Home / Phát triển cá nhân / 9 nguyên tắc cơ bản để tiếp cận và kết nối với người khác

9 nguyên tắc cơ bản để tiếp cận và kết nối với người khác

  1. Chuyển từ bất ổn sang bình tâm

Khi gặp phải những điều tồi tệ, người ta thường trở nên lo lắng khi phải tìm cách giải quyết vấn đề, nhiều người vì không kháng cự được cám dỗ sẽ dễ dàng làm một chuyện gì đó khiến mọi thứ be bét hơn. Một ví dụ cụ thể mà tác giả dùng làm dẫn chứng chính là Jim Mazzo (Giám đốc điều hành và chủ tịch của Advanced Medical Optics). Năm 2007, công ty Jim gặp khủng hoảng khi công ty anh có một sản phẩm thuốc tra mắt có thể gây ra nhiễm trùng màng sừng nghiêm trọng, Jim không chờ đợi phê chuẩn của Ban giám đốc mà ngay lập tức ra lệnh thu hồi tự nguyện đối với sản phẩm thuốc đó. Ở đây, tác giả đã chỉ ra được sự khác biệt của Jim so với các nhà lãnh đạo khác khi gặp vấn đề “Doanh nghiệp hoảng loạn, dối trá và gắng sức hòng che đậy vấn đề hay đơn thuần là sụp đổ khi rắc rối xảy ra? Jim vượt lên trên khủng hoảng và hành động đúng đắn. Đó là bởi anh thông minh và đầy đạo đức; và còn bởi khi vấn đề nảy sinh, anh có thể nhanh chóng đưa phản ứng sợ hãi vào tầm kiểm soát. Chắc chắn là Jim thoạt tiên cũng sợ hãi như bất cứ ai khác nhưng anh không đờ ra như thế. Thay vào đó, những giá trị căn cốt trong anh đã ngăn những cảm xúc sôi trào và hành động vội vã. Kết quả là, trong khi những người khác để trốn tránh, trách móc, hay mất kiểm soát thì Jim có thể suy nghĩ chóng vánh và kết nối đầy hiệu quả.”

Vậy phương pháp để bình tâm khi gặp bất ổn ở đây là gì?

Tự nắm bắt bản thân là điều khá quan trọng, làm thế nào kiểm soát được những suy nghĩ và cảm xúc của bản thân – bởi trong hầu hết trường hợp, đó chính là điểm mà việc kết nối thành công được bắt đầu. Việc này vô cùng đơn giản. Khi gặp một vấn đề con người thường theo một quy trình gọi là “Quy trình chuyển từ bất ổn sang bình tâm”, và đây cũng là các bước bạn buộc phải biết.

“Ôi giời chết tiệt” (Giai đoạn phản ứng)

Chớ phủ nhận rằng bạn đang buồn bã và sợ hãi. Thay vào đó, hãy xác định tâm trạng của bạn và thừa nhận chúng, thầm dùng từ ngữ mô tả cảm giác của bạn. (“Tôi sợ lắm ấy. Tôi rất lo mình sẽ mất việc làm vì chuyện này.”) Cứ nói to nếu bạn đang một mình, bởi hành động trút giận cơ học khi nói ra sẽ giúp bạn bình tĩnh lại.

Nếu bạn đang ở trong tình huống nào đó, cho phép bỏ ra ngoài chừng một hai phút, hãy làm thế. Còn nếu không, đừng vội trò chuyện với ai trong một vài giây đầu tiên này. Bạn cần tập trung hoàn toàn vào việc thừa nhận và chuẩn bị ra khỏi cơn giận dữ hay hoảng loạn. Nếu tình thế cho phép bạn nhắm mặt được trong khoảng một phút hay tương tự, hãy làm như thế.

Sau đó là các giai đoạn “Trời ơi” (Giai đoạn xả giận), “Vui đây” (Giai đoạn tái tịnh tâm), “Được rồi” (Giai đoạn tái tập trung), “Ổn rồi” (Giai đoạn tái tiến hành). Và chắc chắn một điều là để làm chuyện này không hề đơn giản và càng khó khăn hơn khi muốn thực hiện một cách nhanh chóng nhưng các bạn hãy tập luyện và sử dụng chúng trong đời thực thì sẽ có thể cải thiện tốc độ và thành thạo hơn. Với sự hướng dẫn chi tiết của Mark chắc chắn các bạn sẽ thành công để nắm bắt cảm xúc của mình và tìm cách tốt nhất giải quyết vấn đề.

  1. Chỉnh đốn bản thân để lắng nghe

Nếu như bạn cho rằng để có thể kết nối với mọi người thì phải nói và nói thật nhiều, tôi còn từng nghĩ những người nói nhiều thật tuyệt vời khi họ có thể nói bất cứ thứ gì, trong tình huống nào cũng có thể phá tan sự im ắng của một đám đông. Nhưng sự thật thì mọi người cần gì hơn, có phải là một người nói hết phần người khác hay không. Vâng, hoàn toàn không, chẳng những thế còn khiến người ta mệt mỏi và nhàm chán, dần đà sẽ tránh xa người nói nhiều đó hẳn. Bởi nhu cầu thật sự của mỗi người khi tìm kiếm một người bạn, người yêu, đồng nghiệp thân thiết là muốn được lắng nghe, chia sẻ và thấu hiểu. Vậy lắng nghe như thế nào cho đúng, đây là những quy tắc mà tôi nghĩ các bạn đã chưa từng nghĩ tới, mặc dù nó thật sự vô cùng quen thuộc.

“Cuộc đời hầu như chỉ là chuyện nhận thức và thường hơn là nhận thức sai lầm.” – Dave Logan, Đồng tác giả.

Bạn đã từng đánh giá, đưa ra kết luận về một người nào đó qua  những lần tiếp xúc đầu tiên với người đó như lười biếng, cẩu thả, đạo đức, và những thứ tồi tệ hơn. Có lẽ điều đó đã đến với chúng ta mỗi ngày, bởi trí não của chúng ta vẫn quen với việc nhảy cóc đến kết luận thay vì phân tích.

“Ông bà Jackson là một ví dụ điển hình ở đây. Cặp vợ chồng này đã cưới nhau được 55 năm, và họ đến gặp tôi vì bà Jackson cho rằng, khi những cãi cọ vặt vãnh của họ căng thẳng thì ông Jackson chỉ nói lạnh lẽo: “Vậy thì, sao bà không đi luôn đi cho rảnh nợ?”.

Tôi nói với bà Jackson: “Bà có biết ông nhà nghĩ rằng kết hôn với bà chính là việc tuyệt nhất ông từng làm không?”

Bà Jackson ngạc nhiên quá thể, nói ngay: “Cái gì?”

Ông Jackson đáp ngay: “Ông ấy hoàn toàn đúng đấy. Tôi mang lại ngôi nhà, nhưng bà mang lại cho tôi cả mái ấm. Không có bà ấy, tôi chơ vơ không chốn tựa nương, không có bà ấy tôi chẳng thể có mối quan hệ nào với đám con cái vì tôi chỉ là một tay kỹ sư, tôi không phải người truyền đạt giỏi cho lắm…”

Đó là nói về một cặp đôi đã nghe mà chẳng hề lắng nghe trong suốt nhiều chục năm đấy! Buồn thay, họ chỉ cảm thấy đơn thuần phải chịu đựng người kia, trong khi trên thực tế là họ tận hưởng lẫn nhau đấy chứ.

Điều đó nói lên thứ gì với bạn? Rằng có thể bạn biết ít hơn rất nhiều so với những gì bạn vẫn nghĩ về đối tượng bạn muốn tiếp cận, bất kể người đó mới chỉ xuất hiện hay đã quen thuộc quá đỗi trong cuộc sống của bạn. Rằng những gì bạn nghĩ rằng mình biết có thể lại rất sai lầm.

Từ bây giờ nếu bạn thật sự muốn kết nối với mọi người, hãy suy nghĩ về những gì bạn đang nghĩ. Khi bạn phân tích có ý thức những ý kiến mà bạn định hình về một người nào đó và cân nhắc những nhận thức ấy dựa trên cơ sở thực tế, bạn có thể tháo gỡ cho trí tưởng tượng và xây dựng lên những nhận thức mới mẻ và chính xác hơn.

Hãy chỉnh đốn lại cách suy nghĩ của mình trong việc đánh giá một người nào đó, hãy lắng nghe và khai mở tâm trí để có thể hiểu cách hành xử của người khác, bởi ẩn sâu bên trong mỗi cách hành xử là một câu chuyện nào đó mà chúng ta không hề hay biết.

  1. Mang lại cảm giác “được thấu hiểu” cho người khác

Những người thể hiện đầy đủ tiềm năng bản thân thường có cảm nhận sâu sắc về sự nhận biết, sự đồng cảm, về lòng thương yêu dành cho con người nói chung. Họ cảm thấy tình họ hàng ruột thịt, những mối quan hệ gắn bó như thể tất cả mọi người đều là thành viên trong một gia đình duy nhất – ABRAHAM MASLOW, Chuyên gia tâm lý học.

Khiến một ai đó “cảm thấy được thấu hiểu” chỉ đơn thuần là đặt bản thân bạn vào hoàn cảnh của người ấy. Khi thực hiện được điều này bạn đã thành công trong việc chinh phục cảm xúc của người khác, nhưng người ta thường không coi trọng cách làm này, bởi mấy ai quan tâm đến cảm giác của người khác, đến những chuyện riêng tư không liên quan đến mình. Vậy một lúc nào đó, nếu những mối quan hệ của bạn không đi đến đâu hãy dùng cách này. Câu chuyện của John một vị giám đốc điều hành công ty thuộc danh sách Fortune 1000 các bạn sẽ hiểu hơn về giá trị của việc mang lại cảm giác “được thấu hiểu” cho người khác có ích như thế nào.

Và những gì bạn cần phải làm cũng được tác giả trình bày chi tiết qua 6 bước mà bạn có thể dùng cho xuất phát điểm để thấu hiểu một người nào đó. Và bạn hãy nên nhớ một điều là mỗi con người là một con người thực sự, bất kỳ ai cũng đều sợ hãi, âu lo và khát khao được thấu cảm.

  1. Hãy chăm chú lắng nghe hơn là tỏ vẻ khoa mẽ hay ho

Cách để có bạn bè thực thụ và gây ảnh hưởng nhiều nhất lên mọi người chính là phải hứng thú với việc lắng nghe họ hơn là gây ấn tượng với họ.

Không biết các bạn có gặp phải trường hợp khi bản thân vô cùng chán nản với câu chuyện người khác đang kể thế rồi bạn dừng họ lại và bắt đầu câu chuyện của mình, bạn cho rằng người đó sẽ nghĩ bạn thông minh, dí dỏm và hài hước thì bạn đã vô cùng sai lầm.

Bạn càng gắng thuyết phục người ta rằng bạn thông minh, duyên dáng hay tài năng, thì họ sẽ chỉ càng thấy bạn nhạt nhẽo và tự phụ. Điều đó đặc biệt đúng khi bạn cứ nhấp nhổm chực dẫm lên chuyện của người ta mà lao vào chuyện của mình.

Dẫn chứng cho điều này là hai tấm thiệp mà Mark đưa ra, khi một tấm thiệp chỉ toàn khoe mẽ và một tấm thiệp là những câu hỏi thăm xen kẽ. Và điều này nói lên một điều, nếu bạn muốn người khác thật sự hứng thú với mình hãy chăm chú lắng nghe họ, rồi khi họ nhận được thấu cảm thì lúc đó bạn sẽ được lắng nghe, điều đó tốt hơn là chỉ tỏ vẻ khoe mẽ làm cho người ta chán ghét.

Tuy nhiên, đừng diễn “Anh không thể vờ vịt chân thành” cũng giống như không thể vờ vịt hứng thú.

Để làm được điều đó, bạn hãy xem cuộc trò chuyện như một trò chơi thám tử, trong đó mục tiêu của bạn là tìm hiểu hết khả năng có thể về đối tượng đó. Bước vào cuộc đối thoại với nhận thức rằng có điều gì đó rất lôi cuốn trong con người ấy, và thật kiên quyết để khám phá ra nó.

Khi bạn làm vậy, mong đợi của bạn sẽ thể hiện trên đôi mắt và ngôn ngữ cơ thể. Theo bản năng bạn có thể hỏi những khiến cho người ta có thể phát triển trọn vẹn một câu chuyện lôi cuốn chứ không chỉ gắng sức dựng lên nó mà thôi. Và bạn sẽ lắng nghe những gì người đó nói ra chứ không chỉ chăm chăm về những thứ bạn sẽ nói tiếp sau đó.

