, bạn vừa tạo ra một trang web. Mục tiêu có thể đo được, có thể đạt được và có liên quan của bạn là có 100.000 thành viên đăng ký trong 90 ngày đầu tiên. Nhiều hơn càng tốt. Nhưng chuyện gì sẽ xảy ra nếu bạn chỉ quan tâm tới con số đếm đầu người này mà không xem xét tới vấn đề “gắn bó” của trang? Bạn có 100.000 người đăng ký, nhưng họ chỉ ghé vào trang web của bạn một lần và không bao giờ quay trở lại. Đó là hiện tượng “chuột đào lỗ nhưng không ở”. Phải đảm bảo mục tiêu của bạn bao gồm mọi nhân tố giúp cho tổ chức của bạn có thể trụ vững.

 

 

3. Trì hoãn, hoặc ít nhất là giảm ưu tiên đối với những mục tiêu mang tính cảm tính

 

Những mục tiêu cảm tính như “tạo ra một môi trường làm việc tuyệt vời” là những mục tiêu vớ vẩn. Chúng có thể khiến những người sáng lập công ty thấy dễ chịu. Chúng cũng có thể khiến nhân viên thấy thoải mái. Nhưng những công ty đạt được các mục tiêu có thể đong đếm được mới là tốt. Những công ty không đạt được điều đó thì không. Ngay khi bạn bắt đầu bỏ lỡ những mục tiêu có thể đong đếm được, tất cả những điều cảm tính sẽ biến mất.

4. Truyền đạt mục tiêu

Nhiều nhóm quản lý cấp cao đặt ra mục tiêu nhưng không truyền đạt những mục tiêu đó cho tổ chức. Để mục tiêu đạt được hiệu quả, cần phải truyền đạt chúng với tất cả mọi người. Mỗi sáng thức dậy nhân viên cần phải nghĩ làm thế nào để họ có thể giúp đạt được những mục tiêu này.

5. Thiết lập quan điểm duy nhất về trách nhiệm

Nếu bạn hỏi nhân viên của mình ai sẽ là người chịu trách nhiệm về mục tiêu đã đặt ra và trong vòng mười giây không có ai trả lời bạn thì có nghĩa là không có trách nhiệm giải trình ở đây. Nhân viên tốt là người biết chấp nhận trách nhiệm. Nhân viên tuyệt vời là người tìm kiếm trách nhiệm. Nhân viên “vứt đi” là người lảng tránh trách nhiệm.

6. Theo sát một vấn đề cho tới khi nó được hoàn thành hoặc trở nên không liên quan nữa

Nhiều tổ chức đặt ra mục tiêu và thậm chí còn kiểm tra quá trình tiến tới mục tiêu đó. Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn, một vài mục tiêu không còn “nằm trong vùng phủ sóng” vì mọi người bắt đầu tập trung vào những điều thú vị và tuyệt vời nhất. Chẳng hạn, sửa lỗi trong phiên bản hiện tại của phần mềm ứng dụng không thú vị bằng thiết kế một sản phẩm mới, đột phá – nhưng khách hàng hiện tại của bạn lại nghĩ là công việc đó cũng thú vị.

7. Tặng thưởng cho người đạt được mục tiêu

Việc tặng thưởng cho người đạt được mục tiêu tạo ra hai hiệu ứng tích cực. Thứ nhất, người đạt được mục tiêu sẽ trở nên phấn khích hơn với công việc. Thứ hai, những người chưa đạt được và gần đạt được mục tiêu biết được rằng công ty coi vấn đề thực thi đó là vấn đề nghiêm túc. Hình thức của tặng thưởng có thể là tiền, là quyền được mua cổ phiếu, là ngày nghỉ – bất kỳ điều gì khiến mọi người nhận ra rằng “người này đã đạt được mục tiêu”.

 

8. Xây dựng văn hóa thực thi

 

Thực thi không phải là một sự kiện – việc làm một lần để đạt được mục tiêu. Đúng hơn, nó là cách sống và cách sống này phải được xây dựng từ những ngày đầu hình thành tổ chức. Cách tốt nhất để thiết lập thứ văn hóa này là những người sáng lập, đặc biệt là CEO phải làm gương trong việc đạt được mục tiêu, phải tương tác với khách hàng, quan tâm và sát sao với nhân viên. Sự “ám ảnh” này cần phải xuất hiện trong cả cách trả lời thư điện tử và trả lời điện thoại của các vị CEO.

 

Khi chiến dịch quảng cáo rùm beng qua đi, công ty có thể thực thi hoặc không. Hãy đặt sự tuyệt vời trong ý tưởng của bạn, bằng cấp của các thành viên trong ban giám đốc và sự quảng bá xung quanh việc ra mắt sản phẩm tuyệt vời sang một bên. Hoặc bạn chuyển hàng và khách hàng mua nó, hoặc không. Chỉ có thực thi đúng là lý do bạn có một túi tiền lớn và doanh nghiệp thành công.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *