Bán hàng online: nên tạo ra nhiều kênh bán hàng hơn để tiếp cận khách hàng
Đó là quan điểm được sự đồng tình của rất nhiều chuyên gia trong bối cảnh bán hàng online trên mạng xã hội đang gặp nhiều khó khăn.
Kiếm tiền từ Facebook không còn dễ
“Ngày trước, tôi chỉ cần chụp ảnh đẹp, viết bài đăng mỗi ngày, và thậm chí không cần chạy quảng cáo nhiều tiền cũng có thể bán được hàng. Nhưng bây giờ, tình hình không còn dễ dàng như thế nữa”, chị Hồng – một chủ cửa hàng bánh ngọt online ở quận Gò Vấp (TP HCM) chia sẻ.
“Bây giờ cứ phải bỏ tiền ra mua quảng cáo thì mới có khách. Nhưng mà nhiều khi tiền thu được cũng không bù lại được tiền quảng cáo”, chị Hồng tiếp tục giãi bày
Chính vì thế, chị đã quyết định từ bỏ công việc bán hàng online từ vài tháng trước và tìm kiếm cơ hội đầu tư khác. Cùng chung cảnh ngộ với chị Hồng, Thu Minh – chủ một shop bán quần áo trên Facebook cũng chia sẻ về quyết định vừa ngưng bán hàng online bấy lâu do không thể kiếm lời như trước.
Tình trạng của chị Hồng, Thu Minh cũng là tình cảnh chung của rất nhiều người bán hàng online hiện tại. Không thể tìm kiếm được khách hàng mới, phải đổ tiền vào quảng cáo, quá nhiều người cùng bán hàng nên mức độ cạnh tranh cao… đã khiến cho bức tranh chung ngày càng ảm đạm.
Làm sao để sống sót?
Làm thế nào để các chủ shop vẫn đứng vững trước một cơn sóng cạnh tranh đang ngày một mạnh lên? Theo các chuyên gia, đã đến lúc, việc bán hàng trên mạng cũng cần sự đột phá, nhạy bén với những xu hướng mới trên thị trường.
Theo ông Hoàng Bá Tầu, Giám đốc Marketing của Success Oceans, Facebook hay Google cũng chỉ là kênh đưa traffic (lưu lượng truy cập) vào hệ thống, không kiểm soát được. Vì vậy, khi kinh doanh online, điều quan trọng là phải sở hữu những kênh kiểm soát được.
“Mỗi khi bị đứt cáp, mọi người không truy cập được Facebook. Tuy nhiên với những doanh nghiệp không quá bị phụ thuộc như vậy thì đơn hàng của họ vẫn chảy về đều đặn”, ông Hoàng Bá Tầu nói.
Đó chính là câu chuyện của Gia Khanh – chàng trai 9x hiện đang là chủ shop bán giày online. Khanh cho biết, doanh thu bán hàng online của mình vẫn tăng trưởng đều đặn hằng tháng. Bí quyết của Khanh chính là việc sử dụng linh hoạt nhiều kênh để bán hàng, chứ không phụ thuộc vào một kênh duy nhất là Facebook như nhiều chủ shop khác.
Ngoài việc duy trì Facebook để giữ chân khách hàng cũ, nhưng cũng để “ứng phó” với những cơn “trái gió, trở trời” của mạng xã hội này, Khanh đã đồng thời mở thêm shop bán hàng trên Zalo. “Hiện nay, mình dùng Zalo để kiếm khách hàng mới và kết hợp sử dụng ứng dụng này để bán hàng, giới thiệu hàng hóa”.
Ngoài ra, Khanh cũng đang tích cực xây dựng website bán hàng riêng và mua quảng cáo từ Zalo, Facebook để dẫn khách hàng về trang của mình.
Theo số liệu từ Nielsen công bố (năm 2017), số lượng người mua hàng trên nhiều kênh khác nhau (Omni Channel) tại Đông Á và Thái Bình Dương hiện khoảng 390 triệu người và lượng tiêu thụ hằng năm của kênh này từ khoảng 15.000 tỉ USD trên toàn cầu sẽ lên đến hơn 32.000 tỉ USD vào năm 2025.
Điều này cho thấy, xu hướng mua hàng đa kênh sẽ còn phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Việt Nam cũng không là ngoại lệ, đây chính là cơ hội cho những doanh nghiệp sản xuất và bán lẻ nắm bắt đúng xu thế và thấu hiểu đặc trưng của người mua hàng.
Ngoài Zalo, các chuyên gia cũng chia sẻ các doanh nghiệp thương mại điện tử Việt Nam nên tham khảo thêm các kênh khác như email marketing, Youtube./.
Theo Diệu Lam/Báo Thanh niên