Ngoài ra, tác giả còn đừa ra những cách khác nhau trong từng môi trường như môi trường kinh doanh, mối quan hệ cá nhân và khi gặp gỡ những người mới, bạn sẽ thực hiện như thế nào. Và việc của bạn là hãy hành xử cho đúng, cho phù hợp và một điều căn cốt là “Tạm im lặng đã. Chỉ lắng nghe thôi”.

  1. Mang lại cảm giác “có giá trị” cho người khác

Ai nấy đều cần cảm giác rằng mình có giá trị. Chúng ta cần đến điều đó cũng giống như cần đến thức ăn, không khí và nước uống. Tự trong lòng chúng ta thấy mình có giá trị thôi thì vẫn chưa ổn; chúng ta cần phải nhìn thấy giá trị của mình được phản chiếu trong mắt mọi người xung quanh nữa.

Tôi rất đồng tình với quan điểm này của tác giả, trong bản thân mỗi người chắc chắn ai cũng mong muốn mình có giá trị với mọi người, bạn hãy thử nghĩ xem những người hay cáu gắt, ưa than phiền, ưa trách móc chẳng qua cũng vì họ cảm thấy trên đời này mình không có chút giá trị nào nên luôn tìm kiếm sự quan tâm từ mọi người. Vậy mang lại cảm giác “có giá trị” cho người khác thì “có giá trị” gì với bạn? Khi bạn làm cho cha mẹ, con cái, người bạn đời, vị sếp hay đồng nghiệp của mình biết rằng họ có giá trị trong lòng bạn biết bao thì thế giới của bạn lúc đó sẽ tràn ngập sự hạnh phúc, vui vẻ.

Đây cũng là cách thần diệu để xử lý những thành phần gây rối ở công sở và nó cũng có tác dụng tương tự trong cuộc sống riêng tư của bạn. Vì khi bạn làm thỏa mãn mong muốn lớn nhất của họ, bạn sẽ nhận được cái mà bạn mong muốn.

  1. Giúp người khác buông xả cả về cảm xúc lẫn tâm lý

Đôi lúc, điều quan trọng nhất trong một ngày chính là chút ngơi nghỉ chúng ta có được giữa hai nhịp thở sâu. – ETTY HILLESUM

Trong phần này tác giả đề cập đến hai vấn đề: 1) Dịch chuyển một người ra khỏi cơn khốn quẫn; 2) Hướng dẫn người khác cách buông xả. Khi trong tình trạng khốn quẫn chúng ta đánh mất nhận thức về những mục tiêu dài hạn quan trọng, thay vào đó chúng ta tìm kiếm bất cứ thứ gì có thể giải tỏa cho mình. Vào thời điểm đó, chúng ta quá bận rộng kiếm tìm một lối thoát khẩn cấp cho nỗi đớn đau của mình, đến nỗi chẵng thể nào tỉnh táo hay có thể tiếp cận.

Trong cuộc sống, chắc chắn bạn không ít nhất một lần tiếp xúc với một người đang trong tình trạng căng thẳng, khốn quẫn, và cách chúng ta thường làm là cố gắng tiếp cận họ nhưng không hề biết nó lại chồng chất thêm căng thẳng cho họ. Thế nhưng, có một cách thức mà những người trong cơn khốn quẫn có thể lựa chọn đó là: buông xả.

Chỉ có buông xả mới giúp người ta trải nghiệm và bày tỏ những cảm xúc của mình – giống như rửa một vết thương vậy – theo một cách không hề công kích đến người khác hay chính bản thân họ. Đó là cách duy nhất giúp cho những người đang căng thẳng được thư thái và cởi mở trí óc mình đón nhận những giải pháp do người khác mang tới.

Khi bạn mang tới cho một người trong cơn cùng quẫn một khoảng không để hít thở – một nơi chốn, một không gian để buông xả – bạn không chỉ đưa tình thế trở lại trạng thái bình thường. Bạn còn tạo một cây cầu nối về tinh thần giữa bạn và người đó. Và bạn có thể giao tiếp thông qua nó.

Tác giả đưa ra ba điều phải làm khi bạn muốn giúp người khác buông xả: 1) Cho họ thật nhiều thời gian; 2) Không phản đối bất cứ thứ gì; 3) Kể thêm cho tôi nghe. Với sự phân tích chi tiết, các bạn chỉ cần áp dụng và nhận lại kết quả.

  1. Hãy bỏ lại những bất đồng ngoài cửa

Bạn thấy mình làm việc rất tốt và hiệu quả, nhưng lại không có nhiều khách hàng hay những người công nhận điều đó, bạn có nghĩ giữa bạn và họ đang tồn tại những sự bất đồng hay không?

Bất đồng xuất hiện khi bạn ngỡ mình tạo được ấn tượng thế này nhưng người ta lại nhìn nhận về bạn theo một cách hoàn toàn khác. Ví dụ: như Jack chẳng hạn, anh ta cứ ngỡ mình xuất hiện với vẻ ưu tú khiêm nhường, thì trên thực tế, anh ta lại mang tới ấn tượng rằng mình rụt rè bẽn lẽn.

Bất đồng cũng xảy ra khi bạn nghĩ bản thân thể hiện ra rằng mình thông thái, nhưng người ta lại thấy bạn quỷ quyệt ranh ma – hay khi bạn nghĩ mình thể hiện bản thân thật đam mê, nhưng người khác lại chỉ nghị rằng bạn “cành cao chảnh chọe”.

Phần này, tác giả sẽ giúp bạn làm thế nào để bỏ lại những bất đồng ngoài cửa trong môi trường doanh nghiệp và những bất đồng không thể lường trước được thì cách tốt nhất là “khiêm nhường xướng trước” để xoa dịu bất đồng và đừng bao giờ rời nhà mà thiếu vắng nó.

  1. Khi tất thảy dường như đã mất, hãy chìa cổ bạn ra

Đừng sợ phải chia sẻ về những điểm yếu của bạn. Nhược điểm không làm bạn yếu đi, nó khiến bạn dễ tiếp cận hơn. Hãy nhớ rằng điểm yếu lại có thể trở thành sức mạnh của bạn. – Keith Ferrazzi

Đa số mọi người đều không muốn để lộ ra điểm yếu kém của mình, họ thường che đậy và giấu giếm. Nhưng theo Mark với kinh nghiệm từ cuộc sống của ông và từ bệnh nhân của ông thì

Thứ nhất là mọi người sẽ tha thứ cho bạn và thậm chí còn gắng sức giúp đỡ bạn nếu bạn thành thực về sai lầm của mình. Một điều khác nữa là việc nói ra sự thật không làm cho người khác phải tức giận và thất vọng về bạn. Mà chính những gì bạn cố gắng làm để né tránh nói ra sự thật mới gây ra những cảm xúc tiêu cực ấy.

Thừa nhận cảm xúc dễ bị tổn thương chính là tự tăng thêm sức mạnh cho mình.

Bạn hãy nhớ, khi bạn thể hiện cảm xúc dễ bị tổn thương của mình ra bên ngoài, người khác sẽ lập tức phản chiếu lại những cảm xúc thật của bạn. Và họ có khi còn cảm nhận được sự tồi tệ đó như thế nào và giúp bạn chấm dứt tình trạng đó. Vậy nên “khi tất thảy dường như đã mất, hãy chìa cổ bạn ra” hãy cho mọi người biết bạn là một người dễ tổn thương để có thể giải tỏa bản thân khỏi lo âu, sợ hãi cũng như nhận được những chia sẻ quý giá.

  1. Tránh xa khỏi những con người độc hại

Sau tám quy tắc căn cốt trên thì đây là quy tắc cuối cùng không thể thiếu, bởi bạn có thể chinh phục mọi người, kết nối mọi người, nhưng là những người có khả năng giúp cuộc sống của bạn ngày một tốt đẹp hơn, bởi đâu đó vẫn tồn tại những người không muốn điều đó. Và để cứu lấy bản thân thì bạn phải tước khỏi tay những người này quyền năng làm cho bạn bị tổn thương.

Trong phần này tác giả đưa ra những cách phát hiện những kẻ như vậy và cả cách tự bảo vệ bạn khỏi họ. Cụ thể là loại người đòi hỏi, những kẻ bắt nạt, những kẻ hay nhờ vả, những kẻ tự yêu bản thân, những kẻ tâm thần bất định.

Thế nhưng, khi bạn gặp phải những đối tượng độc hại và gắng sức phân tích vấn đề của họ, hãy luôn nhớ điều này. Liệu có thể nào – dù chỉ là khả năng hiếm hoi nhất – rằng người đang “có vấn đề” lại chính là bạn chăng?

Kết

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *