Home / Phát triển doanh nghiệp / Tài Liệu / Biến động kinh tế Đông Á và vị trí của Việt Nam-P1

Biến động kinh tế Đông Á và vị trí của Việt Nam-P1

Chương 1: Kinh tế Việt Nam trong tầm nhìn đối chiếu với các nước Đông Á

>> Biến động kinh tế Đông Á và vị trí của Việt Nam-P1
>> Biến động kinh tế Đông Á và vị trí của Việt Nam-P2
>> Biến động kinh tế Đông Á và vị trí của Việt Nam-P3
>> Biến động kinh tế Đông Á và vị trí của Việt Nam-P4
>> Biến động kinh tế Đông Á và vị trí của Việt Nam-P5
Nhìn lại nửa sau thế kỷ XX và so sánh Việt Nam với các nước khác trong khu vực Đông Á, cho đến đầu thập niên 1990, điểm nổi bật là khoảng cách kinh tế ngày càng mở rộng giữa ta với các nước lân cận. Từ cuối thập niên 1950, các nước Đông Á nối tiếp nhau phát triển mạnh với đặc trưng là công nghiệp hoá tiến hành sâu rộng khắp khu vực.

Vì điều kiện lịch sử, Việt Nam đã mất đi mấy mươi năm phát triển và bị tụt hậu so với các nước xung quanh. Sau một số năm kể từ khi đổi mới, kinh tế Việt Nam lại bắt đầu nhập cuộc vào dòng thác công nghiệp tại châu Á. Hiện nay, vị trí của Việt Nam ở đâu và đâu là điều kiện để rút ngắn khoảng cách với các nước xung quanh?

Trước năm 1993, các chỉ tiêu kinh tế của Việt Nam được tính theo hệ thống sản xuất vật chất (material product system – MPS) do đó phải tính toán lại và quy đổi các chỉ tiêu ấy sang các chỉ tiêu theo hệ thống tài khoản quốc gia (system of national account – SNA) của Liên hợp quốc mới so sánh được nhịp độ phát triển và cơ cấu kinh kế Việt Nam với kinh tế các nước trong khu vực. Dựa trên kết quả nghiên cứu và tính toán của chúng tôi 6 năm trước11. Tất cả các chú thích trong ruột và cuối trang đều được viện dẫn đầy đủ trong phần Danh mục tư liệu tham khảo. Chẳng hạn kết quả nghiên cứu, tính toán các chỉ tiêu kinh tế của Việt Nam được in trong Trần Văn Thọ chủ biên (2000a). , chương này sẽ đánh giá tình hình phát triển của kinh tế Việt Nam trong nửa sau thế kỷ XX và thử đánh giá khoảng cách phát triển giữa Việt Nam với các nước trong khu vực Đông Á vào cuối thế kỷ này; nêu một số suy nghĩ về khả năng và điều kiện để Việt Nam rút ngắn được khoảng cách với các nước xung quanh trong những thập niên đầu của thế kỷ XXI. Phần cuối của chương này sẽ cho thấy con đường rút ngắn khoảng cách phát triển với các nước xung quanh là phải tiến hành công nghiệp hoá, một chủ đề xuyên suốt cuốn sách này.

1.1. Kinh tế Việt Nam và Đông Á từ giữa thế kỷ XX

Như Bảng 1.1 cho thấy, trong thời kỳ 1950 – 1973 (riêng Việt Nam là 1955 – 1975), Nhật Bản là nước có tốc độ phát triển vượt bậc, với GDP bình quân đầu người tăng mỗi năm 8%, như vậy mức sống thực tế của người Nhật Bản cứ 8-9 năm lại tăng gấp đôi. Việt Nam cùng với Trung Quốc và Philíppin thuộc vào nhóm phát triển thấp nhất, với mức tăng GDP bình quân đầu người chỉ trên dưới 2%, như vậy các nước này cần tới 35 năm để tăng gấp đôi mức sống của dân chúng. Ba nước có ba bối cảnh chính trị khác nhau nhưng có chung đặc điểm là bối cảnh chính trị đã kìm hãm mạnh sự phát triển của lực lượng sản xuất.

