Home / Phát triển doanh nghiệp / Tài Liệu / Bài học lãnh đạo từ Steve Jobs

Bài học lãnh đạo từ Steve Jobs

Sau khi quyển tự truyện của Steve Jobs do Walter Issacson được xuất bản, nhiều người đã cố gắng chắt lọc những bài học quản trị, lãnh đạo từ quyển sách. Tuy nhiên, đa số lại quá chú trọng vào những nét tính cách xù xì, thô ráp, hoặc những điều thể hiện bên ngoài của ông mà không nhìn thấy tổng thể, vài điều quan trọng cần biết ở ông.

Tập trungKhi Steve Jobs trở lại Apple năm 1997, công ty đang đứng trước bờ vực phá sản bởi trước đó đã ồ ạt tung ra hàng loạt phiên bản máy tính Mac khác nhau mà không có định hướng.Ông đã cho dừng toàn bộ hoạt động và yêu cầu tất cả nhân viên chỉ tập trung vào ma trận có hai cột tượng trưng cho “Người tiêu dùng” và “Giới văn phòng”, và hai dòng tượng trưng cho “Máy tính để bàn” và “Máy tính di động”.

Ông ra lệnh cho tất cả nhân viên phải tập trung phát triển ra được bốn sản phẩm vĩ đại tương ứng với bốn ô trong ma trận kể trên và ngưng sản xuất toàn bộ các sản phẩm khác.  Nhờ vậy, Jobs cứu sống được một Apple trên đà hấp hối.

“Quyết định không nên làm gì cũng quan trọng như quyết định cần phải làm gì vậy”, Steve Jobs nói.



Tinh giản

Sau nhiều năm theo học thiền, Steve Jobs đã tập cho mình một khả năng tập trung cao độ và giản lược được mọi thứ về “không”, bản thể của vạn vật, bằng cách loại bỏ những thành phần không cần thiết.

“Sự tinh giản chính là sự tinh vi tuyệt diệu nhất”, Jobs từng tuyên bố như thế trong brochure tiếp thị đầu tiên của Apple.

Jobs tìm được người bạn tâm giao Jony Ive, nhà thiết kế công nghiệp của Apple. “Để thực sự đạt được sự tinh giản, bạn cần phải hiểu vấn đề rất sâu”, Ive lý giải.

Ở phía sau phải nhảy cóc

Theo Jobs, một công ty đột phá không chỉ là nơi đầu tiên tạo ra ý tưởng mà còn biết cách vượt qua đối thủ khi bị bỏ lại phía sau.

Khi thất bại với dòng máy tính iMac do không đoán trước được xu thế nghe nhạc trên máy tính để bàn của người dùng, thay vì điều chỉnh sản phẩm để bám đuôi đối thủ, Jobs quyết định tạo ra một hệ thống tích hợp mới mà làm thay đổi bộ mặt của nền âm nhạc.

Kết quả chính là sự ra đời và kết hợp giữa iTunes, iTunes Store và iPod, vốn cho phép người dùng mua, chia sẻ, quản lý, lưu trữ và chơi nhạc hiệu quả hơn bất kỳ trên thiết bị nào khác.

Khi iPod thành công mỹ mãn, Jobs không ăn mừng mà lo ngại trước những nguy cơ rình rập. Theo ông, có khả năng những công ty sản xuất điện thoại sẽ bổ dung chức năng chơi nhạc vào trong sản phẩm của họ.

Vì thế, ông cho ra đời iPhone, để tiêu diệt chính iPod, bởi “nếu chúng tôi không tự tiêu diệt mình thì đối thủ sẽ làm thế.”



Đặt sản phẩm lên trên lợi nhuận

“Đừng thỏa hiệp” luôn là điều Jobs nhắc nhở nhân viên. “Hãy tạo ra những sản phẩm tuyệt vời và lợi nhuận tự khắc sẽ đến”.

Đi ngược lại quy tắc này, John Sculley, CEO của Apple trong giai đoạn 1983-1993 đã suýt khiến công ty phá sản. Sculley đã đặt yếu tố lợi nhuận lên trên hết trong khi điều Jobs mong muốn khi khởi tạo Apple là xây dựng nên một công ty bền vững mà mọi nhân viên đều khao khát làm ra những sản phẩm để đời.

Đừng trở thành nô lệ của nghiên cứu thị trường

Jobs từng so sánh rằng nếu Henry Ford khảo sát nhu cầu của người dân vào thời ông, họ sẽ trả lời ông rằng “một con ngựa chạy nhanh hơn ô tô”!
Nếu Ford nghe theo thì chúng ta ngày nay sẽ chẳng biết thế nào là ô tô.

Theo Jobs, “khách hàng còn không biết họ muốn gì cho đến khi ta bày ra trước mặt họ”. “Bạn phải có trực giác và bản năng đủ nhạy bén để cảm nhận những nhu cầu còn chưa thành hình, phải đọc được những thông tin còn chưa xuất hiện trên giấy”, Jobs từng chia sẻ.

Bẻ cong thực tại

Một trong những biệt tài của Jobs chính là “bẻ cong thực tại” và thúc đẩy nhân viên làm được những điều vĩ đại. Khi chưa hiểu Jobs, nhiều người cho rằng phong cách “bẻ cong thực tại” của ông là một dạng đàn áp hay dối trá.

Tuy nhiên, với những người thân cận Jobs, ai nấy đều thừa nhận rằng nhờ khả năng này của Jobs mà họ vượt thoát khỏi những giới hạn bản thân.

Thúc đẩy sự hoàn hảo

Đến lúc cuối đời, Jobs vẫn không quên lời cha dạy “Người thợ mộc chân chính không bao giờ dùng loại gỗ xấu để đóng phần sau của chiếc tủ. Có thể đây là phần không ai khác nhìn thấy nhưng chính con vẫn nhìn thấy đó thôi”. Quan điểm này đã ảnh hưởng sâu sắc đến Jobs và xu hướng tìm kiếm sự hoàn hảo của ông.

Rất nhiều lần Jobs quyết định thiết kế loại toàn bộ các mẫu iPhone và iPad cho đến khi sản phẩm thật sự hoàn hảo mới tung ra thị trường, dù biết điều này sẽ khiến công ty tiêu tốn nhiều tiền bạc, thời gian, và đặc biệt là chi phí cơ hội.

Chỉ dung thứ những người giỏi nhất

Khi được hỏi vì sao ông lại quá cộc cằn với nhân viên, Jobs đáp: “Tôi nhìn vào hậu quả. Họ đều là những con người thông minh và bất kỳ ai trong số họ đều có thể đạt được một công việc hàng đầu ở nơi khác. Thế nhưng họ sẽ không thể đạt được điều này nếu không được trui rèn qua nhiều áp lực”.

Nhiều vị giám đốc đã thất bại khi ứng dụng bí quyết này một cách máy móc. Họ chỉ chú trọng phần “cứng” mà không hiểu rằng phải có một phần “mềm” khác bổ trợ: khả năng truyền cảm hứng của Jobs.

Phong cách của Jobs là “đánh” cho nhân viên thật đau, để họ phải nhận thức rõ đâu là giới hạn của bản thân. Nhưng gần như ngay sau đó, Jobs sẽ khiến họ tràn đầy cảm hứng để có thể vươn cao xa hơn.

Đây là điều mà nhiều người không nhìn thấy cũng như không đủ khả năng để thực hiện hoàn hảo như Jobs.

Thích tiếp xúc trực tiếp

Dù nổi danh trên toàn thế giới nhờ phong cách thuyết trình lôi cuốn, nhưng Jobs dường như không thích các buổi họp  trang trọng, hình thức và slide thuyết trình.

Bởi theo ông, “Ý tưởng sáng tạo chỉ đến từ những cuộc họp ngẫu hứng” và “Những người biết mình cần nói gì sẽ không bao giờ cần phải chuẩn bị slide thuyết trình”.

Vì thế, ông khuyến khích bầu không khi trao đổi cởi mở và ngẫu hứng tại Apple và góp phần đưa “quả táo” vào danh sách những công ty có tính sáng tạo cao nhất thế giới.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *