Mặc dù dân số liên tục tăng nhưng di cư đang có dấu hiệu giảm cả về số lượng và tỷ lệ. Người di cư có xu hướng lựa chọn điểm đến di cư trong phạm vi quen thuộc của họ. Trong số 88,4 triệu dân từ 5 tuổi trở lên, số người di cư là 6,4 triệu người, chiếm 7,3%. Trong đó, di cư giữa các tỉnh chiếm tỷ lệ lớn nhất, 3,2%, cao hơn di cư trong huyện (2,7%) và di cư giữa các huyện (1,4%).
Đông Nam Bộ là điểm đến thu hút nhất đối với người di cư, tiếp đến là Đồng bằng sông Hồng. Có đến 1,3 triệu người nhập cư đến vùng Đông Nam Bộ, chiếm hơn hai phần ba tổng số người di cư giữa các vùng trên cả nước. Phần lớn người nhập cư đến Đông Nam Bộ là người của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (710,0 nghìn người, chiếm 53,2%); phần lớn người nhập cư đến Đồng bằng sông Hồng là những người đến từ vùng Trung du và miền núi phía Bắc (209,3 nghìn người, chiếm 61,2%).
Toàn quốc có 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có tỷ suất di cư thuần dương, nghĩa là người nhập cư nhiều hơn người xuất cư. Trong đó, tỉnh Bình Dương có tỷ suất di cư thuần dương cao nhất (200,4‰) với hơn 489 nghìn người nhập cư nhưng chỉ có khoảng 38 nghìn người xuất cư khỏi tỉnh này trong 5 năm trước. Như vậy, cứ 5 người từ 5 tuổi trở lên ở tỉnh Bình Dương thì có 1 người đến từ tỉnh khác. Tiếp theo là Bắc Ninh, thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng với tỷ suất di cư thuần lần lượt là 85,3‰, 75,9‰ và 68,4‰.
Tìm việc/bắt đầu công việc mới hoặc theo gia đình/chuyển nhà là những lý do di cư chủ yếu. Có 43,0% người di cư đang phải sống trong các căn nhà thuê mượn, gấp gần tám lần tỷ lệ này của người không di cư. Các địa phương có nhiều khu công nghiệp thu hút đông lao động phổ thông là những nơi có tỷ lệ người di cư phải thuê/mượn nhà cao nhất, như: Bắc Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ. Trong đó, Bình Dương là tỉnh có tỷ lệ người di cư phải thuê/mượn nhà cao nhất cả nước (74,5%). Bên cạnh đó, một số địa phương khác cũng có tỷ lệ này khá cao (từ 40-50%) bao gồm: Thái Nguyên, Hưng Yên, Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu, thành phố Hồ Chí Minh và Long An.
Nguồn: Tổng cục thống kê