Logo KHV

Không thể mua nhân tài mà phải tự phát triển nhân tài

Khoảng cách giữa cung- cầu nhân lực ngày càng lớn, cuộc đua giữa các doanh nghiệp để tranh giành nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ ngày càng căng thẳng. Vậy, có cách nào để bù đắp sự thiếu hụt này? Trao đổi với PV Việc Làm, bà Winnie Lam (ảnh)- Giám đốc các dịch vụ tư vấn nhân sự của Navigos Group – cho biết:

Trong thời điểm hiện nay và một vài năm tới, khoảng cách giữa cung – cầu nhân lực rất khó thu hẹp được trong phần lớn các ngành nghề. Việt Nam đang trải qua giai đoạn phát triển rất nhanh, trong khi xã hội nói chung chưa được chuẩn bị để đối phó với những đòi hỏi mới về nhân lực chất lượng cao.

Dự báo trong năm 2008, lĩnh vực tài chính- ngân hàng tiếp tục là “điểm nóng” với khoảng cách cung cầu rất lớn. Chỉ số cầu có thể cao gấp 6-7 lần so với nguồn cung nhân lực.Nhân tài không thể được đào tạo trong một sớm một chiều. Trong giai đoạn hiện nay, nguồn nhân lực cần tích lũy kiến thức và kinh nghiệm thông qua va chạm thực tế. Đầu tư vào việc đào tạo nhân viên ngay trong công việc là một giải pháp có thể giúp làm giảm nhẹ tình hình thiếu hụt nhân lực.

Vấn đề này hiện đang được các cơ quan chức năng bàn thảo với các nhà đầu tư để tìm ra những cách thức đào tạo mang lại hiệu quả thực tế cao. Chuẩn bị một lực lượng lao động có đủ trình độ để sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu trong công việc là chìa khóa để rút ngắn khoảng cách giữa cung – cầu nhân lực. Và nếu chúng ta đi đúng qui trình, tình hình sẽ bớt căng thẳng sau 3 – 5 năm nữa.

* Dường như có một nguyên nhân là do các công ty ít chú trọng phát triển chính sách nhân sự, mà chỉ tìm cách lôi kéo hoặc thu hút nhân tài từ các công ty khác, khiến cho tình hình càng trở nên nóng bỏng. Bà nghĩ sao về nhận định này?

– Chúng ta cần nhìn lại mong muốn phát triển nhân tài và thực tế việc này đang diễn ra như thế nào. Các công ty, bất kể là công ty trong nước hay các công ty có vốn đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp Nhà nước hay công ty tư nhân, đều luôn mong muốn đem lại các cơ hội phát triển cho nhân viên.

Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, việc đầu tư vào đào tạo và phát triển nhân lực không được chuẩn bị tốt. Phần lớn các doanh nghiệp chưa có chiến lược đào tạo và phát triển nhân lực, kể cả ngắn hạn và dài hạn, phù hợp với mục tiêu phát triển của mình. Qua khảo sát thực tế, chúng tôi nhận thấy có một số doanh nghiệp cũng tổ chức những khóa đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng cho nhân viên. Tuy nhiên, kết quả những khóa đào tạo này lại chưa được như mong muốn. Mà hạn chế lớn nhất bắt nguồn từ việc chúng ta chưa áp dụng các chuẩn quốc tế vào chương trình, nội dung cũng như phương pháp đào tạo. Mặt khác, chúng ta vẫn còn thiếu nhiều chuyên gia đào tạo có đủ năng lực và kỹ năng sư phạm.

Một khi đã bế tắc trong việc phát triển nguồn nhân lực tại chỗ, thì biện pháp đối phó phổ biến nhất mà các doanh nghiệp lựa chọn là tìm cách lôi kéo, thu hút nhân tài từ các doanh nghiệp khác. Rõ ràng là những năm gần đây, trong khi nhu cầu nhân lực chất lượng cao ngày càng lớn, mà số lượng lao động cao cấp không tăng bao nhiêu, thì việc giành giật, lôi kéo nhân tài giữa các doanh nghiệp sẽ làm cho tình hình càng trở nên nóng bỏng, kéo theo nhiều hệ quả khó lường.

* Giá thành của hàng hóa và dịch vụ đang có chiều hướng bị đẩy lên cao do các nhân viên ngày càng đòi lương cao hơn. Bà có nghĩ là Việt Nam đang mất dần lợi thế thị trường lao động giá rẻ?

– Trước mắt, Việt Nam vẫn còn là một thị trường khá hấp dẫn do lao động giá khá thấp so với mặt bằng chung. Nhưng về lâu dài có thể sẽ không còn lợi thế này nữa. Trừ phi một công ty có nguồn tài chính vô hạn, còn không thì xu hướng trả lương ngày một cao sẽ phải dừng lại, thậm chí phải hạ thấp tiền lương. Mặt khác, nếu nhân viên chỉ làm việc vì tiền thì sẽ rất khó để giữ họ ở lại với doanh nghiệp.

Lợi thế lao động giá rẻ chỉ tồn tại đến một lúc nào đó, và chỉ ở một số ngành mà thôi. Nâng cao kỹ năng làm việc và trình độ của đội ngũ lao động mới là yếu tố cạnh tranh chủ yếu. Dĩ nhiên còn có rất nhiều yếu tố quan trọng khác góp phần tạo ra lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong thời điểm hiện tại, nhưng tất cả có thể nhanh chóng mất đi nếu cơ sở hạ tầng không phát triển tương ứng, chẳng hạn như hệ thống ngân hàng, giao thông vận tải, thuế…

* Bà đánh giá vai trò của các doanh nghiệp trong việc phát triển nhân lực cho thị trường lao động như thế nào?

– Cho đến khi bạn chưa bắt tay vào việc phát triển nhân tài cho chính doanh nghiệp của bạn, thì không còn cách nào khác là sẽ vẫn phải trông chờ vào “bầu sữa” từ nơi khác, hoặc phải dùng lương cao và phúc lợi hấp dẫn hơn để thu hút những người mà chưa chắc kiến thức và kỹ năng của họ khiến bạn hài lòng 100%.

Các doanh nghiệp vừa là nơi sử dụng nhân lực, nhưng cũng là môi trường đào tạo nhân lực rất tốt. Phương châm mà tôi vẫn luôn ưa thích là “Bạn không thể mua nhân tài mà hãy tự phát triển nhân tài”.

  Theo LĐ

Để lại một bình luận