Tại Việt Nam, hầu hết thời kỳ này có đặc điểm là kinh tế thời chiến và chia làm hai miền có thể chế kinh tế, chính trị khác nhau. Kinh tế miền Bắc tăng trưởng bình quân 6% (GDP/đầu người/năm tăng khoảng 3%), miền Nam 3,9% (GDP đầu người tăng 0,8%). Đặc biệt, miền Nam phát triển ở số âm trong giai đoạn 1965 – 75 có lẽ phần lớn do chiến tranh đã lan rộng khắp miền và ở mức độ quyết liệt. Trong thời gian đó, như đã thấy ở Bảng 1.1, trừ Trung Quốc và Philíppin, các nền kinh tế còn lại đạt một thành quả đáng kể, đặc biệt là các nước và lãnh thổ mà vào năm 1979 OECD gọi là các nước công nghiệp hóa mới (NICs) và sau này gọi là các nền kinh tế công nghiệp hoá mới (NIEs) như Hàn Quốc và Đài Loan, v.v.. Từ khoảng đầu thập niên 1960, nhiều nước Đông Á đã tiến hành chiến lược công nghiệp hoá thay thế nhập khẩu và sang thập niên 1970, các NIEs chuyển sang chiến lược hướng về xuất khẩu và bắt đầu cạnh tranh với Nhật Bản trong những ngành công nghiệp có hàm lượng lao động cao.

Từ giữa thập niên 1960, tỷ trọng công nghiệp trong GDP của Nhật Bản đã đạt đỉnh cao 35% và dừng lại ở đó trong một thời gian khá dài, trong lúc đó Hàn Quốc đuổi theo Nhật Bản với tốc độ rất nhanh. Các nước ASEAN, đặc biệt là Thái Lan và Malaixia, với một tốc độ chậm hơn, cũng tích cực tham gia vào quá trình công nghiệp hoá tại khu vực này. Từ cuối thập niên 1970, làn sóng công nghiệp châu Á bắt đầu lan sang Trung Quốc.

Trong giai đoạn hai (1973 – 1996), sự chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp và chuyển dịch trong nội bộ bộ môn công nghiệp từ những ngành có hàm lượng lao động cao sang các ngành sử dụng nhiều tư bản và công nghệ đã đưa nền kinh tế các nước châu Á phát triển với tốc độ cao hơn giai đoạn trước. Như bảng 1.1 cho thấy, trong giai đoạn này, trừ Nhật Bản, Philíppin và Việt Nam, GDP bình quân đầu người tại các nước Đông Á đã tăng vọt so với giai đoạn trước (Đài Loan giữ mức rất cao của giai đoạn trước). Đặc biệt từ giữa thập niên 1980, làn sóng công nghiệp châu Á bước sang giai đoạn mới có sự thay đổi lớn về chất, với tốc độ cao của công nghiệp hoá tại Trung Quốc và ASEAN và sự chuyển dịch cơ cấu công nghiệp ở các nước diễn ra nhanh chóng. Nhật Bản dần dần chuyển sang thời đại sau công nghiệp nhưng vẫn duy trì sức cạnh tranh trong lĩnh vực này nhờ chủ động chuyển dịch cơ cấu công nghiệp sang các ngành có hàm lượng công nghệ, tri thức cao như xe hơi và các sản phẩm điện tử cao cấp, các loại máy móc kết hợp nhiều ngành công nghệ khác nhau. Nhiều cơ sở sản xuất các sản phẩm đồ điện gia dụng như TV, tủ lạnh, máy giặt, và các bộ phận, linh kiện xe hơi, điện tử chuyển nhanh từ Nhật Bản sang các nước châu Á khác. Các NIEs như Hàn Quốc, Đài Loan, Xingapo cũng chuyển dịch cơ cấu công nghiệp từ các ngành sử dụng nhiều lao động sang các ngành có hàm lượng cao về tư bản và công nghệ.

Bối cảnh của sự biến đổi về chất trong làn sóng công nghiệp Đông Á từ giữa thập niên 1980 là gì? Có thể nêu ra ba điểm: thứ nhất, có sự thay đổi trong thái độ của các nước ASEAN và Trung Quốc về hoạt động của các công ty đa quốc gia. Trước đây, đặc biệt là trong giai đoạn trước 1975, các nước này lo ngại các công ty đa quốc gia chi phối kinh tế nên họ đã ngăn cản hoặc hạn chế hoạt động của các công ty đó. Quan điểm này đã thay đổi từ thập niên 1980, tạo điều kiện cho tư bản, công nghệ và tri thức quản lý kinh doanh di chuyển nhanh tại các nước tiên tiến mà chủ yếu là Nhật Bản. Thứ hai, đồng tiền yên của Nhật Bản tăng giá nhanh trong thời gian rất ngắn (chỉ 3 năm từ 1985 đến 1988, giá trị của đồng USD giảm một nửa, từ 254 yên còn 127 yên) làm cho phí tổn sản xuất tại Nhật Bản tăng vọt, các công ty Nhật phải đối phó bằng việc đẩy mạnh đầu tư nước ngoài. Thứ ba, các NIEs bắt đầu chuyển từ nhập khẩu tư bản và công nghệ sang xuất khẩu các nguồn lực sản xuất này. Ba yếu tố đó đã làm cho tư bản, công nghệ và tri thức quản lý kinh doanh di chuyển nhộn nhịp trong vùng Đông Á và do đó đẩy mạnh quá trình công nghiệp hoá tại vùng này. Chương 2 sẽ bàn sâu hơn về hiện tượng lan rộng công nghiệp hoá tại Đông Á.

Trong thời kỳ này, Việt Nam vẫn thuộc nhóm nước phát triển thấp nhất tại khu vực với GDP bình quân đầu người chỉ tăng 2,8%. Con số này cao hơn giai đoạn trước là nhờ thành quả của đổi mới. Đổi mới bắt đầu phát huy tác dụng từ năm 1992, nếu lấy năm 1991 làm mốc chia giai đoạn 1975 – 95 thành hai thời kỳ thì sẽ thấy như sau: trong thời kỳ 1976-91, GDP bình quân đầu người chỉ tăng 1,9% (GDP tăng 4,1% nhưng số dân tăng 2,2%), bằng mức phát triển của giai đoạn 1955 – 75, nhưng qua thời kỳ 1991 – 95, GDP bình quân đầu người đã tăng vọt lên 6,6% (GDP tăng 8,8% và số dân tăng 2,2%), tương đương với thành quả của Đài Loan và Hàn Quốc trong giai đoạn 1973 – 96.

Như vậy, suốt từ năm 1955 đến đầu thập niên 1990, GDP/đầu người của Việt Nam chỉ tăng dưới 2%. Điều này có nghĩa là một người Việt Nam phải cần 35 năm mới tăng gấp đôi thu nhập và mức sống của mình, trong khi đó Đài Loan chỉ cần 11 năm và Thái Lan chỉ cần 15 năm.

Vào giai đoạn ba, giai đoạn gần đây nhất (1995 – 2003)11. Giai đoạn thứ ba lẽ ra bắt đầu từ năm 1997, năm xảy ra khủng hoảng tiền tệ châu Á và cũng là năm tiếp theo ngay giai đoạn trước, nhưng do có sẵn thống kê từ năm 1995 nên giai đoạn này được phân tích theo như Bảng 1.1. Với mục đích phân tích ở đây, giai đoạn ba bắt đầu năm 1995 hay năm 1997, kết quả cũng không thay đổi nhiều. , nhóm nước có thành quả nổi bật là Trung Quốc và Việt Nam. Trung Quốc đã đạt được thành quả tương đương với giai đoạn phát triển thần kỳ của Nhật Bản trong giai đoạn 1950 – 73 và Việt Nam tương đang với Hàn Quốc, Đài Loan trong các giai đoạn trước. Nhật Bản tiếp tục giai đoạn suy thoái kéo dài từ năm 1992. Các nước khác bị suy thoái nặng trong năm 1998 vì cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997 nhưng hồi phục dần từ năm 1999. Bảng 1.1 chỉ cho thống kê đến năm 2003 nhưng nếu khảo sát thêm những năm sau đó sẽ thấy Thái Lan hồi phục nhanh hơn sau năm 2003. Nhìn chung, ngoài Trung Quốc và Việt Nam, các nước Đông Á từ cuối thập niên 1990 có mức tăng GDP đầu người trung bình là 3-4%22. Ở đây không có điều kiện đi sâu vào vấn đề phát triển kinh tế của các nước Đông Á từ cuối thập niên 1990. Những độc giả quan tâm vấn đề này có thể xem Stiglitz and Yusuf (2001) và các bản báo cáo hằng năm Asian Development Outlook (Asian Development Bank). . Nếu thành quả của Việt Nam ở giai đoạn gần đây tiếp tục được duy trì thì tương lai, Việt Nam sẽ nhanh chóng đuổi kịp các nước này.

Có thể nêu ra hai nhóm yếu tố giải thích thành quả phát triển đáng ghi nhận trong giai đoạn 1995 – 2003. Nhóm thứ nhất liên quan đến những nỗ lực, những chính sách đổi mới mạnh dạn từ năm 1989 tạo điều kiện để cơ chế thị trường hoạt động, dần dần khơi dậy được nguồn lực phát triển trước hết trong lĩnh vực nông nghiệp, sau đó là các lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ, song song với việc khắc phục nguy cơ lạm phát phi mã. Nhờ đó, từ năm 1993, kinh tế Việt Nam vừa phát triển vừa khắc phục lạm phát và thành quả đó tiếp tục được duy trì trong giai đoạn từ năm 1995. Nhóm yếu tố thứ hai liên quan đến tình hình quốc tế ngày càng thuận lợi cho Việt Nam. Nhật Bản viện trợ cho Việt Nam từ cuối năm 1992, cộng đồng các nhà tài trợ gồm các nước phát triển và các cơ quan quốc tế bắt đầu cung cấp ODA cho ta từ năm 1993, do đó việc xây dựng cơ sở hạ tầng tiến triển nhanh và đi vào kế hoạch.

Hai nhóm yếu tố này đã tạo cơ sở để Việt Nam tham gia vào sự phân công quốc tế tại khu vực Đông Á. Cho đến năm 1994, hơn 70% ngoại thương của Việt Nam đã tập trung tại vùng này (trước năm 1990, hơn 70% kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam là với Liên Xô cũ và các nước Đông Âu). Đặc biệt, đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) tăng nhanh trong giai đoạn này, chủ yếu là do các công ty đa quốc gia từ Nhật Bản và các NIEs triển khai chiến lược cơ cấu lại mạng lưới sản xuất công nghiệp toàn vùng Đông Á.

1.2. Định vị kinh tế Việt Nam vào đầu thế kỷ XXI

So với các nước xung quanh, trình độ phát triển của kinh tế Việt Nam hiện nay nằm ở đâu? Sau đây ta thử so sánh Việt Nam với Thái Lan, hai nước có số dân xấp xỉ nhau (năm 1990, dân số Việt Nam là 66 triệu người, Thái Lan là 56 triệu; vào cuối năm 2003 dân số Việt Nam là 81 triệu và Thái Lan là 63 triệu), có cấu tạo tài nguyên gần giống nhau, và nhất là vào thập niên 1950, hai nước hầu như có cùng trình độ phát triển11. Theo tư liệu của ECAFE, tiền thân của ESCAP (Uỷ ban của Liên hợp quốc về kinh tế và xã hội châu Á – Thái Bình Dương), vào năm 1954 thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam là 117 USD trong khi của Thái Lan vào năm 1952 là 108 USD (Inđônêxia là 88 USD). Trích dẫn theo JICA (1995), tr. 13. . Ngoài ra, Trung Quốc cũng sẽ là đối tượng so sánh với Việt Nam mặc dù không khảo sát chi tiết như trường hợp Thái Lan. Trung Quốc là nước lớn nhưng có thể chế chính trị, kinh tế giống Việt Nam và cũng đi lên từ một nước nông nghiệp lạc hậu nên sự so sánh cũng hữu ích11. Cũng từ ý nghĩ này, tôi đã có dịp so sánh trình độ phát triển của Việt Nam với Trung Quốc trong một bài viết ngắn. Xem Trần Văn Thọ (1998b). .

Việc so sánh trình độ phát triển của nước này với nước khác không phải dễ vì khó có một chỉ tiêu tổng hợp nào có thể biểu diễn tổng quát trình độ phát triển của một nước. Tuy nhiên, khảo sát một nhóm các chỉ tiêu cơ bản ta cũng có thể có một hình dung tương đối đầy đủ.

