Năm 2020, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên ước tính đạt 54,6 triệu người, giảm 1,2 triệu người so với năm 2019. Sự sụt giảm này chủ yếu là từ lực lượng lao động ở khu vực nông thôn. So với năm 2019, lực lượng lao động khu vực nông thôn giảm hơn 1,1 triệu người.
Lực lượng lao động trong độ tuổi lao động quý IV năm 2020 ước tính là 48,8 triệu người, tăng 285,7 nghìn người so với quý trước và giảm 430,6 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Lực lượng lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị là 16,5 triệu người, chiếm 33,9%; lực lượng lao động nữ trong độ tuổi lao động đạt 22,2 triệu người, chiếm 45,5% lực lượng lao động trong độ tuổi của cả nước.
Lực lượng lao động trong độ tuổi lao động năm 2020 ước tính là 48,3 triệu người, giảm 849,5 nghìn người so với năm trước. Lực lượng lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị là 16,5 triệu người, chiếm 34,1%; lực lượng lao động nữ trong độ tuổi lao động đạt 21,9 triệu người, chiếm 45,4% lực lượng lao động trong độ tuổi của cả nước.
Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động quý IV năm 2020 ước tính là 74,4%, tăng 0,4 điểm phần trăm so với quý trước nhưng vẫn thấp hơn 2,2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nữ là 68,9%, thấp hơn 11,3 điểm phần trăm so với nam (80,2%). Mức độ tham gia lực lượng lao động của dân cư khu vực thành thị và nông thôn vẫn còn khác biệt đáng kể, cách biệt 11,9 điểm phần trăm (thành thị: 66,9%; nông thôn: 78,8%). Xem xét theo nhóm tuổi, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ở khu vực thành thị thấp hơn khu vực nông thôn ở tất cả các nhóm tuổi, trong đó chênh lệch nhiều nhất được ghi nhận ở nhóm 15-24 tuổi (thành thị: 35,6%; nông thôn: 63,1%) và nhóm từ 55 tuổi trở lên (thành thị: 34,4%; nông thôn: 49,7%). Điều này cho thấy, người dân tại khu vực nông thôn gia nhập thị trường lao động sớm hơn và rời bỏ thị trường muộn hơn khá nhiều so với khu vực thành thị; đây là đặc điểm điển hình của thị trường lao động với cơ cấu lao động tham gia ngành nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao.
Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động năm 2020 ước tính khoảng 74%, giảm 2,8 điểm phần trăm so với năm 2019. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nữ là 68,7%, thấp hơn 10,9 điểm phần trăm so với nam (79,6%). Tỷ lệ này ở khu vực thành thị là 64,8% và ở khu vực nông thôn là 79,7%.
Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động quý IV năm 2020 tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh thấp hơn đáng kể so với tỷ lệ chung của cả nước, lần lượt là 69,1% và 65,2%. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh năm 2020 lần lượt là 67,0% và 63,5%. Thực tế, đây là hai thành phố lớn, tập trung nhiều trường cao đẳng, đại học, trung tâm dạy nghề nên thu hút một lực lượng lớn dân số trong độ tuổi lao động tới cư trú với mục đích học tập hơn là tham gia thị trường lao động. Ngoài ra, một bộ phận không nhỏ dân số từ 15 tuổi trở lên đang sinh sống tại hai thành phố này thuộc đối tượng nghỉ hưu hoặc có xu hướng ở nhà làm công việc nội trợ thay vì tham gia làm việc tạo thu nhập.
Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ từ sơ cấp trở lên quý IV năm 2020 là 24,6%, cao hơn 0,1 điểm phần trăm so với quý trước và cao hơn 1,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ qua đào tạo của lao động khu vực thành thị đạt 40,8%, cao hơn 2,5 lần khu vực nông thôn (16,6%).
Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ từ sơ cấp trở lên năm 2020 là 24,1%, cao hơn 1,3 điểm phần trăm so với năm 2019. Tỷ lệ này ở khu vực thành thị là 39,9%, trong khi đó tỷ lệ này ở khu vực nông thôn là 16,3%. Có sự khác biệt đáng kể này là do lao động ở khu vực thành thị có điều kiện tham gia đào tạo hơn so với lao động khu vực nông thôn. Mặt khác, đặc thù công việc ở khu vực thành thị đòi hỏi lao động phải có kĩ năng, tay nghề cao trong khi đó ở khu vực nông thôn lao động chủ yếu làm công việc giản đơn trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản.
Trong tổng số 18,9 triệu người từ 15 tuổi trở lên không tham gia thị trường lao động (ngoài lực lượng lao động) của quý IV năm 2020, có 8,4 triệu người trong độ tuổi lao động. Gần 60% trong số 8,4 triệu người này không tham gia lực lượng lao động vì đang đi học (tập trung chủ yếu ở nhóm 15-19 tuổi), trên 25% đang làm nội trợ, 7,0% do ốm đau lâu dài, thương tật hoặc tàn tật, còn lại gần 8,0% là vì các lý do khác như nghỉ hưu/nhận trợ cấp hoặc không có nhu cầu làm việc,….
Tính chung năm 2020, cả nước có 19,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên không tham gia thị trường lao động, tăng 2,3 triệu người so với năm 2019, trong đó số người trong độ tuổi lao động là 8,9 triệu người. Trong số 19,1 triệu người ngoài lực lượng lao động này, có đến 74,1% nằm trong độ tuổi từ 15-19 tuổi và 60 tuổi trở lên (nhóm tuổi học sinh, sinh viên và lao động ở độ tuổi nghỉ hưu).
Dịch Covid-19 đã đẩy nhiều lao động vào tình trạng không có việc làm đồng thời khiến nhiều người trong số họ buộc phải trở thành lao động có việc làm phi chính thức
Lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong quý IV năm 2020 là gần 54,0 triệu người, tăng 623 nghìn người so với quý trước và giảm 945 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Lao động có việc làm ở khu vực thành thị tăng 114,3 nghìn người so với quý trước và giảm 90,2 nghìn người so với cùng kỳ năm trước, ở khu vực nông thôn số người có việc làm tăng 508,9 nghìn người so với quý trước và giảm 854,3 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ trọng lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 31,6% (tương ứng với hơn 17,05 triệu người); khu vực công nghiệp và xây dựng là 31,7% (tương ứng với 17,09 triệu người); khu vực dịch vụ là 36,7% (tương ứng với 19,81 triệu người).
Tính chung năm 2020, lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc là 53,4 triệu người, giảm 1,3 triệu người so với năm 2019. Trong đó, lao động đang làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 17,5 triệu người, giảm 7,2%; khu vực công nghiệp và xây dựng là 16,5 triệu người, tăng 0,3%; khu vực dịch vụ là 19,4 triệu người, tăng gần 0,1%. Chuyển dịch lao động tiếp tục theo xu hướng từ khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản sang khu vực công nghiệp và xây dựng và khu vực dịch vụ với tỷ trọng lao động tương ứng trong các khu vực năm 2020 là: 32,8%; 30,9%; 36,3% (năm 2019 tương ứng là: 34,5%; 30,1% và 35,4%).
Số lao động có việc làm phi chính thức[1] quý IV năm 2020 là 20,9 triệu người, tăng 233 nghìn người so với quý trước và tăng 338,4 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức quý IV năm 2020 là 56,2%, giảm 0,8 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 0,6 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức ở khu vực thành thị là 48,3%, tăng 1,3 điểm phần trăm; khu vực nông thôn là 62,3%, tăng 0,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung cả năm 2020, số lao động có việc làm phi chính thức là 20,3 triệu người, tăng 119,1 nghìn người, số lao động có việc làm chính thức là 15,8
[1] Lao động có việc làm phi chính thức bao gồm những người làm việc trong khu vực phi nông, lâm nghiệp và thủy sản và lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có đăng ký kinh doanh,thuộc một trong bốn nhóm sau: (i) lao động gia đình không được hưởng lương, hưởng công; (ii) người chủ của cơ sở, lao động tự làm trong khu vực phi chính thức; (iii) người làm công ăn lương không được ký hợp đồng lao động hoặc được ký hợp đồng có thời hạn nhưng không được cơ sở tuyển dụng đóng bảo hiểm xã hội theo hình thức bắt buộc; (iv) xã viên hợp tác xã không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.