Việt Nam đứng đầu các địa điểm chuyển dịch sản xuất trong mắt doanh nghiệp Nhật nhưng vẫn còn nhiều vấn đề về môi trường đầu tư cần cải thiện.
Theo Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản Yamada Takio, đến nay có 37 doanh nghiệp công bố muốn chuyển sản xuất sang Việt Nam và Việt Nam là thị trường hàng đầu “lọt mắt xanh” của doanh nghiệp Nhật.
Tuy nhiên, tại Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp Nhật Bản chiều 21/12, hàng loạt bất cập, trong đó đặc biệt liên quan thủ tục hành chính vẫn được các doanh nghiệp Nhật góp ý với Chính phủ.
Tổng giám đốc Aeon Mall Việt Nam Nakagawa Tetsuyuki cho biết, những dự án của họ tại Việt Nam thường tốn nhiều thời gian làm thủ tục. Có dự án đã phải đợi hơn 1 năm để nhận được giấy đăng ký đầu tư, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Với những dự án thuộc thẩm quyền cấp phép của Thủ tướng, thời gian còn lâu hơn, ông Tetsuyuki nói.
Ông Hatakiyama Yuki, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Nipro Việt Nam, chuyên sản xuất thiết bị y tế cũng có trải nghiệm tương tự. Nipro từng mất 1 năm chờ đợi lấy giấy đăng ký đầu tư và quyền sử dụng đất.
Do đó, doanh nghiệp kiến nghị cần rút ngắn quy trình, đẩy nhanh các thủ tục hành chính – điều mà theo lãnh đạo Aeon Mall, sẽ giúp các doanh nghiệp Nhật đầu tư mạnh hơn vào Việt Nam.
Doanh nghiệp Nhật Bản tham gia đối thoại chiều 21/12. Ảnh: VGP/Hoàng Giang.
Một nhóm vấn đề khác cũng được nhiều doanh nghiệp Nhật đề cập đến là thuế. Ông Marukawa Yoichi, Tổng giám đốc Panasonic Việt Nam cho biết, thủ tục hoàn VAT cho doanh nghiệp thuộc lĩnh vực chế tạo còn phức tạp và chậm. Đơn cử trường hợp doanh nghiệp sản xuất mang hàng đi xuất khẩu nhưng không làm được thủ tục hoàn thuế. Panasonic đang thúc đẩy mạnh việc chuyển hướng đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam. Các nhà máy của doanh nghiệp tại Việt Nam không chỉ sản xuất phục vụ thị trường bản địa mà còn nhắm xuất khẩu, theo ông Yoichi.
Ông Hiroyuki Ishige, Giám đốc tài chính công ty Hoya Glass Disk Việt Nam 2 dẫn ra bất cập trong chính sách ưu đãi thuế. Hiện Cục Thuế tỉnh Hưng Yên, nơi Hoya đóng trụ sở, không công nhận ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp mà họ cho rằng mình được hưởng theo giấy phép đầu tư. Ngoài ra, ông Ishige ước tính, trong vòng 10 năm tới, số tiền thuế này sẽ lên đến 50 triệu USD. Công ty mẹ Hoya cũng là một trong số các doanh nghiệp chọn Việt Nam là điểm đến mở rộng sản xuất theo chương trình đa dạng hoá chuỗi cung ứng của chính phủ Nhật.
Cũng liên quan đến ưu đãi thuế, ông Nobukazu Aoki, Giám đốc cấp cao marketing Nước giải khát Suntory Pepsico Việt Nam cho biết, doanh nghiệp đã tranh cãi vấn đề này cho nhà máy Cần Thơ từ năm 2008. Suntory Pepsico đang bị đề xuất truy thu thuế ở nhà máy này. Vụ việc đã được trình lên toà án và trong quá trình tạm hoãn xét xử. Phía doanh nghiệp hy vọng sớm được giải quyết.
Cổ phần hoá doanh nghiệp cũng là vấn đề được phía Nhật Bản quan tâm. Ông Matsunami Keita, Tổng giám đốc Ngân hàng Mizuho chi nhánh Hà Nội nhận định, hoạt động cổ phần hoá doanh nghiệp đang chững lại kể từ năm 2018. Một trong những nguyên nhân được ông đưa ra là quá trình này đang không đảm bảo được tính minh bạch. Các nhà đầu tư Nhật cũng chưa đủ thời gian, có đủ tài liệu (thường chỉ có tiếng Việt), thông tin tài chính… để thẩm tra kỹ lưỡng về doanh nghiệp.
Ông Keita đề xuất, Việt Nam nên xây dựng các quy chế, quy trình mua bán sáp nhập phù hợp với chuẩn mực quốc tế, nâng cao sức hấp dẫn với các nhà đầu tư Nhật Bản. Ông cũng giải thích các doanh nghiệp Nhật khó tính vì muốn đầu tư vào Việt Nam dài hạn.
Ngoài ra, các doanh nghiệp Nhật còn nêu các vấn đề liên quan về thời gian nhập cảnh, cách ly, hạ tầng điện, nước, nguồn nhân lực…
Giải đáp nhanh tại hội nghị, ông Đỗ Văn Sử, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) ước tính, 60% kiến nghị liên quan đến thủ tục kinh doanh. Theo ông, từ năm 2016, Chính phủ đã yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện dịch vụ công trực tuyến, xây dựng Chính phủ điện tử. Còn với đầu tư kinh doanh, Quốc hội hiện đã bổ sung theo quy định yêu cầu các cơ quan hành chính có lộ trình thiết lập môi trường trực tuyến, xử lý các vấn đề của các dự án.
Về VAT, ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách của Tổng cục Thuế thông tin, đến 25/11/2020, cơ quan thuế đã hoàn thuế theo hình thức điện tử trên 93% hồ sơ kiến nghị. Ông nhấn mạnh, Tổng cục Thuế sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thuế nhanh chóng, thuận tiện. Với vụ việc của Hoya, cơ quan thuế đã có văn bản trả lời cho cục thuế địa phương, phối hợp với Ban quản lý Khu công nghiệp, UBND tỉnh xác định cụ thể để trả lời cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, ông cũng lưu ý việc cần làm rõ sản phẩm của doanh nghiệp có thuộc danh mục sản phẩm ưu đãi đầu tư hay không…
Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính, đề nghị các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cùng chung tay để cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh. Các doanh nghiệp có thể chủ động tham gia hiến kế cải cách cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính thông qua tích cực gửi tích phản ánh, kiến nghị hiệp hội doanh nghiệp hoặc trực tiếp qua Cổng dịch vụ công quốc gia.
Ông nhấn mạnh Hội đồng luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, luôn lắng nghe để có những giải pháp kịp thời, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc giúp doanh nghiệp phát triển. “Tinh thần của Thủ tướng là càng minh bạch, cởi mở, công khai càng tốt, không chờ doanh nghiệp gọi đến kiến nghị, có bất cập thì có cải cách”, ông Mai Tiến Dũng nói.
Nguồn: https://vnexpress.net/doanh-nghiep-nhat-neu-nhung-diem-tru-khi-dau-tu-o-viet-nam-4209812.html