Một chỉ tiêu thường được đem so sánh là tổng sản phẩm quốc gia (GNP) hoặc tổng sản phẩm trong nước (GDP) tính trên đầu người. Theo tư liệu của Ngân hàng thế giới, vào năm 2003, GNP đầu người ở Việt Nam là 480 USD, ở Thái Lan là 2.190 USD và Trung Quốc là 1.100 USD (Bảng 1.2). Tuy nhiên, những con số này không phản ảnh mức sống của dân chúng vì sức mua của đồng USD khác nhau giữa nước này với nước khác. Để so sánh chính xác hơn phải dựa trên GNP hoặc GDP tính theo tỷ giá so sánh ngang sức mua (PPP). Bảng 1.2 cho thấy vào năm 2003, GNP trên đầu người theo PPP của Việt Nam gần 2.500 USD, xấp xỉ 1/2 của Trung Quốc và Philíppin, và người Thái Lan có mức sống cao hơn người Việt Nam khoảng ba lần.

Tuy nhiên, ở đây còn hai vấn đề nữa. Thứ nhất là vấn đề phân phối. Nếu việc phân phối lợi tức quá bất bình đẳng thì ý nghĩa của việc tăng tổng sản phẩm trên đầu người bị giảm đi. Vấn đề thứ hai liên quan đến môi sinh, môi trường, điều kiện làm việc. Hai nước dù có cùng thu nhập trên đầu người (trên cơ sở PPP) nhưng khác nhau ở mặt này thì rõ ràng là chất lượng cuộc sống của dân chúng không giống nhau. Tóm lại, nếu ta phát triển công bằng hơn và trong điều kiện môi trường, môi sinh tốt hơn thì không cần phải đạt gần 7.500 USD mới bằng mức sống của Thái Lan hiện nay.

Một cụm các chỉ tiêu khác chỉ trình độ phát triển của một nước liên quan đến trình độ chuyển dịch cơ cấu của một nền kinh tế. Những nước có mật độ dân số đông và xuất phát từ nền nông nghiệp lạc hậu phải qua con đường công nghiệp hoá mới phát triển được và mới hiện đại hoá được bản thân nền nông nghiệp. Thống kê của Ngân hàng thế giới cho thấy vào năm 1994, tỷ trọng của công nghiệp trong GDP của Việt Nam là khoảng 22%, xấp xỉ tỷ trọng của Thái Lan vào khoảng năm 1980. Theo tính toán của Vũ Quang Việt (1994), chuyên viên cao cấp về thống kê của Liên hợp quốc thì vào năm 1993, tỷ lệ này của Việt Nam chỉ có 15%. Trong cuốn sách xuất bản tám năm trước, chúng tôi căn cứ trên con số này và đánh giá tỷ trọng công nghiệp trong GDP của Việt Nam tương đương với Thái Lan vào năm 1970 (Trần Văn Thọ 1997, Chương 15). Dĩ nhiên sau năm 1993, công nghiệp của Việt Nam phát triển nhanh và vào thời điểm gần đây, theo World Development Indicators của Ngân hàng thế giới, tỷ lệ đó của Việt Nam đã vượt quá 20%, tương đương với Thái Lan vào đầu thập niên 1980 (Thái Lan vào năm 2001 là 32%).

Về tỷ lệ của hàng công nghiệp trong tổng xuất khẩu, vào năm 2002 Việt Nam đã vượt mức 50%, tương đương với Thái Lan vào đầu thập niên 1980. Tổng hợp hai chỉ tiêu công nghiệp hoá và với vài phân tích bổ sung, ta có thể kết luận là vào đầu thế kỷ XXI, Việt Nam đi chậm hơn Thái Lan độ 20 năm. Tám năm trước, căn cứ theo dữ liệu thống kê năm 1993 hoặc 1994, tôi đã cho rằng Việt Nam đi chậm hơn Thái Lan độ 25 năm (Trần Văn Thọ 1997, Chương 15). Hai con số 25 năm và 20 năm vào hai thời điểm 1997 và 2003 nên được đánh giá như thế nào? Việt Nam đã phát triển nhanh hơn Thái Lan trong giai đoạn sau năm 1993 nên vào thời điểm gần đây, khoảng cách giữa Việt Nam và Thái Lan phải ngắn hơn khoảng cách 25 năm. Đây là lĩnh vực khó có sự chính xác về con số cụ thể nhưng ta có thể hình dung khoảng cách hiện nay giữa hai nước là khoảng 20 năm.

1.3. Chiến lược rút ngắn khoảng cách phát triển

Phân tích trong phần trên cho thấy một cách khái quát là Việt Nam đi chậm hơn Thái Lan khoảng 20 năm. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là ta phải cần một thời gian như vậy mới bằng mức của Thái Lan bây giờ. Các nước đi sau nếu có chính sách đúng đắn có thể đốt giai đoạn và đây là khuynh hướng chung có thể thấy trong trường hợp của Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều nước khác. Thêm vào đó, như đã nói ở trên, nếu ta phát triển trong sự phân phối đồng đều hơn, và trong điều kiện môi sinh, môi trường tốt hơn, nghĩa là chất lượng phát triển tốt hơn, thì ta có thể đạt được mức sống bằng Thái Lan bây giờ với mức lợi tức đầu người thấp hơn.

So với Thái Lan, Việt Nam hiện nay có một số lợi thế, nhất là về mặt nhân lực. Bảng 1.3 tóm tắt một số chỉ tiêu về phát triển con người. Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổng kết các chỉ tiêu về giáo dục, y tế, thu nhập, đã đưa ra một chỉ số tổng hợp về việc phát triển nhân lực (human development index) của 177 nước. Theo Human Development Report 2004 (UNDP), vào năm 2002, Việt Nam xếp thứ 112 và Thái Lan thứ 76, Trung Quốc thứ 94. Nếu xếp hạng theo GDP bình quân đầu người tính theo PPP thì Việt Nam đứng thứ 124, Thái Lan 67 và Trung Quốc 99. Các thống kê này cho thấy so với GDP/đầu người, Việt Nam có trình độ về nguồn nhân lực tương đối cao. Nếu nhìn các chỉ tiêu về nguồn nhân lực ở một số khía cạnh hẹp hơn như tỷ lệ người lớn biết chữ, ta thấy Việt Nam xấp xỉ Trung Quốc và không thua kém bao nhiêu so với Thái Lan (Bảng 1.3).

Mặc dù tình hình giáo dục xuống cấp ở Việt Nam hiện nay đang làm nhiều người lo ngại, nhưng nhìn vấn đề ở một góc độ khác, có thể nói nếu những vấn đề giáo dục hiện nay được quan tâm giải quyết triệt để thì trình độ về nguồn nhân lực của Việt Nam sẽ được nâng cao hơn nữa và nếu lợi thế này được phát huy, khả năng rút ngắn khoảng cách với các nước chung quanh sẽ rất lớn.

Một thuận lợi khác của Việt Nam là vị trí địa lý với bờ biển dài tiếp cận dễ dàng với các nước phát triển trong khu vực. Yếu tố này cùng với sự ổn định về chính trị, xã hội và tiềm năng về con người nói trên đã khiến nhiều công ty nước ngoài quan tâm đến Việt Nam từ đầu thập niên 1990. Nếu môi trường đầu tư được cải thiện, ta sẽ không thiếu tư bản, công nghệ và tri thức kinh doanh cần thiết để đuổi theo các nước chung quanh trong quá trình phát triển.

Thuận lợi thứ ba là việc phân bổ các thành phố, các trung tâm kinh tế trong cả nước tương đối hài hoà. Nếu có kế hoạch từ bây giờ, dân số và hoạt động kinh tế sẽ được phân tán rộng khắp cả nước, tránh tình trạng ô nhiễm môi trường và ngăn ngừa sự chênh lệch quá lớn về lợi tức giữa các tầng lớp dân chúng và giữa các khu vực. Đây là điều kiện để nâng cao chất lượng phát triển.

Những thuận lợi vừa nói chỉ là tiềm năng. Phải khơi dậy các tiềm năng này để kinh tế phát triển với tốc độ cao và bền vững. Nếu có quyết tâm vì sự nghiệp phát triển đất nước và từ đó ưu tiên tạo ra các cơ chế khơi dậy tiềm năng và tập trung trí tuệ xây dựng chiến lược phát triển đúng đắn, Việt Nam có thể phát triển trung bình trên dưới 9% năm (GDP bình quân đầu người tăng xấp xỉ 7-8%/năm) trong 20 năm đầu của thế kỷ XXI. Thực hiện được mục tiêu này thì cứ 10 năm mức sống của người Việt Nam sẽ tăng gấp đôi. Để kinh tế phát triển với tốc độ cao và bền vững trong thời gian dài như vậy phải vừa đẩy nhanh quá trình tích luỹ tư bản vừa tạo điều kiện để kinh tế phát triển có hiệu suất. Ta thử bàn thêm hai điểm này.

Thứ nhất, vấn đề tích luỹ tư bản. Vấn đề hiện nay của Việt Nam là phải tạo môi trường thuận lợi để kích thích tư bản trong nước và nước ngoài tích cực đầu tư. Giữa những năm 1990, tỷ lệ của tổng đầu tư trong GDP tăng nhanh, đạt mức 27-28% nhưng sau đó giảm mạnh. Điều này một phần do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tiền tệ ở châu Á nhưng phần quan trọng là do bộ máy hành chính kém hiệu quả làm cho phí tổn hành chính trong hoạt động đầu tư quá cao. Phương châm, đường lối về việc phát triển nền kinh tế nhiều thành phần đã có nhưng trên thực tế, thành phần ngoài nhà nước vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc huy động vốn, trong việc tiếp cận thông tin về cơ hội đầu tư, về thị trường… Việc định hướng chiến lược công nghiệp hoá không rõ ràng và phương châm, chính sách hay thay đổi làm cho độ rủi ro của các dự án đầu tư quá cao. Từ năm 2002, tỷ lệ của tổng đầu tư trong GDP tăng trở lại, đạt đến gần 34% vào năm 2003, nhưng đó là kết quả của việc cạnh tranh chạy dự án đầu tư của các bộ ngành, và các địa phương chứ không phải là hiện tượng tích luỹ tư bản lành mạnh. Điều này thể hiện trong việc giảm sút hiệu quả của đồng vốn đầu tư, phản ánh trong khuynh hướng tăng của việc hệ số ICOR11. Increamental Capital – Output Ratio: Hệ số chỉ số vốn tăng cần thiết để tăng một sản lượng nhất định. .

Để tích luỹ tư bản nhanh và có hiệu quả cần tăng đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI). Tuy nhiên, FDI giảm liên tục từ năm 1997, gần đây mới hồi phục nhưng còn yếu. Trong tình trạng doanh nghiệp tư nhân trong nước còn nhỏ bé, các doanh nghiệp nhà nước còn yếu kém và đang trong quá trình cải cách, nếu không có một sự xoay chiều mạnh mẽ trong FDI thì liệu kinh tế Việt Nam có tăng trưởng được ở mức cao hay không? Nhìn sang các nước châu Á lân cận, ta thấy họ ngày càng nhận thức vai trò quan trọng của FDI trong xu thế toàn cầu hoá, và ra sức tạo điều kiện để thu hút FDI hơn nữa. Các nước này với quá trình phát triển và thu hút FDI trong nhiều thập kỷ đã xây dựng được một nền công nghiệp vững mạnh hơn Việt Nam rất nhiều. Có thể nói trình độ kỹ thuật, công nghệ, bề dày của tri thức quản lý kinh doanh tại các nước này đã tăng nhanh và phụ thuộc nhiều vào độ lớn của FDI được tích luỹ (FDI stock). Là một nước đi sau, FDI stock của Việt Nam quá nhỏ so với các nước lân cận là đương nhiên. Nhưng vấn đề đáng quan tâm ở đây là lưu lượng hàng năm (flow) của FDI vào Việt Nam cũng quá nhỏ so với Thái Lan chẳng hạn. Để rút ngắn khoảng cách, thoát khỏi nguy cơ tụt hậu, phải quan tâm hơn đến vai trò của FDI. Điểm này sẽ được phân tích sâu hơn ở Chương 12. Trần Văn Thọ (2000b) bàn về sự liên quan giữa FDI với nguy cơ tụt hậu. .ð

Thứ hai là vấn đề phát triển có hiệu suất. Cùng với việc đẩy mạnh tích luỹ tư bản, phát triển có hiệu suất là biện pháp hữu hiệu nhất để rút ngắn khoảng cách với các nước xung quanh. Tích luỹ tư bản dù được đẩy mạnh cũng không thể vượt qua một giới hạn nhất định vì vấn đề môi trường và những hạn chế về vốn, về công nghệ và thị trường, v.v.. Do đó, với cùng một tốc độ về tích luỹ tư bản nhưng nước nào phát triển có hiệu suất thì nền kinh tế sẽ phát triển với tốc độ cao hơn. Bảng 1.4 cho thấy các nền kinh tế như Trung Quốc, Thái Lan, Malaixia, Đài Loan và Hàn Quốc trong giai đoạn 1960 – 1994, tích luỹ tư bản đóng vai trò rất lớn, lớn hơn cả Nhật Bản trong giai đoạn 1950 – 1973 là giai đoạn phát triển thần kỳ của nước này, nhưng Nhật Bản phát triển có hiệu suất hơn nhiều (thể hiện bằng độ cống hiến của hiệu suất toàn yếu tố – total factor productivity, TFP) nên tốc độ tăng trưởng của kinh tế Nhật Bản cao hơn các nước châu Á khác.

Điểm này có nhiều gợi ý đối với Việt Nam. Để phát triển có hiệu suất, Việt Nam cần phải làm gì? Tôi đã có dịp phân tích trong cuốn sách xuất bản tám năm trước (Trần Văn Thọ, 1997, Chương 2), ở đây chỉ tóm tắt (và bổ sung) một vài điểm sau: Thứ nhất, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh (giữa các thành phần kinh tế) và hội nhập tích cực vào thị trường thế giới để tư bản và các yếu tố sản xuất khác được sử dụng một cách có hiệu quả nhất. Thứ hai, có kế hoạch dài hạn trong việc xây dựng nguồn nhân lực đồng thời tạo cơ chế để nhân tài được sử dụng đúng chỗ. Thứ ba, tạo môi trường để khoa học và công nghệ ứng dụng rộng rãi tại Việt Nam, tri thức về công nghệ và quản lý, kinh doanh được phổ biến rộng khắp. Thứ tư, bộ máy hành chính cần phải được cải cách nhanh (quy rõ trách nhiệm và quyền hạn các cấp để có thể phân cấp quản lý) và tạo cơ chế để người tài giỏi và có phẩm chất đạo đức giữ những chức vụ quản lý nhà nước. Bộ máy hành chính như hiện nay dễ làm tăng phí tổn hành chính của doanh nghiệp và làm nảy sinh những hiện tượng tiêu cực. Trong trạng thái đó, doanh nghiệp sẽ tìm cách tạo quan hệ không chính đáng với quan chức quản lý mà kinh tế học phát triển gọi là mưu tìm đặc lợi (rent-seeking) thay vì nỗ lực tìm kiếm thị trường, cải tiến công nghệ để giảm giá thành và tăng phẩm chất hàng sản xuất. Một nước phát triển nhanh và có hiệu suất khi các doanh nghiệp hăng hái, nỗ lực trong việc mưu tìm lợi nhuận (prrofit-seeking) chân chính hơn là mưu tìm đặc lợi (Xem thêm Chương 16).

Kết luận

Việc tính toán lại số liệu thống kê kinh tế Việt Nam từ năm 1955 đã cho phép ta với tầm nhìn dài hạn so sánh được cơ cấu và nhịp độ phát triển của kinh tế nước ta với các nước xung quanh.

Trong nửa sau thế kỷ XX, dòng thác công nghiệp đã lan nhanh cả về bề sâu và bề rộng tại vùng Đông Á. Công cuộc đổi mới đã đưa Việt Nam hội nhập vào làn sóng công nghiệp tại khu vực này từ đầu thập niên 1990 nhưng vào đầu thế kỷ XXI, giữa Việt Nam và các nước lân cận còn một khoảng cách lớn về trình độ phát triển.

Trong vài thập niên tới, với lợi thế về nguồn nhân lực và lợi thế của nước đi sau trong một khu vực mà công nghệ, tư bản và tri thức kinh doanh đang di chuyển nhộn nhịp, Việt Nam hoàn toàn có khả năng rút ngắn khoảng cách với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, đó mới chỉ là tiềm năng và cơ hội. Điều kiện đủ là phải có quyết tâm vì mục tiêu thoát khỏi nguy cơ tụt hậu, mạnh dạn đổi mới hơn nữa để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các thành phần kinh tế và tích cực thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài. Đó là những yếu tố quan trọng để tư bản tích luỹ nhanh và kinh tế phát triển có hiệu suất, hai điều kiện tiên quyết để có tốc độ tăng trưởng nhanh và bền vững, tạo khả năng đuổi kịp các nước chung quanh. Trong quá trình đó, tiêu điểm lớn nhất là công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Công nghiệp hoá của Việt Nam trong những năm tới đứng trước nhiều vấn đề mới và nhiều thách thức mới mà những chương sau sẽ phân tích kỹ.

GS TRẦN VĂN THỌ

Nguồn erct

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *